Những ngày mà sắc màu Noel đã hiện diện trên nhiều cửa hàng, tuyến phố, thì một địa điểm luôn thu hút sự chú ý của khách tham quan là các nhà thờ. Và nếu đã đến Hà Nội, Nhà thờ Lớn Hà Nội là điểm mà bạn không nên bỏ qua, cho dù là ngày thường hay khi cận giáng sinh.
Tọa lạc tại ngã ba phố Nhà Thờ – Nhà Chung, nhà thờ Lớn Hà Nội (Giáo xứ Chính tòa Hà Nội) có tước hiệu là Nhà thờ Thánh Giuse. Lý do là từ năm 1678, Giáo hoàng Innocente XI đã tôn phong Thánh Giuse làm thánh quan thầy của Việt Nam và các nước lân cận. Đây cũng là một trong các công trình của đạo Thiên chúa được xây dựng sớm nhất Hà Nội.
Nhà thờ lớn trong giai đoạn trùng tu năm 2022.
Nhà thờ Lớn ban đầu chỉ làm tạm bằng gỗ. Đến năm 1884, nhà thờ được xây dựng lại khang trang hơn bằng gạch nung, tường trát giấy bổi, tổng chi phí khoảng 200.000 franc Pháp. Người thiết kế và giám sát thi công công trình khi đó là Giám mục Paul-Francois Puginier Phước (1835-1892). Ông là Giám mục địa phận Tây Đàng ngoài (xứ Mauricastre) từ 1868-1892, thành viên hội Thừa sai Paris. Tên của ông được người Pháp đặt cho vườn hoa trước dinh Toàn quyền (chính là quảng trường Ba Đình ngày nay) và con đường lớn chạy thẳng vào vườn hoa (đường Điện Biên Phủ ngày nay). Đây cũng là điểm trùng hợp ở nhiều nhà thờ khi giám mục là người chấp bút thiết kế kiến trúc của công trình tôn giáo này. Sau 4 năm, giáng sinh năm 1887 nhà thờ đã được khánh thành. Đến cuối thế kỷ 19, đây vẫn được người Pháp coi là tòa nhà độc đáo, đặc sắc nhất Hà Nội.
Hàng cây rợp mát trong khuôn viên nhà thờ.
Nhà thờ lớn Hà Nội được làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng đơn giản hóa và pha thêm kiến trúc địa phương. Khu vực xây dựng nằm trên phần diện tích dài 64.5m, rộng 20.5m, xung quanh là khoảnh sân mở để tạo cảnh quan. Phong cách kiến trúc Gothic được thể hiện rõ nét ở cách xây dựng các tòa nhà rất cao, nhất là hai tháp chuông hai bên cao đến 31.5m. Ở giữa là một khối nhà thấp hơn, trên đỉnh đặt cây thánh giá lớn bằng đá. Bên dưới thánh giá treo một đồng hồ lớn khắc số La Mã với hệ thống chuông báo giờ liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp. Đây là đồng hồ Louis – Delphin Odobey số 266, được sản xuất tại Pháp năm 1895 và vận chuyển về Việt Nam, lắp đặt vào năm 1901. Bộ chuông Tây được nối với đồng hồ trị giá 20.000 franc (tính theo giá trị ở thế kỷ 19), gồm 4 quả chuông nhỏ (treo ở tháp bên phải) và 1 quả chuông boòng lớn (treo ở tháp bên trái, nặng 4.5 tấn).
Dưới đồng hồ là tượng Thánh Giuse (Saint Joseph) – cha nuôi của chúa Giesu và cũng là vị thánh bảo trợ Nhà thờ Lớn. Cùng nằm ở mặt tiền tòa nhà này này còn có cửa sổ hoa hồng tròn – một nét rất phổ biến trong kiến trúc Gothic.
Xung quanh nhà thờ, người ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều ô cửa sổ nhỏ với mái vòm nhọn, kể cả cửa đi cũng cùng kiểu thiết kế này. Đây là một điểm đặc trưng nữa của phong cách Gothic.
Bước qua những thềm đá mát lạnh đi vào bên trong nhà thờ, dọc theo cửa sổ hai bên là các bức tranh Thánh bằng kính màu, vừa trang trí, vừa lấy được ánh sáng tự nhiên, giúp không gian trở nên huyền ảo.
Những ô cửa kính màu thường thấy trong các giáo đường.
Nếu như không gian bên ngoài là màu sắc của châu Âu thời trung cổ và phục hưng thì bên trong nhà thờ lại pha trộn dấu ấn Việt Nam. Khu cung thánh được chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thếp vàng mang đậm nét nghệ thuật dân gian truyền thống. Tượng thánh Giuse không chỉ đặt ở mặt tiền mà còn có một bức tượng bằng đất nung cao hơn 2m được đặt trong trung tâm cung thánh.
Gần cung thánh còn có 3 ngôi mộ của 3 vị Hồng y là Trịnh Như Khuê, Phạm Đình Tụng Và Trịnh Văn Căn. Dàn nhạc của nhà thờ được đặt trên gác. Ở đây có cây đại phong cầm (pipe organ) nặng đến 9 tấn, cao 7m, rộng 6.5m, dày 4m với 1696 ống đàn. Cây đàn được chế tác bởi nghệ nhân Guido Schumacher (người Bỉ) năm 1993, tại Trung tâm dưỡng lão Sun City Hall, thành phố Itami, tỉnh Hyogo (Nhật Bản), có giá 70 triệu yen (khoảng 17 tỷ đồng). Sau này, Tòa Thị chính Itami đã tặng nó cho nhà thờ Lớn vào năm 2022.
Dàn đại phong cầm trên gác trong ảnh bên phải.
Khu vực xưng tội.
Không gian thoáng đãng phía trước nhà thờ đặt tượng Đức Mẹ Maria, tước hiệu Nữ vương Hòa Bình, đang bồng chúa hài đồng Giesu.
Hoa văn cây thánh giá trang trí trên hàng rào bao quanh tượng Đức Mẹ trên quảng trường trước nhà thờ.
Sau hơn 130 năm tuổi, vết thời gian đã hằn sâu lên công trình, nhiều hạng mục bị xuống cấp, đặc biệt là lớp gạch nung được xây từ cuối thế kỷ 19 đã hư hỏng khá nhiều. Do vậy, từ tháng 7/2020 cho đến giữa năm 2022, nhà thờ được trùng tu theo hướng không thay đổi kiến trúc mà chỉ cố gắng phục chế, lấy lại vẻ cổ kính trước đây. Trong suốt quá trình đó, chỉ riêng diện mạo bên ngoài, nhà thờ Lớn đã lần lượt “lột xác” qua 4 lớp sơn: sơn bả, sơn chống thấm, sơn màu và cuối cùng là sơn 3D, vẽ lại các đường nét và chi tiết giả cổ. Vì thế, công trình cũng từng khoác lên mình lớp áo màu xanh xám thẫm, màu ghi sáng và màu loang lổ cổ kính như hiện tại. Ở công đoạn cuối cùng này, những vết rêu phong nhuốm màu thời gian được tái hiện một cách hoàn hảo, giữ lại nguyên vẹn vẻ đẹp thuở ban đầu, vừa xưa cũ vừa uy nghiêm.
Ảnh trên và ảnh dưới chụp cùng một khu vực trong 2 lớp sơn cuối cùng của nhà thờ.
Nhà thờ Lớn Hà Nội nằm ngay ngã ba đường, không gian xung quanh nhà thờ rất thoáng và là điểm hẹn hò thú vị. Đây là nơi tập hợp của các quán trà chanh chém gió nổi tiếng ở Hà thành.
Hàng ghế phía trước nhà thờ.
Góc nhìn nhà thờ từ các quán nước ở mặt bên nhà thờ.
Từ quán cà phê đối diện nhà thờ.
Mời bạn xem thêm một số hình ảnh khác trong khuôn viên nhà thờ. Các ảnh trong bài này được gom từ tui và bạn bè tui.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |