Lên sóng vào tối 28/4/2022, MV tiếng Anh “There’s no one at all” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP nhanh chóng đạt lượt view khủng như thường lệ. Đồng thời, hàng trăm bài đăng kêu gọi report MV này cũng lan tràn trên các kênh truyền thông vì hình ảnh tiêu cực với cái kết là một chàng trai nhảy lầu tự sát sau một chuỗi dài những biến cố trong cuộc sống. Thậm chí, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc yêu cầu gỡ bỏ MV trên. Tui không có ý định theo chân người hâm mộ và người không hâm mộ (không phải anti-fan nhé) để bênh vực hay chê bai MV; cũng không bàn đến việc có nên dán nhãn hay cấm hẳn MV; chỉ là thử nhìn dưới góc độ kinh tế học hành vi để giải thích phản ứng trước MV nguyên bản.
Thứ nhất, hiệu ứng hào quang (halo effect). Theo nhà tâm lý học người Mỹ Edward L. Thorndike (1920), hiệu ứng hào quang xảy ra khi những đánh giá tích cực ban đầu về một người vô thức tác động đến suy nghĩ, cảm xúc của một người khác. Nói một cách khác, quan điểm, sở thích, nhận thức của một người có thể giống với người mà họ coi là thần tượng hoặc có sức chi phối với họ. Vì vậy, những người nổi tiếng thường có tầm ảnh hưởng nhất định. Phát ngôn, cư xử, hành vi, hoặc đơn giản là phong cách thời trang của họ đều có thể tạo nên một xu hướng trong xã hội. Dựa trên hiệu ứng này, các công ty thường mời những ngôi sao nổi tiếng, các KOLs “sạch” quảng cáo sản phẩm cho mình để tạo sức hút lôi kéo khách hàng. Và đương nhiên, những ngôi sao vướng scandal sẽ bị hủy bỏ hợp đồng ngay lập tức. Trường hợp của một số nghệ sĩ bị phong sát ở Trung Quốc như Đặng Luân, Trịnh Sảng, Phạm Băng Băng… là ví dụ.
Ở Việt Nam, Sơn Tùng là một ca sĩ trẻ với lượng người hâm mộ cực kỳ đông đảo, được các fan tôn vinh là “sếp, chủ tịch, boss”. Fan của Sơn Tùng đa phần là giới trẻ, trong số đó có nhiều người bị tác động bởi phong cách, hành động của Tùng. Vậy nên, trong MV, thái độ bất cần, trả đũa của Tùng đối với xã hội khi bị bỏ rơi, và bước cuối cùng là tự sát có thể gây hiệu ứng xấu, đặc biệt là trước việc hiện nay có nhiều bạn trẻ tự tử khi gặp áp lực trong cuộc sống.
Bảo vệ MV “There’s no one at all”, TS. Vũ Thế Dũng – nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP.HCM dẫn chứng kết luận từ nghiên cứu của Furguson (2018) “không cho thấy có tình trạng lây lan tự tử hay bắt chước tự tử xuất phát từ việc xem các hình ảnh hay chủ đề liên quan tự tử trên tivi, âm nhạc hay phim ảnh”. Do đó ông đưa ra nhận định “Việc cấm phát hành MV thì không khác gì chúng ta quá khinh thường khán giả, không phải cứ có nội dung tiêu cực thì khán giả sẽ tiêu cực theo, nếu nói thế thì vai trò của bố mẹ, thầy cô sẽ là con số 0 sao…”. Có lẽ, dữ liệu nghiên cứu của Furguson và TS. Dũng đã bỏ qua các trào lưu Thử thách cá voi xanh (Blue Whale Challenge) (diễn ra từ 2016), Thử thách Momo (diễn ra từ 2018), Jonathan Galindo… trên mạng xã hội. Mức độ thử thách của các trò chơi này mang tính cực đoan tăng dần và cuối cùng là tự kết liễu chính mình. Những cái kết đau lòng đã hiển hiện trong thực tế. Phải thừa nhận rằng MV, hình ảnh độc hại đầy rẫy trên mạng, nhưng tầm ảnh hưởng của một người nổi tiếng bao giờ cũng hơn hẳn số còn lại. Vậy nên, không ai có thể đoan chắc “There’s no one at all” có gây ra hậu quả nào hay không khi chưa có số liệu kiểm định (đoạn này thì thằng em tui khuyên bà con nên học và iu môn Kinh tế lượng để biết cách kiểm định cho chính xác nhen 🤣🤣🤣).
Thứ hai, tâm lý ghét bất công (inequality aversion). Tâm lý này đề cập đến việc ưa thích sự công bằng và chống lại bất bình đẳng một cách ngẫu nhiên. Do vậy, cùng sự kiện tương tự nhau nhưng đặt ở 2 bối cảnh, không gian, thời gian khác nhau có thể tạo ra các phản ứng trái chiều. Bài toán phân chia ngân sách giữa Tp.HCM và Hà Giang, trong chừng mực nào đó, có thể dùng để minh họa.
Ngay khi MV của Tùng bị phản ứng, nhiều người đã so sánh với MV “Nếu ngày ấy” phát hành năm 2019 của Soobin Hoàng Sơn. Cùng cái kết tiêu cực, nhưng MV của Soobin vẫn tồn tại sau khi được dán nhãn 16+, còn của Tùng bị gỡ bỏ.
Tương tự, lão Hạc, Chí Phèo của Nam Cao cũng bị lôi lên bàn luận. Nhiều người cảm thấy bất công giùm cho Tùng khi cùng nói về thái độ và cách hành xử tiêu cực lúc bị dồn đến bước đường cùng, nhưng một bên thì được đưa vào giảng dạy chính thức, một bên thì trở thành tâm điểm của dư luận. Đây chính là phản ứng thương cảm cho bên thiệt thòi khi xảy ra sự bất công giữa người này với người khác. Nói ngắn gọn là tâm lý ghét bất công.
Tuy nhiên, các tác phẩm văn học này khi đưa vào sách giáo khoa đã phân chia theo độ tuổi, được giáo viên định hướng giảng dạy, phân tích để học trò hiểu được ý nghĩa. Vả chăng, nhìn từ góc độ hiệu ứng hào quang, lão Hạc, anh Chí hay cả Soobin làm gì có cửa so với Sơn Tùng. Tui hiếm khi (mà thật ra là chưa) thấy có ai đó coi lão Hạc hay anh Chí là thần tượng để học theo. Trong khi đó, Sky của Sơn Tùng không những đứng nhất về số lượng mà còn rất trung thành, luôn tạo một tấm lá chắn bảo vệ Tùng. Bởi vậy, so sánh Tùng với các nhân vật giả tưởng trong văn học vốn kém hẳn về độ hot là sự bất công đối với các nhân vật này, chứ không phải với Tùng.
Thứ ba, hiệu ứng Werther (Werther effect). Cái này thì thiên về tâm lý học hơn là kinh tế học. Năm 1774, tiểu thuyết “The Sorrows of Young Werther” của Johann Wolfgang von Goethe – một nhà văn Đức thời hiện đại – ra đời; có mô tả rõ ràng hai vụ tự tử. Sau đó, thực tế có một số người học theo đúng như cách mà Werther – nhân vật chính trong tiểu thuyết – đã làm. Từ đó, thuật ngữ “Hiệu ứng Werther” được sử dụng để để mô tả hiện tượng con người có xu hướng sao chép hành vi – dù là lành mạnh hay phá hoại. Bắt chước tự tử là một ví dụ về một trong những hình thức cực đoan nhất của nó. Nếu bạn là người mang năng lượng tích cực – ok fine, 1 MV chứ có hàng chục MV kiểu như Tùng cũng chẳng thể hề hấn gì. Nhưng nếu bạn là người đang có những luẩn quẩn trong lòng hoặc trầm cảm, điều bạn thường xuyên nghĩ tới là tự giải thoát chính mình. Lúc ấy, 100 ý kiến tích cực có thể bị bỏ qua, chỉ cần 1 động thái tiêu cực thì bạn sẽ dễ dàng buông tay và lựa chọn cách hành xử không ai mong muốn nhất.
Tóm lại, phản ánh các vấn đề nóng bỏng của xã hội là điều nên làm. Nhưng ranh giới giữa việc “cảnh tỉnh” và “vẽ đường cho hươu chạy” đôi khi rất mong manh.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |