Hà Nội – đúng như tên gọi của nó – là thành phố nằm giữa những con sông. Và những dòng sông chảy qua thành phố đã lưu dấu thành bề dày văn hóa và lịch sử của vùng đất ngàn năm văn hiến. “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông; Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Nhị Hà chính là khúc sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Trước khi đổi dòng sang hướng Đông, nó kịp để lại trong lòng thành phố một hồ nước ngọt tự nhiên và đã trở thành biểu tượng của thủ đô – Hồ Gươm.
Hồ Gươm
Hồ Gươm mang trong mình nhiều tên gọi khác nhau. Đó là một khúc sông Nhị Hà, thuở xưa có tên là hồ Lục Thủy vì dòng nước có màu xanh biếc tự nhiên. Năm 1056 vua Lý Thánh Tông xây dựng chùa Sùng Khánh (Sùng Khánh Báo Thiên Tự) gần hồ Lục Thủy, cầu cho quốc thái dân an. Năm 1057 xây dựng bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên (còn gọi là tháp Báo Thiên) để ghi nhớ chiến công đánh thắng người Chăm. Thời Trần, hồ còn rất lớn và thông với sông Tô Lịch nên thủy quân nhà Trần thường tập luyện trên hồ, vì vậy còn có tên là hồ Thủy Quân. Thời vua Lê Thái Tổ, nơi đây gắn với truyền thuyết trả gươm báu cho rùa vàng trong một lần nhà vua ngự thuyền dạo chơi trên hồ sau khi chiến thắng giặc Minh, nên vua đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.
Cuối thế kỷ 16, chúa Trịnh dựng phủ Chúa bên mạn Báo Thiên. Hồ Hoàn Kiếm lúc này bao từ bên trái sang bên phải phủ, hai phần của hồ đổi tên thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Sau này, hồ Hữu Vọng bị san lấp, hồ Tả Vọng bị thu nhỏ lại và hiện còn khoảng 12ha của hồ Hoàn Kiếm ngày nay.
Không chỉ là mặt gương trong giữa lòng thành phố, Hồ Gươm còn là mạch nối giữa phố cổ Hà Nội xưa (như Hàng Ngang, Hàng Đào…) với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch vào đầu thế kỷ 20 (như Tràng Tiền, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng…).
Đền Ngọc Sơn
Lịch sử đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc trong Hồ Gươm, phía Bắc của hồ. Ngày xưa đảo có tên là Tượng Nhĩ, nghĩa là tai voi. Khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã đặt tên cho ngôi đền trên đảo là Ngọc Tượng. Đến đời Trần thì đổi tên là đền Ngọc Sơn để thờ binh tướng hy sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông nhưng sau này đền bị sụp đổ. Đến đời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh Giang dựng lên cung Khánh Thụy và đắp hai quả núi đất trên bờ đất phía Đông, đối diện đền Ngọc Sơn; nhưng đến năm 1787 thì bị vua Lê Chiêu Thống sai phá hủy cung để trả thù các chúa Trịnh. Sau đó dân làng Tả Khánh dựng lại và đặt tên là đền Khánh Thụy.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Một thời gian sau, một nhà từ thiện là ông Tín Trai đã phát nguyện xây dựng chùa Ngọc Sơn trên một phần nền cung Khánh Thụy khi xưa, quay mặt về phía Nam (nghĩa là phía lòng Hồ Gươm). Không bao lâu sau, chùa Ngọc Sơn được một hội từ thiện tiếp quản, chỉnh sửa lại kết cấu và chuyển thành nơi thờ Tam Thánh, đặt tượng Văn Xương Đế Quân và đổi tên thành đền Ngọc Sơn. Năm 1865, nhà Nho Nguyễn Văn Siêu tiến hành đại tu, đắp thêm đất, xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba ở phía Nam, cầu Thê Húc dẫn từ bờ Đông đi vào đền cùng Tháp Bút, Đài Nghiên.
Hiện nay, đền Ngọc Sơn là nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, thần chủ quản công danh Văn Xương Đế Quân. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi thờ Phật, ban Công Đồng thể hiện rõ nét quan niệm Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) của người dân Việt Nam khi xưa.
Kiến trúc đền Ngọc Sơn
Trước cổng đền Ngọc Sơn.
Ngoài cổng đền là 2 bức tường Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng câu đối nói về việc học hành, thi cử. Đi qua cầu Thê Húc là đến Đắc Nguyệt Lâu (lầu hứng trăng). Lầu có 2 tầng, 4 góc phía trên có phù điêu mây uốn lượn. Phía trước còn có hai bức hoành phi đắp nổi là Long Mã Hà Đồ bên phải và Thần Quy Lạc Thư bên trái.
Đền Ngọc Sơn được thiết kế theo hình chữ Tam, gồm tòa bái đường, trung đường và hậu cung. Hai bên khu đền chính còn có 2 gian trưng bày tiêu bản của 2 cụ rùa Hồ Gươm. Phía Nam đền có đình Trấn Ba (đình chắn sóng) có kiến trúc hình vuông với 8 mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.
Quy định vào cổng
Thời gian mở cửa: 7h – 18h (thứ 2 – thứ 6); 7h – 21h (thứ 7, chủ nhật).
Giá vé: 50k/người (có giảm giá cho sinh viên và trẻ em). Nếu qua Đắc Nguyệt Lâu thì mới phải mua vé.
Tháp Bút, Đài Nghiên
Trước khi vào cổng đền, phía tay trái có một ngọn tháp cao vút là Tháp Bút được xây dựng năm 1865. Tháp dựng trên một gò đá hộc tượng trưng cho 1 ngọn núi có tên là Độc Tôn. Tháp xây bằng đá, cao 9m, gồm 5 tầng, trên đỉnh là biểu tượng cho một ngọn bút vươn thẳng lên trời. Thân tháp khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên”, có nghĩa là “Viết lên trời xanh”. Tầng thứ 3 của tháp khắc một bài Bút Tháp Chí.
Dưới chân Tháp Bút là Đài Nghiên cũng bằng đá xanh. Nghiên kê trên lưng ba con thiềm thừ. Trên nghiên có khắc bài minh của Nho sĩ Nguyễn Văn Siêu gồm 64 chữ Hán. Tương truyền, du khách đến thăm đền may mắn sẽ được chứng kiến bóng Tháp Bút chấm đúng vào giữa lòng Đài Nghiên khi mặt trời đứng bóng.
Cầu Thê Húc
Qua khỏi Tháp Bút là đến cầu Thê Húc. Qua cầu Thê Húc mới đến Đắc Nguyệt Lâu rồi vào khu vực chính của đền Ngọc Sơn. Cầu được xây dựng năm 1865 do Nguyễn Văn Siêu (1799-1892), một danh sĩ đất Bắc Hà đứng ra thực hiện. Cầu nối từ bờ Đông của Hồ Gươm đến đảo Ngọc, dẫn vào đền Ngọc Sơn. “Thê Húc” nghĩa là “Nơi đậu ánh nắng ban mai”. Cây cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván gỗ. Toàn bộ cầu được sơn màu đỏ thẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Mềm mại, duyên dáng, cây cầu gỗ đỏ cong cong soi bóng xuống mặt hồ xanh là điểm nhấn và là niềm cảm hứng cho rất nhiều người khi đến đây.
Tháp Rùa
Tháp Rùa nằm giữa Hồ Gươm, còn gọi là Quy Sơn tháp vì xưa kia các cụ rùa hay bò lên đây nằm phơi nắng. Tháp được xây dựng khoảng năm 1884-1886, gồm 3 tầng mang phong cách Gothic của châu Âu nhưng phần mái cong vẫn có nét Việt.
Đền Bà Kiệu
Đền Bà Kiệu nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Đền Bà Kiệu chỉ cách cầu Thê Húc khoảng 80m. Khi thực hiện mở đường, di tích này bị tách ra làm 2 phần, cổng Tam quan thì ở sát bờ hồ, còn đền thờ thì nằm phía bên kia đường, phía sau tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Đây là 1 trong những đền thờ Mẫu sớm nhất nước ta, thờ 3 vị nữ thần là Mẫu Liễu Hạnh, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc nữ.
Tượng đài Quyết tử
Từ Tháp Bút chỉ cần băng qua đường chừng 50m là đến cụm tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Tượng đài được khánh thành ngày 22/12/2004 sau 90 ngày thi công, đặt tại vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu). Tượng được sáng tác bởi cố nghệ sĩ Kim Giao năm 1984; sau này bản thực tế làm theo mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Vũ Đại Bình và họa sĩ Mai Văn Kế. Được ghép từ 34 khối đá, cao 9,7 m, nặng hơn 300 tấn, công trình thể hiện hình ảnh 3 nhân vật: anh chiến sĩ Vệ quốc quân ôm bom ba càng đứng giữa; một bên là cô gái mặc áo dài đại diện cho giới trí thức và phụ nữ Hà Nội xếp bút nghiên lên đường cứu nước; một bên là anh công nhân cầm súng chiến đấu. Đây là biểu tượng tôn vinh lòng kiên cường, anh dũng hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn
Tượng đài nằm trong khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ (vườn hoa Chí Linh cũ) trên đường Đinh Tiên Hoàng, giữa Bưu điện Hà Nội và UBND Tp. Hà Nội. Đây là bức tượng thứ 2 đúc bằng đồng ở Hà Nội (sau tượng đài Lênin đặt tại công viên Lênin), nhưng là bức tượng đầu tiên đúc bằng đồng nguyên khối. Tượng do các nghệ nhân ở Nam Định thực hiện. Năm 2004 tượng được dựng lên tại địa điểm này. Bức tượng phác họa cảnh đức vua đang cầm trong tay Chiếu dời đô, đánh dấu một trang lịch sử huy hoàng của triều đại nhà Lý.
Đền thờ vua Lê Thái Tổ – Lê Lợi
Băng qua hồ, đối diện với tượng đài vua Lý Thái Tổ là đền thờ vua Lê Lợi. Đền nằm trên đường Lê Thái Tổ, áp với đình Nam Hương. Trong đền có tượng vua Lê đứng trên cao, tay cầm thanh kiếm như đang chuẩn bị ném xuống hồ.
Tháp Hòa Phong
Tháp Hòa Phong là chứng nhân lịch sử cuối cùng còn sót lại của một ngôi chùa bề thế nhất kinh kỳ dưới thời nhà Nguyễn – chùa Báo Ân. Tháp hiện nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, đối tiện Bưu điện Hà Nội. Đây là một công trình đơn giản nhưng thể hiện đầy đủ sự tôn trọng đối với Nho Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Một vòng quanh Hồ Gươm […]