Tìm hiểu về cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc

Năm 1999, Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa đã được ký kết tại Hà Nội, làm cơ sở để xác lập đường biên giới rõ ràng trên đất liền. Trong tổng số chiều dài 1.449,566 km, đường biên giới trên đất liền là 1.065,652 km, đường biên giới nước là 383,914 km. Có 7 tỉnh chung đường biên giới với Trung Quốc, xếp theo thứ tự từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn Và Quảng Ninh; giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây. Sau khi Hiệp ước được phê chuẩn, hai bên chính thức thành lập Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Mỗi bên thành lập 12 nhóm liên hợp để thực hiện hoạt động. Đến 31/12/2008, công tác này đã hoàn thành.

Quy định ghi trên cột mốc: Các cột mốc giới do phía Việt Nam cắm làm bằng đá hoa cương hoặc bê tông; các cột mốc giới do phía Trung Quốc cắm làm bằng đá hoa cương. Trên mặt mốc đều khắc tên nước, số hiệu mốc giới và năm bắt đầu phân giới cắm mốc tại thực địa (2001).

Các loại cột mốc lớn, trung, nhỏ

  • Cột mốc đặc biệt: Được cắm ở vị trí ngã ba biên giới của ba đường biên giới quốc gia. Gồm cột mốc số 0 ở A Pa Chải, Điện Biên (ngã ba biên giới Việt Nam – Lào -Trung Quốc) và cột mốc ở Ngọc Hồi, Kon Tum (ngã ba Đông Dương: Việt Nam – Lào – Campuchia).
Cột mốc tại ngã ba Đông Dương
  • Cột mốc Lớn, mốc Đại: được cắm ở cửa khẩu biên giới lớn và có quốc huy trên cột mốc.
Cột mốc 102(2) đặt tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Đây là mốc đôi cùng số loại lớn có gắn quốc huy, đặt trên bờ sông Nậm Thi phía Việt Nam, nằm phía Đông Bắc cầu Hồ Kiều. Mốc cắm ngày 13/7/2002 và có tọa độ 22.507336, 103.965018. Ảnh: Bùi Duy Tuấn.
  • Cột mốc Trung, mốc Chính: được cắm ở những vị trí đường biên giới đổi hướng, thay đổi địa hình, dễ xảy ra tranh chấp.
  • Cột mốc Nhỏ, cột mốc Phụ: được cắm trong khoảng cách giữa 2 mốc chính để làm rõ đường biên giới. Số hiệu mốc giới phụ thể hiện bằng phân số, trong đó tử số là mốc giới chính phía trước, mẫu số là số hiệu 1, 2, 3… của mốc giới phụ.
Cột mốc 1300/4 là mốc đơn phụ loại trung, đặt trên yên ngựa thuộc địa bàn xã Bắc Xa, Đình Lập, Lạng Sơn tại điểm có độ cao 680.54m và tọa độ 21.599426, 107.362787

Các loại cột mốc đơn, đôi, ba

Trong cột mốc lớn, trung, nhỏ lại gồm nhiều loại khác nhau.

  • Cột mốc đơn: Được cắm trực tiếp trên đường biên giới.
Cột mốc 1327 là mốc đơn loại nhỏ, đặt tại xã Quảng Sơn, Hải Hà, Quảng Ninh tại điểm có độ cao là 948.09m và tọa độ 21.603531, 107.60313. Cột mốc được đặt trên đỉnh núi nên từ đây có thể quan sát cảnh đồi núi xung quanh. Bạn chỉ cần leo một đoạn bậc thang thẳng tít, cỡ vài chục bậc là tới nơi.
  • Cột mốc đôi: Mốc đôi cùng số được cắm ở 2 bên bờ sông biên giới và vị trí thường đối xứng nhau. Mốc kèm theo số hiệu phụ 1, 2 và để trong ngoặc đơn. Mốc (1) nằm phía Trung Quốc và mốc (2) nằm phía Việt Nam.
Cột mốc số 1323(2) là mốc đôi cùng số loại trung, đặt trên bờ suối Bỉ Lao phía Việt Nam, tại xã Đồng Văn, Bình Liêu, Quảng Ninh tại điểm có độ cao là 337.72m và tọa độ 21.612684, 107.560315. Cột mốc này nằm ngay bên vệ đường, kiểu như đặt trên vỉa hè nên rất dễ thấy.
  • Cột mốc ba: Mốc ba cùng số được đặt trên bờ sông của hai bên, nơi hợp lưu (nơi phân lưu) của sông, suối nội địa và sông, suối biên giới. Số hiệu phụ phải để trong ngoặc đơn. Bên nào chỉ có một bờ sông, suối thì đặt mốc có số (1); các mốc số (2) và (3) nằm trên bờ sông nước kia.

Số lượng mốc thực tế

  • Việt Nam và Trung Quốc đã cắm 1970 cột mốc, bao gồm 1627 cột mốc đơn, 232 cột mốc đôi và 111 cột mốc ba. Các mốc được đánh số từ 1 đến 1378 theo hướng từ Tây sang Đông.
  • Trong các cột mốc giới đơn chính, cột mốc mang số mốc lẻ do phía Trung Quốc cắm, cột mốc mang số mốc chẵn do phía Việt Nam cắm.
  • Trong các cột mốc giới đơn phụ, cột mốc mang số mốc có mẫu số là số lẻ về nguyên tắc là do phía Trung Quốc cắm, cột mốc mang số mốc có mẫu số là số chẵn do phía Việt Nam cắm. Riêng cột mốc số 50/1, 137/1, 353/1 do phía Việt Nam cắm.
  • Trong các cột mốc giới đôi và cột mốc giới ba, các cột mốc nằm trong lãnh thổ Việt Nam do phía Việt Nam cắm, các cột mốc nằm trong lãnh thổ Trung Quốc do phía Trung Quốc cắm.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

8 comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *