Những thánh đường Hồi giáo đầy quyến rũ ở An Giang

Thiệt ra, tui tìm thấy nơi này là do đi lụi. Hồi đó, cứ leo lên xe máy phóng đại, ngó chỗ nào lạ là dừng chân. Từ thành phố Châu Đốc men theo đường Lê Lợi (quốc lộ 91C) sẽ gặp bến phà Châu Giang bên bờ sông Hậu. Tui cũng đu theo bà con dắt xe lên phà dù chẳng biết cái gì đón đợi mình bên kia. Phà chạy có xíu xiu, hơn 5 phút là tới. Bên này sông Hậu là vùng đất Châu Phong, thuộc thị xã Tân Châu. Đây cũng là nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi chính thống, còn gọi là Chăm Hồi giáo mới, Chăm Islam – để phân biệt với người Chăm Bàni theo Hồi giáo cũ, hiện chủ yếu sống ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

Bạn chỉ cần lượn lờ theo những con đường mòn quanh xóm một lát là sẽ thấy rất nhiều công trình kiến trúc Hồi giáo cùng những ngôi nhà sàn của người Chăm nơi đây. Điểm đặc biệt là các thánh đường (tiếng Ả Rập là Masjid, còn tiếng Anh là Mosque) đều sử dụng tông màu chủ đạo là xanh lá và trắng như màu cờ của các đạo quân Hồi giáo ngày xưa, nhưng mỗi công trình là một nét khác biệt hoàn toàn.

Tiếc là đợt đi này tui bị sự cố nên mất nhiều ảnh, còn có vài tấm ảnh chất lượng thấp tè lè. Trong một buổi sáng mà còn lạng lạng bên món tung lò mò nên chỉ đi được một số thánh đường dưới đây.

** Thánh đường Mubarak (Mosque Mubarak)

  • Địa chỉ: xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang
  • Đường đi: Xuống phà Châu Giang, rẽ trái theo đường lớn đi khoảng hơn 100m là đến.

Thánh đường Mubarak được xây dựng từ năm 1750, từng là thánh đường Hồi giáo lớn nhất của tỉnh An Giang và đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật vào ngày 5/12/1989. Từ căn nhà đầu tiên bằng gỗ lợp lá, đến nay thánh đường Mubarak đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, lần gần nhất là vào năm 1965 do KTS Mohamed Amin (người Ấn Độ) thiết kế.

Thánh đường Mubarak về đêm. Ảnh: internet

Các vòm cửa chính và 12 vòm cung trang trí bao quanh hành lang thánh đường Mubarak chủ yếu là thiết kế dạng cung đường xoi, với hai cạnh uốn lượn hình chữ S rồi vót nhọn ở đỉnh như mũi lá bồ đề. Kiến trúc mái vòm dạng bầu tròn cũng xuất hiện ở nóc các tháp. Ở tháp 2 tầng ngay chính diện và 2 mái vòm lớn phía sau có biểu tượng trăng lưỡi liềm và ngôi sao. Nhiều người cho rằng đây biểu tượng của đạo Hồi. Tuy nhiên nó không phải là biểu tượng nguyên thủy của cộng đồng Hồi giáo vì họ cho rằng sử dụng một biểu tượng sẽ khiến họ sa đà vào tội lỗi thờ cúng hình tượng. Chỉ từ khi đế quốc Ottoman (Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ – thế kỷ 13) thống trị thế giới Hồi giáo qua hàng trăm năm mới có sự thay đổi. Lúc này, biểu tượng trăng lưỡi liềm đã xuất hiện trên nhiều lá cờ của các quốc gia Hồi giáo để đối lập với biểu tượng chữ thập của các nước Thiên chúa giáo. Biểu tượng này được lựa chọn còn bởi vì trăng lưỡi liềm và ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho quyền năng tối cao của các bậc thánh thần, sự tốt lành và hạnh phúc.

Cửa vòm dạng đường xoi. Ảnh: internet.

Hàng năm, tại thánh đường Mubarak thường tổ chức các ngày lễ lớn như:

  • Lễ Maulid kỷ niệm ngày sinh của giáo chủ Nabi Muhammad (người khai sáng đạo Hồi) vào ngày 12/3 theo lịch của đạo Hồi.
  • Lễ Roja Haji – lễ hành hương đến thánh địa Mecca vào ngày 10/12 theo lịch của đạo Hồi.
  • Tết của người Chăm vào ngày 1/10, tiếp ngay sau tháng ăn chay Ramadan từ ngày 1 đến 30/9 (theo lịch của đạo Hồi).
Cổng chính thánh đường. Lật đật chạy cho kịp giờ phà xuất bến nên tui chụp cái hình chán đời vầy nè.

** Thánh đường Jamiul Azhar (Mosque Jamiul Azhar)

  • Địa chỉ: xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang
  • Đường đi: Xuống phà Châu Giang, rẽ phải theo đường lớn đi khoảng 1km là đến.

Thánh đường Jamiul Azhar được xây dựng từ năm 1959, trùng tu mở rộng năm 2012 và chính thức khánh thành vào 8/2014. Đây là một trong những thánh đường đẹp và lớn nhất tại An Giang.

Trên đường lớn, bạn sẽ bắt gặp 1 cổng chào, bên phải có nhà bán đồ lưu niệm, khăn choàng của người Chăm… Đi qua cổng chào, theo con đường nhỏ là lối dẫn vào thánh đường Jamiul Azhar, dài chừng 60m.

Nằm trong khuôn viên phía trước thánh đường là khu nghĩa trang an táng những người Hồi giáo khá đơn sơ.

Ở đây bạn sẽ gặp kiểu thiết kế cửa vòm và mái vòm khác biệt so với thánh đường Mubarak. Tại thánh đường Jamiul Azhar, trừ cổng ngoài thiết kế dạng vòm cung đường xoi đỉnh nhọn và cửa chính vào ngôi chính điện dạng cung nhọn, các cửa vòm còn lại dọc theo hành lang đều là vòm hình lá với những đường cong uốn lượn mềm mại.

Nóc các tháp được thiết kế mái vòm hình củ hành và vẫn là một màu trắng thanh thoát nổi bật trên nền trời xanh. Biểu tượng trăng lưỡi liềm, ngôi sao và các dòng kinh Coran được đắp nổi xuất hiện ở nhiều nơi trong thánh đường.

** Thánh đường Masjid Al Nia’ Mah

  • Địa chỉ: xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang
  • Đường đi: Xuống phà Châu Giang, rẽ trái theo đường lớn chạy ven sông Hậu khoảng 1.5km, gần như thành hình chữ U (so với bến phà) là đến.

Thánh đường Masid Al Nia Mah nằm bên kia cây cầu treo Masjid Al Nia’ Mah nằm trên kênh Vĩnh An – đây là một dòng chảy nhỏ nối ra sông Hậu. Cầu được khánh thành vào tháng 9/2010, do Đại sứ quán các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất tài trợ.

Đây cũng là văn phòng của Ban đại diện cộng đồng Islam ở An Giang. So với các thánh đường trên, công trình này có phần đơn giản hơn. Cổng ngoài chỉ là tường rào thông thường, nhưng các kiến trúc bên trong vẫn giữ nét đặc trưng cửa mái vòm, các tháp hình bầu dục của các thánh đường nơi đây. Điểm khác một chút là cửa vòm dạng hình cung chứ không phải đường xoi như ở Mubarak hay hình lá ở Jamiul Azhar.

Mách nhỏ cho bạn:

  • Với người theo đạo Hồi, có 5 thời điểm làm lễ trong một ngày: trước khi mặt trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ. Họ phải hành hương đến thánh địa Mecca một lần trong đời theo lời răn dạy. Tuy nhiên, với những người theo đạo Hồi ở Việt Nam, do điều kiện nên có thể hành hương tới các nhà thờ Hồi giáo lớn ở An Giang.
  • Người Chăm xem thánh đường là khu vực tôn nghiêm nên chú ý rất chặt chẽ về trang phục. Khi vào các thánh đường, bạn nhớ mặc trang phục phù hợp, quần hoặc váy dài qua đầu gối mà tốt nhất là đến mắt cá chân. Nếu người đi lễ không thấy thì thôi, nếu thấy họ sẽ nhắc nhở bạn ngay.
  • Nam giới thường mặc xà rông, nữ giới mặc abaja và quấn khăn hijab. Ngôi chính điện (nhà nguyện) là hạng mục chính của thánh đường và thường khá rộng rãi, thoáng mát. Chỉ tín đồ nam mới được hành lễ cầu nguyện trong phòng chính, còn tín đồ nữ ở hành lang thánh đường.
  • Dạo quanh đất Châu Phong, bạn sẽ bắt gặp những dây phơi tung lò mò trên đường. Đây là món ăn rất phổ biến của người Chăm theo đạo Hồi ở An Giang.

Đọc thêm Về An Giang thưởng thức đặc sản tung lò mò

Tung lò mò chính là lạp xưởng bò, một đặc sản của người Chăm ở An Giang.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *