Nếu đã đến Pleiku (Gia Lai), bạn đừng bỏ qua đặc sản ẩm thực nơi đây. Ngoài phở khô 2 tô trứ danh, muối kiến vàng, bò một nắng, thì phố núi còn sở hữu món ăn riêng có là bún cua thối.
Bún cua thối thật ra là bún mắm cua đồng. Nghe nói nó có nguồn gốc từ Bình Định rồi theo chân của người dân lên Tây Nguyên lập nghiệp. Ban đầu chỉ là món ăn bình dị để đổi vị cho bữa cơm. Dần dà, bún cua thối trở nên phổ biến và bây giờ đã trở thành đặc sản mang thương hiệu riêng của vùng đất Gia Lai này.
Tui ưng gọi bún cua thối là bún bóng đêm hơn, vì nó tối thui như đêm 30 bị cúp điện.
Thật ra, không phải ai cũng có thể chịu được mùi bún cua thối bởi mùi nồng đặc trưng của nó. Một số du khách khá bất ngờ và thấy ngon từ lần đầu thưởng thức. Số khác cũng cố gắng thử khi nghe giới thiệu món đặc sản phố núi, nhưng sau đó không có lần hai. Tuy nhiên, nhiều người ở đất Gia Lai dù đã rời đi sinh sống ở địa phương khác, mỗi lần về quê lại phải tìm ngay quán quen vì đã nghiện cái hương vị đặc trưng này.
Kỳ công nhất là phần làm mắm cua đồng. Cua rửa sạch, bỏ mai, gỡ yếm, phần còn lại để ráo rồi đem xay nhuyễn và lọc lấy nước. Nước cua được ủ qua đêm cho lên men, chuyển sang màu đen và dậy mùi nồng thì mới mang đi nấu nước lèo. Thời gian ủ rất quan trọng vì nếu lâu quá thì cua nặng mùi, khó ăn; mà ngắn quá thì chưa đủ mùi, cũng không hấp dẫn. Chính cái mùi đặc biệt này đã tạo nên tên gọi cho món bún cua thối. Trái với mùi cua lên men, nước lèo lại rất đậm đà bởi vị ngọt của cua đồng cùng nhiều nguyên liệu khác đi kèm mà chủ yếu là măng tươi. Măng tươi xắt lát mỏng nấu cùng với nước dùng, nấu càng lâu thì măng càng tiết ra vị ngọt mát, giúp nồi nước lèo thêm ngon. Trứng vịt sau khi luộc chín, bóc vỏ cũng bỏ vào, càng làm nước lèo trở nên hấp dẫn.
Có người cho thêm ớt màu hoặc màu điều phi thơm vào nồi nước lèo nên nước có màu đen vàng sóng sánh.
Khi khách đến, cô chủ bắt đầu cho bún vào tô, chan thìa nước cua đen óng ánh lên trên. Sau đó cho các đồ ăn kèm khác. Món ăn phụ đi chung với bún cua thối cũng lạ hơn các món bún khác như măng khô, da heo chiên giòn, chả lụa, thịt ba chỉ luộc xắt sợi, trứng vịt luộc. Cuối cùng là rắc hành phi lên trên. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, bún cua thối không kích thích được thị giác vì màu đen của nước lèo đã che lấp các sắc màu còn lại. Thậm chí cả măng và trứng luộc cũng đã được nhuộm màu ngà ngà đen. (Thật, không khác gì món cá chiên bóng đêm, thịt kho bóng đêm… của các mẹ đoảng bỏ quên chảo trên bếp cỡ vài tiếng). Khi ăn, cho rau sống vào, thêm chanh, ớt, mắm nêm tùy khẩu vị rồi trộn đều lên, cái mùi nồng nồng càng bay lên đến ngạt thở. Tui cũng nhắm mắt nín thở gắp một đũa ăn thử. Ui lạ nhen, cái vị đậm đà lan tràn, át đi mùi cua ban nãy. Mùi hăng hăng của cua lên men, vị mặn mà của nước dùng, chút chua cay của chanh ớt tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này, nồng nàn mà khó quên.
Nếu có dịp ghé Gia Lai, nhớ thưởng thức điểm nhấn ẩm thực độc đáo này của phố núi, bạn nhé.
Bát bún cua thối ít hấp dẫn về thị giác nhưng lại ấn tượng.
Giá: trung bình 20k/tô. Ngoài ra các quán còn có thêm nem chua, chả lụa cho khách tùy ý thưởng thức.
Địa chỉ:
- Bún cua Chi: 02 Phùng Hưng, Tp. Pleiku. Mở cửa từ 11h-20h. Quán có không gian khang trang, thoáng đãng.
- Bún cua 87 Phan Đình Phùng, 19 Phùng Hưng…
- Bún cua Chợ đêm Pleiku: ngã tư Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Thiện Thuật. Quán vỉa hè. Bán từ 17h đến khuya, hợp cho những người muốn làm foodtour từ sáng đến đêm.
Một quán bún cua thối ở chợ đêm Pleiku.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |