Qua miền biên viễn – Cột mốc 3 biên Việt Nam – Lào – Campuchia (Kon Tum)

Trên lãnh thổ Việt Nam có 2 nơi mà người ta thường nói là “một con gà gáy ba nước nghe chung”, đó là vùng đất Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) và A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Với cái thể lực ẻo lả của tui thì A Pa Chải vẫn đang nằm trong danh sách “phải làm”, còn Bờ Y thì thật may mắn đã được tiếp cận trong một lần đi công tác. Ở Bờ Y, địa điểm đặc biệt được nhắc tới chính là cột mốc ba biên Việt Nam – Lào – Campuchia. Đây cũng là cột mốc 3 biên thứ hai của nước ta, sau cột mốc A Pa Chải tại biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc.

Nằm trên đỉnh núi lồng lộng gió, cột mốc đặc biệt này đánh dấu điểm cuối của tuyến biên giới Việt – Lào và điểm đầu của tuyến biên giới Việt – Cam. Ở cột mốc này, phía Việt Nam thuộc tỉnh Kon Tum, phía Lào thuộc tỉnh Attapeu, phía Campuchia thuộc tỉnh Rattanakiri.

Hiện nay, phía chân cột mốc đã xây dựng một bãi đỗ xe khang trang, sức chứa hàng chục chiếc ô tô. Đường dẫn lên mốc với khoảng 130 bậc tam cấp cũng được ốp đá sạch sẽ, rộng rãi. Từ đây đi một vòng quanh cột mốc là coi như mình đã chạm chân vào 3 quốc gia rồi.

Đường lên cột mốc từ phía Campuchia.

Di chuyển đến cột mốc 3 biên

Cột mốc 3 biên cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 91km. Từ thành phố đi theo Quốc lộ 14E => Đến nút giao Di tích chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (ở đây có 2 cái xe tăng và 1 nhà rông Đăk Tô rất dễ nhận thấy).

Nhà rông văn hóa huyện Đăk Tô

Từ nhà rông Đăk Tô => rẽ trái theo tuyến đường xuyên Á trên quốc lộ 14 và quốc lộ 40 => Đến ngã ba biên giới (ngã ba Đông Dương) thì rẽ phải đi khoảng hơn 5km là tới cửa khẩu Bờ Y => Qua khỏi cửa khẩu Bờ Y khoảng 500m thì rẽ trái => đi theo đường đèo khoảng 10km là đến cột mốc 3 biên.

Con đường lên cột mốc 3 biên đi giữa khung cảnh núi non hùng vĩ.

Nếu đi bộ theo đường leo núi thì tại ngã ba biên giới rẽ phải đi khoảng 6.5km. Ấy là Google maps chỉ vậy chớ tui chưa thử bao giờ.

Ngã ba Đông Dương

Ngã ba biên giới, hay còn gọi là ngã ba Đông Dương nằm trên Quốc lộ 40. Từ đây rẽ nhánh sang cửa khẩu Bờ Y giáp với Lào khoảng hơn 5km và sang cửa khẩu Đăk Kôi giáp với Campuchia khoảng 8km.

Cách ngã ba Đông Dương này khoảng 20m là Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn.

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Trước khi tham quan cột mốc 3 biên, bạn nhớ xin phép các chú bộ đội biên phòng tại cửa khẩu. Trong thời gian chờ đợi, có thể ghé vào khu cửa hàng ngay bên cạnh cửa khẩu để mua sắm hoặc thưởng thức ly bia Lào mát lạnh.

Thời gian mở cửa của cửa khẩu Bờ Y: 7h00 – 19h30 hàng ngày (bao gồm cả thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, ngày Tết).

Thông tin về cột mốc 3 biên

Mốc giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia là mốc đơn, cỡ đại, làm bằng đá hoa cương nặng hơn 1 tấn, cao 2m; hình trụ tam giác với mỗi mặt gắn quốc huy của mỗi nước. Đặt trên đỉnh núi thuộc địa bàn xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum. Tại điểm có độ cao 1086m, tọa độ 14.686056, 107.556608 (14º 41′ 09.8″N, 107º 33′ 23.8″E). Được khởi công xây dựng ngày 29/11/2007 và hoàn thành vào ngày 18/1/2008. Cách mốc 792 (Kon Tum) là 985.7m.

Cây hữu nghị được trồng vào ngày 3/11/2018 tại cột mốc

Vài lưu ý khi khám phá cột mốc 3 biên

  • Ngoài cột mốc này, trên đường đến đây bạn có thể thực hiện combo tham quan Di tích chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, ngã ba biên giới (ngã ba Đông Dương), cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Quốc môn cửa khẩu, cột mốc 790, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn.

Đọc thêm: Qua miền biên viễn – Cột mốc 790 (Kon Tum)

  • Trên đường từ cửa khẩu Bờ Y lên cột mốc 3 biên, cách cột mốc khoảng 1.4km có một ngã ba, có chốt biên phòng đóng tại đây. Từ điểm giao này nếu rẽ phải sẽ lên cột mốc, nếu rẽ trái một đoạn ngắn sẽ đến Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn.

Chốt biên phòng

  • Đường đèo khá hẹp nên xe 29 chỗ trở xuống mới được phép lên đây. Có 2 bãi đỗ xe, một là dưới chân cột mốc và hai là gần Đền thờ anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, ngay tại chốt biên phòng ở trên.
  • Đây là khu vực biên giới. Do vậy bạn nên mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để có thể xuất trình khi được yêu cầu.Bạn thoải mái ngắm cảnh và chụp ảnh nhưng nhất định phải giữ vệ sinh chung và không được phép làm hư hại, sai lệch các mốc quốc giới cũng như ranh giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới. Vấn đề này liên quan đến chủ quyền lãnh thổ nên được quy định rõ ràng trong Luật Biên giới quốc gia.
  • Một số mốc nằm trên khu vực đồi núi hiểm trở, khó đi. Do vậy luôn cẩn thận, cân nhắc tình trạng sức khỏe và an toàn rồi mới thực hiện chuyến đi.
  • Kiểm tra xe cộ cẩn thận vì tuyến đường vùng biên này thường vắng vẻ, khó tìm được hỗ trợ ngay lập tức khi cần thiết.

Đường đèo lên cột mốc 3 biên.

Góc nhỏ: Kon Tum nằm ở Bắc Tây Nguyên, thuộc trung tâm Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, có đường biên giới quốc gia đi qua dài 292,913km. Trong đó:

  • Đoạn biên giới với Lào dài 154,222km, giáp 2 tỉnh Attapeu và Sekong. Với Attapeu có cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y – Phoukeua (cửa khẩu Bờ Y đặt tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) và cặp cửa khẩu phụ Đăk Long – Vangtat (cửa khẩu Đăk Long đặt tại xã Đăk Long, huyện Đăk Glei). Với Sekong có cặp cửa khẩu phụ Đăk Plô – Dak Bar (cửa khẩu Đăk Plô ở xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei).
  • Đoạn biên giới với Campuchia dài 138,691km, giáp với tỉnh Ratanakiri, có cửa khẩu Đăk Kôi – Kon Tuy Neak (cửa khẩu Đăk Kôi ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi).
  • Ngoài ra tỉnh Kon Tum còn có 5 cửa khẩu phụ như : Sa thầy, Tà Bộp, Tà Dạt, Mô Rai và Hồ Le.

Từ phía cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhìn về Quốc môn cửa khẩu 

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *