Sau khi được Việt hóa, bánh mì trở thành món ăn đường phố phổ biến, có mặt ở mọi tỉnh thành trên dải đất hình chữ S. Mỗi địa phương mà bánh mì Việt ghé chân lại biến tấu theo một kiểu khác nhau và tạo nên thương hiệu riêng, như bánh mì xíu mại Đà Lạt, bánh mì cay Hải Phòng, bánh mì bột lọc Đà Nẵng, bánh mì chả cá Nha Trang…Trong số đó, xét về ngoại hình thì bánh mì cay Hải Phòng là em út nhất hội. Bánh mì cay đôi khi còn được gọi là bánh mì que, chắc vì vẻ ngoài thuôn đuột nhỏ xíu như cái que của nó, chỉ dài cỡ một gang tay và rộng hai đốt tay. Ăn một cái đương nhiên chẳng bõ bèn gì, sơ sơ cũng phải năm cái trở lên mới lưng lửng bụng, đã cái cơn thòm thèm. Điều đáng nói là bánh mì cay cực kỳ đơn giản, không chả thịt nhiều nhưng vẫn gây ghiện. Độ hấp dẫn của bánh mì cay nằm ở lớp vỏ ngoài được nướng qua trên than hoa vừa đủ lửa để bánh giòn rụm mà không cháy, bên trong vẫn mềm, xốp, hòa quyện giữa vị thơm nồng của pate và vị the cay của tương ớt.
Linh hồn của bánh mì cay đến từ lớp pate gan bùi thơm béo. Gan được sơ chế kỹ càng rồi ngâm sữa tươi cho hết chất bẩn, thải bớt độc và mềm hơn. Thịt heo gồm cả nạc lẫn mỡ phần theo một tỷ lệ rất khéo, nhiều mỡ quá sẽ ngấy mà ít mỡ quá thì pate lại khô xáp. Xay nhuyễn các nguyên liệu, thêm ít vụn bánh mì và các loại gia vị khác rồi chế biến, thế là có thành phẩm pate mềm mịn, thoang thoảng mùi gan, beo béo thịt mỡ, thơm thơm vị tiêu. Bánh mì cay thường ăn với pate nguội; nhưng nếu lúc nào đó bạn thử thưởng thức pate mới ra lò béo ngậy, thơm phức với bánh mì que be bé, cũng khó mà cưỡng nổi.
Bánh mì cay đương nhiên phải cay. Mỗi hàng quán lại nắm trong tay bí quyết pha chế tương ớt riêng biệt để níu chân thực khách. Tương ớt dùng cho món bánh mì cay thường loãng hơn các loại tương khác nhưng vẫn sóng sánh, cay nồng và hắt lên màu đỏ tươi quyến rũ. Tương ớt ở Hải Phòng còn gọi là chí chương. Nhiều người bảo rằng cái tên “chí chương” xuất phát từ những người gốc Hoa sống ở đây, phiên âm tiếng Trung là “Zhī jiāng”, phát âm na ná giống chí chương (chíu chương). Cũng như nhiều vùng miền khác, nguyên liệu chính để làm chí chương là ớt tươi, cà chua, tỏi, muối, đường nhưng lại có bí quyết pha chế riêng để tạo nên nét đặc trưng. Món chí chương cay ngon tê lưỡi, có thể cho trực tiếp vào bánh mì hoặc để một bát riêng rồi chấm khi ăn.
Khi nào đến thành phố hoa phượng đỏ, bạn nhớ ghé một quán bánh mì cay ở vỉa hè, gọi mấy que bánh mì để thưởng thức, rồi nhẩn nha ngắm phố phường. Nhớ phải chấm tương ớt thật nhiều, vừa nhấm nháp các hương vị hòa quyện trên đầu lưỡi, vừa xuýt xoa vì cay mà nhớ mãi đất Hải Phòng, bạn nhé!
📌📌Mách nhỏ cho bạn: một số quán nổi tiếng nè:
Ở Hải Phòng:
- Bánh mì cay Bà Già, 57 Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng, mở cửa 7:00 – 22:30
- Bánh mì cay Ông Cuông, 184 Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng, mở cửa 07:00 – 22:00
- Bánh mì cay Ông Già Khánh Nạp, 181 Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng, mở cửa 16:00 – 23:00
- Bánh mì cay Đinh Tiên Hoàng: 37 Đinh Tiên Hoàng, Hồng Bàng, Hải Phòng, mở cửa 7:00 – 24:00. Quán này còn có thêm chè thái
- Bánh mì cay chợ Cột Đèn: Chùa Hàng, Lê Chân, Hải Phòng.
Ở Hà Nội: thật may là Hà Nội có khá nhiều quán lấy bánh mì tận lò ở Hải Phòng đem về bán nên vẫn giữ được hương vị. Trong đó tui ưng nhất là bánh mì cay Bà Nghị.
- Bánh mì cay Bà Nghị, 2/2 Hoa Lư, 4k/cái. Đây là một ngõ khá rộng và thoáng, bức tường nhà được tận dụng vẽ tranh, chỗ này làm điểm check in nổi bần bật luôn. Quan trọng là bánh mì ngon và chị chủ thì siêu nhiệt tình, mua nhiều còn được giảm giá. Mấy lần tui mua đem về Quy Nhơn, chị í đều đóng gói cẩn thận, về chỉ việc bỏ nồi chiên không dầu quay lại cỡ 3-4 phút, 180 độ là ngon bá cháy rồi. Bật mí thêm là khi tui hỏi xin ảnh minh họa thì chị í đi tìm và cho toàn bộ ảnh trong bài, trừ ảnh có tên quán là tui tự chụp. Dễ thương gì đâu luôn.
-LVA-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Bánh mì cay Hải Phòng – Món ăn đường phố gây nhớ nhung […]
Ngon ngon nha bạn
[…] Bánh mì cay Hải Phòng – món ăn đường phố gây vấn vương […]
[…] Bánh mì cay Hải Phòng – món ăn đường phố gây vấn vương […]