Qua miền biên viễn – Cột mốc 1297/4 (Lạng Sơn)

Trên cung đường phượt cột mốc ở Quảng Ninh, có một điểm được mệnh danh là “nấc thang lên thiên đường” và là điểm mà dân phượt cộc mốc không thể bỏ qua. Đó là cột mốc 1297/4. Xét về phạm vi quản lý, mốc 1297/4 thuộc về Lạng Sơn nhưng đi từ cung đường Bình Liêu (Quảng Ninh) sẽ thuận lợi hơn nên dễ bị nhầm tưởng mốc này ở Bình Liêu.

Nàng thơ chốn biên cương

Miền núi rừng chốn Đông Bắc này có đầy đủ vẻ đẹp của sự hùng vĩ lẫn nên thơ, có thể làm xao xuyến bất cứ tâm hồn yêu thiên nhiên nào. Với người thích chinh phục thì chắc chắn sẽ mê cảm giác được lướt trên cung đường đèo uốn lượn với những khúc cua rất gấp và đầy thử thách. Dõi mắt ra khoảng không gian rộng lớn là từng ngọn núi xếp chồng lên nhau trùng trùng điệp điệp, vài ngọn tít tắp đằng xa còn lẫn vào trong mây. Càng lên cao càng thấy vách đá dựng đứng bên bờ vực trải dài, sâu hoắm. Giữa màu xanh bạt ngàn đó, cung đường tuần tra biên giới ngoằn ngoèo như một sợi chỉ trắng mảnh vắt ngang sườn núi.

Mùa hè, tầm tháng 6 là lúc cây bướm bạc nở hoa. Có cây cheo leo bên vệ đường, có cây chông chênh giữa lưng chừng núi, nhìn xa như những cánh bướm trắng rập rờn giữa triền núi xanh. Loài cây này không chỉ xinh xắn mà còn là dược liệu quý chữa nhiều loại bệnh, có tác dụng thanh nhiệt, chữa cảm, ho, say nắng, giải độc, tiêu viêm… Và đương nhiên, một loại hoa xinh xắn như này làm sao mà không hớp hồn tui cho được, khiến tui phải tấp xe vào để chụp hình .

Đến chừng tháng 10, 11 khi gió lạnh đầu đông tìm về thì nơi đây biến thành biển lau. Cả rừng lau mọc dại bắt đầu rộn ràng bung nở. Khắp ven đường, trên vách đá là một màu trắng óng ánh phản chiếu ánh nắng mặt trời. Những cành lau trắng phau, mềm mại, khẽ lay nhẹ theo từng con gió đung đưa. Đây cũng là thời điểm du khách tìm đến 1297 nhiều nhất. Nhích thêm vài tháng nữa, đúng dịp giá rét mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, thậm chí băng giá có thể phủ trắng cột mốc này.

Những đốm trắng trải dài là cây bướm bạc. Bên ngoài đẹp hơn lên ảnh rất nhiều.

Chạm tay vào cột mốc thiêng liêng

Gần đến mốc 1297 có trạm biên phòng Bắc Xa, bạn hãy xuống xe, trình báo CMND, đăng ký họ tên của các thành viên trong đoàn và số điện thoại trước khi lên cột mốc. Các anh bộ đội rất dễ thương luôn.

Từ cột mốc 1297/4 nhìn xuống, trạm canh gác biên phòng chỉ còn là một chấm nhỏ bé, lọt thỏm giữa các đỉnh núi nhưng rất kiên cường nơi biên cương.

Đường lên đỉnh cột mốc giờ đã dễ đi hơn trước đây. Từ cung đường đèo trải nhựa tinh tươm, chỉ leo lên con dốc chừng 700m là đến. Ở đoạn leo đầu tiên, người ta đã xây cầu thang có tay vịn như này để đi lại dễ dàng hơn; hết đoạn này là đi theo đường mòn.

Nắng đổ vàng cả bức ảnh chứ tui không chỉnh xíu màu nào.

Có đoạn dốc quá đã được làm thành bậc tam cấp, có đoạn thoải hơn thì rải bê tông trộn sỏi. Tuy nhiên có vài đoạn dốc 150-300 nên tui vẫn phải vừa leo vừa ná thở. May mắn là khi đi nắng đã rất dịu, nếu gặp lúc trời nóng hơn chắc thở khói ra tai luôn. Ven đường toàn những bụi cỏ, lá và gai sắc lẹm nhưng có lúc kẹt quá vẫn phải níu vào để làm điểm tựa leo lên hoặc hãm tốc độ tuột xuống.

Hết đoạn đường bằng rồi dốc, dốc rồi lại bằng, tui đã thấy “nấc thang lên thiên đường” trong mô tả của rất nhiều người đi trước. Đó là những bậc cấp len lỏi giữa đám cỏ xanh và bông xuyến chi trắng, đi thẳng lên đỉnh núi, nơi đặt cột mốc 1297/4. Cầu thang dốc đứng, ngỡ như lên tới đỉnh là đã chạm đến mây trời.

Qua cầu thang dựng đứng này chính là cột mốc 1297/4. Cột mốc 1297/4 nằm ở vị trí cao nhất trong cụm 1297, hơn 100-200m so với các mốc giới còn lại. Tui chỉ đi tay không mà còn thấy mệt, huống hồ những người đã vác từng tảng đá, bao cát lên đây làm đường, xây cột mốc. Chạm tay vào phiến đá hoa cương lành lạnh, tui thật sự thấy xúc động và cảm phục các chiến sĩ bộ đội. Đó là biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà các thế hệ trước đã đổ bao xương máu để giữ gìn. Bây giờ, giữa mênh mông hoang vu rừng núi, các anh vẫn lặng lẽ canh giữ từng tấc đất tấc trời quê hương. Đứng bên cột mốc trên đỉnh núi, giữa gió lồng lộng và nắng chói chang, hít thở không khí trong lành, ngắm từng dấu mốc và khung cảnh hùng vĩ của quê hương thật sự là một cảm giác khó tả.

Mặt trước cột mốc ghi thông tin bằng tiếng Việt.

Mặt sau cột mốc ghi thông tin bằng tiếng Trung.

Thông tin về các mốc giới thuộc cụm mốc 1297

Cột mốc 1297 gồm có 1 mốc chính và 4 mốc phụ xếp lần lượt từ Tây sang Đông. Trong đó mốc 1297 và 1297/1, 1297/4 đã có đường mòn lên đến nơi.

  • Mốc giới số 1297 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đường phân thủy thuộc địa bàn xã Bắc Xa, Đình Lập, Lạng Sơn; tại điểm có độ cao 821.18m, tọa độ 21.638798, 107.363019 (21º 38′ 19.673″N, 107º 21′ 46.867″E). Được cắm ngày 11/10/2006. Cách mốc 1296/6 là 1143.5m và cách mốc 1297/1 là 97.83m.

Sơ đồ cụm mốc 1297.

  • Mốc giới số 1297/1 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi thuộc địa bàn xã Bắc Xa, Đình Lập, Lạng Sơn; tại điểm có độ cao 841,44m, tọa độ 21.637944, 107.362778 (21º 38′ 16.600″N, 107º 21′ 45.999″E). Được cắm ngày 23/3/2008. Cách mốc 1297 là 97.83m và cách mốc 1297/2 là 301.9m.
  • Mốc giới số 1297/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đường phân thủy, cạnh đường mòn thuộc địa bàn xã Bắc Xa, Đình Lập, Lạng Sơn; tại điểm có độ cao 909.88m, tọa độ 21.635335, 107.361939 (21º 38′ 07.207″N, 107º 21′ 42.980″E). Được cắm ngày 01/4/2008. Cách mốc 1297/1 là 301.9m và cách mốc 1297/3 là 567.09m.
  • Mốc giới số 1297/3 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đường phân thủy thuộc địa bàn xã Bắc Xa, Đình Lập, Lạng Sơn; tại điểm có độ cao 948.45m, tọa độ 21.632545, 107.35735 (21º 37′ 57.163″N, 107º 21′ 26.459″E). Được cắm ngày 13/3/2008. Cách mốc 1297/2 là 567.09m và cách mốc 1297/4 là 360.34m.
  • Mốc giới số 1297/4 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi thuộc địa bàn xã Bắc Xa, Đình Lập, Lạng Sơn; tại điểm có độ cao 1020,71m, tọa độ 21.630949, 107.354319 (21° 37′ 51.418″N, 107° 21′ 15.550″E). Được cắm ngày 01/4/2008. Cách mốc 1297/3 là 360.34m và cách mốc 1298 là 983.52m.

Từ trên 1297/4 nhìn xuống. Khoanh tròn đỏ xa xa phía góc trên bên phải là cột mốc 1297/3 nhưng không có đường lên.

Di chuyển đến cột mốc 1297

Cột mốc 1297 thuộc Lạng Sơn, nhưng lại nằm gần với huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) nên bạn có thể đến đây bằng nhiều cách. Dù từ hướng đều phải đi qua những chặng đường đèo dốc quanh co, khá nguy hiểm nên phải chắc tay lái.

1. Nếu đi từ thành phố Lạng Sơn: khoảng 100km. Đi theo quốc lộ 4B đến thị trấn Đình Lập => rẽ trái vào quốc lộ 31 đến xã Bắc Xa rồi cứ theo con đường trục chính của xã ven sườn núi là đến cột mốc 1297.

2. Nếu đi từ Quảng Ninh:

Từ Hạ Long đi Bình Liêu: khoảng 110km nếu đi Quốc lộ và 116km nếu đi đường cao tốc. Từ Tp. Hạ Long đi qua cầu Bãi Cháy theo Quốc lộ 18 nối vào đường CT06 (cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái). Đến vòng xoay nếu rẽ trái là vào Quốc lộ 18, rẽ phải là đi tiếp cao tốc CT06.

  • Nếu đi quốc lộ: đi thẳng. Hết quốc lộ 18 có 1 ngã ba => rẽ trái vào quốc lộ 18C => đi qua cầu Đồng Và rồi cứ đi theo quốc lộ 18C sẽ đến Bình Liêu.
  • Nếu đi cao tốc CT06: đi thẳng, khi qua cầu Vân Tiên một đoạn ngắn là đến trạm dừng chân Mũi Chùa => rẽ trái vào đường Mũi Chùa (chạy dọc sông Tiên Yên) => đi khoảng hơn 8km đến ngã ba thì rẽ phải vào Quốc lộ 18 => khoảng 1km thì rẽ trái vào Quốc lộ 18C và thẳng tiến tới Bình Liêu.

Từ Bình Liêu lên cột mốc 1297

  • Cung 1: Đoạn này dài khoảng 21km. Trên quốc lộ 18C hướng về cửa khẩu Hoành Mô, có 1 ngã ba có biển báo đi mốc 61-68 => Rẽ trái vào đây => Cách khoảng 200m thấy có ngầm tràn nhỏ là đúng đường rồi => Đi khoảng 750m, bên tay trái có điểm trường Bản Chuồng (thuộc trường Tiểu học Lục Hồn), qua trường này tầm 400m có một ngã ba dạng chữ Y có cửa hàng tạp hóa để bảng hiệu Vinaphone => Ở đây bạn hãy rẽ trái nhé. Đường rẽ phải chính là đi theo cách 2.
  • Cung 2: Đoạn này dài khoảng 25km. Trên quốc lộ 18C hướng về cửa khẩu Hoành Mô, khi đi qua UBND xã Lục Hồn hơn 1km sẽ có 1 ngã ba => Rẽ trái vào đây => Đi qua cầu Bản Pạt và cứ đi theo đường đèo. Đường này vẫn đến nơi nhưng khuyến mãi thêm tầm 5km đường ngoằn ngoèo, dốc hơn hẳn con đường số 1, ngồi trên xe tha hồ nín thở vì… sợ. Tui đã trải nghiệm đủ 2 cung đường 1 và 2 nên tui bỏ phiếu cho cung 1 nhé.
  • Cung 3: Từ quốc lộ 18C đoạn xã Vô Ngại, rẽ trái qua cầu bắc ngang sông Tiên Yên rồi đi thêm khoảng hơn 20km là đến cột mốc. Trên chặng đường này bạn có thể ghé vào cầu treo Nà Làng – cũng là một điểm được nhiều du khách biết đến của Bình Liêu.

Trên đường lên 1297, hình này là trong đợt tui đi trước đó nhưng không đến được đích.

Đọc thêm: Tìm hiểu về cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc

Vài lưu ý khi khám phá cột mốc 1297

  • Các mốc từ số 1293 đến 1302 nằm trên cùng một cung đường trải từ huyện Bắc Xa (Lạng Sơn) sang Bình Liêu (Quảng Ninh) nên bạn có thể sắp xếp thời gian khám phá cho phù hợp. Tuy nhiên chỉ có vài mốc nằm gần đường bộ hoặc có đường mòn đi lên như 1296, 1297, 1298, 1300, 1301; còn lại phải nằm trên núi với địa hình khó khăn.

Đọc thêm: Qua miền biên viễn – Cột mốc 1301 (Quảng Ninh)

  • Đây là khu vực biên giới. Do vậy bạn nên mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để có thể xuất trình khi được yêu cầu.
  • Bạn thoải mái ngắm cảnh và chụp ảnh nhưng nhất định phải giữ vệ sinh chung và không được phép làm hư hại, sai lệch các mốc quốc giới cũng như ranh giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới. Vấn đề này liên quan đến chủ quyền lãnh thổ nên được quy định rõ ràng trong Luật Biên giới quốc gia.

Phía sau cột mốc là hàng rào biên giới.

  • Một số mốc nằm trên khu vực đồi núi hiểm trở, khó đi. Do vậy luôn cẩn thận, cân nhắc tình trạng sức khỏe và an toàn rồi mới thực hiện chuyến đi.
  • Kiểm tra xe cộ cẩn thận vì tuyến đường vùng biên này thường vắng vẻ, khó tìm được hỗ trợ ngay lập tức khi cần thiết.

Góc nhỏ: Tuyến biên giới Việt – Trung đoạn thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn dài 232km với 472 cột mốc, đi qua huyện Tràng Định, Văn Lãng,  Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Bắt đầu từ mốc 963 (huyện Tràng Định) và kết thúc ở mốc 1300/4 (huyện Đình Lập).

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

3 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *