Những dòng sông chảy ngược (Kỳ 3: miền Bắc)

Ở nước ta, do cấu tạo địa hình cao ở phía Tây và thấp dần về phía Đông nên đa phần các dòng sông chảy theo hướng từ Tây sang Đông, từ Tây Bắc xuống Đông Nam và cuối cùng là đổ ra biển Đông. Thế nhưng có nhiều con nước thích đi ngược lại quy luật tự nhiên, tạo thành câu chuyện về những dòng sông chảy ngược.

Kỳ 3: Những dòng sông chảy ngược ở miền Bắc

Sông Kỳ Cùng

Sông Kỳ Cùng là dòng sông lớn nhất tỉnh Lạng Sơn. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc chảy ngược hoàn toàn theo hướng Đông Nam – Tây Bắc để vào Trung Quốc, trở thành một chi lưu của sông Tả Giang (Zuǒjiāng). Nhưng trước đó, nó còn có nhiều pha bẻ lái khá gắt, khám phá đủ các hướng trước khi hạ quân bài cuối cùng. Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ núi Bắc Xa (cao 1.166m), huyện Đình Lập, chảy theo hướng Đông Nam – Tây Bắc. Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 22 km, sông đổi hướng Nam – Bắc; tới Văn Lãng đổi về hướng Đông Nam – Tây Bắc; gần Thất Khê lại rẽ sang hướng Đông. Từ Thất Khê, sông uốn lượn vòng cung và trở thành biên giới tự nhiên giữa 2 nước khi vào đoạn Nà Coóc (Tràng Định, Lạng Sơn). Qua cửa khẩu Bình Nghi (Tràng Định, Lạng Sơn) khoảng 800m, Kỳ Cùng mới chính thức chia tay quê hương, vượt sang đất Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), hợp lưu với sông Bằng (Bằng Giang) để tạo thành dòng Tả Giang.

  • Góc nhỏ: Cạnh cửa khẩu Bình Nghi là cột mốc 1036(2). Đây là mốc đôi cùng số cỡ trung; cắm trên bờ sông Kỳ Cùng (PingEr He) phía Việt Nam, thuộc địa bàn xã Đào Viên, Tràng Định, Lạng Sơn. Tại điểm có độ cao 142,34m; tọa độ 22.214611, 106.69744 (22° 12′ 52.601″N, 106° 41′ 50.784″E). Được cắm ngày 9/7/2006.

Khoanh màu vàng là nơi sông Kỳ Cùng bắt đầu tiếp xúc với Quảng Tây, còn khoanh màu tím là lúc dòng sông chảy hoàn toàn vào đất Trung Quốc.

Trên đất Việt, dòng Kỳ Cùng lãng du qua một đoạn dài khoảng 243km, bao lấy nhiều làng mạc chốn biên thùy. Mỗi vùng đất mà nó đặt dấu chân, người ta lại quen lấy địa danh ở đó để đặt tên cho dòng sông. Vì vậy tùy nơi, Kỳ Cùng còn có tên là Khuất Xá, Cẩm Đoạn, Na Sầm.

Sông Kỳ Cùng có 2 chi lưu chính là sông Bắc Giang và sông Bắc Khê (cùng hợp lưu đoạn gần Thất Khê). Ngoài ra nó còn nhận nguồn nước đổ về từ sông Ba Thín (hợp lưu gần Lộc Bình), 7 con suối nhỏ (tại Thất Khê). Tuy là dòng sông già vì đã có từ thời tiền sử đến nay nhưng độ máu chiến của Kỳ Cùng thì không hề thua kém các chàng trai trẻ. Một danh thắng đặc biệt ở nơi này là Bến đá Kỳ Cùng, nơi có nhiều tảng đá chắn ngang lòng sông tạo thành ghềnh đá khiến sóng nước tung bọt trắng xóa, tạo nên cảnh đẹp kỳ thú. Năm 1778, quan Đốc trấn Ngô Thì Sỹ (1728 – 1780) đặt tên là Kỳ Cùng Thạch Độ và xếp nó vào một trong Trấn doanh bát cảnh (8 cảnh đẹp của trấn Lạng Sơn). Ngày xưa, đây là nơi đưa đón các đoàn sứ quan Trung Quốc và Việt Nam. Đến thời vua Tự Đức (1830), sông Kỳ Cùng đã được ghi danh trong Tự Điển – điển lễ thắng cảnh được cúng tế hàng năm của đất nước. Bến đá Kỳ Cùng hiện nay chỉ còn lại dấu tích của một ngôi chùa cổ là Diên Khánh tự, nằm gần cầu Kỳ Cùng.

Dòng sông chảy ngược này còn gây ấn tượng ở nhiều đặc tính tự nhiên khác. Lượng phù sa cực kỳ màu mỡ, thậm chí là còn đỏ hơn cả nước sông Hồng. Sông Kỳ Cùng không có nhiều lũ, nhưng lại xuất hiện trong cả mùa khô. Sông còn nằm trên đường đi của gió mùa Đông Bắc, nên đây là nơi đón gió mùa sớm nhất và tiễn nó đi muộn nhất, khiến cái mưa rét sương giá ở lại lâu hơn nơi miền cương thổ.

Sông Đà

Không nhiều thì ít, hẳn nhiều bạn đã từng biết đến độ ngạo nghễ của con sông này qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Dòng Đà Giang không chảy ngược hoàn toàn như Kỳ Cùng. Khởi đầu thủy trình của sông Đà cũng xuôi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, nhưng sau đó đổi dòng chảy ngược về Bắc.

Dòng sông chảy giữa những vách đá lô nhô. Ảnh: Hữu Xuân.

Sông Đà còn gọi là sông Bờ; sông Nậm Tè (theo tiếng Thái – nghĩa là dòng sông lũ lớn). Thượng nguồn con sông bắt nguồn từ núi Nguy Bảo, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), gọi là Lý Tiên Giang (Lixian Jiang), do 2 nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành. Từ vùng đất tự trị của người Di, người Hồi Nguy Sơn phía Nam, sông Đà chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam qua Phổ Nhĩ rồi vào đất Việt ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tại cột mốc 17. Tại đây nó nhận thêm nước từ suối Nậm Lùng rồi chảy men theo đường biên giới giữa 2 nước. Đến cột mốc biên giới số 18, nó mới thật sự rẽ hoàn toàn vào lãnh thổ Việt Nam.

Cột mốc 17(1) – nơi con sông Đà mới chớm chảy vào đất Việt và mốc 18 – nơi dòng sông hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

  • Góc nhỏ
  • Cột mốc 17 cũng là đường phân thủy biên giới giữa huyện Giang Thành (Vân Nam, Trung Quốc) với huyện Mường Tè (Lai Châu, Việt Nam). Đây là mốc 3 cùng số loại trung, nằm ở xã Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu. Gồm cột mốc số 17(1) cắm trên bờ suối phía Việt Nam, nơi giao nhau giữa suối Nậm Náp (Nan Ma He) và sông Đà. Tọa độ 22.556509, 102.321886 (22° 33′ 23.431″N, 102° 19′ 18.791″E). Được cắm ngày 28/11/2004. Cột mốc số 17(2) và 17(3) cắm trên bờ suối phía Trung Quốc vào ngày 14/11/2004.
  • Mốc 18 nằm gần ngã 3 sông giữa sông Đà và suối Nậm Là (Trung Quốc gọi là Tiểu Hắc Giang), là đường phân thủy biên giới giữa huyện Lục Xuân (Vân Nam, Trung Quốc) và huyện Mường Tè. Đây là mốc 3 cùng số cỡ trung. Cột mốc 18(2) và 18(3) đặt trên bờ sông phía Việt Nam, nơi giao nhau giữa sông Nậm Là (Xiao Hei Jiang) và sông Đà. Cột mốc 18(2) cắm ngày 25/12/2004; tọa độ 22.567512, 102.35575 (22° 34′ 03.043″N, 102° 21′ 20.701″E). Cột mốc 18(3) cắm ngày 29/12/2004; tọa độ 22.566049, 102.355422 (22° 33′ 57.776″N, 102° 21′ 19.519″E). Cột mốc 18(1) cắm trên bờ sông phía Trung Quốc vào ngày 25/12/2004.

Đọc thêm: Tìm hiểu về cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc

Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Xuân Địa.

Càng tiến sâu vào lãnh thổ nước Nam, sông Đà càng mở rộng dòng chảy. Nó len lỏi qua nhiều tỉnh miền rừng núi Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình. Đến Hòa Bình thì bị dãy núi Ba Vì chắn bên hữu ngạn nên nó chuyển dòng ngược lên phía Bắc. Về đến Phú Thọ, nó nhập vào sông Hồng và trở thành phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Với cú twist đổi dòng chảy đột ngột như vậy, danh sĩ Nguyễn Quang Bích (1832-1890) đã trầm trồ “Chúng thuỷ giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu”, nghĩa là các dòng sông khác đều chảy về hướng Đông, chỉ riêng mình sông Đà theo hướng Bắc.

Ngăn dòng nước sông Đà. Ảnh: Xuân Địa.

Trôi trên một thủy trình dài 910km (có tài liệu nói là 1366km), trong đó có 543km trên lãnh thổ Việt Nam, sông Đà xứng danh là một con sông kiêu hùng của miền Tây Bắc oai dũng. Như một danh tướng rong ruổi vó ngựa khắp miền biên ải, qua nhiều vùng núi non cheo leo, nên chỉ vừa đôi chút hiền hòa phẳng lặng, sông Đà đã trở lại bản tính hoang dã với nhiều dòng xoáy cùng 83 thác ghềnh hiểm trở. Trong số đó phải kể đến thác Bờ ở Hòa Bình và ghềnh Bợ ở Phú Thọ. Dân gian có câu “Nhất thác Bờ, nhì ghềnh Bợ”; “Ngược sông Đà chớ qua ghềnh Bợ” để mô tả về độ nguy hiểm này. Trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, ghềnh Bợ chính là hang ổ mai phục của tướng “Giải” để gây tai hoạ cho nhân gian.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Xuân Địa, Kim Anh.

Thế nhưng, con người đã tìm cách chinh phục con sông uy dũng này, đưa nó trở thành nguồn năng lượng quan trọng, đem ánh sáng về mọi nhà. Trên dòng Đà Giang có 3 nhà máy thủy điện lớn là Hòa Bình (khởi công ngày 6/11/1979 và khánh thành ngày 20/12/1994), Sơn La (khởi công ngày 2/12/2005 và khánh thành ngày 23/12/2012), Lai Châu (khởi công ngày 5/11/2011 và khánh thành ngày 20/12/2017). Tính đến nay, nhà máy thủy điện Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20, sau đó vị trí này bị thay thế bởi nhà máy thủy điện Sơn La. Ngoài ra, độ màu mỡ của sông Đà còn góp phần tạo môi trường sống cho nhiều loại thủy sản, trong đó có cá lăng – nguyên liệu chính tạo nên tinh hoa ẩm thực chả cá Lã Vọng nổi tiếng.

-Việt An (Tổng hợp)-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *