Trên nhịp cầu Long Biên lộng gió

Ở Hà Nội, đố bạn biết chỗ nào chơi cảm giác mạnh miễn phí. Đi theo tui, tui dẫn đến cầu Long Biên. Đây là cây cầu cực kỳ đặc biệt, một trong các biểu tượng của thủ đô. Nhưng trước khi thử thách bản thân, bạn lướt nhẹ vài dòng về câu chuyện của nhịp cầu nối những bờ vui này nhé.

1. Nguồn gốc cầu Long Biên

Thế kỷ 19, tuyến đường bộ giữa Hà Nội và một số tỉnh lân cận gặp nhiều khó khăn do bị ngăn cách bởi con sông Hồng hung dữ. Năm 1897, viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer đã lên ý tưởng về một cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng và yêu cầu trong một thời gian ngắn phải nghiên cứu vị trí đặt cầu. Thuở ấy, sông Hồng rộng đến 1.700m, sâu hơn 20m, mùa lũ lại khuyến mãi thêm 8m nước dâng; lòng sông có nhiều bãi bồi thay đổi liên tục. Vì vậy việc xây cầu là ý tưởng quá táo bạo. Tháng 6 cùng năm, từ thông báo tuyển nhà thầu trên Công báo Đông Dương, công ty Daydé & Pillé đã được lựa chọn. Thiết kế Cầu Long Biên của công ty lấy ý tưởng từ cầu Tolbiac ở quận 13, Paris, trên tuyến đường sắt Paris – Orléans, Pháp nhưng là bản xịn sò hơn nhiều. Cầu Tolbiac xây từ năm 1879-1882, dài 168m, trước cầu Long Biên 21 năm, và đã phá dỡ năm 1996 để xây cầu mới.

Cầu Tolbiac với 2 nhịp vòm cong thấp, đơn điệu hơn nhiều so với cầu Long Biên.

Cầu được thực hiện từ ngày 12/9/1898 đến 3/2/1902 và khánh thành vào ngày 28/2/1902, nhanh hơn kế hoạch ban đầu 2 năm. Việc thi công còn bị gián đoạn vài tháng hàng năm do lũ lụt. Cây cầu có sự tham gia của hơn 3000 công nhân An Nam, khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp để điều hành công việc. Tổng nguyên liệu gồm 30.000m3 đá, 5.600 tấn thép cán chở từ Pháp, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì, xi măng từ Hải Phòng, gỗ từ Thanh Hóa, vôi từ Huế. Tổng vốn đầu tư là 5.390.794 franc Pháp, số được duyệt là 6.200.000 franc, trích từ công trái Đông Dương. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, công trình lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ và là cây cầu dài thứ 2 trên thế giới, sau cầu Brooklyn bắc qua sông East – River của Mỹ (hoàn thành năm 1883).

2. Nhân chứng lịch sử

Thuở ban đầu

Năm 1902, vua Thành Thái cùng Toàn quyền mới đã chính thức khánh thành cây cầu lịch sử.

Thời kỳ chống Pháp

Trước đây, cầu Long Biên từng bị nghiêng vì đoàn xe của Pháp chở vũ khí và binh lính từ thành phố sang Gia Lâm, từ đó đi tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ.

19/12/1946, lúc 20h03, hiệu lệnh chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến được phát đi trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau 3 tháng kiềm chân địch, tình hình ngày càng trở nên khốc liệt nên Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút quân khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Đêm 17/2/1947, một lực lượng quân đội tấn công vào nội thành nhằm đánh lạc hướng chú ý của quân Pháp; lực lượng khác đưa nhân dân và thương binh chia lẻ thành nhiều nhóm nhỏ bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên nhanh chóng vượt sông Hồng bằng thuyền gỗ, trên cầu lính gác vẫn đang đi tuần. Đến trưa 18/2/1947, rút lui thành công.

9 năm sau, ngày 9/10/1954, 5h sáng bộ đội ta hành quân theo nhiều hướng trở về, 16h quân viễn chinh Pháp rút khỏi Hà Nội đi về hướng Hải Phòng. Cây cầu đã chứng kiến cuộc bàn giao giữa 2 bên sau ngày Giải phóng Thủ đô.

Thời kỳ chống Mỹ

Đây là tuyến đường quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, Mỹ đương nhiên không bỏ qua mục tiêu này với hàng loạt trận mưa bom ác liệt. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 – 1968), cầu Long Biên bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần làm hỏng 7 nhịp cầu và 4 trụ lớn. Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai năm 1972, với đỉnh điểm là 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không, cầu Long Biên bị ném bom 4 lần làm 2 trụ lớn bị cắt đứt và phá hỏng 1500 mét cầu.

Để bảo vệ cầu, Bộ đội phòng không và công binh Việt Nam đã bố trí các chốt trực tác chiến, trận địa phòng ngự và chống trả bắn phá giặc dũng cảm và quyết liệt. Vì thế mà cầu Long Biên còn là biểu tượng cho sức mạnh chiến đấu của Quân đội thủ đô nói riêng và Quân đội Cách mạng Việt Nam nói chung.

3. Kiến trúc đặc biệt

Cầu Long Biên dài hơn 3km, gồm 896m đường dẫn xây bằng đá và 2290m qua sông. Cầu có 19 nhịp dầm thép, đặt trên 20 trụ cao hơn 40m. Cầu rộng 4.75m, được thiết kế có đường sắt đơn ở giữa và đường bộ 2 bên; trước đây xe ô tô vẫn được phép lưu thông nhưng nay bị cấm. Đường bộ mỗi bên cũng được mở rộng từ 1.3m lên 2.2m, có thêm vỉa hè cho người đi bộ rộng 0.4m ở phía ngoài cùng và một số đoạn tránh xe nằm cách quãng trên cầu. Cầu có cao độ 14.5m, phù hợp với giao thông thủy ở thời điểm xây dựng nhưng bây giờ lại không đủ chiều cao. Khi bom Mỹ đánh phá, cầu phải gia cố lại nên cao độ bị rút xuống hơn 1m nữa. Khoang cầu từ rộng 80m giảm còn 40m do có thêm nhiều trụ được đóng bổ sung.

Đường dẫn lên cầu

Các nhà thiết kế vẫn đánh giá rằng cầu Long Biên không chỉ là một công trình giao thông mà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khổng lồ. Hệ thống khung thép gồm những dàn ngang, dọc và chéo trên 19 nhịp cầu uốn lượn tạo hiệu ứng chuyển ảnh liên tục khi di chuyển. Toàn bộ là thép nhưng được kết nối theo khối một cách hài hòa. Các đinh tán không chỉ làm nhiệm vụ kết nối thanh thép mà còn là chi tiết trang trí. Cây cầu tưởng như nặng nề mà lại hóa mềm mại, mạnh mẽ mà vẫn nên thơ.

4. Cây cầu với giao thông ngược

Điều đặc biệt ở cầu Long Biên là lưu thông ngược chiều, nghĩa là đi trái phần đường. Ở Việt Nam có cầu Việt Trì ở Phú Thọ cũng vận hành theo cách này. Một trong các cách giải thích phổ biến đến bây giờ là do đảm bảo cân bằng cầu. Khi Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, mọi sản vật đều được chuyển về “mẫu quốc” theo đường cảng Hải Phòng. Xe chở đi thì nặng, quay về Hà Nội thì nhẹ, nên làn bên phải ngày càng chịu tải trọng lớn hơn, khiến cầu nghiêng dần sang phải. Để tạm thời khắc phục việc này, người Pháp đã phân luồng xe chạy sang bên trái. Thói quen đó được giữ đến ngày nay.

Nhìn làn đường bộ 2 bên, bạn sẽ thấy kiểu đi ngược trên cầu Long Biên.

5. Kinh nghiệm check in cầu Long Biên

Tham quan vào thời điểm nào?

Nếu muốn ghi lại lúc giao thời của thiên nhiên trên cầu Long Biên, bạn có thể đến vào lúc bình minh và hoàng hôn. Ở bất kỳ nơi nào, hai khoảng thời gian này luôn là khoảnh khắc ấn tượng để tận hưởng không gian đất trời. Ngoài ra bạn có thể chụp cả ngày vẫn đẹp. Tuy nhiên nên tránh giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều tan tầm vì xe cộ sẽ rất đông đúc. Lúc đó chụp hình cũng khó, mà vừa ngắm cảnh vừa hít khói xe vừa nghe còi inh ỏi thì cũng hông zui xí nào.

An đi tìm Anh :))

Nếu muốn chụp cảnh mưu sinh sáng sớm thì nên đi lúc 4-5h sáng, muộn hơn tầm 2h thì sẽ lấy được cảnh xóm chài ven sông. Nếu muốn chụp cảnh nắng vàng hắt bóng thì khoảng 4-5h chiều. Đến buổi tối, ở đây lại có những quán cóc để ngồi rỉ rả câu chuyện. Khi đông về có ngô nướng – món ăn làm nên nét thi vị trên cầu Long Biên mùa gió chướng.

Đọc thêm: Hà Nội mùa đông, quán đê thơm nồng mùi ngô nướng sém

Tham quan bằng phương tiện gì?

Tốt nhất là bạn nên đi bộ hoặc xe máy. Tui nghĩ xe máy sẽ phù hợp hơn vì có những đoạn cầu được thiết kế điểm dừng, bạn có thể để xe vào đó cho khỏi ảnh hưởng dòng phương tiện lưu thông. Từ đây tha hồ ngắm cảnh, chụp hình. Sau đó lại leo lên xe chạy thẳng tuốt qua Gia Lâm rồi vòng lại cầu để chiêm ngưỡng cả 2 phía sông Hồng từ trên cầu Long Biên. Nếu cuốc bộ mà đi hết cầu thì hơi xa nhé.

Từ phía nội thành, nếu muốn lên cầu thì bạn đến ngã 3 Trần Nhật Duật – Hàng Đậu. Đối diện với Hàng Đậu chính là đường dẫn lên cầu Long Biên. Đi hết cầu Long Biên, xuống cầu, ôm cua 1 vòng tròn theo đường Ngọc Thụy là có thể lên cầu lại. Nói thêm là Hàng Đậu có một điểm bạn rất nên đến để ngắm mùa lá bay nha.

Đọc thêm: Tháp nước Hàng Đậu thơ mộng trong mùa cây thay lá

Chụp hình gì ở cầu Long Biên?

Trên cầu, bạn có thể chụp nét cổ của cây cầu thép, cảnh đoàn tàu lướt băng băng, những người thợ đường sắt đang kiểm tra đường ray, hoặc dòng người hối hả đi trên cầu. Một số người leo vào giữa đường ray để chụp hình, đoạn gần đầu cầu có mặt đất bên dưới chứ không phải đoạn trên mặt sông. Nhưng tui khuyên là không nên vì nguy hiểm, cầu rất cao so với mặt đất, lỡ hụt chân tọt xuống là ối giời ôi liền.

Có điều hồi trẻ trâu tui vẫn chơi trò mạo hiểm này.

Đoạn đầu cầu Long Biên đi trên chợ đầu mối Long Biên. Nếu thủng thẳng đi bộ qua đoạn này, nhìn xuống dưới cầu bạn có thể chụp được cảnh nông sản ra vào tấp nập. Chợ nông sản này cũng là điểm chụp hình ấn tượng cho các bạn đó.

Bãi giữa sông Hồng: ra đến giữa cầu, nhìn xuống là bãi giữa sông Hồng. Ở đây bạn có thể chụp hình những chiếc thuyền neo đậu, hoặc ruộng rau xanh ngắt trên bãi.

Dưới cầu: xuống phía dưới gầm cầu, bạn có thể chụp được toàn cảnh cầu Long Biên. Khoảng tháng 10, 11, giao mùa giữa cuối thu và đầu đông, cỏ lau nơi đây cũng bắt đầu bừng nở, phủ kín bãi bồi ven sông Hồng từ đoạn cầu Long Biên đến cầu Chương Dương. Cảnh này lên hình cũng bá cháy nhen.

6. Ngắm cầu Long Biên từ trên cao

Ở Hà Nội, nếu muốn tìm một nơi có thể ngắm nhìn cầu Long Biên từ trên cao thì tui nghĩ không đâu phù hợp hơn Serein Café & Lounge. Nằm trong một ngôi biệt thự 5 tầng, Serein Café & Lounge dễ dàng được nhận ra trên con phố đông đúc bởi mặt tiền màu trắng mang phong cách châu Âu. Bạn cứ đi thẳng lên tầng 3, quán ở tầng này trở lên. Tầng 3 là một không gian kín, nơi khách có thể order thức uống. Tầng 4 có ban công ngắm ra cầu Long Biên. Tầng 5 là không gian mở, tha hồ tận hưởng thiên nhiên và những làn gió mát mẻ thổi từ sông Hồng vào. Ở tầng 5 này, quán còn làm một cầu thang nhỏ lên một ban công phụ để có view ngắm nhìn khung cảnh xung quanh rộng hơn.

Bạn có thể đến đây vào lúc hoàng hôn để bắt được những khoảnh khắc nắng đổ vàng trên cây cầu trăm năm tuổi. Nếu không, những khoảng thời gian khác trong ngày vẫn có những bức ảnh tuyệt đẹp.

Địa chỉ: 16 Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm. Quán mở cửa từ 8h sáng đến tối. Vì nằm ở vị trí đẹp nên giá cả hơi cao xíu nhen. Món nước giá 89k – 139k. Cocktail khoảng 180k. Món ăn mặn giá 79k – 389k.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *