Cà phê của bếp – cà phê muối

Một phút lãng đãng trưa mùa đông bên góc không gian thoáng đãng nhìn ra hồ Trúc Bạch, tôi ngồi nhặt những giọt nắng vàng rơi trên bậu cửa sổ biếc xanh. Hít một hơi trước cơn gió lạnh thổi thốc vào làm bay làn tóc rối, nhấp ngụm cà phê muối, nghe hương ngọt đắng của cà phê quyện vào vị mằn mặn của biển lưu luyến mãi trên môi. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến cà phê muối.

Nhiều tín đồ cà phê rất ưa thích món cà phê muối

Có người nói với tôi rằng, cà phê không sặc sỡ, không hoa mỹ để thu hút sự chú ý của đám đông. Cà phê mang một màu đen tuyền khiến người ta dễ nghi ngại về sự quyến rũ của nó, nhưng lại đầy bí ẩn khiến thực khách gợi lên sự tò mò muốn khám phá. Cà phê cũng không gợi cảm để tâng bốc cảm xúc nhưng nó lại dễ gây nghiện. Chỉ một mùi hương nồng nàn bay lên là đủ lịm tim những tín đồ của loại hạt đến từ vùng nhiệt đới này. Người ta có thể pha cà phê bằng nhiều cách cầu kỳ khác nhau. Thế nhưng, cà phê, càng đơn giản càng dễ thấm. Đôi khi, chỉ cần dừng chân ở gian bếp nhỏ, thêm ít gia vị, vài thực phẩm hàng ngày, đã khiến vị cà phê trở nên mê hoặc hơn rất nhiều. Cà phê muối là một dẫn chứng.

Bây giờ có nhiều nơi đã đưa món đồ uống này vào menu, nhưng nói đến cà phê muối nguyên bản thì phải là xứ Huế. Dường như đây là nơi đầu tiên thử nghiệm pha chế tách cà phê muối và lấy luôn làm tên quán. Quán Cà phê Muối – nơi đầu tiên trình làng sản phẩm – hiện có hai cơ sở là số 10 Nguyễn Lương Bằng và 142 Đặng Thái Thân (Huế).

Cà phê muối ở  Huế

Để làm ra một tách cà phê muối ngon đúng điệu, người ta thường dùng cà phê phin. Có thể cho ít muối vào cà phê đã pha, hoặc trộn đều muối và cà phê rồi mới pha, cách thứ hai này được nhiều người khen là có hương vị đậm đà hơn. Vị mặn mòi của muối sẽ làm dịu đi cái đắng của cà phê đen truyền thống, làm trung hòa độ ngọt béo của đường sữa, càng khiến hương nồng đậm của cà phê được tôn thêm. Bí quyết của cốc cà phê ngon là ở tay người pha chế, phải gia giảm các thành phần sao cho vừa đủ, để một loại gia vị tưởng chừng rất bình thường, được kết tinh từ biển cả có thể khéo léo hòa quyện với đặc sản núi rừng.

Cà phê muối ở Trấn Vũ, Hà Nội

📌📌 Mách nhỏ cho bạn:

  • Nên trộn kỹ hỗn hợp muối và cà phê rồi mới pha thì sẽ ngon hơn. Bạn có thể trộn tay, hoặc cho vào máy xay cho đều.
  • Cà phê muối cũng có thể uống nóng hoặc đá, nhưng tui thấy uống nóng vị đậm đà và hòa quyện hơn khá nhiều.

📌📌 Một số quán cà phê muối nên thử:

  • Ở Huế: Địa chỉ: Cà phê muối, 10 Nguyễn Lương Bằng hoặc 142 Đặng Thái Thân, tp. Huế.
“Cà phê muối” cũng là tên quán, 10 Nguyễn Lương Bằng. Quán nằm trên con đường vắng, buổi tối nhìn hơi buồn.
  • Ở Măng Đen: Địa chỉ: Tiệm cà phê dưới hiên nhà, 18 Phan Chu Trinh, Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum.
Cà phê muối ở Măng Đen
Thưởng thức tách cà phê đậm đà giữa không gian xanh mát của cao nguyên.
  • Ở Hà Nội: Địa chỉ: Gạt Tàn Coffee, 114 Trấn Vũ, Hà Nội, nằm cạnh con kênh nhỏ. Gần đó là chợ Châu Long, có quán bún cô Vân với món bún mọc – sườn – lưỡi khá hấp dẫn.
Bậu cửa sổ biếc xanh của Gạt Tàn Coffee là đây
View quán nhìn thẳng ra hồ Trúc Bạch
Tada… tô bún dọc mùng – lưỡi – mọc – giò có tính chất gây chảy nước miếng đây ạ
Còn đây là tui. Kiểu gì kiểu, nhứt định phải chèn cái chân vô theo đúng gu.

Đọc thêm: Cà phê của bếp – Cà phê trứng

– Việt An – 

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *