Đi về phía mặt trời: cực Đông – mũi Đôi (Khánh Hòa)

Mũi Đôi thuộc bán đảo Hòn Gốm nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Với tọa độ 12o39’0”N, 109o28’0”E, đây được xem là điểm cực Đông trên đất liền của nước ta, đón bình minh sớm hơn Mũi Điện ở Phú Yên (có tọa độ 12o53’48”N, 109o27’29”E). Gọi là Mũi Đôi vì ở đây có 2 mũi đất liền nhô ra biển, mũi xa nhất chính là Mũi Đôi; mũi còn lại gọi là Hòn Đầu hay Hòn Đôi, cách Mũi Đôi khoảng 500m và rộng khoảng 20 nghìn m2.

Đây cũng là tấm hình đại diện của tui trên blog này. 

1. Chinh phục Mũi Đôi – hành trình của đôi chân vượt tiểu sa mạc

Đó là lần đầu tiên tui dụ dỗ con trai nghỉ học để đi chơi, lúc này ổng mới lớp 6. Hai đứa dậy sớm ngồi xe đò đi Tuy Hòa, rồi cùng nhóm bạn thuê 3 chiếc xe máy rong ruổi chạy vào Ninh Hòa. Đó cũng là lần đầu tiên tui chở thằng bé đi xa đến vậy bằng xe máy. Vòng đi tui à ồ các kiểu vì khung cảnh trên đường đẹp quá trời, nhất là đoạn ven biển mà không hề biết mình đang lướt trên con đèo Cả, đèo Cổ Mã nổi tiếng. Vòng về vừa mới ngước mắt lên thấy 2 chữ “Đèo Cả” là tui muốn quẹo tay lái luôn vì hồi nhỏ toàn nghe đồn con đèo này rất kinh dị. Sau này về nhà con tui cứ cà khịa “Vậy mà lúc đi khen đẹp, rồi dừng lại chụp hình các kiểu đồ”. Rút kinh nghiệm từ đợt này, các lần đi sau tui đều check kỹ càng, xem cho nát bản đồ rồi mới dám lên đường.

Vũng Rô đằng xa với tàu bè đậu san sát.

Đến Đầm Môn (Vạn Thạnh) là buổi trưa, tụi tui gửi lại xe máy ở điểm dừng chân, bắt đầu quãng đường trekking đến Mũi Đôi. Nếu trekking hoàn toàn thì mất 13km, nếu theo đường biển thì rút ngắn được vài km nhờ đi thuyền. Sau khi cân nhắc thời gian và sức lực, tụi tui quyết định chọn đường biển. Gọi là đường biển cho dễ phân biệt chứ ở đây vẫn phải cuốc bộ phờ râu.

Nếu trekking theo đường mòn, bạn sẽ đi qua những đoạn cây cối khá mát mẻ thế này. Ảnh: Thu Sương.

Hồi đầu tui cũng không hình dung là quãng đường khó nhằn đến thế nên không đem theo gậy chống hay bất cứ dụng cụ gì. Giữa cái nắng gắt lúc 12h trưa mà bụng chỉ có ổ bánh mì từ sáng, cả đám lếch thếch băng qua bãi cát nóng bỏng chân. Tháng 8, miền Trung cứng ngắc trong ánh sáng chói chang của mùa hè. Đi được vài trăm mét, mồ hôi đã nhễ nhại sau lưng, chân lún xuống đường, nắng táp vào mặt, hoang mạc mênh mông lóa hết cả mắt, tui bắt đầu thở dốc. Cát níu lấy cặp giò mỏi rũ, cát theo cơn gió bất chợt thổi thốc tới hất vào mặt. Thằng nhỏ vừa đói vừa mệt, khóc òa. Tui cứ bảo ráng đi con, qua cái đồi cát ngay trước mặt là tới rồi. Thiệt chớ lúc đó bốn bề là biển cát, chỉ còn một đường phải tiến lên nên phải động viên nhau, chứ nó mà xỉu ngang đó thì tui không biết xoay xở ra sao.

Trekking vượt đồi cát. Đây là đoạn gian nan nhất, thử thách sức bền và sự kiên nhẫn của phượt thủ.

Không biết là cái đồi cát thứ bao nhiêu trên khu vực được mệnh danh là tiểu sa mạc – tui đoán quãng đường đó ít nhất cũng phải hơn 3km, sau 1 tiếng đồng hồ, cuối cùng tui đã nhìn thấy biển. Không thể tả được niềm vui vì chỉ cần lên thuyền thì đôi chân sẽ được giải phóng. Thiếu điều tụi tui chạy băng băng từ trên dốc cát xuống bãi biển, nơi có con thúng nhỏ sẽ đưa ra chiếc thuyền gỗ đang neo ngoài xa.

Ơn trời, thuyền đến rồi.

Chiếc thuyền thúng lắc lư dưới sức nặng của 6 người.

Ngồi thuyền cỡ 1 tiếng nữa thì đến nhà chú Hai – một trong những người chuyên thực hiện tour Mũi Đôi, nghỉ ngơi ăn trưa tiếp sức rồi tiếp tục lên thuyền đến bãi Rạng.

Ly nước chanh ở nhà chú Hai không khác gì thuốc tăng lực bởi vị ngọt mát sau hơn 2 tiếng đồng hồ khát và mệt.

2. Điểm cắm trại ngắm sao trời

17h30, cập bãi Rạng, thuyền neo từ xa rồi tụi tui xuống nước lội vào.

Đến bãi Rạng

Ven biển có nhiều đá và san hô đã phong hóa, trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho các loài rong rêu và sinh vật biển. Những con sao biển thuộc họ Sao biển giòn với xúc tu dài ngoằng, đen nhánh trốn nhanh vào khe đá khi nước bị khua.

Cả nhóm leo lên một bãi đất bằng phẳng, dựng trại nghỉ qua đêm. Nghĩa, cậu thanh niên địa phương làm nhiệm vụ dẫn đường kiêm porter đã chuẩn bị sẵn đồ nghề cho các đoàn phượt Mũi Đôi. Đến nơi, Nghĩa nhanh chóng hạ trại, căng tấm bạt dù để dựng lều.

Còn tụi tui tranh thủ ngó coi phân lô miếng đất nào thì đẹp :)))

19h, bữa tối trong ánh đèn pin với toàn hải sản đậm đà vị ngọt của biển và xúc xích. Nghĩa bảo phải nướng mọi như này mới giữ được vị ngon tự nhiên nhất của đồ biển. Không có nhà hàng nào có view ấn tượng như thế này khi xung quanh là mùi gió mặn mòi và tiếng sóng biển vỗ ầm ào. Trên đầu, trăng hạ huyền lên muộn, tỏa ánh sáng bàng bạc mênh mang.

Nổi lửa lên em

Thưởng thức bữa tiệc nướng theo cách mộc nhất.

Đêm trên biển, gió lồng lộng nhưng muỗi thì nhất định không tha mấy con mồi béo ú mới xuất hiện. Tụi tui chỉ trò chuyện được dăm ba câu là mắt chuyển sang chế độ díp lại, cái cổ bắt đầu gật tứ phía. Chui vào trong lều thì đỡ muỗi nhưng nóng hầm hập, tui cầm tấm bìa carton quạt muốn rục tay cho thằng nhỏ cứ nằm loay hoay không tròn giấc. Cuối cùng cơn mệt mỏi sau một ngày di chuyển trên mọi phương tiện cũng khiến cả bọn chợp mắt, bất kể cái nóng hay tiếng vo ve gào thét của mấy con muỗi đã kịp lọt vào lều.

Trăng hạ huyền treo cao.

3. Nhảy đá đón ánh bình minh

Sáng hôm sau, mới 4h, cả lều khua nhau dậy, chuẩn bị di chuyển đến điểm cực Đông trước khi mặt trời mọc. Chặng đường bây giờ rất dễ chịu, chỉ phải rọi đèn pin rồi leo trèo, luồn lách qua những tảng đá to nhỏ chồng lên nhau. Đoạn này cực thoải mái, có tác dụng thư giãn gân cốt thay cho tập thể dục buổi sáng. Giống như mũi Đại Lãnh, mũi Đôi cũng là điểm kết thúc của nhánh núi phía Nam dãy Trường Sơn vươn ra biển. Qua thời gian, sóng gió biển Đông đã xâm thực, cắt xẻ dãy núi thành những vách đá, gành đá rồi lại bào mòn chúng thành những phiến trơn nhẵn muôn hình muôn vẻ. Không khí buổi sớm trong lành giữa một bên là biển xanh ngắt bao la, một bên là đá núi hùng vĩ khiến tụi tui thích mê với khung cảnh nguyên sơ, hữu tình nơi đây.

Cố nâng thử mà đá không nhúc nhích.

Chỉ khoảng gần 30 phút đã đến điểm đón cực Đông. Trời vẫn chưa rõ mặt người. Tụi tui ngồi chờ ánh hừng đông ló dạng rồi mới lên mốc cực Đông.

Đón tia nắng đầu tiên. Dải đất phía xa chính là Hòn Đôi, nơi đặt điểm cơ sở A7 trên đường cơ sở biển của Việt Nam.

4. Chạm tay vào mốc cực Đông

Chóp inox đánh dấu cực Đông nằm trên một tảng đá lớn cao khoảng 6m. Vấn đề ở chỗ tảng đá nằm lọt ra biển, cách đất liền khoảng 2, 3 bước chân. Chỉ nhiêu đó thôi mà đã thành vấn đề. Tui không dám liều mạng để thằng nhỏ leo lên, mà nó cũng không dám nên chỉ ngồi hóng từ xa. Buộc sợi dây thừng quanh người, tui bắt đầu leo lên cái thang dây đã được những người đi trước treo sẵn. Nghĩa đứng phía trên vừa giữ dây vừa kéo từng người lên. Nói chứ lúc đó cũng run, nghĩ bụng chỉ cần tuột tay là rớt cái chạch xuống lớp đá bên dưới mà sóng biển thì chực kéo đi.

Bạn yên tâm là trong tour của nhiều công ty du lịch hiện nay sử dụng hệ thống thang dây riêng và chắc chắn hơn.

Ấy vậy rồi cũng lên được, sờ vào chóp đá mát lạnh đánh dấu điểm cực Đông của Việt Nam. Cảm giác đó hạnh phúc đến mức sau này tui mới hiểu tại sao nhiều người thích chinh phục các chóp trên các đỉnh núi đến vậy.

Chóp làm bằng đá granite hình tam giác đều, trên có khắc dòng chữ màu vàng “Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu), điểm cực Đông trên đất liền” và tọa độ cực Đông. Trước đó, năm 2012 một số phượt thủ đã làm một chóp inox tại đây; sau này UBND tỉnh Khánh Hòa thay thế bằng chóp đá to hơn và bền hơn vào cuối năm 2017.

Đón bình minh xong, tụi tui quay lại xếp lều trại, dọn vệ sinh sạch sẽ, thu gom rồi đốt, trả lại nguyên trạng trước khi về đất liền. Thuyền đón tụi tui từ bãi Rạng đưa về bãi tắm Sơn Đừng rồi lại tiếp tục chặng đường leo đồi cát như ngày hôm trước, nhưng giờ thì phấn chấn hơn nhiều. Hành trình đón tia nắng ban mai đầu tiên trên dải đất chữ S dù gian nan nhưng cực kỳ xứng đáng và là phần thưởng cho những đôi chân muốn vượt qua chính mình.

5. Đường đến Mũi Đôi

Để đến Mũi Đôi phải chia làm 2 chặng: chặng 1 là đến Đầm Môn và chặng 2 là Đầm Môn – Mũi Đôi.

5.1. Chặng 1: Đến Đầm Môn

Đầm Môn thuộc địa bàn xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Địa điểm này nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa nên bạn có thể đến đây từ Tp. Tuy Hòa (Phú Yên) cách đó 56km, hoặc Tp. Nha Trang (Khánh Hòa) cách đó 95km. Nếu đi tàu thì bạn xuống ga Vạn Giã, cách Đầm Môn khoảng 35km.

5.2. Chặng 2: Đầm Môn – Mũi Đôi

Hành trình này mất 2 ngày 1 đêm, trong đó buổi đêm sẽ cắm trại trên bãi Rạng để sáng hôm sau kịp đón bình minh. Cho dù bạn đi bằng đường nào để đến Mũi Đôi thì điều cực kỳ quan trọng là phải có NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP, tuyệt đối KHÔNG ĐI MỘT MÌNH bởi hành trình rất vất vả và vắng vẻ, nếu có sự cố thì khó thể xử lý kịp thời.

* Nếu đi theo đường biển

Quãng đường này mất khoảng 4 tiếng. Gọi là đường biển cho dễ phân biệt với cung đường trekking chứ ở đây vẫn phải trekking hơn 1/3 quãng đường. Điểm xuất phát dễ định vị nhất là Đồn biên phòng Đầm Môn nằm trên tỉnh lộ DT651 (cách quốc lộ khoảng 18km) hoặc đường Sơn Đừng => đi vào đường Sơn Đừng => trekking hơn 3km băng qua đồi cát => bãi biển Sơn Đừng (còn gọi là Sơn Đừng) để lên thuyền ra bãi Rạng. Từ bãi Rạng đến điểm cực Đông thì đi như trên. Tuy nhiên nếu biển động thì không thể đi theo cung đường này.

Trên cung đường biển.

* Nếu đi theo đường bộ

Cung trekking đường bộ dài khoảng 13km, mất khoảng 9 tiếng. Theo lộ trình được nhiều đơn vị lữ hành lựa chọn, quãng đường cũng như trên nhưng thay vì có đoạn đi biển, bạn sẽ trekking qua bãi cát, sau đó đi trên những tảng đá hoặc dưới vòm cây bụi. Khởi hành buổi sáng => đến bãi Rạng khoảng 4, 5h chiều. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, các công ty thường kết hợp nhiều hình thức di chuyển khi đi tuyến điểm này: Vòng đi trekking thẳng đến bãi Rạng, vòng về đi thuyền + đi xe địa hình qua bãi cát.

Trên cung đường bộ. Ảnh: Thu Sương

6. Vài lưu ý nhỏ khi phượt Mũi Đôi

– Giữ vệ sinh sạch sẽ: Phải trả lại môi trường thật sạch đẹp sau khi check in nhé bạn.

– Thời gian di chuyển: Mũi Đôi nằm ở miền Trung với 2 mùa mưa nắng, vì vậy bạn nên tránh thời gian biển động và mùa mưa, còn lại từ tháng 2 – tháng 9 bạn có thể sắp xếp lịch thoải mái. Phù hợp nhất là khoảng thời gian đầu năm khi trời còn mát mẻ, ít nắng thì sẽ đỡ mệt hơn.

– Trang phục: thoải mái, dễ thấm hút mồ hôi. Nhất định phải mang quần áo dài tay, mũ nón chống nắng để tránh cháy da sau chuyến đi. Có thể mang theo đồ bơi để tắm ở những bãi biển nếu đảm bảo điều kiện an toàn. Nên mang 2 đôi dép gồm giày thể thao khi trekking và dép khi đi biển. Ngoài ra có thể mang theo áo mưa tiện lợi để đề phòng mưa bất ngờ (nếu đi lúc thời tiết không ổn định).

– Chi phí: nếu mua tour từ Tp.HCM thì khoảng 2.9 triệu/người (giá 2024) trọn gói đi lại, ăn uống, hướng dẫn viên, lều trại, túi ngủ,… và bảo hiểm du lịch. Nếu tự túc thì phải thuê người dẫn đường (khoảng 1 triệu), thuê tàu (khoảng 3 triệu nếu đi đường biển)…; tùy số lượng (ít nhất là trên 5 người) thì có thể rẻ hơn khoảng 500k – 1 triệu/người.

– Thức ăn: Nên đặt suất ăn trước để đỡ mang vác cồng kềnh khi di chuyển. Tụi tui đặt sẵn bữa tối và bữa sáng nên được anh porter chuẩn bị sẵn; chỉ cần mang thêm thức ăn vặt nếu muốn. Nên mang theo SOCOLA để chống hạ đường huyết, tăng thêm năng lượng khi trekking.

– Nước uống.

– Thuốc: mang theo các loại thuốc cơ bản.

– Các vật dụng khác: kem chống nắng, kem chống muỗi, pin sạc dự phòng…

Đầm Môn còn nhiều bãi biển xinh đẹp, hoang sơ như thế này. Ảnh: Thu Sương

Một số cá nhân/đơn vị cung cấp tour Mũi Đôi

  • 79hltrip.com
  • Chú Hai Châu 0362 037 427
  • Chú Ba Thanh 0349 468 442
  • Anh Phan Hùng Thi 0359 994 979
  • Anh Khoa 0935 239 430

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *