Nhà thờ đổ Ba Vì – vẻ đẹp từ sự ma mị

Tui không biết vì sao các kiến trúc nhà thờ hấp dẫn tui đến vậy, dù có khi đó là nơi đã hoang tàn. Vậy nên sau khi rủ rê mọi người xuống biển ngắm nhà thờ đổ Hải Lý, lùi về sông xem Tam Tòa, giờ tui lại lôi kéo lên núi ngó nghiêng nhà thờ đổ Ba Vì. Đi nào bạn.

Đường lên nhà thờ đổ Ba Vì

Nhà thờ đổ Ba Vì nằm trong địa phận vườn quốc gia Ba Vì thuộc Hà Nội, cách trung tâm thủ đô gần 70km. Có nhiều hướng để đến đi, mà hướng nào cũng sẽ gom về tỉnh lộ ĐT87A. Từ con đường này, bạn rẽ vào đường lên núi Ba Vì và vào thẳng vườn quốc gia.

Sau khi vào vườn quốc gia, trên đường đến nhà thờ sẽ đi qua rừng thông. Những thân cây thẳng đuột, tán đan vào nhau rì rào trên cao, để lại bên dưới một khoảng không mát rượi. Nơi đây bạn tha hồ tạo kiểu chụp ảnh hoặc có thể cắm trại, dã ngoại.

Rừng thông khá bằng phẳng nên phù hợp cho cắm trại.

Con đường bê tông men theo vách núi, chạy dưới bóng cây, qua những khúc cua tay áo như nhiều đoạn đường đèo khác. Vì vậy bạn nhớ cẩn thận tay lái và quan sát đường; có đoạn cua gấp sẽ có gương cầu lồi cho bạn dễ nhìn hơn. Đường rộng rãi nên bạn có thể đến đây bằng ô tô hay xe máy đều được, trừ xe 45 chỗ, còn xe 29 chỗ thì tui không dám chắc.

Con đường nằm dưới vòm cây.

Đến cốt 400, đi thêm khoảng 1km, phía bên tay trái bạn sẽ thấy một ngôi nhà bỏ hoang nằm tĩnh mịch. Đó chính là nhà thờ đổ Ba Vì.

Ba Vì – thị trấn dở dang

Sau khi vào Việt Nam, người Pháp bắt đầu đi tìm những nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ làm nơi nghỉ dưỡng như Sa Pa, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà. Ba Vì cũng là một trong số đó. Từ những năm 1883-1884, vùng đất này đã được để ý đến. Tiềm năng của không bằng Sa Pa nhưng lớn hơn Tam Đảo. Do vậy, một loạt các hoạt động đã được triển khai nhằm biến nơi đây thành trung tâm nghỉ dưỡng lý tưởng ngay sát cạnh Hà Nội, từ việc bảo tồn rừng cho đến xây dựng các công trình.

Dạo đó, ông Paul Bert, Thống sứ Bắc Kỳ, đã mời cho bằng được nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Benjamin Balansa (1825-1891) sang tìm hiểu Ba Vì. Ông Balansa đến Việt Nam vào tháng 4/1886 và 2 tháng sau bắt đầu lên núi. Sau 2 năm ở đây, ông đã dành những lời khen ngợi tuyệt vời cho Ba Vì về một thảm thực vật vô tận mà các chuyến khảo sát trước đó ở nhiều quốc gia chưa hề thấy. Cùng một diện tích, Ba Vì ở Bắc bộ chắc chắn là nơi có thảm thực vật đa dạng nhất trên thế giới, nhất là ở độ cao không thật cao. Tuy nhiên, khu vực rừng ở độ cao 600m trở xuống đã bị xói mòn nhiều, chỉ còn cỏ, hết cây. Năm 1925, Pháp lập vườn ươm tại Đá Chông, Ba Vì với diện tích 320ha. Năm 1931 Ủy ban bảo tồn rừng quyết định diện tích Khu bảo tồn rừng Ba Vì là 6500 ha. Ngay sau đó, năm 1932 chiến dịch trồng rừng đã đưa hơn 300 nghìn cây từ vườn ươm Đá Chông lên trồng với mật độ 2000 cây/ha, phủ xanh 150 ha đất đồi. Hoạt động giữ gìn môi trường, việc cấm chặt phá, săn bắn cũng được thực hiện nghiêm ngặt.

Những thân dây leo ngoằn ngoèo vắt ngang qua đường làm tui tưởng tượng đến Tarzan đu cây. Hồi mới nhìn tui còn thắc mắc con rắn nào to dữ mà lại nằm im nên phải nhảy xuống xe nhìn cho rõ.

Hoạt động xây dựng tại Ba Vì được tiến hành chậm hơn việc khảo sát rừng khá nhiều. Năm 1902, Công sứ Sơn Tây là Muselier đã đến đây, cho trùng tu lại Đền Thượng và làm một con đường lên đó. Đến năm 1914, những công trình đầu tiên được xây dựng. Doanh nhân Marius Borel (1872-? ), một cựu binh Pháp sau khi giải ngũ đã ở lại Việt Nam khai thác nông nghiệp. Ông nắm trong tay 13/31 đồn điền ở Sơn Tây (rộng hơn 2220 ha). Trong đó có một cái nằm dưới chân núi Ba Vì (xây dựng năm 1916) được xem là đồn điền cà phê đầu tiên ở miền Bắc, là đồn điền cà phê kiểu mẫu, lộng lẫy nhất Bắc kỳ theo đánh giá của người Pháp. Cũng năm 1916, ông được cấp 16 ha đất ở sườn núi để xây dựng nơi nghỉ ngơi và đây cũng là biệt thự đầu tiên trên núi.

Đương nhiên là tui cũng đu dây liền, nhưng mà lùn quá nên phải đứng lên ghế mới với tới đám dây rừng này được.

Năm 1923, Công sứ Sơn Tây là Muster Lachaud đã xây một con đường dài 6km đi ngang đồn điền của ông Borel lên đến độ cao 400m. Đến năm sau, Công sứ Wintrebert hoàn thành dự án này. Đồng thời, ông cũng đề xuất xây thêm khu nghỉ dưỡng ở độ cao 800m, trong đó có việc làm thêm đường từ cốt 400m lên cốt 800m. Tuy nhiên, dự án thứ hai bị từ chối do thiếu vốn và con đường cứ dừng ở cốt 400m đến năm 1937. Trong giai đoạn này, nhiều người cả Việt lẫn Pháp đã tham gia đấu giá đất để xây dựng công trình trên núi. Tính đến năm 1939, tổng cộng có 1 khách sạn (12 phòng) và 16 biệt thự.

Năm 1937, một Trung tâm nghỉ mát kết hợp với phòng thủ của quân đội được xây dựng tại độ cao 600m. Ý định này đã có từ năm 1923 nhưng do thiếu nguồn nước, địa hình chật hẹp nên chưa triển khai. Sau đó, trước nhu cầu của các sĩ quan, cộng với việc năm 1936 đã khảo sát được nguồn nước dồi dào trên đỉnh núi nên công trình mới thực hiện.

Năm 1941, Trại thanh niên ở độ cao 800m bắt đầu được tiến hành – nơi dành cho các thiếu niên Pháp – An Nam có những chuyến trải nghiệm rèn luyện và sau này trở thành trại cho trẻ em.

Sự phát triển của rừng cây nơi đây có sự góp sức của thiên nhiên lẫn con người.

Năm 1942 khởi công tuyến đường lên độ cao 1000m. Một bản đồ án quy hoạch khu nghỉ mát được thiết kế, trong đó có cả chợ, bưu điện và sân tập thể thao. Tính đến cuối năm 1944 hình dáng của một thị trấn nghỉ dưỡng trong mơ đã dần hình thành tại cao điểm 400. Sân bay trực thăng cũng đã có ở độ cao 1100. Ở các độ cao khác, khó khăn về giao thông, vốn và quy định bảo vệ rừng nghiêm ngặt khiến nhiều dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Cuối cùng, tất cả đã dừng lại sau sự kiện ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp.

Tài liệu tham khảo:

  • Đỗ Hoàng Anh (2021),  “Benjamin Balansa”, Trung tâm lưu trữ quốc gia, archives.org.vn.
  • Chu Thu Hằng (2020), “Chuyện kỳ thú về biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì”, Báo Văn hóa.
  • Nguyễn Ngọc Tiến (2020), “Bí ẩn về thị trấn trên núi Ba Vì bị lãng quên và lời đề nghị nhã nhặn”, Tạp chí Người đưa tin.

Nhà thờ đổ – nét ma mị chốn rừng sâu

Không có tài liệu chính xác về thời gian của công trình này, nên người ta chỉ có thể đoán được nhà thờ được dựng lên vào khoảng những năm 30, 40 của thế kỷ 20. Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển, bao quanh là rừng già, nhà thờ vẫn lặng lẽ ở đó trong rêu phong. Ngôi nhà thờ khá nhỏ với tầng trệt, có lẽ chỉ nhằm mục đích là nơi đi lễ cho quân đội Pháp và những người nghỉ dưỡng trên Ba Vì. Công trình còn dở dang, cũng chưa có họ đạo nào được thành lập ở đây nên chưa có tên cụ thể mà chỉ gọi theo địa danh là “Nhà thờ Ba Vì”.

Nhà thờ được chia thành 3 khu vực: cổng, gian nhà nguyện và cung thánh. Lối vào nằm ở hướng Tây. Nhìn tổng quan, tui mạn phép múa rìu qua mắt thợ đoán là nhà thờ Ba Vì được xây theo phong cách Roman. Nét mềm mại mà mạnh mẽ, đơn giản mà quyến rũ từ những bức tường đá, từ vòm cong nơi cửa đi… đã tôn lên nét đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc này.

Nét trang trí trên cửa vào rất đơn giản.

Khu vực cung thánh vẫn còn dấu vết của cốt nền. Bức tường đã bám rêu, khung cửa sổ hai bên cũng vỡ nhiều mảng nhưng hình thánh giá trong giáo đường vẫn rõ nét.

Nhà thờ có khá nhiều cửa sổ, mỗi ô cũng cao ít nhất là 1.7m.

Không còn mái nhà, nhưng bóng cây cao lớn đã kịp đan vòm, tạo một lớp mái tự nhiên phía trên nhà thờ. Nơi đó nắng và gió vẫn có thể tràn qua, lấp lánh nhảy múa. Nắng không còn chói chang mà trở nên dịu dàng mơn man, như cái gõ nhẹ của bà tiên phép thuật lên mái tóc nàng công chúa. Đôi khi còn có đám sương mù bảng lảng làm khung hình thêm phần hư ảo.

Ánh nắng ban trưa lướt qua những phiến lá non thay cho mái nhà thờ thêm lung linh.

Nơi vọng tiếng chuông ngân

Cũng như nhà thờ đổ Hải Lý và Tam Tòa, dù tất cả bị hư hại nhưng riêng phần tháp chuông lại tương đối nguyên vẹn. Tui chưa có dịp đi các nơi khác, nhưng tại 3 nhà thờ đổ nổi tiếng này thì tui thấy đây thật sự là điểm đặc biệt. Có lẽ tiếng chuông ngân đem lại cho người ta cảm giác yên bình, thanh tịnh, lắng đọng trong tâm hồn; mà nơi yên bình thì sẽ luôn luôn tồn tại. Đó phải chăng là lý do khiến tháp chuông cứ đứng vững mặc cho gió mưa, bom đạn xoay vần?

Tháp chuông nhìn từ bên trong ra.

Tháp chuông nhìn từ phía sau (ảnh trái) và bên hông (ảnh phải).

Khác với tháp chuông 2 nhà thờ trên nằm ngay chính giữa mặt tiền, ở đây tháp chuông nằm lệch một bên và lùi về sau so với cửa vào nhà thờ nhưng vẫn thành một khối liền. Vì nhà thờ nhỏ nên tháp cũng nhỏ, nhìn khoảng không gian chắc chỉ để được một quả chuông. Phần tường của thân tháp không phải là một khối phẳng mà được xây giật nhẹ thẳng đứng từ dưới lên, vừa để trang trí cho công trình bớt đơn điệu, vừa tạo độ sâu và khiến tháp trông cao hơn.

Tháp chuông cao lớn, mạnh mẽ nhưng lại rất hài hòa với mái vòm cong mềm mại của cổng nhà thờ.

Nên đi nhà thờ đổ Ba Vì khi nào

Nằm trên núi cao nên thời tiết ở đây luôn mát mẻ. Vì vậy nếu muốn tìm nơi thư giãn tránh nắng vào mùa hè thì đây là lựa chọn cực kỳ hợp lý. Trái lại, mùa đông khá lạnh nên bạn nhớ mặc thật ấm khi đi Ba Vì.

Ảnh 3D này có thể giúp bạn hình dung về độ cao của nhà thờ đổ Ba Vì. Phần xanh thẫm là khu vực núi và phần còn lại (nằm ở phía trên của ảnh) là đồng bằng.

Trong ngày, càng về trưa trời càng nắng. Mặt trời len lỏi qua tán lá dày, rọi xuống những tia lấp loáng, tạo nên một bức tranh cực kỳ nên thơ. Nếu muốn có góc máy đẹp thì bạn tranh thủ đi vào khung giờ 9h – 15h, sẽ bắt được những góc hoa nắng cho bức ảnh thêm lung linh.

Lúc 3h30 chiều mà nắng chỉ còn những tia lấp loáng trên cao như thế này.

Buổi sáng nhiều sương mù nên nếu không quen với khí hậu thì bạn nên đến đây khoảng sau 8h cho đảm bảo. Buổi chiều trong rừng sẽ tối nhanh do cây cối rậm rạp, vì vậy từ khoảng 3h30, bạn nên bắt đầu xuống là vừa. Nếu không, khi trời tối quá thì đường núi sẽ khó đi và ít an toàn hơn. Hơn nữa dưới tán lá rừng, khung cảnh có thể trở nên ma quái, bạn nào yếu tim (như tui) thì hơi rén.

Nếu bạn thích trải mình với thiên nhiên và khám phá vẻ đẹp từ những điều xưa cũ thì đừng chần chừ, Ba Vì là một nơi rất đáng để thử.

Đọc thêm: Nhà thờ đổ Tam Tòa (Quảng Bình)

Nhà thờ đổ Hải Lý – “Trái tim Chúa” bên bờ biển

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *