Những ngày tháng 3, nếu ghé tháp Po Klong Garai, người ta dễ dàng bắt gặp sắc trắng hồng của hoa bún và màu đỏ hổ phách của hoa trôm. Thật lạ, trong phạm vi kiến thức hạn hẹp của mình, tui chưa thấy tháp Chăm nào có trồng cây hoa lớn kiểu cây công trình đô thị như vậy. Ngay cả con đường đi lên tháp cũng rất nên thơ với hàng hoa giấy cùng những loại hoa dại đủ màu rung rinh.
❌❌❌ Đi qua tháp cổng, nhìn bên tay trái, phía trước tháp trung tâm là cây bún, còn gọi là “bạch hoa”, “màn màn”. Cây bún có cụm hoa khá to ở đầu cành, màu trắng chen lẫn vàng cam, tua nhị đỏ hoặc tím. Hoa rất nhẹ nên mỗi khi có cơn gió thổi qua, những tua hoa bún rung rinh tinh nghịch, nhìn rất vui mắt. Nói thế thôi chứ tui đã chụp vài chục tấm mới được 1 pic duy nhất này, vì gió quá nên pic nào cũng bị out nét 😏😏. Các nhị của hoa bún cứ tua tủa trước những cánh hoa trông tựa con nhện, nên cây bún còn có tên tiếng Anh là Spider Tree.
Thật ra, cây bún đem lại bóng mát và khá đẹp, nhưng không hiểu sao ít được trồng trong đô thị. Nghe nói Hà Nội có 1 cây duy nhất được coi là “bảo vật” của làng Đình Thôn (Mỹ Đình) với 300 tuổi, thường nở vào độ cuối xuân đầu hè; trụ sở UBND xã Điện Thắng (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) cũng chỉ có một. Huế và Quảng Bình thì có vẻ nhiều hơn và thu hút được sự chú ý của báo chí, đặc biệt là hoa bún ven bờ sông Kiến Giang, Quảng Bình.
❌❌❌ Từ cây bún, đi thẳng ra phía sau, qua tháp chính, sẽ thấy 1 cây trôm ở đó. Tui vẫn không xa lạ gì với món giải khát mủ trôm thanh mát, nhưng hoa trôm thì thấy lần đầu. Hoa nở tầm tháng 2 – 3. Sắc hoa đỏ đậm, ngả màu hổ phách, ánh lên trên nền trời xanh ngắt, đẹp mộc mạc mà rực rỡ. Lúc mới nở, những cánh hoa trôm viền vàng, nhọn sắc ở phần đầu, nở xòe 5 cánh như ngôi sao lửa. Hoa càng nở thì các cánh này càng được chuốt cong vút ra sau. Hoa trôm nghe nói có mùi hôi nhưng lúc tui tới thì chả nghe gì, có lẽ những cơn gió mạnh trên đồi Trầu đã thổi tung tóe mùi hoa đi nơi khác.
Cây trôm phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, từ Khánh Hòa trở vào. Bờ Hồ Gươm cũng có 1 cây (hoặc cùng họ với nó), nhưng ngoài này gọi là cây mõ, nở vào khoảng tháng 4, chắc là vì khí hậu ở đây lạnh hơn nên hoa nở muộn.
🌿🌿Mách nhỏ cho bạn:
Tháp Po Klong Garai là một quần thể tháp Chăm còn khá nguyên vẹn ở tỉnh Ninh Thuận. Tháp nằm trên đồi Trầu, gần ga tàu Tháp Chàm, cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng 8 km.
Cách 1: Từ ga Tháp Chàm => rẽ phải vào đường Minh Mạng => rẽ phải vào đường 21 tháng 8 (Quốc lộ 27 cũ) => đến ngã ba thì rẽ phải vào đường Bắc Ái => đi khoảng 300m, nhìn bên tay trái là đến tháp Pôklông Garai. Quãng đường này chưa đến 2km.
Cách 1: Từ bến xe tỉnh Ninh Thuận => rẽ phải vào Quốc lộ 1A => rẽ phải vào Quốc lộ 27 mới => đến đoạn giao với đường Bác Ái thì rẽ trái vào đường Bác Ái => đi qua bảo tàng Văn hóa Dân tộc Chăm, bên tay phải là đường rẽ vào khu du lịch Tháp Po Klong Garai. Quãng đường này khoảng 7km.
-LVA-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] đậu cà (Hà Nội), nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải, cây nghể hoa đầu (Sapa), cây bún, cây trôm trên tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận), cây mướp […]