Rồng là loài vật linh thiêng và những năm Rồng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử nước ta.
– Năm Mậu Thìn 248: Nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa ở vùng núi Dưa và núi Quan Yên (Thanh Hóa) chống quân xâm lược Đông Ngô. Khi được khuyên lấy chồng, bà trả lời: “Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
– Năm Mậu Thìn 548: Lý Nam Đế (Lý Bí) mất. Ông đã đánh đuổi quân nhà Lương, giành quyền độc lập, lên ngôi vua, lấy hiệu là Lý Nam Đế và đặt tên nước là Vạn Xuân.
– Năm Mậu Thìn 968: Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), mở đầu triều đại nhà Đinh.
Trước đền vua Đinh ở Hoa Lư (Ninh Bình).
– Năm Canh Thìn 980: Tháng 8/980 Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đánh giặc Tống khi chúng đem quân sang xâm chiếm nước ta. Sau đó ông lên ngôi, xưng là Đại Hành Hoàng đế; đặt niên hiệu là Thiên Phúc, mở đầu triều đại Tiền Lê.
– Năm Canh Thìn 1040: Vua Lý Thái Tông xuống chiếu dùng gấm vóc trong nước để may lễ phục cho vua quan trong triều, không được dùng gấm vóc của nước ngoài để “giữ đức kiệm ước, không quý vật lạ”. Vua Lý Thái Tông (Lý Phật Mã) là vị vua thứ 2 của triều Lý, trị vì 1028-1054.
– Năm Nhâm Thìn 1052: Vua Lý Thái Tông lệnh cho đúc một quả chuông lớn đặt ở gần cung đình và cho phép dân, ai có oan ức muốn bày tỏ thì đánh chuông để tâu lên nhà vua.
Trước Thủy đình Đền Đô ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Đền Đô (Đền Lý Bát Đế) là nơi thờ các vị vua nhà Lý.
– Năm Bính Thìn 1076:
- Đầu tháng 3/1976, Lý Thường Kiệt tập kích bất ngờ đánh chiếm thành Ung Châu thành công. Cuối năm, giặc Tống tràn sang nước ta. Lý Thường Kiệt lập chiến tuyến ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) đánh thắng giặc Tống. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” xuất hiện từ đó. Lý Thường Kiệt (1019-1105) làm quan qua 3 đời vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.
- Dưới thời vua Lý Nhân Tông, trường Quốc Tử Giám, đại học đầu tiên ở nước ta được xây dựng.
– Năm Mậu Thìn 1148: Đầu xuân, vua Lý Anh Tông đích thân ra cày ruộng (cày tịch điền) ở Lý Nhân (Hà Nam) để làm gương và động viên dân chúng.
– Năm Nhâm Thìn 1232: Nhà Trần mở khoa thi thái học sinh, chọn người tài.
– Năm Giáp Thìn 1244: Vua Trần Thái Tông cải tổ lại hành chính và cho nghiên cứu Hình Luật.
Tháp Phổ Minh xây dựng năm 1305, đời vua Trần Anh Tông, vị vua thứ 4 nhà Trần. Tháp nằm trong chùa Phổ Minh (Nam Định).
– Năm Canh Thìn 1400: Triều Trần suy yếu, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần, lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà Hồ (1400-1407), đặt tên nước là Đại Ngu.
– Năm Mậu Thìn 1448: Vua Lê Nhân Tông có dụ răn giới quan lại phải liêm khiết, không mượn tiếng việc công để lo việc tư. Khi xét kiện, không được nhận hối lộ mà bẻ cong phép nước. Một viên quan lại ẩn lậu 5 quan tiền thuế đã bị xử tội chết.
– Năm Canh Thìn 1460: Lê Tư Thành lên ngôi vua lúc 18 tuổi, xưng là Lê Thánh Tông, vị vua thứ 4 của nhà Hậu Lê; đặt niên hiệu là Quang Thuận, năm 1470 đổi niên hiệu là Hồng Đức. Vương triều này cực thịnh, thực hiện được nhiều cải cách về kinh tế, chính trị, văn hóa; là người đã minh oan cho Nguyễn Trãi, sáng lập ra hội Tao Đàn gồm 28 vị đại thần khoa bảng, gọi là Nhị thập bát tú, mà ông đích thân làm Tao Đàn đô nguyên soái. Bờ cõi nước Đại Việt giai đoạn này mở rộng vào tận núi Thạch Bi, Đại Lãnh, ban hành Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật, Lê triều hình luật) năm 1483, cho vẽ Hồng Đức bản đồ, đặt lệ dựng bia ghi tên các tiến sĩ ở Văn Miếu. Ngoài việc trị nước, ông còn là một nhà thơ tài hoa, để lại nhiều tác phẩm văn học sáng giá, đặc biệt là Hồng Đức quốc âm thi tập…
– Năm Giáp Thìn 1484: Vua Lê Thánh Tông cho lập bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu (Thăng Long) để khắc ghi tên tuổi các vị đỗ tiến sĩ từ khoa Đại Bảo thứ ba đến 1484.
Bia tiến sĩ bằng gốm Thanh Hà.
– Năm Nhâm Thìn 1592: Nhà Trịnh phò Lê đánh bại nhà Mạc, chấm dứt cuộc nội chiến Nam – Bắc, thống nhất quốc gia.
– Năm Giáp Thìn 1784: Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút của quân Tây Sơn, đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược.
– Năm Canh Thìn 1940: Ngày 23/11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ và lan rộng, làm tan rã chính quyền địch tại một số địa phương.
– Năm Giáp Thìn 1964: 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt, kêu gọi toàn dân Việt Nam đoàn kết chống xâm lược. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ và tiến hành đánh phá miền Bắc bằng không quân.
Mô hình Tiêm kích Mig-21 (ảnh trên) và Tên lửa Sam 2 (S-75 Dvina) (ảnh dưới) của không quân Việt Nam đánh bại không quân Mỹ năm 1972. Ảnh: facebook Én bạc Hobby Store.
– Năm Bính Thìn 1976: Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Tháng 6-1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội quyết định đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Lao động Việt Nam quyết định đổi tên đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Năm Mậu Thìn 1988:
- 14/3/1988 vòng tròn bất tử – Gạc Ma.
- Tháng 4/1988 Khoán 10 (Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị) gỡ trói cho nông nghiệp khi xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, có quyền chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm bán cho Nhà nước theo giá thỏa thuận, không bị áp đặt về số lượng như trước.
- Tháng 12/1987 Luật Đầu tư của nước ngoài đầu tiên được ban hành.
- Hàng hóa được lưu thông tự do giữa các địa phương trong cả nước, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông trong nước, theo Quyết định số 80-CT tháng 8/1987 của Thủ tướng Chính phủ.
Tượng đài kỷ niệm sự kiện Gạc Ma tại Cam Ranh (Khánh Hòa) trong ráng chiều.
– Năm Canh Thìn 2000:
- Tháng 4/2000, lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam – Festival Huế đã diễn ra trong 12 ngày.
- Ngày 20/7/2000 Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM – HOSE) khai trương, mở ra thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Năm 2000 nước ta lần đầu rơi vào tình trạng giảm phát với chỉ số lạm phát âm 0,6%.
– Năm Nhâm Thìn 2012:
- Ngày 6/12/2012 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là di sản tín ngưỡng đầu tiên của thế giới được UNESCO công nhận.
- Sau 20 năm kể từ năm 1993, lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu với giá trị 284 triệu USD.
- Ngày 23/12/2012, khánh thành Thủy điện Sơn La (xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) sau 7 năm xây dựng với công suất lắp đặt 2.400 MW; đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á tính đến nay.
Và bạn chờ đón điều gì trong năm Giáp Thìn 2024?
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |