Sau khi may mắn nghe được 2 buổi hội thảo, tranh biện của Fulbright và OUCRU về vaccine, mình tóm lại vài phân tích dưới góc nhìn kinh tế học, bổ sung thêm vài nhận định cà khịa cá nhân.
1. Vaccine là hàng hóa đặc biệt gì?
Nhiều ý kiến cho rằng vaccine là hàng hóa công không thuần túy, giống như một công viên đông đúc, chính quyền không bán vé cho bạn nhưng nếu công viên đông quá thì nên giãn cách để không giành oxi nhau. Vì một người tiêm không chỉ đem lại lợi ích cho chính mình mà còn góp phần tạo ra một cộng đồng miễn dịch, vaccine tốt là một hàng hóa cần khuyến dụng. Bạn nên yên tâm vì không giới elite của quốc gia nào muốn ôm vaccine để tiêm 1 mình.
Vậy bạn có quyền từ chối tiêm không? Thông thường thì quyền đi đôi với nghĩa vụ. Chính quyền không thể ép bạn vào công viên tập thể dục mỗi sáng, nhưng bạn cũng không được phép ngắt hoa trong đó. Người lựa chọn không tiêm thì càng phải chấp hành 5K kỹ lưỡng hơn.
Đối với hàng hóa công đã được chính phủ hứa trước là sẽ cung ứng miễn phí, việc vận động quỹ vaccine khó thuyết phục được những công dân khó tính (nghe đồn năm ngoái thu ngân sách đâu có giảm). Người Việt Nam không hề hẹp hòi, họ sẵn lòng rút hết ví cho các siêu thị 0 đ nên chỉ lăn tăn khi góp tiền vào 1 quỹ mơ hồ còn nằm trong ngân hàng. Chính phủ nên cho phép 1 số địa phương và doanh nghiệp đầu to giữ lại quỹ để ưu tiên cho người của mình, số dư sẽ góp vào quỹ chung, cách này tạo động cơ khuyến khích đóng góp hơn vì người dân thấy được tính đối ứng của khoản chi, chứ không phải đem muối bỏ biển. Nếu bạn lo ngại về bất bình đẳng thì nên tin tưởng sự điều phối của nhà nước.
Thị trường vaccine còn có thể mang dạng ngoại tác mạng lưới thuận, nếu những mũi tiêm đầu tiên thuận lợi thì hiệu ứng trào lưu sẽ đẩy lượng cầu sang phải, ngược lại các tin “chưa rõ nguyên nhân” sẽ khiến người dân chùng bước. Bản tin thời sự nên bớt đưa những tin giăng dây, dựng rào mà dành 15 phút để giới thiệu lợi ích vaccine và phỏng vấn những người đã tiêm xong, những câu trả lời như “tôi và vợ cảm thấy sung mãn sau khi tiêm 2 tuần” có thể giúp người chưa tiêm cảm thấy háo hức hơn hơn. Dù biết rằng tin không vui thì thường viral gấp ngàn lần mấy tin tốt.
2. Lựa chọn hiệu quả hay công bằng?
Khi nguồn cung đang khan hiếm thì mỗi nước đều có thứ tự ưu tiên tiêm vaccine. Nếu bạn cảm thấy chạnh lòng khi có nhiều người được tiêm trước mình, không sao đâu, bạn là người duy lý. Cũng giống như bạn khó mà vui vẻ không quạo khi sáng nay có người chen lên vị trí xếp hàng của mình trong siêu thị.
Các nhà kinh tế học tin rằng xếp hàng ĐÔI KHI không phải là cách phân bổ nguồn lực hiệu quả. Lưu ý đây là tình huống khẩn cấp, nguyên tắc “first come first served” không phải là cách hay để áp dụng mà tiêu chí là: ai quan trọng hơn và ai cần được bảo vệ hơn.
Tôi không cổ súy việc bạn dùng cách thần kỳ nào đó để được đăng ký tên trong danh sách ưu tiên, nhất là trong bối cảnh rất khan hiếm này, chúng ta nên tôn trọng quyền ưu tiên cho những người ở tuyến đầu. Nhưng quay lại lợi ích “1 người tiêm, nhiều người vui” ở trên, một người chưa đủ điều kiện về sức khỏe nên sẵn lòng để lại mũi tiêm cho người đã sẵn sàng ở bậc ưu tiên thấp hơn, với giả định bất kỳ người nào được tiêm cũng làm tăng phúc lợi cho xã hội.
Quan điểm trên có thể sẽ được nhắc lại nhiều hơn vào thời điểm Việt Nam đã tiêm được cỡ 30-40% dân số và trong kho còn 50 triệu liều gần hết hạn, khi đó nên đổi sang chiến thuật tiêm càng nhanh (mà an toàn) thì càng tốt. Vì các ưu tiên lúc này chỉ mang tính tương đối, mục tiêu thiết thực hơn là nhanh chóng đạt tỷ lệ 70% cộng đồng (85% nếu có biến chủng delta). Nghe đồn cuối năm nay cả trăm triệu liều sẽ về nước, hy vọng tỷ lệ tiêm sẽ cao như tỷ lệ đi bầu cử (tin Việt Nam tiếp cận vaccine cũng giống tin chuyển nhượng của đội Man. Utd).
Bạn thắc mắc thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết 21 được xác định thế nào? Các thảo luận kinh điển những ngày qua là người trên 65 tuổi hay công nhân nên được xếp ưu tiên cao hơn? Vì sao cầu thủ bóng đá được tiêm trước các thầy cô giáo coi thi THPT? Shipper hay luật sư ngành nào cấp thiết cho xã hội hơn? Để xác định những thang bậc ưu tiên, Chính phủ không chỉ dựa vào chuyên môn y khoa, mà còn cả các biến số về xã hội học, nhân chủng học, văn hóa… và những lựa chọn đánh đổi về kinh tế, chính trị… của mỗi quốc gia. Nếu bạn kỳ vọng những người làm chính sách thiết kế ra một chương trình tiêm chủng công bằng tuyệt đối cho đất nước 100 triệu dân, chúng tôi chắc phải xin lỗi và mời bạn lên tivi tiêm.
3. Hộ chiếu vaccine có thể gây ngoại tác.
Tuần trước chúng ta đã chấm dứt sự tồn tại của sổ hộ khẩu giấy, nhưng lại rất nhanh để sáng tạo ra giấy thông hành âm tính. Dự đoán là vài tháng nữa khi tiêm được khoảng 20% dân số thì sẽ có 63 loại visa khác nhau trên dải đất hình chữ S.
Tiêu chí thu hút nhân tài của các địa phương lúc này không chỉ là người giàu, người giỏi mà cả “người an toàn”. Suy cho cùng, chủ trương trên không sai, nhưng cách làm không hợp lý. Giấy chứng nhận an toàn đem lại lợi ích cho địa phương trong lưu thông hàng hóa và chống dịch, nhưng lại đẩy chi phí cho người lao động và doanh nghiệp tỉnh khác phải gánh chịu, đó là biểu hiện của ngoại tác.
Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cũng sẽ chấp nhận hộ chiếu vaccine ở một thời điểm thích hợp. Ngành bay lượn và đi chơi luôn ủng hộ điều này, vì khi có khách du lịch nước ngoài họ sẽ không cần gào thét xin giải cứu nữa. Nhưng sẽ là thiếu công bằng nếu 2 ngành trên được lợi ích mà không phải trả chi phí gì cho những rủi ro có thể xảy ra.
Để “nội hóa ngoại tác” cho 2 vấn đề trên, một phương án được đưa ra là địa phương nên san sẻ chi phí xét nghiệm với các anh tài xế, hoặc tìm cách tiêm vaccine cho họ nếu giấy xét nghiệm còn đắt hơn 1 liều Astra mà chỉ có hiệu lực 3 ngày. Tương tự, ngành bay lượn và đi chơi muốn sớm bình thường mới thì cần ủng hộ quỹ chống dịch và quỹ vaccine nhiệt tình hơn, hoặc cam kết sẽ giải quyết hậu quả cho địa phương nếu có nhập khẩu F0 nào đi chơi trong nước.
Cuối cùng, mỗi năm trường tôi tuyển khoảng 60 học viên Chính sách công thôi, nhưng mấy nay trên mạng có khoảng 60 triệu nhà phê bình chính sách online. Chúng ta cần tỉnh táo và cảm thông với những quyết sách khó khăn của các policy-maker lúc này.
-Minh Nhựt-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |