Bánh ép Huế

Tui thích ăn, vậy nên đi đâu cũng ráng lê la quán xá lề đường để thưởng thức đầy đủ hương vị dân dã của ẩm thực địa phương. Với Huế, trong một lần lướt lên lướt xuống các trang mạng để tìm món ăn vặt, tui tia thấy bánh ép xuất hiện trong giới thiệu của rất nhiều bài. Thấy thì triển thôi. Tui và một ẻm học trò lết bộ từ bên trường ĐH Khoa học tự nhiên, vừa đi vừa ngắm cảnh qua tuốt chợ Đông Ba, rẽ xuống con đường gần gần đó thì chưng hửng vì quán chưa mở cửa. Hai đứa tiu nghỉu lội ngược về, chán ơi là chán. Sau đó mới phát hiện ngay gần trường cũng có một quán, cách có vài phút đi bộ, haizzz.

Vậy bánh ép có gì mà trở thành một món ăn vặt cực kỳ quen thuộc với người dân nơi đây đến như vậy?

Để làm bánh ép, đầu tiên cần nhồi bột lọc với nước cho kỹ rồi nặn thành những viên tròn nhỏ. Sau đó ép cho hơi dẹt ra, đặt lên trên ít thịt heo băm cùng hành lá đã xắt nhỏ. Thịt heo phải chọn loại có cả nạc lẫn mỡ thì nhân bánh mới ngon, mềm và không bị khô. Thường thì thịt được ướp gia vị cho thấm rồi xào chín để khi chế biến sẽ nhanh hơn, món ăn cũng thêm phần đậm đà.

Những viên bột sống chỉ nhỏ cỡ chén nước chấm.

Để bánh luôn nóng, khi có khách đến, cô chủ mới bắt đầu công đoạn ép bánh. Đây cũng là nguồn gốc của tên gọi “bánh ép”. Phải dùng khuôn ép từ viên bột sống thành cái bánh chín nên người ta lấy luôn thao tác này làm tên gọi cho món ăn. Khuôn gang để cho thật nóng, rưới ít dầu vào cho bột khỏi dính khuôn, sau đó đặt cục bột vào giữa, ép xuống. Để khuôn luôn ép sát vào nhau, người ta thiết kế một khoen móc giữa hai tay cầm của khuôn để cài khuôn lại thật chặt. Làm vậy thì bột mới được cán mỏng ra. Cái khuôn phẳng lì, ít đọng dầu nên món ăn không bị ngấy. Để chừng 20 giây cho bột chín, mở khuôn ra, thêm trứng vào rồi tiếp tục ép xuống tầm 10 giây nữa. Một số nơi dùng trứng gà đã đánh tan, nơi khác dùng nguyên quả trứng cút.

Chờ khuôn nóng, đặt bột vào, ép chín mỏng rồi rưới trứng lên. Chồng dĩa cao ngất đã để sẵn bên cạnh.

Ép bánh cũng là khâu quan trọng nhất của món ăn. Bánh mau chín nên phải canh cho khéo, dầu vừa đổ vào khuôn này là đã mở khuôn khác lên chêm trứng vào. Phải để ý thời gian sao cho khéo để bánh vừa chín, không bị sống sượng, không cháy mà mùi thơm thì cứ bay lên thơm nức mũi. Tùy sở thích, nếu khách muốn ăn dẻo thì ép nhanh, còn muốn ăn giòn thì có thể để bánh trên bếp lâu hơn một chút.

Ngồi giữa một loạt các bếp lò nóng nực như này khá vất vả, nhất là vào mùa hè.

Từ một viên bột nhỏ như trên, ép xong, bánh chín to bằng cả cái dĩa. Bánh đã chín đều, có màu ngà ngà của bột, màu vàng sém của trứng, màu đỏ của thịt và màu xanh của hành khá bắt mắt. Chị chủ nhanh chóng lấy bánh ra dĩa rồi bưng cho khách.

Đã là món ăn Việt thì không thể thiếu nước chấm và rau ăn kèm. Đây chính là những nét vẽ cuối cùng để bức tranh ẩm thực trở nên hoàn mỹ. Pha chén nước mắm tỏi ớt chua ngọt, bỏ thêm nhiều ớt chưng hoặc tương ớt cho cay đúng chuẩn xứ Huế. Đu đủ, cà rốt bào sợi ngâm chua ngọt, cùng với rau răm, dưa leo ăn kèm.

Bạn thấy chén nước chấm chưa. Chén đó để ngó chơi thôi chứ nó đỏ lè vậy là tui chỉ biết nhăn răng ra cười chứ làm gì ăn nổi.

Hồi đầu, tui cũng phải ngó nghiêng xem bàn bên cạnh ăn như thế nào rồi mới bắt chước. Lấy ít rau cho vào giữa bánh, cuốn miếng bánh lại cho gọn như cuốn bánh tráng, chấm mắm rồi ăn. Bánh vừa ra lò, nóng hôi hổi. Vừa nhón tay cuốn bánh vừa thổi phù phù vì nóng, ấy vậy mà ai cũng phải làm xong ít nhất 5 6 cái bánh cho lưng lửng bụng mới bước ra khỏi quán. Mỗi bánh đặt trên một dĩa. Ăn xong thì xếp chồng các dĩa lên nhau rồi cứ đếm dĩa mà tính tiền.

Cuốn vậy đó rồi thưởng thức thôi.

Bánh ép mỏng, dễ ăn, lại dùng kèm với nhiều loại rau chống ngán, không gây cảm giác quá no nên rất hợp cho món ăn vặt, mà giá chỉ khoảng 3000 – 5000 đồng mỗi bánh. Nhiều người nói rằng đây là phiên bản khác của bánh bột lọc Huế, nhưng tui chỉ thấy nó giống nhau ở nguyên liệu bột lọc, còn lại hai đứa khác nhau hoàn toàn.

Bánh ép Huế thường chỉ bán buổi xế chiều. Đến Huế, bạn có thể xuống vùng biển Thuận An (huyện Phú Vang)– nơi được coi là xuất xứ của bánh ép – để  thưởng thức. Nếu không thì ngay tại thành phố Huế cũng có rất nhiều quán cho bạn lựa chọn như:

  • Bánh ép Huệ: 116 Lê Ngô Cát, cách làng hương Thủy Xuân nổi tiếng chừng 200m; buổi chiều đi chụp choẹt ở làng hương xong ghé đây ăn là vừa đẹp.

Đọc thêm: Về thăm làng hương Thủy Xuân – làng nghề đầy sắc màu ở Huế

  • Bánh ép Gia Di: 52 Bà Triệu.
  • Bánh ép Nguyễn Du: 20 Nguyễn Du
  • Bánh ép O Niệm: hẻm 85 Nguyễn Huệ, phía sau trường ĐH Khoa học tự nhiên Huế…

Ngoài bánh ép nóng hổi mới ra lò, còn có phiên bản “bánh ép khô” ăn liền để du khách mua về làm quà.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

3 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *