Tháp nước Hàng Đậu thơ mộng trong mùa cây thay lá

Hà Nội mùa này rộn rã trong những sắc màu của cỏ cây. Một sớm tỉnh giấc, nghe hương bưởi nồng nàn thoảng trong tách trà thơm, ấy là tháng ba đã tới. Đó còn là ngày bất chợt sưa choàng lớp áo trắng tinh lên những cành cây già; là cánh hoa ban trắng hồng rơi trên con phố dài; là phong linh vàng rực rỡ trong nắng; là hoa gạo thắp lửa bên ruộng lúa xanh; là chùm xoan tím dịu dàng e ấp. Tháng ba còn là mùa cây thay lá, khi lộc vừng trở mình tiễn xuân đi. Vào dịp ấy, nếu muốn chìm đắm trong không gian lãng mạn của lá vàng rơi, bạn có thể đến tháp nước Hàng Đậu – một nơi đẹp trong mọi khung hình.

Nguồn gốc tháp nước Hàng Đậu

Trước đây, ở Hà Nội vẫn thường lấy nước từ giếng khơi, giếng làng, các ao hồ hoặc nước mưa để dùng trong sinh hoạt. Dân cư thuở ấy chỉ khoảng 6 vạn người. Những năm cuối thế kỷ 19, nhiều dịch bệnh nặng nề xảy ra, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kể cả những người nước ngoài. Quá lo ngại, người Pháp tiến hành xây dựng hệ thống cấp nước sạch theo kiểu châu Âu thay cho nước lấy theo kiểu dân gian trước đây.

Năm 1894, tháp nước Hàng Đậu ra đời, trước 5 năm so với cầu Long Biên, tính đến nay gần 130 năm tuổi. Tháp Hàng Đậu xưa kia còn có tên là Đài Đầu vì tháp ở ngay đầu thành phố. Nước từ nhà máy nước sạch được đưa vào đài nước đặt trong lòng tháp, sau đó phân phối theo đường ống chảy đi các nơi trong thành phố. Trong tháp có thiết kế hệ thống van để điều tiết việc cấp nước về các khu vực. Van nước chảy về khu vực trung tâm nội thành nơi có nhiều người Pháp sinh sống và quân đội thực dân đóng quân thì luôn được mở; phần dư ra mới cung cấp cho người dân nên van nước chảy về khu người Việt thường bị vặn nhỏ hơn.

Tháp nước Hàng Đậu đầu thế kỷ 20. Ảnh: internet.

Góc bên cạnh phố Hàng Cót hay được lên hình nhất vì có vỉa hè rộng rãi hơn hẳn, dễ dàng tác nghiệp.

Góc nhỏ:

  • Ngoài tháp nước Hàng Đậu, Hà Nội còn có tháp nước Đồn Thủy. Tháp này có thể coi như anh em sinh đôi với tháp Hàng Đậu vì được xây dựng gần như cùng lúc, giống nhau về kích thước, vật liệu và công năng. Hiện nay tháp nằm trong khuôn viên của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm, số 8C đường Đinh Công Tráng.

Tháp nước Hàng Đậu nằm ở đâu

Tháp nằm ngay trong phố cổ, nơi ngã 6 giao nhau giữa các phố Hàng Đậu, Hàng Than, Hàng Cót, Quán Thánh, Hàng Giấy và Phan Đình Phùng. Bên cạnh là vườn hoa Hàng Đậu. Điểm này cách chợ Đồng Xuân chỉ hơn 200m, cách Hồ Gươm 1km. Từ đây bạn cũng có thể ra Hồ Tây thăm đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, thưởng thức phở cuốn Ngũ Xã nổi tiếng chỉ cách khoảng 1.2 km. Xa hơn một chút, khoảng 2km là Lăng Bác, quảng trường Ba Đình, hoàng thành Thăng Long…

Tháp nước Hàng Đậu nằm ngay nút giao nên rất dễ tìm thấy.

Kiến trúc tháp nước Hàng Đậu

Không như nhiều tháp nước khác chỉ đơn giản là bồn nước đặt trên giá đỡ, tháp Hàng Đậu được xây thành một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp. Đó là khối nhà hình trụ tròn đường kính 19m, cao 25m, trong đó phần mái hình nón cao 5m. Trong lòng tháp, phía trên là đài nước khổng lồ với thể tích 1.250 m3 đặt trên đỉnh 8 bức tường đá, đây chính là bồn chứa nước sạch để phân phối cho thành phố.

Cửa ra vào bằng sắt nằm phía phố Hàng Than – một nơi nổi tiếng với nhiều hàng bánh cốm gia truyền.

Bao quanh vòng cung tháp là 54 ô cửa chia đều cho các tầng; tầng 1 có 17 cửa sổ và 1 cửa ra vào, 2 tầng còn lại có 18 ô cửa sổ mỗi tầng. Các cửa sổ ở tầng 1 hiện đã bị bịt kín để đảm bảo vệ sinh, tránh một số người thiếu ý thức xả rác thải vào.

Suốt những năm tháng chiến tranh, vẻ đẹp của tháp không bị ảnh hưởng bởi bom đạn

Điều đặc biệt là tháp được xây dựng bằng đá dỡ ra từ việc phá thành Hà Nội. Tuy bằng đá nhưng tổng thể công trình không phải là một khối lạnh lùng cứng ngắc mà rất mềm mại bởi những chi tiết thêm thắt một cách vừa vặn. Không dùng họa tiết trang trí cầu kỳ, tháp chỉ được tô điểm nhẹ nhàng bởi khung cửa sổ vòm cung đều đặn, các viên đá đặt so le nhau tạo điểm nhấn, sự đối lập giữa những mảng tường mài nhẵn đặt cạnh khối đá xù xì. Ngay cả đường phân tầng cũng được thiết kế khéo léo, ở tầng 1 uốn theo mái vòm cong, ở tầng 2 chạy đường diềm đắp nổi bao quanh. Toàn bộ tháp đều giữ nguyên màu xám tự nhiên của đá, tạo ra một điểm nhấn khác biệt so với những kiến trúc Pháp cùng thời.

Hình chụp lúc 6h sáng của một ngày trời mây mù xám xịt + giữ nguyên màu ảnh gốc, chứ ở ngoài tháp đẹp hơn nhiều ạ.

Hiện nay công trình không còn công năng như lúc ban đầu nhưng vẫn được giữ lại như một mốc son đánh dấu sự thay đổi bộ mặt thành thị của Hà Nội, bắt đầu từ việc cung cấp điều kiện vệ sinh thiết yếu cho người dân.

Nên đi tháp nước Hàng Đậu vào thời gian nào?

Phía trước tháp có 2 cây lộc vừng, đến mùa thay nhau chuyển màu lá tạo nên một không gian cực kỳ nên thơ. Người ta thường nói phải chụp hình lá vàng ở tháp nước Hàng Đậu. Nhưng với tui, ở đây mùa nào cũng đẹp. Vì vậy, nếu có lỡ hẹn với tháng 3, bạn vẫn có thể đến đây và lưu giữ những bức ảnh độc đáo cho riêng mình vào bất cứ thời gian nào nhé.

Mùa cây thay lá ở tháp nước Hàng Đậu.

Lá chuyển từ vàng sang đỏ rồi rụng trong khoảng 2 tuần. Sau đó lộc xanh bắt đầu nẩy chồi cũng rất đẹp.

Góc nhỏ:

  • Nhiều người vẫn hay gọi tháp nước Hàng Đậu là bốt Hàng Đậu. Thực ra đây là hai địa điểm khác nhau. Bốt Hàng Đậu (nay là trụ sở Công an phường Đồng Xuân) nằm ở số 2 phố Hàng Giấy, đối diện với tháp nước, cách nhau con phố Hàng Đậu. Đây vốn là nhà của một người Pháp xây từ đầu thế kỷ 20. Năm 1915 chính quyền Pháp mua lại ngôi nhà và lập thành đồn cảnh sát nên được gọi là bốt Hàng Đậu.
  • Cùng với bốt Hàng Đậu, bốt Hàng Trống, nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, nằm ở sô 2 Tràng Thi, ngay góc giao Tràng Thi – Lê Thái Tổ, sát bên Hồ Gươm. Trước đây gọi là bốt Hàng Trống vì phố Hàng Trống kéo dài đến tận đầu phố Tràng Thi (là đoạn Lê Thái Tổ ngày nay). Bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu vừa là nơi làm việc của cảnh sát thời thực dân Pháp (mà người dân hay gọi là “đội cẩm”) vừa là nơi giam giữ tội phạm tạm thời.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *