(Bài viết từ 2018)
Cuối cùng thì Vinfast cũng đã tung ra những hình ảnh của hai mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 tại Paris Moto Show vào tháng 10/2018 – nơi mà nhiều hãng xe tên tuổi như Volkswagen, Nissan, Ford, Volvo, Bentley… từ chối tham gia với lý do chủ yếu là chi phí tham dự quá đắt đỏ. Sự kiện này đánh dấu bước đầu thành công của Vingroup khi đá chéo sân thêm 1 ngành nghề mới.
Rõ ràng, Vingroup là một minh chứng thành công cho hoạt động đầu tư đa ngành. Vậy còn các doanh nghiệp lớn – những con cá to khác – liệu có thành công trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay?
Những con cá lớn không vượt được biển
“Không cho tất cả trứng vào một giỏ” có lẽ là nguyên tắc thuộc nằm lòng của giới kinh doanh. Bởi vậy, sau khi đã vững chân ở một lĩnh vực nhất định, nhiều doanh nghiệp thường lấn sân sang các ngành nghề khác, vừa nhằm giảm thiểu rủi ro, vừa mở rộng doanh thu. Vấn đề ở chỗ, không phải đại gia nào cũng thành công khi đầu tư đa ngành, nếu gặp phải những trục trặc về năng lực quản trị, vay nợ nhiều theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, hướng vào thị trường bong bóng… Bởi vậy, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp phân bổ vốn tràn lan đã phải nhận quả đắng.
Năm 2018 là năm u ám với Tôn Hoa Sen. Mục tiêu tăng trưởng với tham vọng cán mức 1 tỷ USD cùng áp lực duy trì thị phần khiến tập đoàn này phải thổi phồng năng lực của mình. Từ đó, họ tích cực vay nợ để thực hiện kế hoạch đề ra. Từ năm 2016, Hoa Sen đã bước vào chiến dịch xây dựng, mở rộng dây chuyền sản xuất và mạng lưới phân phối hàng loạt, đồng thời tiến hành đầu tư trái ngành vào bất động sản.
Vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp tiến hành đầu tư dài hạn dựa trên những khoản vay ngắn hạn. Hậu quả là, nợ vay ngày càng tăng, trong khi doanh thu có chiều hướng sụt giảm, khiến tình hình tài chính ngày càng ảm đạm. Kết thúc quý II/2018, nợ vay và cho thuê tài chính chiếm đến 15.880 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu; trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ dừng lại ở mức 170 tỷ đồng. Dự án Hoa Sen Tower Quy Nhơn 2.500 tỷ cũng bị thu hồi sau 2 năm không triển khai hoạt động.
Tương tự, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã từng là ông vua đa ngành khi kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên (gỗ, đá, khoáng sản), năng lượng (thủy điện), nông nghiệp (cao su, cọ dầu, mía đường, bò, trái cây ngắn ngày). Ban đầu, chiến lược lấy quy mô làm sức mạnh cạnh tranh đã vẽ nên những gam màu sáng.
Thế nhưng, “đường dài mới biết ngựa hay”, sự đuối sức khi phải quản lý tràn lan khiến HAG buộc phải thu hẹp quy mô dần dần; chỉ còn tập trung vào ngành cốt lõi là nông nghiệp. Cuộc đại phẫu này đem lại kết quả khả quan trong năm 2016, nhưng đến nay mọi chuyện lại có chiều hướng đi xuống. Tính đến hết quý II/2018, công ty lỗ ròng 11 tỷ đồng, nợ phải trả gần 37.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Tập đoàn Mai Linh từng là người dẫn đạo lĩnh vực vận tải taxi, nhưng khi chuyển hướng sang bất động sản, du lịch, giáo dục, xe khách thì lại gánh về thất bại. Quay về thị trường truyền thống, Mai Linh giờ đã lép vế, chậm chân trước cả các hãng taxi đối thủ lẫn trong cuộc chiến công nghệ với Grab, Go-Viet.
Một số doanh nghiệp địa phương cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Thuận Thảo – một doanh nghiệp đầu tàu ở Phú Yên – đã ghi dấu ấn rất tốt trong hoạt động vận tải chất lượng cao. Tuy nhiên, việc mở rộng sang kinh doanh du lịch – giải trí, bất động sản đã dập tắt mọi ánh hào quang của công ty này khi đầu tư vào đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Cá lớn, nhưng phải bơi nhanh
Công nghiệp sản xuất ô tô là lĩnh vực thứ 7 mà Vingroup tham gia, sau bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế, nông nghiệp, bán lẻ. Đây là lần đầu tiên một hãng xe Việt Nam bước lên sân khấu lớn của ngành ô tô toàn cầu. Điều đáng ngạc nhiên hơn là Vinfast chỉ mới được thành lập từ tháng 6/2017. Ngay tại thời điểm đó, rất nhiều người hoài nghi về tính khả thi của công ty sản xuất ô tô này. Họ cho rằng đây là cách vung tiền qua cửa sổ và Vinfast rất có thể sẽ đi vào vết xe đổ của Vinaxuki. Thế nhưng Vinfast đã làm được nhiều hơn thế. Những mẫu xe được giới thiệu lần này được lựa chọn cách đây chưa đầy 1 năm; trong khi thông thường thời gian từ lúc lên ý tưởng đến khi sản xuất một chiếc xe hoàn toàn mới phải mất 4-6 năm.
Quá nhanh, song có quá nguy hiểm hay không thì chưa biết được. Các dòng xe này được đón nhận ra sao thì còn phải chờ thị trường trong tương lai trả lời. Nhưng trước mắt, Vinfast đã được nhận giải “Ngôi sao mới” của ngành ô tô thế giới ngay lần đầu lộ diện.
Tương tự, Thế giới di động (TGDĐ) đang từng bước trở thành công ty đa ngành trong lĩnh vực bán lẻ, từ mảng điện tử, di động, cho đến nhu yếu phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Thương vụ thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh với giá 2.500 tỷ đồng cũng nằm trong chuỗi kế hoạch này, trong bối cảnh thị trường bán lẻ điện máy bị hụt hơi. Việc mua lại sẽ giúp TGDĐ tiết kiệm công sức nhờ chiếm lĩnh mạng lưới phân phối phía Bắc của Trần Anh.
Như vậy, việc kinh doanh đa ngành không phải lúc nào cũng là màu xám. Nếu nắm bắt đúng thời điểm và tạo được chuỗi giá trị giữa các ngành nghề mà doanh nghiệp theo đuổi, sẽ có tác dụng tích cực. Quan trọng là tốc độ trong hoạt động đầu tư. Vingroup hay TGDĐ đều phải đầu tư theo kiểu “binh quý thần tốc”. Điều này cũng giống khẳng định của ông Klaus Schwab, chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) “Không còn có chuyện cá lớn nuốt cá bé trong thời đại ngày nay, mà là cá bơi nhanh nuốt cá bơi chậm”.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |