Khám phá Trà Cổ, miền đất cực đông bắc Việt Nam 

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, chặng cuối cùng trong tuyến cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh hoàn thành đã giúp chặng đường từ Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long đến Móng Cái được rút ngắn 1-2 tiếng. Từ đây cũng mở ra thêm nhiều cơ hội du lịch cho thành phố vùng biên này. Ghé Móng Cái bạn đừng bỏ qua bán đảo Trà Cổ, nơi sở hữu một trong những đường bờ biển dài nhất Việt Nam cùng nhiều điểm đến cực kỳ đặc biệt khác.

Di chuyển đến Trà Cổ

Nếu từ thành phố Hạ Long:  Phường Trà Cổ cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 180km.

  • Nếu theo quốc lộ 18 (khoảng hơn 3 tiếng) thì đến Móng Cái gặp vòng xoay ngã 4 Quốc lộ 18 (Đại lộ Hòa Bình) – Hùng Vương – Trần Nhân Tông => đi vào đường Trần Nhân Tông => rồi đi thẳng đến ngã ba có biểu tượng du lịch Trà Cổ – Bình Ngọc.
  • Nếu đi theo cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (khoảng 2 tiếng) => đến Móng Cái, gặp vòng xoay Trần Nhân Tông (khác vòng xoay phía trên nha bạn) thì rẽ phải vào đường Trần Nhân Tông => đi thẳng đến ngã ba có biểu tượng du lịch Trà Cổ – Bình Ngọc.
  • Từ ngã ba có biểu tượng du lịch Trà Cổ – Bình Ngọc => đi thẳng theo đường Tràng Vĩ khoảng hơn 1km là đến Trà Cổ.

Nếu từ thành phố Móng Cái: Trà Vĩ cách Móng Cái khoảng 8km. Từ Móng Cái đi vào đường Trần Nhân Tông => đến ngã ba có biểu tượng du lịch Trà Cổ – Bình Ngọc => đi thẳng theo đường Tràng Vĩ là đến Trà Cổ.

Góc nhỏ: Ngày 1/9/2018, Quảng Ninh đã khánh thành đoạn cao tốc đầu tiên của tỉnh nối liền Hạ Long với Hải Phòng. Ngày 1/9/2022, đoạn cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km, tuyến Vân Đồn – Móng Cái đã thông xe. Đây là một con đường rất nên đi, vừa tiết kiệm quãng đường, thời gian di chuyển và có phong cảnh hai bên đẹp nhất trong các tuyến cao tốc hiện nay. Có những đoạn chạy bon bon giữa hai hàng cây, có đoạn băng băng vượt biển. Cao tốc này cũng đã phát sinh thêm một số cây cầu để bảo vệ hàng nghìn ha rừng ngập mặn.

Phương tiện di chuyển

Hà Nội – Quảng Ninh hiện nay có rất nhiều chuyến xe Limousine 9 chỗ, ghế ngồi rộng rãi, khăn nước miễn phí, đắt hơn một xíu nhưng sẽ đỡ mệt hơn đi xe thường. Các xe thường đi cao tốc nên giá hơi cao nhưng tiết kiệm thời gian. Có xe còn lắp máy massage trên ghế ngồi nên đi khá thoải mái. Một số xe đi tốt hiện nay là Hoàng Phú, Trung Thành, Nhật Hồng, Đức Trọng, Kalong, An Bình… Tui đã trải nghiệm Hoàng Phú, Trung Thành mấy lần và đều thấy ổn nha.

  • Tuyến Hà Nội – Móng Cái: đi khoảng 3h30, giá 450-500k.
  • Tuyến Hà Nội – Hạ Long: đi khoảng 2h30, giá 220-300k.
  • Tuyến Hạ Long – Móng Cái: đi khoảng 2h, giá 250-300k.

Đến Móng Cái thì bạn thuê xe máy đi tiếp tới Trà Cổ cho chủ động và tiện đường ngắm cảnh hơn nhé.

Bãi biển hoang sơ

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho bán đảo Trà Cổ một bãi biển tuyệt đẹp, uốn cong hình cánh cung, bắt đầu từ mũi Sa Vĩ (phường Trà Cổ) ở phía Bắc đến mũi Ngọc (phường Bình Ngọc) ở phía Nam. Không gian thoáng đãng nhưng nhìn ngút tầm mắt vẫn không thấy điểm cuối của đường bờ biển dài 17km này. Nép mình dưới những rặng phi lao xanh mát, những dây muống biển hoa tím đợi chờ là bãi cát trắng mịn màng. Gần đó, ở khu vực sông Ka Long và Bắc Luân đổ ra biển còn có hệ thống sinh thái rừng ngập mặn trải dài.

Nằm cách xa khói bụi thành phố nên biển Trà Cổ vẫn giữ được nhiều nét đẹp tự nhiên. Nhiều đoạn có bãi cát khá rộng, mịn màng, tha hồ cho du khách thoải mái vui chơi. Nếu đến Cồn Mang, bạn còn có thể tha hồ chạy nhảy, thậm chí đi xe trên bờ biển mà không sợ bị lún vì cát ở đây rất mịn nên nền đất được nén lại khá chắc cứng. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để ngắm bình minh và hoàng hôn ở Trà Cổ. Ngồi trên những phiến đá đen lớn nằm rải rác trên bờ biển, nghe tiếng sóng ru bãi cát, thưởng thức khoảnh khắc đặc biệt trong ngày sẽ để lại nhiều ấn tượng thú vị cho du khách.

Chiêm ngưỡng mũi Sa Vĩ – cột mốc địa đầu tổ quốc

Mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ. Từ ngã ba Trà Cổ – Bình Ngọc, bạn đi thẳng theo đường Tràng Vĩ khoảng 7km, đến cuối đường chính là mũi Sa Vĩ.

Dấu ấn mốc địa đầu tổ quốc ở mũi Sa Vĩ đặt ở tọa độ 21° 29′ 32.7″N (vĩ độ Bắc), 108° 04′ 6.4″E (kinh độ Đông). Vị trí này được đánh dấu bằng cột mốc tọa độ, một mặt ghi địa danh Tràng Vĩ (nếu bạn đứng hướng về phía Bắc), mặt còn lại ghi khoảng cách 3.260km đến mũi Cà Mau (nếu bạn đứng hướng về phía Nam). Cạnh đó là bức phù điêu hình ba ngọn cây phi lao xanh, còn gọi là cây dương, trên đó ghi lại câu thơ nổi tiếng “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước” của nhà thơ Tố Hữu. Từ đây đi thêm tầm 20m đến cuối đường là vành đai biên giới, xa xa là cột mốc 1378 nằm trên hòn Dậu Gót. Cột mốc 1378 không chỉ là cột mốc hiếm hoi nằm ngay cửa sông Bắc Luân giữa mênh mông sóng nước, mà đây còn là cột mốc kết thúc của đường biên giới Việt – Trung.

Đọc thêm: Tự hào mũi Sa Vĩ – nơi địa đầu tổ quốc

Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ

Gần mũi Sa Vĩ là Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, rộng 16.000 m2, khởi công năm 2009 và hoàn thành năm 2013. Công trình mang biểu trưng tổ quốc nơi vùng biên này đã được trao giải “Sản phẩm du lịch bền vững thành thị ASEAN 2020”.

Trong sân công trình này rất rộng rãi, có thể tổ chức nhiều hoạt động tập thể. Nhà quản lý ở đây còn chu đáo đặt nhiều ghế đá, các thiết bị vui chơi của trẻ em cho du khách mọi lứa tuổi dừng chân nghỉ ngơi. Ngay khu dịch vụ, du khách có thể lựa chọn những món quà lưu niệm và đặc sản của Móng Cái.

Bên trong biểu tượng lá dương – điểm nhấn của công trình cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ.

Đình Trà Cổ

Đường Tràng Vĩ không thẳng băng từ đầu đến cuối mà có một khúc cua 90 độ cách ngã ba Trà Cổ – Bình Ngọc hơn 1km. Từ đây đi thêm khoảng 200m, rẽ trái ở ngã tư đầu tiên => đi 100m là đến đình Trà Cổ cũng nằm bên tay trái.

Đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 – năm 1461, dưới thời vua Lê Thánh Tông (là vị vua trị vì lâu nhất thời Hậu Lê – giai đoạn Lê Sơ). Đình mang ý nghĩa đặc biệt bởi ngoài giá trị kiến trúc, lễ hội, đây còn là công trình tín ngưỡng được xây dựng quy mô tại thời điểm đó nơi địa đầu tổ quốc để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước. Tính đến nay, đình Trà Cổ cùng với đình Bảng (Bắc Ninh) là 2 đình cuối cùng ở nước ta vẫn còn bộ ván sàn gỗ.

Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra vào 30/5 – 3/6 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm dấu ấn của vùng biển. Nghi thức rước thần trên biển, hội thi Ông Voi (là cuộc thi giữa 12 con lợn của 12 ông cai đám được chăm sóc cẩn thận) là những nét đặc trưng văn hóa mà du khách không nên bỏ qua khi tham gia lễ hội. Với giá trị đó, năm 2019, lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đình Trà Cổ cũng chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Cường viết nên ca khúc “Mái đình làng biển”.

Đọc thêm: Ghé thăm đình Trà Cổ, cột mốc văn hóa vùng biên

Nhà thờ Trà Cổ

Thay vì rẽ trái ở ngã ba để đi vào đình Trà Cổ, bạn đi thẳng thêm khoảng 2.7km theo đường Tràng Vĩ sẽ đến nhà thờ Trà Cổ, cũng nằm bên tay trái.

Nhà thờ Trà Cổ nằm ở xóm Tràng Lộ, nên còn gọi là nhà thờ Tràng Lộ. Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào năm 1857, gồm 7 gian bằng gỗ nên còn gọi là Nhà thờ gỗ lim. Sau nhiều lần sửa chữa, mở rộng, năm 2017 nhà thờ Trà Cổ đã được hạ giải để xây dựng lại cho phù hợp với nhu cầu của giáo dân. Nhà thờ mới được làm trên nền móng của ngôi thánh đường cũ, thiết kế hình chữ thập. Nhà thờ dài 68m, rộng 18m, hai cánh hình chữ thập gian cung thánh rộng 24m. Tổng diện tích nhà thờ lên đến 800m2, có thể chứa đến 1000 người cùng tham dự lễ. Để bảo tồn những dấu ấn văn hóa xưa, công trình mới vẫn giữ lại những hoa văn, họa tiết của nhà thờ cũ nhưng được làm quy mô hơn. Phong cách Gothic là kiến trúc chủ đạo ở đây với những vòm cung nhọn hướng lên bầu trời, kèm nhiều ô cửa sổ lấy sáng. Tháp chuông cao vút đến 46.5m cũng là đặc trưng của Gothic, bên trong còn lưu giữ quả chuông hơn 80 năm tuổi.

Với những điểm du lịch độc đáo như trên, Trà Cổ thật sự là một điểm đến không thể bỏ qua. Còn gì thú vị hơn khi được dạo bước trên bãi cát trắng mịn, bên làn nước biển xanh trong, ngắm những tia nắng đầu tiên rót lên dải đất miền Bắc, hay chạm vào những cột mốc đầy tự hào của quê hương. Trà Cổ vẫn đang chờ bạn đến khám phá vẻ đẹp nên thơ của miền đất nơi địa đầu tổ quốc.

Từ cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ nhìn ra cửa sông Bắc Luân, nơi có cột mốc 1378.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *