Đi Hà Nội nhớ check in cực chill với đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông

Nếu hôm nào đó đi Hà Nội mà bạn đã khám phá đủ đầy các tour phố cổ, di tích văn hóa, food tour… thì thử đi tàu nhen, cũng thú vị lắm đó. À đây không phải là chiếc tàu “Pí po xình xịch, chúng em đi ô tô, chúng em đi xe lửa” đâu ạ. Nó là tuyến đường sắt đô thị chạy trên cao đầu tiên của Việt Nam – nơi mà bạn có thể dẫn con đi trải nghiệm để khỏi bỡ ngỡ nếu sau này có thử metro ở những địa điểm khác.

Thiệt mấy đứa, má tụi nó hào hứng bao nhiêu thì nó buồn như chấu cắn bấy nhiêu.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là tuyến metro chạy bằng điện, được xây trên cao. Toàn tuyến đường sắt dài 10.5km. Đoàn tàu gồm 4 toa, tổng chiều dài gần 20m, mỗi toa rộng 2.8m, cao 3.8m. Sức chứa tối đa mỗi đoàn tàu là 960 người, tương đương 1.02 triệu người/ngày. Vận tốc khai thác hiện nay khoảng 35km/giờ, còn công suất thiết kế tối đa là 80km/giờ. Có 2 hệ thống đường ray song song nhau giúp tiết kiệm thời gian di chuyển. Thời gian chạy toàn tuyến cho chặng ga Cát Linh – ga Hà Đông là 23 phút. Bình thường chạy xe máy tuyến này cũng phải mất 50 phút, còn lúc giờ cao điểm có thể đến 1 – 2 tiếng; do vậy phương tiện giao thông công cộng này thật sự là một giải pháp phù hợp.

Nhà ga đường sắt Cát Linh – Hà Đông xuất hiện trong MV “Là anh” khá nổi của ca sĩ Phạm Lịch gần đây.

Mua vé đi tàu điện

Giá vé:

  • Vé tính theo lượt: 8k – 15k/lượt tùy quãng đường đi.
  • Vé ngày: Vé lẻ: 30k/ngày, không giới hạn số lượt đi. Nếu đi tham quan như tui thì bạn nên chọn vé này để có thể lên xuống bất kỳ ga nào tùy ý nhé. Vé tập thể cho nhóm 30 người trở lên: 140k.
  • Vé tháng: vé phổ thông 200k/tháng. Vé học sinh, sinh viên, công nhân: 100k/tháng.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi: miễn phí.

Cách mua vé tàu: Bạn có thể mua ở máy bán vé tự động hoặc mua tại quầy.

  • Tại máy bán vé tự động: Bạn chỉ cần đưa tiền mặt vào khe nhận tiền => Chọn ga đến => Máy sẽ trả vé bằng thẻ nhựa và tiền thừa nếu có.
  • Tại quầy vé: Bạn mua vé trực tiếp với nhân viên.

Cách vào ga lên tàu

Thời gian chạy tàu: 5h30 – 22h, cứ 10 phút là có 1 chuyến. Để vào ga, bạn lên tầng 2, quẹt thẻ tại cổng soát vé tự động. Để ra khỏi ga, đút thẻ vào khe cổng soát vé là được nhé. Sau khi vào ga, bạn đi lên tầng để chờ tàu nhé.

Quẹt thẻ vào ô màu xanh tròn tròn ở mặt trên nè bạn.

Nhà ga hoa nắng

Với tổng chiều dài 13.05 km, tuyến đường sắt này khởi đầu tại ga Cát Linh và kết thúc ở ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa, trung bình hơn 1km có 1 nhà ga. Vì tàu chạy nhanh nên bạn sẽ thấy đến ga liên tục, chừng hơn 2 phút là đã đến một ga. Điểm thú vị là mỗi ga là sử dụng một màu sắc riêng, đồng bộ từ hình ảnh bên ngoài đến cầu thang lên xuống, phần trên mái vòm và chi tiết bức tường bên trong. Từ bậc cầu thang, sân ga cho đến bên trong toa tàu đều là những điểm check in rất hấp dẫn.

Bức tường bên ngoài với những ô cửa màu xanh vừa trang trí, vừa giảm nắng và lại tạo điểm nhấn độc đáo cho sân ga.

Ánh nắng hắt qua khung cửa lãng mạn thế này mà con bạn tui ngồi cái tướng thùy mị thế kia.

Biểu tượng Hà Nội với hình ảnh Khuê Văn Các màu trắng đặt trong sân ga.

Trái với nhà ga nhiều màu sắc, đoàn tàu dùng hai tông xanh lá – trắng vừa sạch sẽ vừa mát mắt. Khung cửa sổ toa tàu được làm rất lớn để bạn thoải mái ngắm cảnh xung quanh, nhất là khi mặt trời đỏ chói dần buông sau những tòa nhà cao tầng, hoặc lúc về đêm phố lên đèn rực rỡ. Bên trong toa tàu cũng là nơi bạn tha hồ thả dáng với nhiều kiểu ảnh đẹp. À mà nhớ tháo kính mát ra nhen, đừng như con bạn tui cứ đeo kính rồi than sao trời tối quá.

Tui canh miết mới bắt được cảnh hai chuyến tàu đi ngược chiều nhau cùng vào sân ga nè.

Góc cầu thang sắc màu

Ai nói gì nói, tui cứ phải sắm bộ ảnh đôi giày của tui trước đã. Tàu đến ga là tui nhảy xuống, giơ cẳng lên và chụp. Cơ mà nhảy lên nhảy xuống một hồi hoa mắt luôn nên không nhớ các màu còn lại là của ga gì. Ga Cát Linh đầu tiên có màu xanh biển, ga Yên Nghĩa cuối cùng có màu xanh lá đậm, còn các ga ở giữa là trải đều các tông màu xanh lá, xanh cốm, đỏ tươi, đỏ gạch, vàng chanh, vàng cam… chủ yếu là tông màu nóng nổi bật. Trong sân ga có 2 đường ray, một phía cho khách lên tàu và một phía cho khách xuống nên phía nào cũng có 2 cầu thang, thuận tiện cho khách di chuyển. Đây cũng là điểm sống ảo của nhiều người, trong đó có tui.

Cầu thang rất rộng rãi.

Lưu ý khi đi tàu

Bên trong toa tàu có sơ đồ toàn tuyến rất rõ ràng, bạn có thể theo dõi để biết mình đã đến ga nào rồi nhé. Bạn cũng đừng lo đi lên đi xuống tàu nhầm cửa vì tàu chỉ mở cánh cửa phía sát lối đi cho bạn di chuyển thôi.

Tại mỗi nhà ga đều có các bạn nhân viên rất dễ thương, thường xuyên nhắc nhở để khách quen với loại hình vận chuyển mới này. Đặc biệt là không được đứng quá gần đường ray để đảm bảo khoảng cách an toàn với tàu, đã được đánh dấu bằng đường gạch màu cam như trong hình dưới đây. Nhớ chú ý khe hở giữa đường và tàu, đừng làm lọt đồ gì xuống đó nhé bạn.

Có bảng chỉ dẫn khe hở nè bạn. Đứng chờ tàu không được vượt quá vạch màu cam nhé. 

Là phương tiện giao thông công cộng nên vào giờ cao điểm đi làm buổi sáng và tan tầm buổi chiều thì số lượng khách khá đông. Nếu bạn lên từ ga đầu thì thoải mái, nhưng nếu ga giữa thì có thể phải đứng một xíu. Tàu dừng khoảng 30 giây để khách lên xuống, nghe thì nhanh nhưng hoàn toàn đủ thời gian cho bạn di chuyển nhé.

Tui cũng lỏn lẻn đi vào tàu và ……. Ế ế, sao bỏ tui lại dẫy ?!?!

Cái quan trọng nhất là dù ở đâu thì cũng nhớ giữ gìn vệ sinh chung nha bạn.

Mòn mỏi chờ đường

Sau khi đã có mớ hình chill chill, tui mời bạn lướt qua hành trình chua lè để có được đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông này đã nha.

Năm 2008, Bộ Giao thông vận tải nước ta và Tổng thầu Trung Quốc ký hợp đồng EPC (Engineering – Procurement of Goods – Construction), hiểu nôm na là hợp đồng trọn gói cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố Hà Nội, dài 13.05 km. Tháng 11/2011, dự án chính thức được khởi công, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, tương đương 8.770 tỷ đồng, trong đó vay ODA Trung Quốc là 419 triệu USD (theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ 2 nước), dự kiến hoàn thành năm 2015. Nhưng cũng kể từ đó, những lời hứa “sẽ vận hành” ngày càng dày hơn theo kiểu mấy đứa ế hay nói “cuối năm sẽ cưới”. Đến ngày 6/11/2021, đường sắt mới chính thức đưa vào khai thác thương mại. Như vậy, sau hơn 10 năm thi công từ 2011 đến 2021, qua 5 nhiệm kỳ bộ trưởng Bộ GTVT, tổng vốn tăng gấp đôi từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng, một công trình hạ tầng kỷ lục về độ lâu và tốn kém.

Đọc thêm: Trải nghiệm xe buýt 2 tầng, ngắm thành phố từ trên cao

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *