Nếu như hang Dơi (làng K8, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định) khiến tui ồ wow về sự rắn chắc của những khối đá úp ngược thì Tà Kơn lại gây ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ai mà có thể tưởng tượng được giữa thẳm sâu núi rừng lại có một tuyệt tác như nghệ thuật sắp đặt tồn tại cả triệu năm như vậy.
Địa chỉ: Thành Tà Kơn nằm ở làng K8, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định; cách trung tâm Quy Nhơn hơn 110km, cách thác Dơi khoảng 5km.
Sắc màu huyền thoại
Trong thẳm sâu đại ngàn ở làng K8 (trước là làng Kon Blo), có một bức tường đá rất dài, từng khối đá xếp tầng tầng lớp lớp chạy dọc theo sườn núi và ôm lấy núi vào lòng trông như một thành lũy tự nhiên. Theo ngôn ngữ bản địa, “Tà Kơn” nghĩa là chồng lên nhau, đúng như hình dáng của dãy đá. Từ đó, bức tường đá được là thành Tà Kơn. Xưa kia, đây vốn là nơi sinh sống của đồng bào Ba Na Kriêm nên Tà Kơn đã đi vào lịch sử Ba Na như một truyền thuyết. Không chỉ xuất hiện ở tiếng nói mà kho tàng chuyện cổ (khan roi) cùng sử thi Ba Na (khan hơmon) cũng nhắc đến địa danh này. Trong những lời hát đêm đêm bên ánh lửa nhà sàn, Tà Kơn được kể đến như một thành trì vững chắc, nơi chứng kiến bao trận đánh oai hùng của bà con Ba Na.
Đường đến thành cổ Tà Kơn
Từ UBND xã Vĩnh Sơn, đi theo con đường lộ chính hơn 7km sẽ đến trạm gác của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh. Một là bạn hỏi chị google map; hai là cứ men theo đường lộ lớn đi đến khi nào thấy có gác barie của trạm kiểm lâm bên tay trái; ba là chạy một hồi thấy tấm bảng này thì dừng lại, nhìn sang tay trái là đúng điểm cần rẽ rồi.
Từ đây xe lớn không vào được nên tụi tui rời ô tô, chuyển sang xe máy. Nhiều năm về trước, muốn đến Tà Kơn phải trekking qua rừng già và chỉ dành cho khách đủ sức khỏe. Bây giờ, để thúc đẩy phát triển du lịch, năm 2022 lối mòn xuyên đại ngàn xưa đã được thay bằng một con đường bê tông láng o, rộng 2m, dài 3.3km nối từ đường lớn vào thành Tà Kơn. Từ trên cao nhìn xuống, đó là một vệt trắng nhỏ uốn lượn mềm mại rồi biến mất dưới màu xanh dày đặc của cây rừng. Nếu có thời gian, bạn có thể trekking trên con đường này để tận hưởng những điều thú vị của thiên nhiên. Anh hướng dẫn người địa phương nói với tui, trước kia, khi vẫn còn đường mòn, đến mùa hoa lộc vừng nở, đi vào rừng là cả thảm đỏ vương đầy dưới chân cùng hương hoa bảng lảng trong không gian thanh mát. Bây giờ, có đường mới dễ di chuyển hơn nhưng lộc vừng cũng thưa thớt đi nhiều.
Những thân cây cổ thụ cao chót vót được bắt gặp khắp nơi.
Dọc hai bên đường, những cây sang, thị, đa… cao ngất đứng lắc lư trong gió. Trên thân cây có gắn bảng tên, hẳn là để cơ quan kiểm lâm dễ quản lý, còn với tui thì rất thích bởi nhờ đó mà biết thêm vài em cây cỏ nữa. Càng đi vào trong, cây càng cao, hương trong lành của thiên nhiên càng nồng đậm. Con đường vắng vẻ, chỉ có đoàn tụi tui đi qua. Tiếng ve sầu đầu hạ kêu râm ran hòa trong tiếng lá rì rào. Không gian mát rượi, gió vi vút bên tai, vài tia sáng yếu ớt lọt qua kẽ lá. Thật sự chỉ có mê tít chứ không thể hơn.
Đường tuần tra bảo vệ rừng Khu di tích thành đá Tà Kơn.
Chiếc xe máy về số 1, giật khục rồi chồm lên đoạn dốc dài; lát sau lại xổ băng băng xuống dốc. Chỉ độ 10 phút là đã đến điểm dừng chân, ở đây có tấm bảng đá granit giới thiệu về thành Tà Kơn – Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, xếp hạng vào ngày 25/12/2013.
Tại đây, tiếp tục đi bộ xuống những bậc tam cấp dựng đứng để ngắm rõ hơn thành Tà Kơn. Các bậc được xây dựng kiên cố, bề ngang gần 2m, lan can hai bên là dây thừng bện chắc chắn. Con đường này ôm sát thành đá, kéo dài đến khu vực đủ an toàn để khai thác du lịch.
Bậc tam cấp tạo thành lối đi thơ mộng sát thành đá.
Bí ẩn trầm tích đá giữa rừng sâu
Dạo gần đây sau câu chuyện sáp nhập tỉnh, người ta vẫn hay trêu “biển Gia Lai”. Tui lại nghĩ biết đâu điều đó là sự thật bởi cách đây cả triệu năm, rất có thể vùng Vĩnh Sơn này cũng mấp mé biển. Thế nên khi những đợt núi lửa phun trào, nham thạch nóng gặp nước biển lạnh mới tạo nên những cột đá khổng lồ ở Hang Dơi, Tà Kơn như đã gặp ở Gành Đá Đĩa (Phú Yên). Sau này các đợt biển tiến, biển thoái mới đẩy một vùng ngập nước lên cao thành lục địa như hiện nay.
Quả thật, theo các nhà địa chất, vùng Vĩnh Sơn xưa thuộc trầm tích của kỷ Đệ Tứ có niên đại cách đây 1.8 – 2 triệu năm. Một số hiện vật từng được khảo sát ở đây gợi lên giả thuyết Vĩnh Sơn chính là bậc thềm biển nhiều triệu năm về trước. Có thể chính vì thế mà trong truyện cổ Ba Na về chàng Đrum, Đrăm mới có trận quyết chiến tại thành Tà Kơn nhưng lại liên quan đến biển (Bạn nhớ kéo xuống cuối bài này để đọc các truyện cổ nhé).
- Góc nhỏ: Kỷ Đệ Tứ, còn gọi là kỷ băng hà Đệ Tứ nối tiếp sau kỷ Đệ Tam và kéo dài đến ngày nay. Kỷ Đệ Tứ bắt đầu cách đây 2.588 triệu năm (bao gồm cả bậc Gelasian, trước đây được coi là một phần của Pliocen) và gồm các thống Pleistocen (2.588 triệu năm – 11.7 nghìn năm) và Holocen (từ 11.7 nghìn năm đến nay). Giai đoạn này có mối quan hệ chặt chẽ với sự hình thành và phát triển loài người nên còn gọi là kỷ Nhân sinh.
Kỳ vĩ thành đá giữa mênh mông đại ngàn
Men theo bậc tam cấp đi xuống, tui đến gần hơn với chân thành Tà Kơn. Sừng sững giữa trời là những cột đá khổng lồ, thẳng đứng cao đến 30, 40m, dán chặt vào vách núi. Trụ hình chữ nhật, trụ hình lục giác đủ kiểu nhưng không hề tạo ra độ vênh mà các cạnh như được mài giũa, ăn khớp một cách vừa vặn. Có trụ nguyên khối, có trụ lại được tạo thành từ những tảng đá nhỏ xếp chồng lên nhau. Tảng thì tròn mỏng như cái thớt, tảng thì vuông vức dày cui. Tảng nhỏ thì đường kính cỡ 3 gang tay, lớn là cả sải tay. Tảng nào tảng nấy đều được đẽo gọt gọn gàng như thể có bàn tay con người can thiệp vào. Từng khối từng khối xếp liền kề nhau, nối thành một bức tường đá dài. Dường như bà mẹ thiên nhiên đã tỉ mẩn rót từng khuôn nham thạch, chờ đông cứng thành đá rồi kết dính chúng lại thành một tuyệt tác hoàn mỹ. Giữa đại ngàn, bao nhiêu gió mưa đã luồn lách qua những khe đá, cuốn phăng cây rừng nhưng Tà Kơn vẫn không lay chuyển. Gió chỉ bào tròn vài góc cạnh và để lại những vệt trắng trên đá, còn độ hùng vĩ của thành thì vẫn trơ trơ cùng thời gian.
Vết phong hóa như những nốt trầm của thời gian in trên đá.
Có đoạn thành bị sập, đá đổ xuống đất, bề mặt khá phẳng như được dao sắt chém qua.
Xung quanh thành Tà Kơn được bao bọc bởi các cây cổ thụ cao vút, gốc bạnh ra thành những hình thù kỳ lạ. Có cây quấn quít lấy thành đá, bám lấy đá mà sống.
Với tui, khu vực tham quan hiện nay vẫn hơi ngắn so với độ hùng vĩ của thành Tà Kơn. Do vậy, hy vọng cơ quan quản lý tiếp tục mở rộng phạm vi được tham quan thì sẽ càng hấp dẫn hơn.
Sau lưng bạn nhỏ này là đã hết khu vực tham quan dù xung quanh vẫn còn thành đá và nhiều điều thú vị.
Lưu ý khi đi Tà Kơn
- Thời gian: Vĩnh Sơn nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, lại ở trong rừng với không gian thoáng đãng nên bạn có thể đến vào mùa nào cũng được.
- Trang phục: Trang phục thoải mái để đi rừng. Khi đi nên mang giày thấp, xăng đan hoặc giày thể thao là tốt nhất. Nếu muốn trekking sâu vào rừng thì bạn nên chuẩn bị thêm những trang phục và dụng cụ cần thiết để chống vắt (nếu có) nhé. May quá là đợt tui đi, trời hơi ẩm thấp nhưng không có con vắt nào.
Góc chụp nào ở Tà Kơn cũng thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên.
Dù có hơi cheo leo nhưng thành quả là những bức ảnh rất ưng ý.
- Tự túc hay đặt tour: Nếu bạn biết đường đi và đã quen với việc trekking thì hoàn toàn có thể chủ động đi lại. Tuy nhiên, tui nghĩ đã vào rừng thì nên đi theo nhóm sẽ có thể hỗ trợ nhau tốt hơn. Nếu không, tui khuyên bạn nên tìm người hướng dẫn địa phương, hoặc book tour để họ lo trọn gói, đảm bảo an toàn, tránh bị lạc đường và thuận tiện cho bản thân.
P/s: tụi tui mua tour trọn gói, giá tour đã bao gồm xe ô tô từ Quy Nhơn lên đến xe máy trung chuyển vào điểm tham quan + ăn trưa, của công ty THÍCH TOURS. Vẫn phải nói thêm rằng blog này được làm theo sở thích của các admin chứ không chạy quảng cáo gì nhé bà con.
Gợi ý hành trình du lịch
Ngoài thác Dơi và hang Dơi, khu vực lân cận ở Vĩnh Thạnh còn có nhiều điểm đến thú vị khác như thành cổ Tà Kơn, suối Tà Má, vườn hoa đào, vườn cam Nguyễn Huệ, hồ Định Bình, … mà bạn có thể tham quan gọn trong 1 ngày.
Đọc thêm: Hành trình đến Thác Dơi – trầm tích triệu năm ở Bình Định
Chuyện cổ về anh em nhà Trum, Trăm và Bia Tơni
Xưa kia, Tà Kơn là nơi trú ngụ của 3 anh em vua Trum, vua Trăm và công chúa Bia Tơni xinh đẹp. Ở vùng đất lân cận có vua Bok Tơpơnka mê đắm sắc đẹp của Bia Tơni nên ngỏ lời cầu hôn; nhưng công chúa đã nhanh chóng từ chối bởi nàng biết hắn là kẻ độc ác. Tức giận, Bok Tơpơnka kéo quân tiến đánh vào thành Tà Kơn; đến nơi cũng vừa lúc trời tối. Vua Trum và Trăm giả vờ yếu thế và thương lượng, hứa nấu cơm cho đối phương ăn lấy sức rồi mai sẽ giao chiến sau. Giặc đồng ý, món cháo nấu từ bí đao và sừng trâu được dọn lên. Địch ăn no nê, nhưng lát sau nước sừng trâu đặc quánh lại, căng lên, khiến quân địch thắt ruột mà chết. Bok Tơpơnka bỏ chạy thì bị vua Trum và Trăm giữ lại, yêu cầu tỉ thí nhưng không được đụng đến binh khí. Trận thứ nhất, mỗi bên thả một con sóc, con nào kêu to hơn thì bên đó thắng. Con sóc của Bok Tơpơnka không kêu được nên trận này hắn thua. Trận thứ hai thi gà trống gáy và Bok Tơpơnka tiếp tục thất bại. Bẽ mặt, Bok Tơpơnka hủy lời giao ước, lao vào đánh Trum nhưng chẳng mấy chốc đã thua tan tác và bỏ mạng. Chiến thắng toàn tập, cả 3 anh em nhà Trum rời khỏi thành Tà Kơn theo đường hầm dưới chân núi. Vua Trum và vua Trăm đi ra suối rồi biến mất giữa thác Dá Bda. Công chúa Bia Tơni đi về đồi Kôn Sơrut ở làng Kon Truch, nơi ấy sau này là vườn cam Nguyễn Huệ.
Chuyện cổ về anh em Đrum, Đrăm
Ngày xửa ngày xưa, người dân làng Kon Blo thường xuyên sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bởi năm nào cũng có giặc Tà Pông Kang tới cướp phá. Một hôm có anh em Đrum và Đrăm đến làng. Hai chàng có hòn đá mài của Bok Kei Dei, tương truyền là hòn đá thần, nếu dùng rựa mài lên đá này thì sẽ vô cùng sắc bén, chém đá như chém bùn. Dân làng theo Đrum và Đrăm vào rừng chọn những hòn đá to, nặng cả tấn rồi chẻ thành từng trụ lớn, gọt cho vuông vức, sau đó ghép từng khối, tạo một thành lũy bọc lấy ngọn núi. Bên trong thành, họ tiếp tục cắt đá xếp thành đường đi, dựng nhà, làm chuồng trâu chuồng bò, hầm cất lúa… xuyên từ núi ra ngoài. Bao lần, giặc Tà Pông Kang đem binh sang nhưng đều bị đánh trả quyết liệt.
Tà Pông Kang vô cùng tức giận, bèn lập mưu giả vờ xin kết nghĩa anh em với Đrum và Đrăm. Biết rõ lòng dạ của kẻ gian ác, anh em Đrum và Đrăm bàn với Bok Ria nấu cháo để đãi quân lính Tà Pông Kang. Họ sai người đem sừng trâu nấu cùng bí đao thành món cháo hấp dẫn. Phe địch thấy ngon nên ăn lấy ăn để. Đến đêm, nước cốt từ sừng trâu quánh lại khiến chúng bị chướng bụng, chết rất nhiều. May mắn Tà Pông Kang nôn ra được nên thoát chết, hắn bỏ trốn đi rất xa. Anh em Đrum và Đrăm cùng dân làng Kon Blo vô cùng vui mừng. Từ đó dân làng yên tâm làm ăn sinh sống bởi giặc không thể nào vượt qua được dãy thành Tà Kơn cao vời vợi này.
Một hôm nọ, hai chàng cùng dân làng đi săn. Đi từ sáng đến trưa, ai nấy đều mệt mỏi mà không gặp được con thú nào. Họ bèn nghỉ chân bên bờ suối. Chợt có tiếng khóc trẻ con theo gió vọng lại. Mọi người túa ra tìm kiếm. Mãi sau cùng mới thấy tiếng khóc vọng ra từ ngọn một cây cau đang nở hoa thơm bát ngát. Đrum và Đrăm cùng trèo lên gỡ mo cau xuống, bên trong có một bé gái xinh xắn. Hai anh em đem bé về nuôi và chăm sóc như con. Khi cô bé lớn lên, họ đặt tên là Prai Pnang, nghĩa là nàng Hoa cau (có người kể là cô bé mang tên Bya Pkao Pnang). Càng lớn Prai Pnang càng xinh đẹp, làn da trắng sáng óng ánh, mái tóc đen dài chấm gót, người lúc nào cũng thơm như hương cau. Nàng rất siêng năng, giỏi giang, được dân làng yêu quý.
Tiếng đồn về nàng Prai Pnang bay đến Tà Pông Kang. Lão đem quân tới thành Tà Kơn đòi thi tài với Đrum và Đrăm. Nếu thua thì lão sẽ rút quân; còn nếu thắng thì Prai Pnang phải gả cho lão. Không có cách nào khác, Đrum và Đrăm buộc phải chấp nhận cuộc chơi. Lần đấu thứ nhất, dùng giỏ thưa xách nước từ suối lên nhà mà không chảy một hạt ra ngoài. Tà Pông Kang không những làm được mà còn lấy dao cắt nước như cắt thịt mỡ đem treo trên cây. Lần đấu thứ hai, trồng cây chuối từ vỏ. Cả 2 bên đều làm được, nhưng chuối của Tà Pông Kang còn trổ buồng, có nải đã chín và ăn được luôn. Lần đấu thứ ba, lấy cá khô đang phơi trên giàn bếp, đem nấu canh cho cá sống lại. Đrum và Đrăm bỏ cá khô vào nồi, con cá ngấm nước, mở mắt ra. Nhưng cá của Tà Pông Kang còn có thể bơi lội, đẻ con và nhảy ra khỏi nồi. Lần đấu thứ tư, nối lại cổ gà đã bị chặt đầu, cho nó sống lại. Đrum và Đrăm làm đúng như thế; nhưng Tà Pông Kang còn khiến gà gáy váng, bay lên đậu trên cành cây.
Chàng Đrum và Đrăm thua cuộc nhưng không chịu giao thành Tà Kơn. Họ dấu kỹ Prai Pnang dưới một dòng thác rồi thách đấu với Tà Pông Kang. Những cuộc giao chiến ác liệt bất kể ngày đêm, hết trận này đến trận khác. Hai anh em càng đánh càng khỏe, càng được dân làng hết lòng giúp sức. Đánh dưới đất hết chỗ thì họ cùng bay lên trời tiếp tục giao chiến; đánh nát núi rừng thì họ kéo nhau ra biển xa. Trong một trận ác liệt, Đrum và Đrăm đã dồn sức chặt đôi Tà Pông Kang, ném xuống biển. Hắn biến thành con cá sấu và tiếp tục đuổi đánh Đrum và Đăm. Hai anh em chặt một hòn đá lớn ném vào họng cá sấu. Đuôi nó quăng quật khắp nơi, đập vào thành Tà Kơn khiến thành bị sụt một mảnh, đá rơi ngổn ngang. Đuôi nó lại đập trúng nơi hai chàng đang đứng, khiến 2 chàng văng ra biển Đông và hóa thành những con cua.
Phía dưới lòng thác, xung quanh nàng Prai Pnang bốc lên một làn sương trắng như mây che phủ cả một thung lũng. Màn sương này đã che đôi mắt ác độc của Tà Pông Kang, khiến lão không tìm thấy nàng. Màn sương cũng che chở bao bọc cho cây xanh, làm dịu bớt những nỗi khổ của dân làng. Về sau, hàng năm nàng vẫn đến chỗ mảng thành bị vỡ, nơi hai anh em Đrum và Đrăm đã bỏ mình. Nàng lang thang khắp nơi tìm anh em Đrum và Đrăm. Mỗi nơi đi qua, nàng lại lập làng lập ấp rồi trồng cau dọc đường. Dân làng Kon Blo kể rằng trong hương cau dịu dàng, họ vẫn nghe thấy lời thì thầm của nàng Prai Pnang gửi đến anh em Đrum và Đrăm.
Sau này, người ta còn rỉ tai nhau rằng, trong vườn thành Tà Kơn còn có nhiều hoa quả phong phú, có thể hái ăn tại chỗ thoải mái nhưng tuyệt đối không được mang về. Nếu không, trời sẽ nổi cơn thịnh nộ, đổ mưa che kín lối ra cho đến khi nào để lại trái cây trong vườn.
Chuyện cổ về thần núi và nàng Hơ Bia
Câu chuyện cổ tích khác lại kể về Tà Kơn như chứng nhân của mối tình giữa thần núi và nàng Hơ Bia. Hơ Bia là bông hoa của núi rừng, còn thần núi sinh ra lại mang khuôn mặt xấu xí. Nàng thách chàng chinh phục 3 thử thách thì mới chấp nhận lời cầu hôn. Vượt qua những trắc trở, thần núi đã hoàn thành. Cảm mến trước tài năng của chàng, Hơ Bia đã đồng ý nên duyên vợ chồng. Cả 2 cùng nhau xây dựng một bức tường thành vững chãi, chính là thành Tà Kơn.
Tà Kơn thời Tây Sơn
Có người lại cho rằng thành Tà Kơn do chính người Ba Na cùng nghĩa quân Tây Sơn đã dựng nên để làm căn cứ từ những ngày đầu khởi nghĩa. Trên hành trình buôn trầu, ông Hai Trầu Nguyễn Nhạc đã đi dọc theo sông Kôn và khám phá ra địa điểm này. Ông cũng có một người thiếp thường gọi là cô Hầu, người Ba Na, là con của một già làng ở làng Tú Thủy (An Khê, Gia Lai). Ngày nay vẫn còn tồn tại di tích Vườn mít – cánh đồng cô Hầu – nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho nghĩa quân Tây Sơn. Thành Tà Kơn là cứ điểm bí mật của vùng Tây Sơn thượng đạo xưa. Phía dưới đó là dãy núi ông Nhạc (Nguyễn Nhạc), ông Bình (Nguyễn Huệ), nơi Tây Sơn ém quân cho trận đánh Phủ thành Quy Nhơn – nay thuộc xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Gần đó có núi Phát Lương, là nơi phát lương cho quân lính, hiện giờ là khu vực gần cầu 16 trên quốc lộ 19.
Tà Kơn trong kháng chiến thời hiện đại
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thành Tà Kơn trở thành cứ điểm bí mật của quân dân ta.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
Bài viết khá trọn vẹn nhưng phải đi mới cảm nhận và tận hưởng hết cái sự thú vị của hành trình và điểm đến Tà Kon. Mệt nhưng phải nói quá tuyệt vời!
Chị bé có kỷ niệm khó quên khi đi ha mẹ Ánh :))