Nhà thờ đổ Tam Tòa (Quảng Bình)

Nếu có dịp đi dạo ven bờ sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, bạn sẽ bắt gặp vết tích cũ của một nhà thờ. Đó chính là nhà thờ giáo xứ Tam Tòa xưa kia, đã bị sụp đổ gần hết nên bây giờ được gọi là nhà thờ đổ Tam Tòa.

Địa điểm

Nhà thờ đổ Tam Tòa nằm trên đường Nguyễn Du, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đối diện là đường Hàn Mặc Tử. Nhà thờ thuộc giáo xứ Tam Tòa, giáo phận Vinh.

Mặt trước của nhà thờ Tam Tòa

Nguồn gốc giáo xứ Tam Tòa

Đồng Hới trước đây được gọi là Động Hải, đến thời Pháp còn có tên là thành phố Hoa Hồng. Khoảng năm 1631, xứ đạo Động Hải được thành lập, tiền thân của giáo xứ Tam Tòa ngày nay. Xứ đạo gầy dựng cơ sở trên các vùng đất gần lũy Trấn Ninh nên còn gọi là Họ Lũy. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Họ dùng tấm sáo bằng tre giăng trên sông trong những vũng nước nông để đánh bắt nên còn gọi là sáo bùn. Vì vậy, đến năm 1798, họ Lũy đổi tên thành Sáo Bùn (nằm trong khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải). Sau nhiều đợt can qua, cuối năm 1886, một số giáo dân còn lại của vùng này lập nên họ đạo mới bên bờ sông Nhật Lệ, sát chân Lũy Thầy thuộc đất làng Lệ Mỹ, lấy tên là giáo xứ Tam Tòa. Năm 1887 được lấy làm mốc tái lập giáo xứ.

Nguồn gốc tên gọi “Tam Tòa” có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo linh mục Léopold-Michel Cadière (1869-1955), mà người dân quen gọi là cố Cả, đã viết trong công trình nghiên cứu Les lieux historiques du Quang-binh (Di tích lịch sử Quảng Bình), quyển 3, trang 164-205 có đề cập “Ở trung tâm căn cứ xưa có 3 tòa nhà, từ đó có danh xưng Tam-Tòa”. Công trình này được đăng trên BEFEO – Tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp năm 1903. Nhà địa chí học Nguyễn Tú (1920-2005), được xem là nhà Quảng Bình học cho rằng tên gọi Tam Tòa xuất phát từ việc nơi đây có 3 miếu thờ: Cửu Thiên huyền nữ, Liễu Hạnh công chúa và Huyền Trân công chúa.

Mặt hông của tháp chuông nhà thờ Tam Tòa. Đằng xa còn một trụ của thánh đường đứng lẻ loi.

Ngược dòng thời gian về Nhà thờ giáo xứ Tam Tòa

Sau khi tái lập giáo xứ, nhà thờ Tam Tòa đầu tiên được xây dưới thời linh mục Clause Bonin (cố Ninh), bằng gỗ, mái lợp tranh. Năm 1895 cố Ninh chuyển qua địa sở khác, cố Cả đến tiếp quản. Năm 1896, linh mục Jean Bonnard (cố Bổn) đến nhận nhiệm sở và cho khởi công xây dựng nhà thờ mới vào đầu năm 1901. Lần này, nhà thờ được dựng kiên cố với tường gạch, mái ngói, hệ thống cột kèo bằng gỗ tốt. Nhà thờ khánh thành vào ngày 8/12/1902, đúng dịp Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm cùng đợt cung hiến bàn thờ thánh bằng gỗ quý, chạm trổ tỉ mỉ. Bàn thờ này nay đã chuyển vào Nhà thờ giáo xứ Tam Tòa Đà Nẵng, 274 Trần Cao Vân.

  • Góc nhỏ: Ngày 25/9/1912, cha phó xứ Giuse Trần Phan đã tiến hành nghi lễ rửa tội cho hài nhi Francois Nguyễn Trọng Trí, tức nhà thơ Hàn Mặc Tử sau này.

Năm 1934, linh mục René Morineau (cố Trung) đến đây nhận nhiệm sở. Trước đó, từ năm 1924 đến 1928, cố Trung đã tiến hành xây dựng nhà thờ La Vang (Quảng Trị) theo thiết kế của KTS Carpentier. Đến Tam Tòa, ông tiếp tục sử dụng bản vẽ này để xây dựng nhà thờ Tam Tòa mới vào năm 1935 – chính là nhà thờ đổ hiện nay. Ngôi thánh đường cũ dưới thời cố Bổn được nhường lại cho giáo xứ Tân Mỹ, nằm gần cửa biển Thuận An.

Mặt sau của tháp chuông nhà thờ Tam Tòa

Dấu tích chiến tranh

Nhà thờ Tam Tòa mới được xây trên đường cái quan, mặt hướng về con đường lớn trong thành phố, lưng dựa vào phái sông Nhật Lệ và hoàn thành vào năm 1940. Ngôi thánh đường bằng gạch mang nhiều nét kiến trúc Roman cổ với những vòm cửa uốn cong. Tháp chuông được dựng ngay mặt tiền, chính giữa, có 3 tầng. Nóc nhà là mái vòm hơi cong như hình bầu dục, trên có chóp. Hai bên tháp chuông là hai cánh tường mở rộng nối liền với dãy nhà nguyện và cung thánh phía sau. Các khung cửa sổ ở mặt tiền được trang trí bằng hình cây thánh giá.

Từ trái qua: bên trái tháp chuông, mặt tiền và bên phải tháp chuông.

Sau hiệp định Geneve 7/1954, hầu hết giáo dân Tam Tòa đã di cư vào Đà Nẵng, mang theo tượng thánh, bàn thờ, ghế ngồi và cả ba quả chuông trên tháp. Giáo xứ trở nên hoang tàn. Ngày 11/2/1965 nhà thờ bị máy bay Mỹ ném bom đánh sập trong chiến dịch không kích phá hoại miền Bắc (giai đoạn 1965-1972). Tính đến thời điểm đó, công trình mới chỉ tồn tại được 30 năm. Nhà thờ Tam Tòa không còn gì ngoài tháp chuông cùng một bức tường loang lổ.

Năm 1997, khu vực tháp chuông nhà thờ Tam Tòa được ghi nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh và xây tường rào xung quanh

Đoạn này tui có hơi thất thần vì cửa chính đẹp như khung của một bức tranh, trên đó vẽ cây cối vươn lên xanh mướt trên bãi gạch hoang tàn. Nhìn xuyên qua khung cửa còn có thể thấy nhà cửa cao thấp bên kia sông Nhật Lệ.

Điểm đặc biệt là cũng như nhà thờ đổ Hải Lý, dù thiên nhiên có tàn phá lại toàn bộ khung nhà thì tháp chuông vẫn tồn tại. Với nhà thờ đổ Tam Tòa, để ý kỹ thì vết bom đạn còn hằn sâu trên vách tường, nhưng tháp chuông cứ đứng vững. Tui không mê tín nên cũng không giải thích bằng tâm linh, nhưng có lẽ trong hỗn độn của con người và thiên nhiên, đâu đó điều kỳ diệu vẫn có thể diễn ra.

Đọc thêm: Nhà thờ đổ Hải Lý – “Trái tim Chúa” bên bờ biển

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

2 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *