Tui thích đi du lịch – điều đó khỏi phải nói. Và đôi khi, việc tìm thấy một điểm dừng chân mới, một món ăn hay một nét văn hóa mới lại chẳng nằm trong lịch trình. Mọi sự bất ngờ đều mang lại cảm giác thú vị – miễn đừng làm đau tim là được. Và Thổ Hà cũng là một món quà của sự bất ngờ như thế.
Tui đến Thổ Hà trong một lần lượn lờ Bắc Ninh. Hai chị em đi theo kiểu tùy hứng chứ không xác định điểm đến. Chợt gặp một con sông nhỏ, thấy những người đi trước gửi xe để qua sông, tụi tui cũng bắt chước, sau này mới biết ấy là sông Cầu – ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Vậy là, từ Hà Nội đi Thổ Hà sẽ qua 3 con sông nổi tiếng: sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu.
Phà qua sông Cầu chỉ mất khoảng 5 phút.
Làng cổ Thổ Hà
Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Thổ là đất, Hà là sông, ngôi làng cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ được bao bọc 3 mặt bởi con sông Cầu nổi tiếng. Từ Bắc Ninh muốn đến Thổ Hà phải đi phà một đoạn ngắn. Bên này sông Cầu, phía Bắc Ninh là bến Vạn đò; bên kia sông phía Bắc Giang là bến Vân Hà (bến Chùa). Không có cầu bắc qua sông, xe cộ ít qua lại hơn nên nơi đây phần nào cũng thanh bình êm ả. Đến Thổ Hà, vẫn còn hình ảnh của cổng làng, con đò, giếng cổ và những ngõ nhỏ chỉ rộng khoảng 1.5m, nằm lọt thỏm giữa bức tường gạch của những ngôi nhà 2 bên. Cổng chính làng Thổ Hà quay mặt về phía Đông, hướng ra đoạn đê quai nối liền các làng của xã Vân Hà.
Cổng làng Thổ Hà
Xã Vân Hà có 3 làng: làng Thổ Hà, làng Vân và làng Nguyệt Đức. Làng Vân là làng thuần nông, có nghề đã trở thành đặc sản nổi tiếng là rượu làng Vân. Nguyệt Đức là làng chài. Riêng làng cổ Thổ Hà có đến 3 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia là đình Thổ Hà, chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự) và Từ chỉ Thổ Hà (Văn chỉ Thổ Hà).
Góc nhỏ:
- Đình Thổ Hà thờ Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân, tên thật là Lý Đam. Ông có công giết giặc Xích Tỵ quỷ, có công mở trường, dạy học ở làng. Ông được Vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng, cho phép dân làng lập miếu thờ. Đình được xây dựng dưới thời vua Lê Hy Tông, năm 1685, nghĩa là năm Chính Hòa thứ 6. Lê Hy Tông là vị vua thứ 21 của nhà Hậu Lê và thứ 10 thời Lê Trung Hưng. Năm 1807 (Gia Long năm thứ 5) xây dựng tiền tế và hai nhà tả vu, hữu vu.
- Từ chỉ Thổ Hà là nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền đã đỗ đạt qua các thời kỳ nhằm tôn vinh vùng “đất học” của Bắc Giang.
Đình làng Thổ Hà
Bánh đa nem Thổ Hà
Nói đến làng nghề truyền thống ở Thổ Hà là phải nói đến gốm. Ngày xưa Thổ Hà, Phù Lãng, Bát Tràng là tam giác gốm trứ danh ở đất Bắc, nhưng sau này nghề gốm mai một dần. Từ những năm 1990, dân làng Thổ Hà chuyển sang nghề khác là làm bánh đa nem. Bánh đa = bánh tráng, nem rán = chả ram, nên bánh đa nem ngoài Bắc chính là bánh tráng để gói chả ram trong Bình Định mình.
Tiếng là vùng nông thôn nhưng ruộng đất gần như không có nên người dân Thổ Hà trước thì nhờ gốm, sau này thì trông cậy nhiều vào nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Vì vậy, đến đây, bạn sẽ bắt gặp các phên bánh đa được phơi khắp nơi, trên những con ngõ nhỏ len lỏi giữa làng, trước cổng làng, trên sân đình…
Sân đình Thổ Hà cũng được tận dụng để phơi bánh.
Bánh đa nem Thổ Hà được làm từ bột gạo và cũng trải qua các công đoạn tráng, phơi bánh như cách làm thông thường. Bánh dùng gói chả ram phải đạt yêu cầu về độ mỏng, dẻo dai, mềm mại để dễ cuốn và không bị rách bể. Vì vậy, người thợ phải tráng bánh cho mỏng rồi khéo léo dàn đều bánh lên phên rồi nhanh chóng đem phên đi phơi.
Lớp bánh mỏng manh in hằn lên tấm phên bằng nứa.
Điểm đặc biệt của bánh đa nem Thổ Hà là chủ yếu phơi gió hoặc nắng nhẹ, nắng vừa chứ không phải phơi nắng to. Phơi gió giúp bánh khô mà vẫn mềm dẻo, không bị phồng rộp, giòn gãy. Đây chính là bí quyết tạo nên nét đặc biệt của bánh đa nem Thổ Hà. Hơn nữa, nếu tranh thủ phơi được khi còn làn sương mỏng manh buổi ban mai thì bánh sẽ được tẩm thêm hương vị thơm ngon khác lạ. Chính vì vậy, từ nửa đêm, các nhà đã rộn ràng dậy tráng rồi đem bánh đi phơi sớm.
Phơi bánh trong con nắng hanh hao.
Trời về trưa, đám mây mù buổi sớm đã tan đi, nắng bắt đầu gắt, bánh đã khô dần cũng là lúc xếp các phên bánh lại, đem về nhà. Hôm nào trời ẩm thấp, không phơi được thì người ta sẽ sấy khô bằng máy, rồi hong gió cho bánh mềm lại. Sau đó mới đưa bánh vào máy cắt và đóng gói.
Dọn bánh đem về.
Các phên bánh đã chất đầy cộ, giờ chỉ kéo về nhà thôi.
Ngoài sản phẩm chính là bánh đa nem, làng Thổ Hà còn được biết đến với bánh đa dừa. Ngày nay các sản phẩm này Thổ Hà đã xuất hiện cả trong và ngoài nước, nhưng nếu có dịp, mời bạn đến Thổ Hà để thưởng thức không khí rộn ràng mà bình yên của ngôi làng cổ nơi đây.
Đường đến Thổ Hà
Làng Thổ Hà cách Hà Nội khoảng 45km, cách Tp. Bắc Ninh khoảng 5km. Trên bản đồ Google maps, có 2 địa danh Thổ Hà, một là của Yên Phong, Bắc Ninh và một là của Việt Yên, Bắc Giang. Do vậy, để chính xác thì bạn tìm từ khóa “Đình Thổ Hà” là dễ nhất. Dù đi từ Hà Nội hay Bắc Ninh thì đều rẽ vào đường đê để đi phà qua sông Cầu, từ đó mới đến Bắc Giang. Vùng đất của tỉnh Bắc Giang này nằm tiếp giáp đất Bắc Ninh, chỉ ngăn cách bởi con sông Cầu. Vì thế, từ Bắc Ninh đi Thổ Hà sẽ gần hơn nhiều so với đi từ Bắc Giang. Làng Thổ Hà khá nhỏ, nên đi bộ để khám phá nhiều nét văn hóa thú vị trong làng. Trong ảnh dưới, làng Thổ Hà tập trung chủ yếu ở khu vực có những ngôi nhà ngói đỏ với trục chính từ bến đò Vân Hà đến chùa Thổ Hà.
Làng Thổ Hà như một bán đảo được dòng sông Cầu ôm vào lòng. Bạn sẽ đi từ bến Vạn đò sang bến Vân Hà để lên đất Thổ Hà.
Ngoài tham quan các thắng cảnh ở đây, còn có một di tích nổi tiếng khác là chùa Bổ Đà cách đó khoảng 7km. Chùa Bổ Đà nằm trên núi Phượng Hoàng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa có từ thời nhà Lý (thế kỷ 11). Vườn tháp cổ ở đây đẹp và lớn nhất Việt Nam, rộng gần 8.000m2 với gần 100 ngôi tháp. Lễ hội chùa Bổ Đà được tổ chức từ ngày 15-19/2 âm lịch. Bình Định cũng có một ngôi chùa với vườn tháp cổ đặc biệt như vậy, nhưng quy mô nhỏ hơn, đó là chùa Thập Tháp ở An Nhơn.
Đọc thêm: Ấn tượng vườn tháp ở ngôi chùa xưa nhất Bình Định
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |