Nhơn Hải là một xã ven biển, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Mùa rêu ở Nhơn Hải diễn ra từ khoảng sau tết đến tháng 3 âm lịch. Thật ra, khoảng thời gian này đi dọc các bãi biển ở khu vực duyên hải Nam trung bộ, người ta sẽ ngỡ ngàng trước những thảm rêu xanh rì bám trên tảng đá ở biển Cổ Thạch (Bình Thuận), Từ Thiện (Ninh Thuận), Xóm Rớ (Phú Yên), Nam Ô (Đà Nẵng)…
Bãi rêu ở Nhơn Hải không rộng bằng các bãi trên, nhưng hoàn toàn đủ sức hút với những người yêu cái đẹp. Rêu nhiều nhất là từ đoạn giữa xã, đối diện Hòn Khô đến gành Trên (thôn Hải Bắc). Đó không phải là đám rêu xanh ngắn ngủn bám trên tường nhà cổ kính mà là cọng rêu dài mềm mại như mái tóc của nàng công chúa tóc mây. Chạm nhẹ vào nước, nghe rêu mơn man qua từng ngón tay mới cảm nhận hết vẻ dịu dàng của loài thực vật biển này. Mỗi cơn sóng đùa qua, đám rêu lại xô đẩy lắc lư trông rất vui mắt. Tầm tháng sau, khi nắng lên gay gắt, rêu sẽ lụi dần đi, để lại những phiến đá trơ khấc.
Nên đi chụp ảnh rêu khi nào: Nếu muốn chụp ảnh rêu, bạn nên đi sau 3h – 3h30 chiều, lúc này nước xuống, bãi rêu dễ thấy rõ hơn. Hoặc có thể đi lúc sáng sớm, chụp ảnh rêu trong khoảnh khắc bình minh cũng rất lãng mạn. Tốt nhất là nên đi vào khoảng 15-20 âm lịch vì thời gian này nước xuống thấp nhất, bãi rêu lộ ra nhiều hơn, chụp ảnh sẽ đẹp hơn.
Gần lên gành Trên thì rêu ít dần đi, thay vào đó là một phong cảnh khác. Gành Trên có mỏm núi đá cheo leo chạy thẳng ra biển, nhưng rất dễ trèo. Từng thớ đá xếp chồng lên nhau như những lớp bánh pateso mỏng tang, mềm mại, hắt lên màu nâu đỏ của bột mì nướng già lửa trong ánh nắng ban trưa chói chang. (Thật, tui không hiểu sao cái gì tui cũng nghĩ tới đồ ăn thế này 😎😎). Ở đây còn có một hõm biển nho nhỏ, khá thú vị để thả câu và ngắm trời mây non nước.
Xuôi theo con đường ven biển về phía ngược lại là gành Dưới (thôn Hải Nam). Ở đây có những rạn san hô nở xòe như hoa hồng giữa biển. Len lỏi giữa đám san hô là mấy chú cá nhỏ đủ màu sắc tung tẩy bơi lội, ngoe nguẩy cái đuôi rồi giật bắn mình quay ngoắt đi khi có người chạm tới. Gành Dưới còn nổi tiếng với Bờ Đập như một bức tường thành ngăn giữa biển. Có người cho rằng đây là công trình của người Chăm pa, nhưng chưa tìm được sử liệu cổ để chứng minh.
Từ trên cao nhìn xuống, bãi biển Nhơn Hải như một vòng tròn bẻ đôi, xòe ngửa ra 2 bên, điểm nối liền ở giữa là một mỏm cát hướng thẳng về phía Hòn Khô. Bởi thế, nếu như người ta vẫn ví von biển Quy Nhơn là bãi biển hình trăng khuyết thì đây cũng là bãi biển hình bán nguyệt.
Dọc ven biển là bờ kè xi măng. Cơn bão số 5 tháng 10/2019 đã đập tan tành bờ kè nơi đây, những cơn sóng cao vài mét chồm lên, đánh sập nhiều nhà dân, để lại những hố sâu lởm chởm trên đường. Sau đợt ấy, tỉnh quyết định xây lại bờ kè chắn sóng mới, to đẹp oách xà lách, dài đến gần 1.3km, nối liền 2 gành đá ở 2 đầu của xã. Công trình được đầu tư hơn 96.4 tỷ đồng, từ tháng 3 đến tháng 12/2020 thì hoàn thiện. Mái taluy nghiêng của bờ kè làm bằng bê tông cốt thép khá vững chãi, nằm thoai thoải từ trên đường xuống bãi cát. Đỉnh kè được thiết kế theo kiểu tường hắt sóng, chiều chiều lên đây ngồi đung đưa ngắm biển, nghêu ngao hát, ta nói nó đã gì đâu.
Mặt đường bê tông nhỏ ngày xưa chỉ đủ chỗ cho một xe ô tô, nếu có thêm chiếc nữa là thành câu chuyện “Dê trắng dê đen đi qua cây cầu”, giờ đã thảm nhựa chạy băng băng. Gì chứ, mở rộng từ 6m lên 15m cơ mà. Dọc theo con đường mới là hàng cột điện kiểu cách và rất nhiều ghế đá, buổi tối bật đèn lên sáng choang, tha hồ ngồi chơi ngắm biển. Nhiều nhà dân quanh đây cũng tranh thủ xây lại nhà mới khang trang hơn, khiến con đường trở nên đẹp đẽ hơn hẳn.
Còn chờ gì nữa, xách balo lên và đi Nhơn Hải nào bạn ơiiiiiiiii
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |