Thác D’ray Sap – khói trắng miền sơn cước

D’ray Sap là một trong những con thác đẹp nhất trên dòng Sêrêpốk. Đổ xuống từ độ cao hơn 20m, quanh năm thác mịt mù trong làn hơi nước trắng xóa, bồng bềnh khiến không gian như chìm vào tiên cảnh. Trong tiếng Ê đê, D’ray Sap nghĩa là thác khói (D’ray là thác, còn Sap là khói). Có lẽ vì thế mà D’ray Sap chính là làn sương khói mờ nhân ảnh bồng bềnh giữa đại ngàn.

1. Đường vào thác D’ray Sap

Địa chỉ: Thuộc Khu du lịch sinh thái, văn hóa cụm thác Dray Sap – Gia Long, thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, Đắk Nông. Cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột 26km, tại ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Điện thoại: 0904924079-0982072679.

Từ cổng khu du lịch có dãy tam cấp dài dẫn xuống đường mòn đi vào rừng. Hai bên là những vách núi thấp, cây cỏ, dương xỉ chen nhau mọc dại cùng đám dây leo vắt vẻo từ bên này sang bên kia. Thi thoảng còn có mấy vũng nước con con, có bầy cá hốt hoảng bơi vù đi khi thấy động.

Đi một đoạn sẽ thấy cầu treo bắc ngang dòng Sêrepôk nối liền đường vào 2 thác D’ray Sap và D’ray Nur, cũng là nối liền 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Từ cầu treo, đi chừng 400m nữa là đến thác D’ray Sap.

Băng qua cây cầu treo D’ray Sap này chỉ chừng 300m là đến thác D’ray Nur, sang đất Đăk Lăk.

Giá vé: 40k/người.

2. Vẻ đẹp đại ngàn của D’ray Sap

Xuôi theo dòng Sêrêpốk trên hành trình chảy ngược từ Đông sang Tây, băng qua hồ thủy điện Buôn Kuôp chừng 3.5km, con sông dừng lại, phân vân trước một bãi đá ngổn ngang. Nhưng thay vì chồm lên, lướt qua thì Sêrêpốk lại chia thành 2 ngã, chảy thêm chừng 300m mỗi bên nữa rồi đổ xuống vực sâu, tạo thành 2 con thác nổi tiếng là D’ray Sap (thuộc tỉnh Đắk Nông) và D’ray Nur (thuộc tỉnh Đăk Lăk). Từ đây, hai nhánh Sêrêpốk lượn lờ thêm khoảng 1.4km nữa mới nhập lại, tiếp tục hành trình chinh phục các vùng đất mới.

Băng qua cầu treo, một nhánh Sêrêpốk đang tìm đường sáp nhập với nhánh còn lại.

So ra, bờ thành đá của D’ray Sap cong hơn D’ray Nur một chút. Ở D’ray Sap, con sông Sêrêpốk đổ ào xuống một vòng cung dài 100m. Từ trên cao nhìn xuống, cái vòng ấy cong cong như mảnh trăng non mùng 2, mùng 3. Bên dưới, nơi thác đổ xuống, thiên nhiên cũng kịp tạo thành một hồ nước tròn đầy, xanh ngắt.

Cứ mải miết đi ngược lên phía trên là có thể ngắm nhìn đầu nguồn con thác. Ở đây mới thấy rõ cái dáng vẻ uốn cong tha thướt của đường viền bờ vách thác. Hơn nữa, vách thác không thẳng đuột mà vươn ra phía trên và hõm vào phía dưới. Nếu nhìn ngang, giống như đôi mắt đang khép hờ, còn dòng thác đổ xuống chính là bức rèm mi cong vút, mềm mại.

Đường viền bờ vách đá của thác uốn cong thấy rõ.

3. Truyền thuyết về thác D’ray Sap

Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa, nơi đây là vùng rừng núi hoang vu, âm u, huyền bí. Một hôm, có đôi vợ chồng trẻ người Êđê đến đây hái rau, đào củ kiếm sống, nhưng không may người chồng lâm bệnh nặng. Người vợ là nàng Hmi bèn đi vào tận rừng sâu, hái đủ loại lá cây làm thuốc chữa nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Hmi đã cắn ngón tay, lấy máu của mình mớm cho chồng nhưng không thể cứu được nữa. Khi người chồng qua đời, Hmi khóc ròng rã nhiều ngày đêm. Tiếng khóc của nàng vọng vào rừng sâu, khiến muông thú buồn bã không muốn đi kiếm ăn, chim chóc ngừng bay, cây cối ủ rũ không nẩy lộc ra hoa. Tiếng khóc của nàng tiếp tục bay đến trời cao. Giàng nghe thấy, động lòng thương tiếc nàng nên đã tạo ra dòng thác D’ray Sap quanh năm tuôn chảy như nước mắt không cạn của nàng Hmi.

4. Nên tham quan thác D’ray Sap khi nào

Tây Nguyên có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô, mùa nào con thác cũng mang vẻ đẹp quyến rũ riêng. Mùa khô dòng thác nhỏ lại, chỉ còn vài dòng chảy dịu dàng ào xuống rồi vẩy nước ra xa. Nước cạn và trong hơn, xanh ngăn ngắt như màu cây lá trên non. Từng tia sáng len lỏi qua rừng cây, bày ra những bông hoa nắng vương trên đất, trên tóc, trên đôi má hồng người thiếu nữ. Nắng buông trên mặt hồ, dát bạc lấp loáng, đẹp đến sững sờ.

Đến mùa mưa, đường vào thác nặng trĩu hơi nước, đám rêu đám bùn cứ chực chờ xem có ai trượt ngã vì trơn. Nhưng bù lại, D’ray Sap lúc này mới tỏ rõ vẻ hùng vĩ hiên ngang như đôi tay, như cái khiên rắn chắc của chàng trai Tây Nguyên. Dòng thác ầm ầm phủ trọn vòng cung, hất bọt tung tóe từ trên xuống dưới. Làn hơi nước trắng xóa tựa sương, đục mờ luôn cả khung cảnh. Hết cơn mưa, bầu trời được gột rửa trong veo. Mùi đất ngai ngái, mùi cây ẩm thấp khẽ khàng lắng xuống, nhường chỗ cho tia nắng lung linh ấm áp giữa mùa đông. Không gian bất chợt trở nên nhẹ nhàng, bình yên đến lạ.

Trời Tây Nguyên xanh.

5. Các hoạt động khác tại thác D’ray Sap

 Năm 1991, thác D’ray Sáp được công nhận danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 1371/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Quanh khu vực thác D’ray Sap còn có thác D’ray Nur, thác Gia Long, hang núi lửa Chub lưk và nhiều cảnh đẹp khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử sức chèo thuyền kayak vượt thác để có những trải nghiệm thú vị hơn.

Cầu treo D’ray Sap.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *