Văn bản đầu tiên về đường biên giới Việt – Lào là Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Lào được ký kết ngày 18/7/1977 tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước. Công tác cắm mốc đã được hoàn thành vào năm 2013. Liên quan đến các cột mốc biên giới có Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa 2 nước, ký kết ngày 16/3/2016, có hiệu lực từ ngày 05/9/2017. Tổng chiều dài đường biên là 2337.459 km, bắt đầu là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc, ở đỉnh núi Khoan La San, tỉnh Điện Biên; kết thúc là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Phía Việt Nam có 10 tỉnh chung đường biên giới với Lào, xếp theo thứ tự từ Bắc vào Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Phía Lào có 10 tỉnh chung đường biên giới là Phongsaly, Luang Phabang, Houaphanh (Hủa Phanh), Xieng Khouang (Xiêng Khoảng), Bolikhamsai, Khammouan (Khăm Muồn), Savanakhet, Salavan, Sekong, Attapeu. Có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính và 18 cửa khẩu phụ giữa 2 nước.
Quy định ghi trên cột mốc: Các cột mốc giới làm bằng đá hoa cương. Trên mặt mốc khắc tên nước, số hiệu mốc giới và năm bắt đầu phân giới cắm mốc tại thực địa (2008).
Các loại cột mốc lớn, trung, nhỏ:
- Cột mốc đặc biệt: Được cắm ở vị trí ngã ba biên giới (ngã ba Đông Dương) của ba đường biên giới quốc gia. Gồm cột mốc số 0 ở A Pa Chải, Điện Biên (ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc) và cột mốc ở Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum (ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia).
- Cột mốc Lớn, còn gọi là mốc Đại: được cắm ở cửa khẩu biên giới lớn và có quốc huy trên cột mốc.
- Cột mốc Trung, mốc Chính, mốc Nhỏ: được cắm ở những vị trí đường biên giới đổi hướng, thay đổi địa hình, dễ xảy ra tranh chấp.
- Cột mốc Phụ: được cắm trong khoảng cách giữa 2 mốc chính để làm rõ đường biên giới. Số hiệu mốc giới phụ thể hiện bằng phân số, trong đó tử số là mốc giới chính phía trước, mẫu số là số hiệu 1, 2, 3… của mốc giới phụ.
Các loại cột mốc đơn, đôi, ba: Trong cột mốc lớn, trung, nhỏ lại gồm 3 loại khác nhau.
- Cột mốc đơn: Được cắm trực tiếp trên đường biên giới. Trừ các cột mốc 342, 400, 401, 437, 581 và 718 cắm ngoài đường biên giới.
- Cột mốc đôi: Mốc đôi cùng số được cắm ở 2 bên bờ sông, suối biên giới và vị trí thường đối xứng nhau. Mốc kèm theo số hiệu phụ 1, 2 và để trong ngoặc đơn. Mốc (1) nằm phía Việt Nam và mốc (2) nằm phía Lào.
- Cột mốc ba: Mốc ba cùng số được đặt trên bờ sông của hai bên, nơi hợp lưu (nơi phân lưu) của sông, suối nội địa và sông, suối biên giới. Số hiệu phụ phải để trong ngoặc đơn và đánh theo chiều kim đồng hồ. Bên nào chỉ có một bờ sông, suối thì đặt mốc có số (1); các mốc số (2) và (3) nằm trên bờ sông nước kia.
Ngoài ra còn có cọc dấu được cắm giữa hai mốc quốc giới, dùng để đánh dấu chi tiết thêm đường biên giới tại các vị trí phức tạp. Ngoài 03 cọc dấu số 464/1, 511/1 và 644/1 có kiểu dáng và kích cỡ như mốc cỡ trung, làm bằng đá hoa cương; các cọc dấu còn lại có cùng một kiểu dáng, kích cỡ và nhỏ hơn mốc cỡ tiểu, làm bằng bê-tông cốt thép.
Số lượng mốc thực tế: Việt Nam và Lào đã có 793 vị trí mốc tương ứng với 835 cột mốc. Các mốc được đánh số từ 0 đến 792 theo hướng từ Bắc xuống Nam.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm quy ước về cột mốc biên giới tại: Tìm hiểu về cột mốc biên giới Việt Nam – Lào […]