Vương vấn sắc hoa ngô đồng chốn kinh kỳ

“Chiều chiều ra đứng lầu tây. Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng”. Mỗi lần nghe câu hát Lý chiều chiều, tui cứ thắc mắc không biết cô gái ấy đang gánh nước tưới ruộng bắp với đám râu lơ thơ phất phơ trong gió, hay là tưới cây ngô đồng thân đầy gai đang đứng chèo queo trên con đường làng. Dù là hình ảnh nào đi chăng nữa, tui cũng không có cách nào liên tưởng tới cây ngô đồng quyền quý cao sang trong Đại nội Huế mà tui mới biết gần đây.

Chim phượng hoàng thì tui chưa thấy. Nhưng nhìn sắc hoa ngô đồng bảng lảng bay trong gió tui lại nghĩ đến vẻ dịu dàng, đằm thắm e ấp sau vành nón của cô gái Huế.

Truyền thuyết về cây ngô đồng

Giai thoại về cây ngô đồng gắn liền với câu chuyện vua Phục Hy tình cờ nhìn thấy năm ngôi sao rơi xuống cây ngô đồng. Sau đó, chim phượng hoàng liên tục xuất hiện đậu trên loài cây này. Phượng hoàng lại chính là chúa của các loài chim. Vậy nên, cây ngô đồng được xem là loài cây quý, hấp thụ tinh hoa đất trời, gắn liền với bậc đế vương.

Góc nhỏ:

  • Phục Hy (khoảng 4480-4369 năm TCN) thường được xem là người đầu tiên và đứng đầu trong các thuyết về Tam Hoàng Ngũ Đế của dân tộc Hoa Hạ, là người sáng lập nền văn minh Trung Hoa, vạch ra Bát quái và Dịch lý. Theo cổ tích thì ông còn được cho là Bàn Cổ, là tổ tiên đã sáng tạo ra loài người.
  • Lịch sử Trung Hoa giai đoạn đầu được gọi là thời kỳ Tiên Tần gồm 4 thời đại là Hoàng, Đế, Vương, Bá. Người thống trị cao nhất ban đầu được tôn xưng là “Hoàng” và “Đế”. Có nhiều giả thuyết khác nhau về danh sách này, nhưng phổ biến nhất thì Tam Hoàng gồm Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng (thường bao gồm Phục Hy, Thần Nông, Hiên Viên Hoàng Đế). Còn Ngũ Đế bao gồm Kim Đế, Mộc Đế, Thủy Đế, Hỏa Đế, Thổ Đế (thường là Viêm Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn).
  • Truyện tích Bá Nha – Tử Kỳ kể rằng ngô đồng là loại cây quý, có thể chế tác đồ nhã khí. Vua Phục Hy ngày đó đã cắt thân cây làm 3 đoạn. Đoạn ngọn thì tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng lại đục và nặng; chỉ có đoạn giữa là tốt nhất. Vua đêm ngâm cây giữa dòng nước, truyền Lưu Tử Kỳ đến chế thành đàn, bắt chước nhạc của cung Dao Trì và đặt tên là Dao cầm.

Có lẽ từ câu chuyện của vua Phục Hy nên ngô đồng đã hiện diện trong văn học Trung Hoa từ rất sớm. Tuyển tập thơ ca “Kinh Thi” từ trước Công nguyên đã lưu truyền câu thơ “Phượng hoàng minh hĩ, Vu bỉ cao cương/ Ngô đồng sinh hĩ, vu bỉ triêu dương/ Bổng bổng thê thê, ung ung dê dê” (Nghĩa là: Chim phượng hoàng hót, tiếng trên núi cao. Cây ngô đồng mọc, trong nắng mai. Tốt tươi xanh xanh, hài hòa vui vẻ).

Cây ngô đồng – vương giả chi hoa

Nhờ truyền thuyết, cây ngô đồng và chim phượng hoàng trở thành bộ đôi xuất hiện nhiều nơi cung điện, tượng trưng cho bậc đế vương. Cây ngô đồng còn được xem là “vương giả chi hoa”. Vì thế các bậc vua chúa ngày xưa ưa thích trồng cây ngô đồng như một cách thể hiện chân nhân thiên tử của mình. Sách “Đại Nam nhất thống chí” phần viết về Thừa Thiên Phủ, mục Mộc (các loài cây) có chép lại: “Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng được đưa từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên góc Điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được đem trồng ở các góc điện”. Từ đây có thể hiểu rằng, ngoài việc sang Trung Quốc tìm cây ngô đồng về thuần dưỡng, vua Minh Mạng còn cho người lên rừng núi Trường Sơn, tìm giống trong nước để trồng cho bằng được.

Những cây ngô đồng từ vài trăm năm trước nay không còn nữa. Các cây trong Đại Nội mới được trồng lại độ vài ba chục năm nay và vẫn tập trung ở khu vực điện Thái Hòa, Tả Vu, Hữu Vu.

Từ cây ngô đồng phía sau điện Thái Hòa nhìn về cây ngô đồng sau Tả Vu.

Nhà vua cũng khắc hình ảnh cây ngô đồng lên Nhân đỉnh trong Cửu đỉnh – chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình. Cây ngô đồng được đặt ở hàng trên, cùng với cây kỳ nam, lúa, bòn bon, hoa sen và chim khổng tước.

Ngô đồng trong mắt nhà vua kiêm thi sĩ Thiệu Trị lại là một nét thơ xao xuyến khi tiếng lá chao nghiêng cũng khiến ông thảng thốt mà khắc lên bia mộ mình “Ly biên tam kính cúc, Dạ bán nhất thanh ngô”.

Góc nhỏ:

  • Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1865-1910. Đây là bộ sách dư địa chí Việt Nam, viết bằng chữ Hán theo lệnh của vua Tự Đức. Phần viết về Thừa Thiên phủ nằm trong quyển 2 đến quyển 4.
  • Cửu đỉnh là chín đỉnh biểu thị ước mơ về sự trường tồn của triều đình nhà Nguyễn và sự giàu đẹp của đất nước. Mỗi đỉnh có 17 bức hình chạm nổi chủ đề về những danh thắng, sản vật nổi tiếng của nước Nam. Cửu đỉnh được đặt tại sân Thế Miếu trong Hoàng thành.
  • Nhân đỉnh nặng 2.515kg, được đúc năm 1835. Từ Thế miếu nhìn ra, Nhân đỉnh nằm bên trái Cao đỉnh. Vị trí đặt Nhân đỉnh ứng với khám thờ vua Minh Mạng trong Thế Miếu. “Nhân” chính là thụy hiệu của vua Minh Mạng.

Cửu đỉnh trước Thế Miếu.

Ngô đồng – áng mây hồng trong kinh thành Huế

Ngô đồng thường gắn với mùa thu. Cổ thi Trung Hoa vẫn lưu truyền “Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu” (Nghĩa là: Một lá ngô đồng rụng, Thiên hạ biết thu sang); hay Bạch Cư Dị trong “Trường hận ca” đã ngẩn ngơ “Xuân phong đào lý hoa khai nhật, Thu vũ ngô đồng diệp lạc thi” (Nghĩa là: Ngày gió xuân đào mận nở, lúc mưa thu lá ngô đồng rụng); hoặc Bích Khê cũng thốt lên: “Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng – Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông”. Tất cả đều khẳng định ngô đồng chính là dấu hiệu báo thu sang. Thế nhưng, về đến chốn Thần kinh, cây ngô đồng phương Bắc lại thay đổi, khẽ khàng rụng lá, rồi ra hoa vào lúc cuối xuân đầu hè, ghi dấu khoảnh khắc chuyển mùa.

Cả cành lẫn nụ hoa chúm chím phủ một sắc tím hồng mong manh.

Tui đến Huế vào một ngày trở trời do cơn gió lạnh bất chợt tràn về, những bông ngô đồng mềm mại tím loang góc sân rêu phủ của Đại Nội. Hoa ngô đồng be bé, mọc thành chùm đầu cành. Các cánh hoa cong vút, nhị hoa vươn dài như dáng phượng hoàng đang vươn cổ kiêu sa.

Dịp giao thời giữa tháng 3 và tháng 4, khi cây ngô đồng đã dưỡng sức qua một mùa xuân mưa rét xứ Huế, những nụ hoa be bé bắt đầu xuất hiện trên cành cây khẳng khiu. Cây ngô đồng khá cao nên người ta chỉ nhận ra mùa hoa khi thấy mấy bông tím hồng vương vấn trên lối đi. Lúc đó, chỉ cần ngước mắt lên là thấy cả một áng mây hồng trên bầu trời Tử Cấm Thành.

Cây ngô đồng bên mái ngói cong cong của Tả Vu.

Cây ngô đồng thân cao thẳng như dáng vẻ thanh tao của người quân tử. 

Trong sân điện Cần Chánh, phía trước Tả Vu và Hữu Vu có hai chậu ngô đồng lớn đặt đối diện nhau. Góc phải trong ảnh là cây ngô đồng trước Hữu Vu.

Khoảng sân bên hông điện Thái Hòa (ảnh phải) và lối dẫn ra phía sau điện (ảnh trái và ảnh dưới) thường được lựa chọn để lên hình cùng cây ngô đồng.

Ngoài ra, hiện nay ở công viên Tứ Tượng, Thương Bạc, sân Nghinh Lương Đình, cửa Quảng Đức… cũng có nhiều cây ngô đồng đã lớn.

Góc nhỏ:

  • Cây ngô đồng ở Huế là cây thân gỗ, khác với ngô đồng cảnh. Cây ngô đồng thân gỗ có tên khoa học là Firmiana simplex, thuộc phân họ Sterculiaceae (Trôm), họ Malvaceae (Cẩm quỳ).
  • Cây ngô đồng cảnh đến từ châu Mỹ, có tên khoa học là Jatropha podagrica, thuộc họ Euphorbiaceae (Đại kích), chi Dầu mè. Hoa màu đỏ nhị vàng, lá to màu xanh đậm, thân cây phình to về phía gốc (như kiểu mấy cây cau cảnh).

Hoa và quả cây ngô đồng cảnh. Tui chụp được cây này cũng trong dịp đi Huế.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *