Ở nước ta, do cấu tạo địa hình cao ở phía Tây và thấp dần về phía Đông nên đa phần các dòng sông chảy theo hướng từ Tây sang Đông, từ Tây Bắc xuống Đông Nam và cuối cùng là đổ ra biển Đông. Thế nhưng có nhiều con nước thích đi ngược lại quy luật tự nhiên, tạo thành câu chuyện về những dòng sông chảy ngược.
Kỳ 2: Những dòng sông chảy ngược ở miền Trung
Sông Kiến Giang
Rẽ dòng Kiến Giang. Ảnh: Quang Huy.
Dòng Kiến Giang thuộc tỉnh Quảng Bình, là một trong những con sông hiếm hoi ở miền Trung chảy ngược dòng nên còn gọi là Nghịch Hà. Con sông dài 58km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, băng qua vùng núi An Mã, tiến về khu vực huyện Lệ Thủy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Đến ngã ba Mũi Viết Thượng Phong (Lệ Thủy) thì rẽ theo hướng Đông Nam – Tây Bắc. Đến ngã ba Trần Xá (huyện Quảng Ninh) thì hợp lưu với sông Long Đại thành sông Nhật Lệ đổ ra biển Đông.
Mênh mang sóng nước Kiến Giang. Ảnh: Mai Thủy.
Khi xưa đây là dòng Bình Giang, hợp lưu từ 4 con rào chính: Rào Nậy, Rào Con, Rào Sen và Rào Mỹ Sơn. Bình Giang chảy đến Thượng Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình) thì tách đôi dòng. Dòng chính từng được Hồ Hán Thượng cho đào kênh Sen (Liên Cảng) nối Bình Giang vào Thuận Hóa bằng đường thủy vào năm 1404 nhưng không thành. Sau này, cửa sông bị lấp, Bình Giang mất lối ra biển và cũng mất tên từ đó. Chi lưu thứ 2 của Bình Giang nhận thêm nước từ 5 con hói: hói Xuân Lai, hói Kỳ Cùng, hói Cừa, hói Ngay và hói Phú Thọ, được xem là thế “Ngũ long giao hòa”. Sau đó nó băng qua phá Hạc Hải (Lệ Thủy) rồi hòa cùng dòng chảy với sông Long Đại. Thời nhà Mạc, Mạc Đăng Dung đã cho đào sâu, mở rộng lòng sông và đổi tên thành Kiến Giang. Nó được mệnh danh là con sông đẹp nhất xứ, nước trong xanh, vị ngọt, khuấy không vẩn đục.
Lễ hội đua thuyền truyền thống vào dịp 2/9 trên sông Kiến Giang. Ảnh: Quang Huy.
Ôm trọn những thôn ấp của miền Trung nặng nghĩa tình, Kiến Giang cũng là nơi nuôi dưỡng chí lớn của nhiều danh sĩ đương thời. Đặc biệt nơi đây còn có ngôi nhà lưu giữ những kỷ niệm thuở thiếu thời của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ.
Kiến Giang mùa mưa, mực nước lên cao khá rõ so với tấm ảnh phía trên. Ảnh: Anh Tuấn.
Sông Sê Pôn
Sê Pôn nằm trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nó không phải là con sông chảy ngược hướng, mà là chảy ngược giữa 2 quốc gia Việt – Lào. Bắt nguồn từ Lào, sau một quãng đường chảy giữa biên giới 2 nước, Sê Pôn lại chảy ngược về Lào. Vì vậy, con sông này là chứng nhân cho mối tình thắm thiết keo sơn giữa 2 đất nước anh em Lào – Việt.
Điểm đầu sông Sê Pôn đổ vào lãnh thổ nước ta (khoanh màu vàng).
Thượng nguồn con sông là từ đỉnh núi cao thuộc dãy Trường Sơn, sâu trong lãnh thổ muang Sa Mouay (Sa Muộn) và muang Nong (Mường Noòng), tỉnh Savannakhet (Lào). (Tuy nhiên trên bản đồ Google map, sông Sê Pôn vẫn xuất hiện trong địa giới tỉnh Saravane). Tạm xa Savanakhet, dòng Sê Pôn chảy vào nước Việt ở thôn Pa Roi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), gần cột mốc 608 (tui mất gần 1 tiếng đồng hồ để ngồi định vị từng cột mốc, xác định xem chỗ này là mốc biên giới số mấy), cách thác A Dơi khoảng 3km. Từ đây, con sông trở thành biên giới tự nhiên giữa 2 nước Việt – Lào. Sông Sê Pôn cứ thế lững lờ trôi ngược lên phía Bắc, tiến gần đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, gần cột mốc 605 thì quay về với đất mẹ, chuyển tên thành Nam Sepon (trong tiếng Lào, Se nghĩa là sông), từ đó hòa với dòng Sê Băng Hiêng rồi đổ vào sông Mê kông.
Góc nhỏ:
- Cột mốc 608 là mốc ba cùng số cỡ trung, làm bằng đá hoa cương, trên địa bàn xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Gồm cột mốc số 608(1) cắm trên bờ sông Sê Pôn và suối A Dơi phía Việt Nam, nơi giao nhau giữa 2 dòng chảy này. Tại điểm có độ cao 286.57m; tọa độ 16.459924, 106.774589 (16° 27′ 35.738″N, 106° 46′ 28.522″E). Được cắm ngày 18/11/2011. Cách mốc 608(2) là 96.67m và mốc 608(3) là 266.26m. Cột mốc số 608(2) cắm trên bờ suối A Dơi phía Lào vào ngày 16/11/2011; Cột mốc số 608(3) cắm trên bờ sông Sê Pôn phía Lào vào ngày 17/11/2011.
- Cột mốc 605 là mốc đôi cùng số cỡ đại, làm bằng đá hoa cương, nằm trên địa phận thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Gồm mốc 605(1) cắm cạnh đường giao thông số 9, trên bờ suối Sa Ợt phía Việt Nam, cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) và Đen Sa Vằn (Lào). Tại điểm có độ cao 214.01m; tọa độ 16.622935, 106.590579 (16° 37′ 22.565″N, 106° 35′ 26.085″E). Được cắm ngày 29/10/2008. Cách mốc 605(2) là 98.26m. Cột mốc 605(2) cắm cạnh đường giao thông số 9, trên bờ suối Sa Ợt phía Lào. Được cắm ngày 30/10/2008. Ngoài ra cột mốc 605 còn có 2 cọc dấu phụ là 605/1 và 605/2.
Đọc thêm: Tìm hiểu về cột mốc biên giới Việt Nam – Lào
Điểm cuối sông Sê Pôn quay lại nước Lào (khoanh màu vàng).
Tại điểm đầu A Dơi và điểm cuối Lao Bảo, dòng Sê Pôn đều uốn một vòng cung đầy đặn trước khi chuyển sang nước láng giềng. Về độ dài thủy trình, mỗi tài liệu lại cho một con số khác nhau. Dọc theo 8 xã, thị trấn vùng biên ải phía Tây tổ quốc, mỗi bản làng bên này nước Việt đều tương xứng với một bản làng bên kia nước Lào. Dòng chảy cứ quấn quít đôi bờ thôn xóm, để câu hát mênh mang theo tiếng sóng “Em ở bên này Tây Trường Sơn, anh ở bên này Đông Trường Sơn…” (Tình Việt Lào, sáng tác Hồ Hữu Thới).
-Việt An- (Tổng hợp)
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Kỳ 2: Những dòng sông chảy ngược ở miền Trung […]