Tự hào mũi Sa Vĩ – nơi địa đầu tổ quốc

Trên đường cong chữ S mềm mại, xinh đẹp của dáng hình đất nước Việt có một điểm rất đặc biệt nằm ở phía Bắc – đó là mũi Sa Vĩ, thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đây chính là nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ hình chữ S; là khởi điểm cho đường bờ biển dài 3.260km của nước ta. Nơi đây cũng kết thúc đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài 1.449,566 km (bắt đầu là cột mốc số 0 tại A Pa Chải, tỉnh Điện Biên). Điều thú vị nữa là mũi Sa Vĩ còn là điểm cực Đông của miền Bắc, nơi đón ánh nắng mặt trời trên đất liền sớm nhất ở khu vực này.

Chạm tay vào dấu ấn nơi địa đầu tổ quốc

Mũi Sa Vĩ còn gọi là mũi Gót. Dấu ấn mốc địa đầu tổ quốc nằm ở tọa độ 21° 29′ 32.7″N (vĩ độ Bắc), 108° 04′ 6.4″E (kinh độ Đông), đánh dấu bằng cột cây số đơn giản như mọi cây số khác dọc miền đất nước, nhưng thông tin trên đó rất ý nghĩa. Nếu đứng hướng mặt về Nam sẽ nhìn thấy phía cột ghi khoảng cách đến mũi Cà Mau, nghĩa là từ Sa Vĩ đến Cà Mau là 3260km. Nếu đứng hướng mặt về Bắc sẽ đối diện phía cột ghi “Tràng Vĩ”, chính là vị trí này. Địa danh của hai mốc trên chữ S được ghi cùng một nơi, cảm giác khoảng cách giữa hai đầu tổ quốc dường như rút ngắn lại, dáng hình đất nước hiện ra thật bình dị và gần gũi.

Bên cạnh đó là bức phù điêu hình ba ngọn cây phi lao, hay còn gọi là cây dương, bên trên ghi lại câu thơ nổi tiếng vẽ nên chiều dài đất nước của nhà thơ Tố Hữu “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”

Hùng vĩ thay toàn thân đất nước
Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa
Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước
Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa

(Vui thế hôm nay – Tố Hữu)

Từ điểm này đi thêm tầm 20m đến cuối đường rồi phóng tầm mắt ra sẽ thấy cửa sông Bắc Luân đổ ra biển. Ở cửa sông này có một rẻo đất nhỏ gọi là hòn Dậu Gót, trên đó có cột mốc 1378 thiêng liêng – cột mốc cuối cùng của đường biên giới Việt – Trung. Muốn đến 1378, bạn phải làm thủ tục xin phép Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ninh, sau đó đồn biên phòng Trà Cổ sẽ sắp xếp dẫn ra thăm mốc. Tuy nhiên, vì lý do an ninh nên lần đi này tụi tui chỉ có thể thèm thuồng ngắm cột mốc từ xa.

Cột mốc 1378 (khoanh đỏ) nhìn từ Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ

Đài quan sát Tràng Vĩ, Đồn biên phòng Trà Cổ.

Đứng phía cuối con đường này cũng có thể nhìn thấy rừng phi lao xanh mướt trên bãi cát sẫm màu của biển Trà Cổ. Lúc thủy triều xuống, ở đây nổi lên một dải cát uốn lượn như đuôi rồng nên nhiều người bảo rằng tên gọi “Sa Vĩ” xuất phát từ hình ảnh này.

Sau tấm bảng “Vành đai biên giới” là bãi cát biển Trà Cổ.

Ấn tượng biểu trưng tổ quốc ở vùng biên

Cách mốc địa đầu tổ quốc khoảng 100m là cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, rộng đến 16 nghìn m2, được xây dựng từ năm 2009 đến năm 2013. Công trình mang biểu trưng tổ quốc nơi vùng biên này đã được trao giải “Sản phẩm du lịch bền vững thành thị ASEAN 2020”.

Ngay cổng vào, bên cạnh quầy bán vé là gian trưng bày, giới thiệu và bán các đặc sản địa phương. Bước qua cổng này là khu vực trung tâm với điểm nhấn là công trình mang hình tượng cây dương Trà Cổ. Có 8 lá dương khổng lồ màu xám, mỗi lá cao 27m được đúc bằng bê tông vĩnh cửu, mạ một lớp kẽm trên bề mặt để có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt của vùng đất này. Các lá dương xếp xen kẽ nhau thành một hình tròn mạnh mẽ vươn thẳng lên trời cao, hiên ngang trước đầu sóng ngọn gió.

Từ bao đời qua, cây dương vẫn kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió như sự bền bỉ và trường tồn của mảnh đất và con người Trà Cổ. Chính vì điểm này nên nó được chọn làm biểu tượng và xuất hiện trong khá nhiều kiến trúc ở đây, kể cả trên hàng rào.

Có cầu thang đi phía trong men theo các lá dương lên ban công. Từ trên cao lộng gió này, bạn có thể thoải mái ngắm nhìn toàn cảnh mũi Sa Vĩ – nơi địa đầu tổ quốc.

Ban công tầng thượng rất rộng rãi.

Bao quanh các lá dương là vành đai bê tông có chu vi 200m, cao 6m. Những trụ đỡ của vành đai có hình điêu khắc chim lạc và các biểu tượng khác. Mặt ngoài vành đai khảm sứ mô tả các hoạt động truyền thống của nước ta, chính giữa là trống đồng Đông Sơn.

Nhìn bạn tui đứng bên cạnh là thấy các trụ đỡ và chân lá dương vững chãi như thế nào.

Nhìn từ xa, sự hòa quyện giữa vành đai và lá dương chính là hình ảnh về giá trị văn hóa đang tôn lên, che chở cho lá dương, cũng chính là bảo vệ cho sự vững bền nơi địa đầu tổ quốc. Với kiến trúc đặc biệt và độc đáo này, công trình cụm thông tin cổ động biên giới cùng với cột mốc tọa độ và phù điêu ngọn dương xanh đã trở thành một trong các biểu tượng của Sa Vĩ.

Phía trước công trình này là quảng trường với hai hàng trụ đá nối từ cổng đến cụm lá dương; phía sau là dãy trụ đá xếp hình bán nguyệt. Toàn bộ là đá tự nhiên lấy từ Hoa Lư (Ninh Bình). Có một bản sao của mốc địa đầu tổ quốc được đặt ở đây.

Hơn chục tấm mới có được một tấm trọn vẹn lá cờ. 

Giá vé tham quan: 20k/người lớn, 10k/trẻ em.

Đọc thêm: Ghé thăm đình Trà Cổ, cột mốc văn hóa vùng biên

Đường đến mũi Sa Vĩ

Nếu từ thành phố Móng Cái: Mũi Sa Vĩ cách trung tâm thành phố Móng Cái khoảng 14km. Vào đường Trần Nhân Tông rồi đi thẳng => đến ngã ba có biểu tượng du lịch Trà Cổ – Bình Ngọc lại tiếp tục đi thẳng, lúc này tên đường đổi thành đường Tràng Vĩ => đi đến cuối đường chính là mũi Sa Vĩ.

Nếu từ thành phố Hạ Long:  Mũi Sa Vĩ cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 180km.

  • Nếu theo quốc lộ 18 (khoảng hơn 3 tiếng) => đến Móng Cái gặp vòng xoay ngã 4 Quốc lộ 18 (Đại lộ Hòa Bình) – Hùng Vương – Trần Nhân Tông => đi vào đường Trần Nhân Tông rồi đi thẳng như trên.
  • Nếu đi theo cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (hơn 2 tiếng) => đến Móng Cái, gặp vòng xoay Trần Nhân Tông (khác vòng xoay phía trên nha bạn) thì rẽ phải vào đường Trần Nhân Tông rồi đi thẳng như trên.

Phương tiện di chuyển

Hà Nội – Quảng Ninh hiện nay có rất nhiều chuyến xe Limousine 9 chỗ, ghế ngồi rộng rãi, khăn nước miễn phí, đắt hơn một xíu nhưng sẽ đỡ mệt hơn đi xe thường. Các xe thường đi cao tốc nên giá hơi cao nhưng tiết kiệm thời gian. Có xe còn lắp máy massage trên ghế ngồi nên đi khá thoải mái. Một số xe đi tốt hiện nay là Hoàng Phú, Trung Thành, Nhật Hồng, Đức Trọng, Kalong, An Bình… Tui đã trải nghiệm Hoàng Phú, Trung Thành mấy lần và đều thấy ổn nha.

  • Tuyến Hà Nội – Móng Cái: đi khoảng 3h30, giá 450-500k.
  • Tuyến Hà Nội – Hạ Long: đi khoảng 2h30, giá 220-300k.
  • Tuyến Hạ Long – Móng Cái: đi khoảng 2h, giá 250-300k.

Đến Móng Cái thì bạn thuê xe máy đi tiếp tới Trà Cổ cho chủ động và tiện đường ngắm cảnh hơn nhé. Đường từ Móng Cái xuống Sa Vĩ khá đẹp, trải nhựa chạy bon bon. Hai bên đường, có đoạn bãi sú, đước trải dài, cạnh dòng Ka Long lững lờ trôi.

 

Chắc chắn rằng, những trải nghiệm đặc biệt tại mũi Sa Vĩ sẽ càng hun đúc tình yêu tổ quốc trong tim mỗi người và đây sẽ là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình về miền biên cương đất nước.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *