Theo Công ước ngày 6/2/1874 (điều 9 và điều khoản phụ), người Pháp được nhà Nguyễn nhường cho một khoảnh đất trên bờ sông Hồng để xây dựng chỗ ở cho Công sứ và đội hộ vệ. Miếng đất rộng 5 mẫu (2.5 ha), hình chữ nhật với cạnh dài là bờ sông Hồng và con đê trong (nay là phố Lê Thánh Tông kéo dài thành Trần Thánh Tông); cạnh ngắn là các con đường được đắp cao (nay là phố Tràng Tiền và Nguyễn Công Trứ); nghĩa là nguyên một khu vực từ Nhà hát Lớn đến đoạn bệnh viện Hữu Nghị ngày nay. Tháng 10/1875 các công trình kiên cố được khởi công xây dựng trong khu nhượng địa với một con đường đi xuyên qua giữa khu, sau này trở thành phố Nhượng địa (Rue de la Concession), nay là phố Phạm Ngũ Lão.
Nhằm xây dựng Hà Nội thành một thành phố châu Âu, người Pháp tiến hành mở một con đường nối khu nhượng địa với khu vực Trường Thi và Hoàng thành cũ. Đây chính là các tuyến phố đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, gồm phố Pháp Quốc, phố Paul Bert và phố Borgnis Desbordes.
1. Phố Pháp Quốc (rue de France)
Phố Pháp Quốc được xây dựng khoảng năm 1886-1888, bắt đầu từ cổng Pháp Quốc đến Nhà hát Lớn. Cổng Pháp Quốc (Porte de France) vốn là cổng phố Hàng Khay (nay là đoạn giao nhau giữa phố Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư, gần dốc Bác Cổ). Cổng này bị dỡ bỏ vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7/1886. Năm 1945 con phố này đổi tên thành phố Đồn Thủy. Phố Pháp Quốc xưa nay là một đoạn của phố Tràng Tiền.
Nhà hát Lớn Hà Nội.
2. Phố Paul Bert
Phố Paul Bert được xây dựng cùng thời gian và là đoạn tiếp theo của phố Pháp Quốc, kéo dài từ Nhà hát Lớn đến hết phố Hàng Khay (Incrusteurs). Đến 1945 đổi tên thành phố Tràng Tiền – Hàng Khay. Năm 1949 phố Paul Bert được chia thành 2 đoạn: đoạn thuộc phố Tràng Tiền cũ (không bao gồm phố Hàng Khay) sáp nhập với phố Đồn Thủy lấy tên là phố Pháp Quốc; đoạn còn lại đổi tên thành phố Anh Quốc (Great Britain Street), năm 1951 vẫn giữ nguyên tên phố Anh Quốc, nay là phố Hàng Khay.
3. Phố Borgnis Desbordes
Phố Borgnis Desbordes được xây dựng từ trước năm 1890, bao gồm cả Camps des Lettrés (Trường Thi). Năm 1945 đổi tên thành phố Tràng Thi, năm 1949 đổi tên thành phố Mỹ Quốc (United States Of Amécica Street), nay là phố Tràng Thi.
4. Đại lộ Francis Garnier
Con đường xung quanh Hồ Gươm có ý tưởng xây dựng từ năm 1884 nhưng đến 1891 mới thực hiện, ban đầu có tên là đại lộ quanh Hồ Nhỏ (boulevard autour du Petit Lac), đại lộ Hồ Nhỏ (boulevard du Petit Lac), đại lộ ven Hồ (boulevard du Lac). Người Pháp gọi là hồ Nhỏ (Petit Lac) để phân biệt với hồ Lớn (Grand Lac) là hồ Tây. Sau khi hoàn thành được đặt tên là đại lộ Francis Garnier. Đến năm 1945 được sáp nhập với đại lộ Beauchamps đổi tên thành phố Lê Thái Tổ. Năm 1951 tách khỏi đại lộ Beauchamps, đổi tên thành đại lộ Đinh Tiên Hoàng và và giữ tên phố đến ngày nay.
5. Đại lộ Beauchamps
Đại lộ này được mở trước tháng 4-1891, năm 1945 sáp nhập với đại lộ Francis Garnier thành phố Lê Thái Tổ, năm 1951 tách khỏi đại lộ Francis Garnier và đổi tên thành đại lộ Lê Thái Tổ (nay là phố Lê Thái Tổ). Đền thờ vua Lê Thái Tổ được giữ nguyên khi làm đường.
6. Khu vực Place de Cocotier
Khu vực Place de Cocotier là đoạn nối giữa đại lộ Francis Garnier và đại lộ Beauchamps. Tài liệu ghi chép rằng trong quá trình khảo sát để xây dựng ga tàu điện trung tâm cho thành phố, người Pháp thấy ở đây có nhiều cây cọ mà họ tưởng là cây dừa nên mới đặt tên là quảng trường cây dừa – Place de Cocotier. Khoảng năm 1900 đổi thành quảng trường Négrier, năm 1949 rồi đổi thành quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và giữ tên đó đến nay.
- Đọc thêm: Một vòng quanh Hồ Gươm
- Tháp Hòa Phong bên dòng Lục Thủy
- Phố đi bộ Hồ Gươm – điểm hẹn thú vị cuối tuần
Nguồn: Đào Thị Diến, https://archives.org.vn/tin-tong-hop/pho-di-bo-quang-ho-guom-duoc-hinh-thanh-nhu-the-nao-trong-lich-su.htm
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Khu phố quanh Hồ Gươm – những ngày đầu hình thành […]
[…] Đọc thêm: Khu phố quanh Hồ Gươm – những ngày đầu hình thành […]