Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma – Vòng tròn bất tử nơi thành phố biển Cam Ranh

Gạc Ma 1988

14/3 – với những người yêu nhau sẽ gọi đó là Valentine trắng. 14/3 – với dân Toán học sẽ hào hứng về ngày số Pi (π). Còn 14/3/1988 với người Việt Nam là ngày KHÔNG NÊN quên và KHÔNG ĐƯỢC PHÉP quên, bởi đó là ngày của sự kiện VÒNG TRÒN BẤT TỬ. Hôm ấy, các chiến sĩ Việt Nam đã chiến đấu oanh liệt với binh lính Trung Quốc để bảo vệ biển trời tổ quốc. Một bên là cán bộ, chiến sĩ Việt Nam với dụng cụ công binh và vũ khí thô sơ trong tay trên các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 (Lữ đoàn 125), Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Một bên là tàu chiến Trung Quốc với vũ khí hiện đại.

Bên ta được lệnh phải nhanh chóng tiếp cận đảo, khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên để cắm cờ tổ quốc và đặt mốc chủ quyền; quan trọng là không được nổ súng trước. Phía địch đến gần, dùng loa gọi sang khiêu khích hòng khiến chúng ta mắc mưu. Đêm ngày 13/3, chúng ta đã lên được đảo. Đến rạng sáng ngày 14/3, lính Trung Quốc bắt đầu xuống xuồng nhỏ cùng súng AK, lưỡi lê bao vây áp sát đảo. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ (tàu HQ604) ra lệnh anh em kiên quyết bảo vệ đảo. Thiếu úy Phương Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma khi ấy, dõng dạc: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống Quân chủng Hải quân Việt Nam Anh hùng”. Các chiến sĩ ta chỉ có cuốc, xẻng, dụng cụ công binh đánh giáp la cà với lính Trung Quốc trang bị súng ống đầy đủ. Địch càng đông, phe ta càng nhỏ dần nhưng vẫn không rời đảo. Các anh đã nắm tay nhau kết thành một vòng tròn, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng giữ gìn lá quốc kỳ trước mưa đạn của kẻ thù. Trong cuộc chiến không cân sức đó, 64 chiến sĩ đã ngã xuống, nhưng các anh đã tạo nên một vòng tròn bất tử mãi sáng ngời trong trang sử Việt.

Góc nhỏ: Cũng trong trận quyết đấu này, 9 người bị Trung Quốc bắt đưa về Trung, biệt giam và tra tấn dã man. Không có bất kỳ thông tin gì, gia đình nhận giấy báo tử trong nỗi đau khôn nguôi. Mãi đến 3 năm sau, Trung Quốc mới trao trả các anh. Trong số những người trở về từ trận chiến có anh Lê Minh Thoa, hiện đang sống tại Quy Nhơn, chủ của quán phở Gạc Ma – Trường Sa, số 5D Tăng Bạt Hổ (gần trường Tiểu học Lê Lợi).

Anh Lê Minh Thoa gặp lại đồng đội.

Tôi cũng may mắn đã từng ngồi tiếp chuyện với anh Thoa thông qua sự giới thiệu của anh Nguyễn Tường Thành – một cán bộ Đoàn kỳ cựu của Trường Đại học Quy Nhơn. Anh Thành cũng là người đầu tiên đưa anh Thoa đến với sinh viên trường ĐH Quy Nhơn từ những năm 2012, 2013.

Nghi thức thiêng liêng trên vùng biển Trường Sa

Có lẽ hình ảnh này rất quen thuộc với những ai từng may mắn đến với Trường Sa. Trong hải trình về biển đảo quê hương, khi đến gần vùng biển Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, mọi người sẽ thực hiện một nghi thức đặc biệt quan trọng. Đến gần khu vực năm xưa từng xảy ra trận cảm tử bảo vệ lãnh hải đất nước, con tàu chậm rãi dừng lại. Trời ngập mây, sóng vỗ ì oạp quanh mạn tàu. Tiếng còi tàu được kéo lên vang rền trầm hùng trong gió. Những nén hương và cành hoa cúc vàng được thả xuống để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại dưới biển sâu. Có giọt nước mắt rơi nhanh, có tiếng nấc rất nhẹ. Thương anh. Rất thương anh.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma – Mãi mãi vòng tròn bất tử

Vòng tròn bất tử của năm 1988 đã trở thành một biểu tượng của công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam. Nhân dân nhớ ơn anh, Tổ quốc nhớ ơn anh. Để các thế hệ về sau không quên dấu ấn anh dũng này, một khu tưởng niệm đã được xây dựng ngay bên thành phố biển Cam Ranh, nơi nhìn thẳng ra biển Đông là quần đảo Trường Sa. Đó là Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Công trình được xây dựng năm 2015 và khánh thành tháng 7/2017 gồm 5 hạng mục khác nhau: Tượng đài, Khu Bảo tàng ngầm, Mộ gió, Quảng trường hòa bình, Khuôn viên cây xanh.

Bước lên những bậc tam cấp để đến khu vực chính của công trình. Hai bên khu đồi cao này trồng hàng nguyệt quế thơm ngát.

Công trình rộng 2.5ha, hướng mặt vào bờ, dựa lưng vào biển, nên khi đi vào khu tưởng niệm là du khách đang đi về phía biển, nơi có những người anh hùng còn ở lại, ngày đêm canh giữ biển đảo chủ quyền của Tổ quốc.

Phía trước công trình có bãi đậu xe rộng rãi.

Địa chỉ: ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Tất Thành, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.

Công trình chào đón mọi vị khách đến tham quan, không bán vé.

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”

Cụm tượng đài mô phỏng hình ảnh của cuộc chiến Gạc Ma 1988 với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời” chính là trái tim của Khu tưởng niệm. Tượng được đặt trong một hồ nước nhỏ như hòn đảo nổi lên giữa biển khơi.

Trên hòn đảo ấy là bệ tượng rộng 165m2, cao 1.4m, ngang 12m, bán kính 7m, khắc họa những con sóng đang ào ạt xô bờ. Phía trên là phần tượng cao 13.75m được tạc bằng đá granit lấy từ Ninh Bình, mạnh mẽ, cứng cáp như tinh thần quả cảm của những người lính. Cụm tượng gồm 9 nhân vật, đại diện cho 64 chiến sĩ đã ngã xuống khi xưa. Trong tay các anh chỉ có cuốc xẻng, búa rìu để làm nhiệm vụ xây dựng đảo. Khi bị quân thù bao vây, các anh quay tròn nắm tay nhau, giương cao lá cờ tổ quốc. Vì vậy, đứng từ góc nào của tượng đài cũng có thể nhìn thấy gương mặt khí khái anh hùng của những chiến sĩ và lá cờ đang tung bay trong gió.

Bao quanh các anh là vòng tròn có chiều cao hơn 13m, nặng hơn 10 tấn, làm bằng inox cao cấp. Đó là hình ảnh của vòng cung mặt trời nhô lên khỏi biển, soi rọi phần lãnh hải nước nhà. Đó cũng là hình ảnh của vòng tròn bất tử trong lịch sử đấu tranh giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải quê hương.

Một chiều mùa hè, tôi dẫn cậu con trai đến khu tưởng niệm. Vườn nguyệt quế trải dài hai bên dọc bậc tam cấp dẫn lên khu vực chính của công trình tỏa hương vấn vít. Giữa rừng dương rì rào hát tiếng sóng biển quê hương, đứng trước “những người nằm lại phía chân trời”, tôi kể cho con nghe về những người chiến sĩ anh hùng. Câu chuyện không thể trọn vẹn bởi sự xúc động cứ dâng lên nghèn nghẹn. Cũng như 10 năm trước, khi dõi mắt hướng về Gạc Ma từ con tàu HQ561. Cũng như một lần lên lớp, khi kể về Vòng tròn bất tử với các bạn sinh viên. Cũng như lúc này, khi đang gõ những dòng chữ mang tên “Trường Sa”.

Nơi đây giờ đã thành một “địa chỉ đỏ” để giáo dục tình yêu đất nước với nhiều bạn trẻ.

Bảo tàng ngầm

Từ tượng đài đi xuống, bên tay phải là Khu trưng bày ngầm. Ở đây có 64 đóa hoa tạo thành hình tròn, cùng bao quanh, hướng về lá cờ đỏ và ngôi sao vàng năm cánh đắp nổi. 64 bông hoa là 64 trái tim nóng trong lồng ngực những người con quả cảm của tổ quốc, là vòng tròn bất tử thiêng liêng.

Cổng vào khu trưng bày ngầm như con sóng đang uốn cong ôm người chiến sĩ vào lòng biển. Bên trong chia làm 3 khu vực giới thiệu về biển đảo Việt Nam. Đầu tiên là nơi lưu giữ những bằng chứng rành mạch, rõ ràng từ xưa đến nay khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tiếp đến là khu vực của Chiến sĩ Gạc Ma và sự kiện ngày 14/3/1988; Danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma cùng một số hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các anh cũng được trưng bày một cách trang trọng. Không gian của cuộc chiến năm ấy được tái hiện một phần, đầy kiên cường mà đau xót. Phần trong cùng của bảo tàng ngầm là hình ảnh Công đoàn Việt Nam với biển, đảo của Tổ quốc.

Mộ gió

Với những người sống đời ở biển, mộ gió đã trở thành phong tục. Ở khu tưởng niệm này cũng vậy, có một khu mộ gió để đưa hương hồn các anh tụ về với đất mẹ. Đây được xem là khu vực tâm linh nhất để tưởng niệm các chiến sĩ. Từ tượng đài đi ra phía sau, bên tay trái là mộ gió. Trước mộ đặt tấm bia đá lớn ghi danh sách cùng địa chỉ của 64 liệt sĩ. Xung quanh là những bông sứ trắng muốt rung rinh, tỏa hương thơm nhẹ nhàng tinh khiết.

Quảng trường hòa bình

Tiếp tục đi ra phía sau các công trình trên là quảng trường Hòa Bình. Giữa một khoảng không gian thoáng đãng là hình ảnh đôi chim bồ câu trắng tung cánh bay về hướng biển. Đó là thông điệp yêu hòa bình mà dân tộc Việt Nam muốn gửi đến nhân loại. Quảng trường là điểm cuối của “Hành trình khát vọng” nhưng không phải là điểm cuối của Khu tưởng niệm. Bởi từ đây còn có một con đường nhỏ dẫn ra bãi biển để khách tham quan, và cũng là con đường đưa các anh linh từ biển trở về.

Con đường hoài niệm

Lần đầu đến đây, tôi cứ đi từ công trình này đến công trình khác. Và thật tình cờ, lối đi về lại trùng với con đường hoài niệm dù không có chủ đích. Con đường nhỏ lát bê tông đi giữa công viên sinh thái, dẫn từ phía quảng trường về lại cụm tượng đài ban đầu. Ven đường là những chiếc ghế đá để ngồi tĩnh tâm, nhìn lại các không gian đã đi qua trong khu tưởng niệm.

Ngoài ra ở đây còn có đường xe điện, lối đi riêng cho người khuyết tật để bất cứ ai cũng có thể đến viếng thăm các anh.

Vườn bàng vuông

Một điểm cực kỳ ấn tượng với tôi là những cây bàng vuông bình lặng trong gió biển. Vì nó mà chiều hôm trước vừa ghé, sáng sớm hôm sau tôi đã quay lại, chỉ vì muốn chụp cánh bàng vuông chưa kịp rơi rụng. Dọc từ sau cụm tượng đài đến công viên sinh thái ở quảng trường Hòa Bình là vườn bàng vuông trải dài. Những bông hoa trắng muốt với vô số tua rua trắng hồng vươn dài, dịu dàng mà hiên ngang trong sóng gió. Quả bàng vuông lúc lỉu treo đầy cành. Tôi hỏi anh bảo vệ xem có bao nhiêu gốc bàng vuông mà anh lắc đầu, không đếm hết được. Cứ cây nào lớn là được chiết cành để trồng tiếp. Từ một vài cây giờ đã thành cả khu vườn.

Ngoài ra còn có nhiều loài cây gắn với bản sắc địa phương như cây phong ba, bão táp, xoài Cam Ranh, phi lao…

Tôi lại nhớ về 10 năm trước với Trường Sa. Lại nhớ một cây bàng vuông bé xíu được các anh bộ đội gửi tặng, nâng niu đưa từ Trường Sa về Tp. HCM, rồi bay về Quy Nhơn, trồng trong sân trường. Hồi đầu thì cũng ở mặt tiền đàng hoàng, giờ thì bị dời sang nằm một xó không ai để ý :((

Từ Giáp Thìn 2024 nhìn lại Mậu Thìn 1988 là 36 năm đã trôi qua. Nhớ về Gạc Ma 14/3/1988 để không quên khúc tráng ca của dân tộc, không quên tượng đài bất tử về tình yêu đất nước, để nhớ rằng phải luôn gìn giữ từng tấc đất tấc trời quê hương.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *