Màu hồng không phải là “độc quyền” của nhà thờ Tân Định mà nhiều nhà thờ khác ở Việt Nam như Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình Định… cũng sở hữu sắc màu ngọt ngào này. Đến Đà Lạt, nhà thờ hồng nằm trong “list-to-go” của du khách chính là nhà thờ Domain de Marie.
Địa chỉ và thời gian tham quan
Địa chỉ: số 1 đường Ngô Quyền, phường 6, Tp. Đà Lạt. Thật ra Mai Hắc Đế và Ngô Quyền nằm trên cùng 1 con đường nên đây là điểm nối giữa 2 đường trên. Ở đây có một con hẻm lớn, từ đường lộ rẽ lên khoảng 27m là tới cổng nhà thờ nằm bên tay phải, trên đồi Mai Anh. Nhà thờ nằm trong khu vực trung tâm thành phố, cách Nhà thờ Con gà chỉ 2.5km nên khá thuận tiện cho việc tham quan.
Cổng vào Nhà thờ giáo xứ Mai Anh – Domaine de Marie
Thời gian tham quan: 8h00 – 11h00 và 14h00-16h30.
Thời gian làm lễ: 17h các ngày trong tuần, trừ chủ nhật là 5h45 – 8h và 16h30.
Nguồn gốc nhà thờ
Được tách ra từ Giáo khu Phaolô của Giáo xứ chính tòa Đà Lạt, nhà thờ của giáo xứ Mai Anh có bổn mạng là Đức Mẹ Maria. Nơi đây trước kia là nhà nguyện của Tu hội Nữ tử Bác Ái (1940-1943), sau chuyển thành Nhà thờ Giáo xứ Mai Anh, tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1940-1944 nhờ có phần rất lớn trong công lao vận động, quyên góp của bà Suzanne Humbert, phu nhân của ông Jean Decoux – Toàn quyền xứ Đông Dương giai đoạn 1940-1945. Nhiều người còn gọi đây là nhà thờ Mai Anh (vì thuộc giáo xứ Mai Anh), nhà thờ Vinh Sơn (vì nằm trên nhà nguyện của các sơ dòng Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn).
Kiến trúc nhà thờ
Nhà thờ nằm trên một ngọn đồi nhỏ, giữa những hàng thông reo vi vút, rặng tràm liễu buông đỏ dịu dàng và sắc hoa mimosa ửng vàng thấp thoáng. Khách đến thăm cứ thong thả tản bộ theo con dốc, tận hưởng không gian trong lành và thoải mái rồi chậm rãi leo lên những bậc tam cấp thoai thoải dẫn lên nhà thờ.
Hoàng hôn rót nắng vàng như mật lên từng góc giáo đường.
Được xây dựng trên diện tích rộng lên đến 12ha, nhà thờ Domaine de Marie là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc châu Âu với đặc trưng văn hóa dân tộc. Nhà thờ có 2 tầng, khu vực chính nằm trên tầng 2 như kiểu nhà sàn của đồng bào. Mái nhà đổ dốc mang dấu ấn mái nhà rông Tây Nguyên, lợp ngói đỏ tươi. Đặc biệt, công trình đã sử dụng kinh nghiệm xây dựng được đúc kết của người xưa bằng cách dùng hỗn hợp chất kết dính tự nhiên từ vôi và mật mía thay cho xi măng.
Có lẽ vì nằm trên ngọn đồi thơ mộng nên Domaine de Marie cũng lựa chọn cho mình sắc hồng dịu dàng trên nhiều cung bậc làm tông màu chủ đạo cho toàn bộ các công trình kiến trúc. Cùng với Domaine de Marie, có nhiều nhà thờ khác ở Việt Nam cũng mang màu hồng này như nhà thờ giáo xứ Tân Định (Tp. Hồ Chí Minh), nhà thờ chánh tòa Đà Nẵng, nhà thờ giáo xứ Hòa Cường (Đà Nẵng)… Kết cấu chính vẫn dựa theo hình chữ thập nhưng tỷ lệ được điều chỉnh khác hơn, rộng 11m và dài 33m, phía trước có 2 cầu thang vòng dẫn lên cửa chính vào khu vực làm lễ ở tầng 2. Mặt tiền nhà thờ có hình tam giác cân, trên đỉnh là cây thánh giá màu trắng. Ban đầu, nhà thờ không có tháp chuông nhưng sau đó đã xây dựng tháp chuông ngay phía sau chánh điện.
- Đọc thêm: Qua miền giáo đường – Nhà thờ hồng Tân Định
- Nhà thờ Lớn Hà Nội mùa chuông ngân
- Nhà thờ đá Sapa – miền giáo đường trong mây
Nơi đây còn tập hợp nhiều kiểu cửa sổ khác nhau. Ngay mặt tiền tam giác là cửa sổ hoa hồng đặc trưng của nhà thờ mang phong cách Gothic. Dọc theo mỗi mái nhô ra 3 khung cửa sổ tam giác được gắn kính màu, vừa để trang trí vừa lấy sáng. Bao quanh bức tường tầng 2 của nhà nguyện còn một dãy cửa sổ liên tiếp nhau nên không gian bên trong luôn chan hòa ánh sáng. Hai bên tường được xây bằng đá chẻ, cao tới ngang cửa sổ, theo kiểu kiến trúc ở miền Bắc nước Pháp.
Trong khu vực cung thánh có tượng Đức Mẹ ban ơn đứng trên quả địa cầu, theo dáng dấp của người phụ nữ Việt Nam. Tác phẩm do nhà điêu khắc người Pháp Évariste Jonchère (1892–1956) thiết kế năm 1943 theo đặt hàng của bà Suzanne Humbert. Bức tượng cao 3 tấn, nặng 1 tấn, được tạc tại Hà Nội. Tượng được đưa từ Hà Nội về Đồi Mai Anh ngày 15/8/1944 (ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời).
Cầu thang dẫn lối lên gác lửng dành cho ca đoàn.
Ban đầu nơi đây được xây dựng dành cho các nữ tu nên chỉ có nhà nguyện và hai dãy tu viện. Sau này, một số công trình khác được xây dựng thêm phục vụ cho các hoạt động công ích như mở cơ sở chăm sóc cô nhi, nhà trẻ, dạy nghề miễn phí. Đối diện cổng nhà thờ vẫn còn dấu tích của một dãy nhà nơi đã từng thực hiện các hoạt động này. Hiện nay dòng tu chính đã chuyển về Tp. Hồ Chí Minh nhưng nhà thờ vẫn coi trọng các hoạt động phúc lợi xã hội, có nơi bày bán các sản phẩm thủ công của các trẻ em mồ côi được nuôi dạy tại đây.
Dãy nhà xứ và các phòng sinh hoạt riêng cho giáo xứ ở bên trái thánh đường.
Dãy nhà phụ phía sau nhà thờ.
Dãy nhà trước đây dành cho hoạt động xã hội của giáo xứ, giờ nằm bên ngoài khuôn viên nhà thờ, đối diện cổng vào.
- Đọc thêm: Qua miền giáo đường: Nhà Mục vụ Don Bosco Đà Lạt
- Qua miền giáo đường: Nhà thờ con gà Đà Lạt
Muôn hoa khoe sắc
Đà Lạt đẹp. Đà Lạt nhiều hoa. Và nhà thờ Mai Anh có thể xem như một vườn hoa thu nhỏ của miền phố núi. Dàn hồng leo tỏa hương; cẩm tú cầu, mõm sói, hải tiên, cúc họa mi khoe sắc; mimosa rung rinh trong gió… Ven triền đồi dẫn đến khu vực phụ phía sau là thảm cỏ xanh mướt.
Vẻ đẹp lãng mạn trên ngọn đồi lộng gió cùng muôn ngàn hoa khoe sắc tỏa hương đã khiến Domaine de Marie trở thành một điểm đến đầy thu hút không chỉ với những giáo dân đến làm lễ. Nhiều đôi trẻ lựa chọn nhà thờ là điểm lưu giữ những bức ảnh cưới ấn tượng. Có người đến đây chỉ để dạo bước giữa không gian thanh tĩnh bên tiếng chuông giáo đường. Nhỏ bạn tui đi là để chiều theo sở thích của tui. Còn bạn thì sao nè?
- Đọc thêm: Nhà thờ đổ Ba Vì – vẻ đẹp từ sự ma mị
- Nhà thờ đổ Tam Tòa (Quảng Bình)
- Nhà thờ đổ Hải Lý – “Trái tim Chúa” bên bờ biển
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Nhà thờ Domaine de Marie – nhà thờ hồng nằm nghe thông reo giữa Đà Lạt […]