[Sách] Ký ức theo dòng đời (Phan Chánh Dưỡng)

Lúc mới ra trường, tui từng đi chào mời các tiểu thương ở Chợ Lớn vào kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Hồi đó các cô nhìn tui cười cười xong từ chối cái rột. Với họ, cho dù TTTM đã được bảo chứng về khả năng kinh doanh khi Coopmart thuê hẳn lô ngon nhất (dù chưa khai trương) thì vẫn chưa đủ độ tin cậy. Năm 2003, Coopmart là siêu thị đầu tiên của thành phố, mang phong cách mua sắm khác hẳn chợ truyền thống và khác biệt với người dân ở đây. Nhiều người cho rằng siêu thị làm sao đọ lại các cửa hàng tạp hóa khắp nơi về sự tiện lợi và giá cả, chứ nói gì đến Chợ Lớn to đùng, tấp nập từ sáng sớm đến 6h 7h tối mà các cô đang buôn bán đắt hàng. Với đứa lính mới tò te như tui thì việc làm sao để thuyết phục và chạy chỉ tiêu đề ra thiệt là quắn quéo.

Vì thế khi đọc dòng hồi ký của bác Phan Chánh Dưỡng về quá trình định hình Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, khu đô thị Nam Sài Gòn, tuyến đường Nguyễn Văn Linh…, tui thật sự rất ngưỡng mộ. Đương nhiên câu chuyện của tui chỉ là “muỗi tí hin” so với ông. Nhưng ở 2003 như tui mà còn khó, huống hồ thời điểm 1989 của ông, khi trình bày những mô hình sản xuất đột phá, quy mô tác động lớn, cộng thêm sự ngần ngại của cơ chế do tính mới, thậm chí chưa có tiền lệ của các công trình thì những gì ông đã trải qua thật sự không thể diễn tả hết bằng những con chữ trong sách.

Thế mà ông đã làm được. Một thời gian dài bị thanh tra và điều tra do sự vươn mình quá mạnh mẽ của Cholimex hay Nhà máy điện Hiệp Phước; ba tháng trời ròng rã ở Hà Nội chờ giấy phép của KCX Tân Thuận; cơn bão khủng hoảng tài chính – tiền tệ Đông Á 1997, 1998 làm nản lòng các nhà đầu tư vào Tân Thuận… không thể cản bước ông. Đó là chưa kể các vấn đề kỹ thuật khi cải tạo vùng đất Nhà Bè sình lầy để xây dựng một không gian sống và sản xuất “hình mẫu” như Phú Mỹ Hưng, Tân Thuận… bây giờ. Ông bảo, đó là nhờ tính lì và liều. Nhưng tui nghĩ khác.

Vốn là anh Nam bộ “4 không” – không tiền, không địa vị, không có kinh nghiệm của cuộc sống xa hoa, không có thân thế gia đình – nên ông không có cái gọi là “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ”. Nhưng 2 cụm còn lại “ ba quan hệ, bốn trí tuệ” thì ông làm được. Không phải là kiểu quan hệ “đá lông nheo”, lợi ích nhóm hoặc tương tự, mà là những mối quan hệ theo kiểu “thật tình cờ và thật bất ngờ”. Đó là duyên kỳ ngộ khi ở ghép với ông Trương – một sĩ quan về hưu người Đài Loan – trong chuyến quá cảnh tại Bangkok. Là sự khởi đầu tốt đẹp với ông Lawrence S. Ting, mở màn cho sự gắn bó lâu dài với KCX Tân Thuận, Khu Đô thị mới Nam Sài Gòn, Nhà máy điện Hiệp Phước… Là sự gắn bó cùng Nhóm thứ 6 – nơi hội tụ của những người tâm huyết với con đường phát triển kinh tế đất nước. Là cơ hội tiếp xúc với vị lãnh đạo đích thực của sự đột phá và đổi mới – ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí. Ông ví von hai vị lãnh đạo này là hai cái vỏ bao bọc, che chở lấy thân nghêu – chính là nhóm thứ 6, để nhóm có cơ hội tồn tại và phát triển (người miền Nam đọc “vỏ” và “võ” giống nhau). Trong đó, có những mối duyên đã trở thành tri kỷ tri âm.

Tui không thấy ông kể về thành tích chiêu hiền đãi sĩ như chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã nhận xét. Thay vào đó, trong những mảnh ký ức cuộc đời, ông chỉ có một từ “HỌC” và nhờ vậy dần dà tích lũy trí tuệ cho mình. Từ một người say mê với vật lý và thiên văn học, ông đá sang sân kinh tế một cách ngọt xớt. Những kinh nghiệm mà ông tích lũy được chia sẻ một cách rải rác trong sách, trong đó tui ưng bài học nhỏ nhỏ tưởng chừng đơn giản – 7×3 hay 3×7, và chuyện chiếc xe Lada nhất. Nhưng trên hết, tui rất nể tầm nhìn của ông. Mỗi lần hoạch định một công trình mới là ông “chơi tới bến” – thoáng như phong cách của người Nam bộ. Cộng thêm khả năng dự báo cực xịn, ông đã làm là phải nghĩ xa cho tương lai vài chục năm nữa chứ không bó hẹp trong cái ao làng. Nhờ vậy mới có một Phú Mỹ Hưng sầm uất, Tân Thuận sôi động, đại lộ Nguyễn Văn Linh xe chạy phà phà; biến những vùng lau sậy um tùm thành điểm thu hút vốn đầu tư. Ông còn tham vọng đưa Tp. HCM và một số tỉnh lân cận thành con chim đại bàng vượt sóng ra Biển Đông.

Quan trọng là ông luôn giữ mình sạch. Góp phần xây dựng Phú Mỹ Hưng nhưng ông không có nhà ở đây. Cuộc đời mình – như ông tự nhận xét – đã là “tận nhân lực tri thiên mệnh”. Bạn đừng nghĩ tui tô thêm màu, bởi nếu gặp mặt ông thì hẳn bạn sẽ có cùng suy nghĩ. Ngoài đời hay trong rất nhiều bức ảnh, hầu như đều là áo sơ mi ngắn tay sáng màu với quần tây cực kỳ giản dị. Không chỉ là phong cách ăn mặc, ngôn từ của ông cũng chất phác và còn pha thêm nét hài hước Nam bộ – ngay những trang sách đầu tiên, đoạn “Trời Hận”, “Trời Thần” * là biết liền.

Điểm cộng: Chỉ khoảng dưới 5 lỗi chính tả. Nên đọc sách để thấy được tâm huyết, tầm nhìn và bản lĩnh của một nhà trí thức luôn hết lòng với quá trình phát triển đất nước. Đọc xong nhớ ghi lại những bài học nhỏ nhỏ đã chắt lọc được, tui tin là sẽ nhiều hơn danh sách của tui đó.

Điểm trừ: Có lẽ vì là hồi ký, nhớ tới đâu viết tới đó nên nhiều chi tiết trong sách bị trùng lặp từ mẩu chuyện này qua mẩu chuyện khác, mà tần suất xuất hiện hơi dày nên nhiều khi tui cứ tưởng đang đọc lại chuyện cũ. Nó khiến tui liên tưởng tới cái mạng nhện Excel khi xài lệnh Trace Precedents/Dependents trong môn Thẩm định dự án thần thánh. Tui vẫn nghĩ giá mà bộ phận biên tập sách góp ý một xíu để câu chuyện được chạy một lèo như con thuyền đang lướt trên dòng Soài Rạp thênh thang, có thể đánh bánh lái ngoảnh lại đâu đó để chiêm nghiệm, chứ đừng quay chân vịt chạy lùi rồi tới nhiều lần tại cùng một điểm khiến mạch chuyện bị ngắc ngứ. Tất nhiên đó chỉ là suy nghĩ của riêng tui thôi.

—–

* Xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *