Bánh cuốn trẹt hơn 60 năm tuổi ở An Nhơn

Ăn uống cũng phải có duyên, các cậu các mợ ạ. Tỉ như một ngày đẹp trời nọ, khi dừng chân đối diện quán Năm Cưu, tụi tui đã chưng hửng vì quán đang dọn rửa đóng cửa. Ba đứa dáo dác nhìn nhau, không biết sẽ ăn gì với cái bụng đói meo lúc 1h30 chiều. Ấy vậy mà từ bên kia đường, cô bé chủ quán gọi với sang “Mấy chị ăn bánh hả? Qua đây, còn!”. Mất 3 giây định thần, tụi tui gật đầu lia lịa. Khi đã yên vị trong quán, nhìn mọi người lăng xăng nướng thịt, chuẩn bị đồ ăn, tụi tui vẫn thắc mắc là làm sao chủ quán có thể biết mà mời trong khi khách đứng ở mãi đằng xa, quán lại đang dọn dẹp.

Địa chỉ: Nghe nói ở An Nhơn chỉ có 2 quán bánh cuốn trẹt, một là Năm Cưu, hai là Bảy Tấn.

Tụi tui ghé quán Năm Cưu ở 75 Trần Phú, thị xã An Nhơn, Bình Định, bán từ 4h sáng đến 12h trưa. Bởi vậy tụi tui được ăn lúc 1h30 chiều thật sự là có duyên mà.

Quán ăn nho nhỏ, đơn sơ nằm trên một con đường lớn.

Bánh cuốn trẹt không phải là món bánh cuốn nóng nhân thịt như ở ngoài Bắc, mà đó chính là cuốn bánh tráng rất quen thuộc và nổi tiếng trong ẩm thực Bình Định. Tây Sơn, Quy Nhơn, Hoài Nhơn… nơi nào cũng có cuốn bánh tráng và không nơi nào giống nơi nào. Và ở An Nhơn, bánh cuốn trẹt cũng không giống các nơi còn lại.

Đơn giản hơn các món cuốn khác, nguyên liệu chính của bánh cuốn trẹt An Nhơn chỉ là thịt bò nướng. Thịt bò nướng vốn dĩ đã là một món ăn quyến rũ, công thức chế biến cũng gần giống nhau. Tuy nhiên, quán Năm Cưu đã biết cách làm cho nó trở nên độc đáo. Quán chỉ chọn loại bò thăn hoặc đùi, thịt mềm và ngon rồi đem xắt thành từng miếng mỏng, nhỏ vừa miệng người ăn. Vẫn hành, tỏi, sả và các loại gia vị được ướp theo một bí quyết riêng, thêm chút nghệ để tạo nét khác biệt. Thịt được xiên vào que đũa chẻ đôi rồi nướng trên bếp than hồng. Tui đảm bảo là chỉ cần nghe mùi thịt nướng nồng nàn bay lên thì bạn sẽ dễ dàng xiêu lòng trước món ăn này.

Chẻ đũa để làm xiên que nướng bò.

Lá chuối nướng sơ cho mềm, tước thành đoạn ngắn để buộc đầu đũa lại cho thịt khỏi rớt.

Khi tụi tui vào, bếp được khơi lửa lại và làm những mẻ bò nướng thơm ngon.

Thành phẩm cực hấp dẫn

Một điểm đặc biệt nữa quyết định độ ngon dở của món ăn là nước chấm. Với cuốn bánh tráng ở các nơi khác, người ta thường chấm với nước mắm tỏi ớt, hoặc nước mắm pha tương đậu. Còn ở đây, thịt bò được xào lên, thêm nước ướp thịt bò nấu cho chín rồi trộn với nước mắm ớt tỏi giã nhuyễn. Nước chấm vừa có vị nồng nàn của sả, béo ngọt của thịt, cay the của ớt và dậy mùi nghệ thơm lừng. Đây cũng là một nét rất riêng của quán, không bị trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.

Nồi nước chấm cực ngon.

Quan trọng nữa là thêm ít xoài cắt mỏng tạo độ chua. Không biết các vùng khác thế nào chứ dân Bình Định rất thích ăn mắm xoài. Nó chua chua ngọt ngọt, cực kỳ kích thích vị giác.

Bát nước chấm hoàn chỉnh cho món bò nướng.

Xong xuôi đâu đấy, mọi nguyên liệu được bày lên bàn. Quán không cuốn bánh sẵn mà chỉ dọn ra để khách tự tay làm. Thịt bò, rau sống, dưa leo và xoài, 1 dĩa ram. Ram chính là bánh tráng chiên, khá phổ biến trong các món cuốn ở Bình Định.

Rau sống khá đơn giản

Xoài bào sợi làm cho món ăn trở nên cuốn hút hơn.

Và đương nhiên không thể thiếu một cái trẹt (mẹt) to. Đây là nguồn gốc tên gọi “bánh cuốn trẹt” vì bánh được đặt lên trẹt để cuốn. Nhúng hai cái bánh tráng to rồi đặt lên trẹt, mép chồng lên nhau. Làm vậy thì cuốn sẽ to và dài hơn, ăn mới no. Cho rau sống, dưa leo và xoài bào sợi lên, thêm xiên thịt nướng và ram, cuốn lại.

Xong rồi, cuốn lại thôi. À khoan, thiếu ram.

Đầy đủ rồi nè

Chấm cuốn bánh tráng vào nước mắm, quơi làng nó ngon. Thịt mềm, đậm đà, xoài chua chua, ram giòn rụm cùng hòa quyện với nhau khiến người ta khó quên bởi một món ăn vốn đơn giản nhưng lại thân quen của xứ Nẫu. Bởi vậy, tính đến nay, quán Năm Cưu dù đã truyền qua ba thế hệ với tuổi đời trên 60 năm mà vẫn hút khách. Điểm cộng nữa là sự nhiệt tình của cô bé chủ quán, là cháu ngoại của người đầu tiên mở quán. Tiếc là tui mải ăn, quên hỏi tên để cảm ơn vì đã cho cơ hội thưởng thức một món ăn ngon của đất An Nhơn.

Giá bán: 40k/phần. Một phần có 4 que bò nướng cùng bánh tráng, rau. Hai người ăn 3 phần là no rồi nhen.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *