Công viên Đất nung Thanh Hà – ngắm cả thế giới thu nhỏ trong lòng một bảo tàng

Công viên Đất nung Thanh Hà – hay còn gọi là Công viên gốm Thanh Hà, Bảo tàng gốm Thanh Hà – không dành cho những người ưa sự ồn ào náo nhiệt. Trái lại, nếu bạn muốn tìm về góc tĩnh lặng cùng gốm, thích ngắm nghía màu của đất được tôi qua lửa, thích lắng nghe câu chuyện về những đôi bàn tay tài hoa vẽ nên hình hài của đất thì đây là điểm đến cực kỳ phù hợp.

1. Cảm hứng thiết kế Công viên đất nung Thanh Hà

Công trình bắt đầu từ năm 2011, xây dựng trong 4 năm và khánh thành vào giữa năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng. Đến gần ngày ra mắt, địa điểm này đã bắt đầu mở cửa đón khách. Năm 2014 khi lần đầu đến đây, dù nhiều sản phẩm còn ngổn ngang chưa đưa vào vị trí trưng bày nhưng tui đã bị chinh phục bởi sự công phu của bảo tàng.

Trên diện tích hơn 6000 m2, chủ trì ý tưởng thiết kế – kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên – đã đưa hồn gốm quê hương ông vào từng góc nhỏ công trình. Công viên được đặt giữa làng, ngôi làng lại được bao quanh bởi dòng Thu Bồn – con sông mẹ đã nuôi dưỡng nghề gốm. Uống mạch nước nguồn của dòng Thu Bồn, lấy đất từ con sông nắn thành hình hài, rồi qua lửa đỏ mà ra sản phẩm. Ba nhân tố cơ bản của sự sống là Đất, Nước, Lửa đã hun đúc, hình thành gốm và tạo nên sự trù phú cho cư dân cũng như làng nghề Thanh Hà. Đây là 3 nhân tố chủ đạo hiện diện trong hình dạng công viên gốm, từ sắc màu đến bố trí cảnh quan.

Từ ban công tầng 3 tòa nhà chính có thể nhìn thấy tổng quan khung cảnh công viên, ở giữa là hồ nước, xa xa là sông Thu Bồn.

2. Kiến trúc Công viên đất nung Thanh Hà

Toàn bộ không gian công trình được bao phủ bằng đất nung, phân thành nhiều khu vực khác nhau. Ngay trung tâm là một hồ nước tròn tượng trưng cho chiếc bàn chuốt gốm – vật dụng làm nghề quan trọng của người dân và cũng là nguồn cảm hứng chính để thiết kế công viên đất nung. Có một lối tam cấp lát gạch và một cây cầu gỗ dẫn đến tâm hồ nước, nơi đặt những bức tượng gốm độc đáo.

Lối đi bằng gạch đến tâm hồ nước. Trước mặt là lò úp.

Cầu thang bằng gỗ mộc mạc. Gỗ là một nguyên liệu không thể thiếu khi nung gốm Thanh Hà.

Các khu vực khác được bố trí xoay quanh bàn chuốt gốm, lấy đây làm tâm. Ngay phía sau hồ nước là hai tòa nhà như cánh cung bọc lấy bàn chuốt gốm. Cả hai khối nhà chính lấy cảm hứng từ hai kiểu lò nung làm gốm là lò úp, lò ngửa – theo sự hòa hợp âm dương của văn hóa phương Đông. Đứng từ cổng nhìn vào, khối nhà bên trái tượng trưng cho “lò úp” là khu bảo tàng lịch sử làng nghề và trải nghiệm. Tại đây lưu giữ các hiện vật cổ, tái hiện quá trình hình thành, phát triển làng gốm Thanh Hà. Tầng 1 là khu trưng bày sản phẩm trải nghiệm, tầng 2 là khu giới thiệu con người và sản phẩm của làng gốm, tầng 3 ghi dấu bảo tàng lịch sử làng nghề.

Khối nhà tượng trưng cho lò úp.

Khối nhà bên phải tượng trưng cho “lò ngửa” như không gian mở để kết nối các làng nghề gốm Việt Nam và trưng bày các tác phẩm gốm đương đại đặc sắc. Tại đây, tầng 1 là khu triển lãm định kỳ; tầng 2 là khu giới thiệu các làng nghề gốm truyền thống khác ở nước ta như Thanh Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội), Mang Thít (Vĩnh Long)…; tầng 3 tiết lộ nguồn gốc văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh trên mảnh đất Thanh Hà xưa.

Khối nhà tượng trưng cho lò ngửa.

Ngoài ra còn có các khu riêng biệt bao gồm: Khu sản xuất và trải nghiệm, Vườn sắp đặt, Quảng trường thế giới thu nhỏ, Lò nung, Sân khấu ngoài trời.

Gốm nhìn có vẻ cứng cáp nhưng vẫn rất mềm mại. Vì vậy Bảo tàng đã tạo sẵn một mô hình nhà truyền thống bằng gốm để du khách tham quan tìm hiểu, tránh đụng chạm làm hư hại các sản phẩm trưng bày khác. Tấm bảng chú thích đặt trên tấm đanh bên trái.

3. Một thế giới thu nhỏ

Bao quanh hồ nước trung tâm là một quần thể mô hình bằng gốm thu nhỏ các công trình kiến trúc đặc sắc ở Việt Nam như Đại nội (Huế), Văn Miếu, chùa Một Cột, lăng Bác (Hà Nội), đình làng…; và trên thế giới như nhà hát con sò ở Sydney (Úc), tháp nghiêng Pisa (Ý), nhà trắng (Mỹ), Kim tự tháp Ai Cập, Khải hoàn môn (Pháp), tháp đồng hồ Big Ben (Anh)…

Ảnh trên: Văn Miếu (bên trái) và Lăng Bác, chùa Một Cột (bên phải). Ảnh dưới: Đấu trường La Mã (ảnh trái) và Nhà trắng (ảnh phải).

Mỗi mô hình đều được cố gắng làm tỉ mỉ đến chi tiết nhỏ nhất, chứa đựng những nét đẹp độc đáo khó thể rời mắt.

Khải hoàn môn (Pháp) được làm rất tỉ mỉ. Tấm ảnh chụp từ 2014 (2 tấm bên phải) vẫn mới như tấm của năm 2022.

4. Nghệ thuật của ánh sáng

Ngoài sự phối hợp ăn ý với hệ thống đèn chiếu sáng trong bảo tàng, một điểm nhấn nữa của công viên gốm Thanh Hà là cách dùng ánh sáng tự nhiên rất “nghệ”.

Những khe hở trên các bức tường được tạo ra một cách cố ý tạo thành vệt sáng dọc dài, hắt bóng lên các sản phẩm gốm được trưng bày bên trong. Một số bức tường sử dụng lam đất nung, vừa trang trí vừa lấy sáng và lấy gió rất tự nhiên.

Nhưng ánh sáng làm tui ấn tượng nhất là trên tầng 3 khối nhà lò ngửa. Đứng ở cầu thang ngước đầu nhìn lên mái nhà dường như có thể chạm tới trời xanh mây trắng. Có người nói rằng đây là nấc thang lên thiên đường; có người hình dung đến nơi khói đốt lò nung thoát ra; còn tui thì thấy đó là sự hòa quyện rất ngọt của những gì dung dị nhất.

Là bức tường gạch thẻ thô mộc, là lan can cầu thang chỉ quét màu vôi trắng nổi bật trên nền đất nung đỏ nâu, là cây tre già làm tay vịn cầu thang, là miếng ngói âm dương thay đổi công năng làm vật trang trí, là ngói đỏ tươi lợp trên xà nhà gỗ xám. Cảm giác như đang ở trong một ngôi nhà truyền thống với đất nung hiện hữu khắp mọi nơi. Hơn nữa, ánh sáng dù là của mặt trời gắt gỏng hay mặt trăng dịu êm đều có thể hắt vào. Không gian thoáng đãng bên trên khiến tui cứ nghĩ sau bậc cuối cùng của cầu thang là cả bầu trời ý tưởng rộng lớn; mở ra sự kết nối đưa những sản phẩm gốm của người dân Thanh Hà đến với thế giới như thời kỳ thịnh vượng cùng cảng thị Hội An ngày xưa.

5. Góc dừng chân nghỉ ngơi của du khách

Trong khuôn viên bảo tàng có khá nhiều nơi để du khách nghỉ chân.

Xung quanh hồ nước trung tâm là quán cà phê nhỏ để khách có thể tranh thủ ngắm nghía những công trình kiến trúc thế giới bằng gốm thu nhỏ. Bạn có thể nghỉ chân thư giãn ngay trong không gian của đất nung.

6. Đường đến công viên Đất nung Thanh Hà

Công viên nằm trong khuôn viên làng gốm Thanh Hà (Tp. Hội An, Quảng Nam), cách phố cổ Hội An khoảng 3km. Từ quảng trường sông Hoài hoặc bãi giữ xe phố cổ => theo đường Cao Hồng Lãnh ra đường Hùng Vương => chạy thẳng đến khi nào bạn thấy một bùng binh lớn chữ Y có cây cầu Cẩm Kim phía trên (nếu đi lên cầu Cẩm Kim thì sẽ tới lò gạch Duy Xuyên), bên dưới cầu phía tay trái là chợ Thanh Hà => đi theo hướng bên trái vào đường Duy Tân, đến đây thì chỉ còn hơn 500m là tới => đến ngã tư Duy Tân – Phạm Phán. Công viên nằm ngay góc cua bên tay trái.

Cổng chính công viên Đất nung Thanh Hà

Giờ mở cửa: 8h – 17h30.

Giá vé tham quan: 50k/người.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *