Sống đời nhạt nhẽo

1. “Nếu bạn không mù thì đừng quen tôi qua miệng của người khác”

(Phạm Băng Băng).

Có lần một đồng nghiệp hỏi tui, nếu có tin đồn không hay về mình thì bạn sẽ làm gì? Ờ, tính ra tui đã vài lần vướng mấy tin đồn trời ơi đất hỡi, thậm chí là ngược 180o chỉ vì người tung tin muốn tẩy trắng bản thân. Tui đã từng cố gắng giải thích, nói rõ ràng với người này người khác. Nhưng dường như những nỗ lực biện minh nhận về rất ít sự thay đổi trong góc nhìn của họ. Càng về sau tui nhận ra rằng nếu nẫu tin tui thì dù thiên hạ có nói gì họ cũng vẫn tin tui, bảo vệ tui, hoặc chí ít ra là bỏ ngoài tai ba cái chuyện xàm xí đó. Còn ngược lại, chỉ cần phong phanh vài thứ trong gió thì họ sẽ hả hê quăng ngay một cái liếc xéo về phía tui. Tui không mù quáng tin vào “Cây ngay không sợ chết đứng”; không nhu mì đến mức đưa cả 2 má cho họ tát; cũng chẳng trơ đến độ không thấy chạnh lòng trước những lời đồn thổi. Chỉ là dần dà tui thấy việc cố gắng giải thích thật vô vị. Vậy thì để ý chi cho mệt, ha. Thế nên nếu như trước đây tin đồn hả hê nhìn tui đau lòng; còn tui của bây giờ lại bĩu môi nhìn nó: “Chê !”.

Núp lùm cũng có cái thú vị riêng của nó.

Bước chân vào nhà cười, trước mỗi tấm gương khác nhau, bạn có thể trở nên lộng lẫy, cũng có thể méo mó. Con người ta cũng vậy, mắt tròn mắt dẹt khác nhau, tai khác nhau, cảm nhận khác nhau, suy nghĩ khác nhau; làm sao mà cấm cản họ vẽ ra n cái phiên bản của mình. Hơn nữa, những người nói sau lưng mình thì chỉ có họ nghe với nhau, tui có biết đâu mà phải bận lòng. Nếu cứ mãi quay cuồng trong những lời đàm tiếu hay cố gắng thanh minh thì bản thân có khi lại bị tổn thương nhiều hơn. Makeno, “don’t care”, bỏ qua những cái khiến mình nặng đầu đôi khi chẳng phải là cách sống bất cần, mà chỉ là để bản thân được vui vẻ hơn. Bơ đi mà sống, thấy vui là được, nhỉ.

2. “Biết đủ là đủ” và nguyên tắc Lagom

Bạn tui kể rằng, ở Lào nhiều cửa hàng do người bản địa làm chủ đóng cửa khá sớm. Họ bảo “Làm nhiêu đó đủ rồi, về ăn cơm, xem tivi”. Không phải họ thiếu mộng làm giàu, chê tiền hay không biết kinh doanh gì cả. Chỉ là họ không thích bon chen, biết đủ là dừng lại.

Dân du lịch hẳn đều biết Thụy Điển sở hữu cuốn hộ chiếu nằm trong top quyền lực của thế giới, khi công dân được phép đến 188 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mà không cần xin visa, nếu có chỉ là visa cửa khẩu (visa on arrival). Đất nước nằm trên bán đảo Scandinavia này cũng luôn nằm trong top 10 của chỉ số Phát triển con người (HDI) trên thế giới. Môi trường, điều kiện học tập, bằng sáng chế… của đất nước này luôn là niềm mơ ước của nhiều quốc gia khác. Điểm thú vị là người dân xứ Bắc Âu này còn có khái niệm Lagom.

Có người cho rằng Lagom bắt nguồn từ thuật ngữ “laget om” của người Viking, nghĩa là “chuyền quanh trong nhóm”. Người Viking khi uống rượu sẽ chuyền sừng chứa rượu theo vòng tròn, mỗi người chỉ nhấp vừa đủ để còn rượu cho người tiếp theo. Cứ như vậy, Lagom dần dà trở thành bài học về sự tiết chế và cân bằng. Người Thụy Điển cho rằng trong công việc, không cần làm nhiều hơn hoặc lâu hơn mức cần thiết; thay vào đó nên giải lao để thư giãn, giao lưu với đồng nghiệp, bạn bè. Cũng có thể ăn vừa đủ, uống không quá chén, bật điều hòa vừa mát, sống trong một ngôi nhà vừa phải. Không ki bo nhưng cũng không phung phí. Tất nhiên mức độ Lagom của mỗi người là khác nhau. Nhưng quan trọng là họ thỏa mãn với sự vừa đủ, tìm sự cân bằng trong hoạt động hàng ngày để tận hưởng niềm vui trong cuộc sống.

Một số người quan niệm “Sống lâu lên lão làng” nên ngạc nhiên khi biết tui vẫn cứ là “dân ngu khu đen” sau 20 năm ra trường. Người khác thì trách sao không có chí, không tham vọng khi bày cách làm giàu mà tui cứ lơ lơ. Tui vẫn mê tiền, vẫn bày đặt buôn bán phọt phẹt này nọ. Nhưng để vắt óc suy nghĩ làm ăn lớn và cuốn theo sự phập phồng lên xuống của thị trường thì tui vừa không có vốn vừa lười biếng. Tui nghĩ, như hiện tại là đủ. Thời gian rảnh để đọc truyện, xem phim, đi du lịch, nằm khoèo ở nhà ngắm cây hoa lá cành hoặc lên blog tám chuyện thiên hạ. Làm việc vừa đủ, còn lại để tận hưởng những sắc màu đa dạng của cuộc sống – với tui mà nói sẽ ý nghĩa hơn nhiều.

3. Cỏ dại có vẻ đẹp của cỏ dại

Trong thế giới đa sắc, mỗi người mang một cá tính khác nhau. Có người trầm lặng, có người sôi nổi; có người hướng nội, có người hướng ngoại; có người sâu sắc, có người hời hợt; có người đi tới đâu là tiếng cười đến đó. Ngược lại, chìm nghỉm giữa đám đông không có nghĩa là nhạt nhòa, mà đơn giản chỉ vì họ không thích nổi bật. Có khi đứng ra một góc để quan sát sẽ thấy được nhiều điều hay ho, và đôi lúc đó lại là người tinh tế, để tâm nhiều hơn. Chiều sâu tâm hồn của mỗi người không phải lúc nào cũng có thể và cũng nên thể hiện ra bên ngoài.

Cỏ dại có vẻ đẹp của cỏ dại.

Nếu sợ nhạt nhòa nên phải gồng lên cho giống người khác, bạn nghĩ mình đang cố thay đổi bản thân để tốt hơn, hay vì muốn nổi tiếng hơn, hay rốt cục sẽ trở thành bản sao của người khác (mà hàng fake dễ gì đọ với hàng real). Nếu sợ nhạt nhòa nên cố làm việc cật lực, vượt quá sức mình để được nhận về những tiếng tung hô thì hóa ra phải chăng bạn đang ngược đãi bản thân. Sự cầu toàn có lúc lại khiến chúng ta rơi vào bế tắc hơn.

Để kết 

Tui nghĩ rằng, 3 câu chuyện trên là những ví dụ về cách sống nhạt. Sống nhạt – trong cách hiểu của tui – không có nghĩa là đơn điệu, tẻ nhạt, vô vị hay lười biếng, thiếu ý chí nỗ lực. Nó đơn giản là sống ít nổi bật giữa đám đông. Nghĩa là sống chậm lại một chút, rời xa những ồn ào của dư luận một chút, bớt cầu toàn, bớt tham vọng một chút.

Thay đổi góc nhìn để nhìn rõ hơn.

Trong mâm cơm cũng cần có món nhạt món mặn. Ăn nhạt để quân bình khẩu vị, để thấy rõ các vị khác một cách dễ dàng hơn. Sống nhạt cũng vậy, để cảm nhận mình đang ở đâu trong xã hội. Đó cũng là cách lắng nghe những sở thích tiềm tàng của mình và yêu bản thân hơn. Vả chăng, mỗi người có độ nhạt khác nhau. Tui không thể đánh giá rằng bạn thật nhạt và ngược lại bạn cũng vậy, vì chắc gì hai bên đã biết được thế giới của nhau ra sao. Chỉ cần mặn mòi trong phạm vi của bạn, hài lòng với cuộc sống của bạn – thế là đủ rồi.

Chốt hạ, sống nhạt để có thêm một cách hiểu mình, hiểu đời. Chỉ vậy thôi.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *