Đậu hũ ven sông Hương – trải nghiệm nên thử khi đến chùa Thiên Mụ

Hồi nhỏ, mỗi lần đang nằm vắt vẻo đọc truyện mà nghe tiếng rao “Ai đậu hũ hông?” là tui bật dậy, chạy qua níu níu bà nội. Chỉ tích tắc sau sẽ có một gánh đậu hũ đặt trước sân nhà và có mấy cái đầu xúm xít chụm lại. Tất nhiên là dăm ba tuần mới dám bật dậy một lần, chớ mà làm hoài thì thể nào cũng bị bà nội bật cho vài phát liền.

Tùy vùng miền mà người ta gọi đậu hũ là tàu hũ, tào phớ, đậu hoa, đậu non

Gánh đậu hũ ngày xưa có 2 thùng gỗ ở 2 đầu. Một đầu là chum đậu hũ. Đầu còn lại là thùng gỗ nhiều tầng, một tầng để chén và thìa, một tầng để nước đường, một tầng có thau nước rửa be bé. Cô bán đậu sẽ mở he hé nắp chum, cái nắp được bọc mấy lớp vải để giữ hơi nóng. Mỗi lần mở nắp ra là mùi đậu nóng thơm bay nghi ngút. Tui không biết đôi quanh gánh nặng trĩu đó đã đi bao nhiêu con đường, nhưng nó đã đi vào trái tim tui và ở lại cùng những ký ức tuổi thơ.

Bây giờ ở Huế vẫn có các o, các dì gánh đậu hũ đi bán na ná như hồi xưa.

Khi tui lớn dần, lâu thật lâu không còn thấy gánh đậu hũ nữa, hoặc cứ vội vội vàng vàng lướt qua những tiếng rao “Ai đậu hũ đây” trên đường phố. Đến một ngày lượn lờ quanh chùa Thiên Mụ, theo lời rủ rê tui ghé vào quầy đậu hũ dưới chân chùa. Xe đậu hũ của cô Oanh và cô Tâm đã dừng chân ở đây nhiều năm rồi. Khoảng 20 năm mưu sinh bằng nghề này, mỗi sáng cô Oanh đẩy xe tới đây bán đến chiều mới về. Khách thập phương đến vãn cảnh chùa cũng đã quen với hình ảnh là 2 xe đậu hũ nho nhỏ bên gốc phượng già.

Đậu hũ chỉ 10k/chén

Tui không biết vì sao người ta phải múc đậu hũ thành lát mỏng chứ không làm hẳn miếng dày. Chỉ thấy rằng từng lát đậu hũ núng nính, trắng phau xếp vòng quanh chén trông như một bông hoa nhiều cánh. Phía trên là lớp nước đường được nấu cho hơi sánh nhẹ, ngả sang màu vàng ngà, điểm vài miếng gừng giã nhuyễn thơm nồng. Thiệt chớ bưng chén đậu mà tui cứ nhìn thấy hình ảnh của một bông hoa đại màu trắng dịu dàng; có lúc lại là cánh mộc lan trắng tinh khiết. Haizz cứ nhìn đồ ăn thì tui lại nghĩ đến hoa hoét mà nhìn hoa hoét thì lại nghĩ đến đồ ăn.

Phải đập dẹp cái thìa múc để có thể lạng được những lát đậu hũ thật mỏng

Đậu hũ ở đây có thể ăn với đường cát, nhưng tui thích ăn với nước đường hơn.

Chén đậu hũ mới múc ra, nóng hôi hổi, thế nhưng ăn miếng nào là thấy mát dịu miếng đó. Mùi thơm của đậu non cứ nhẹ nhàng sảng khoái đi vào từng giác quan. Có điều đến giờ tui vẫn không tìm lại được vị của hồi xưa dù đã nếm nhiều món ngon; nhưng những miếng mềm mại nơi kinh thành cổ ấy vẫn có sức hút đặc biệt.

Mấy chị bé K42 trường tui thấy máy ảnh lia lên là lật đật cười toe toét liền.

Điểm đặc biệt nhất là ở phong cảnh hữu tình của quán ăn nhỏ này. Nằm dưới chân chùa, bên gốc phượng ngả mình soi bóng xuống dòng Hương, phong cảnh hữu tình này khó nơi nào có được. Thi thoảng có con đò lướt qua, tạo thành những vệt sóng mênh mang. Ngồi bên này nhìn bờ bên kia non xanh nước biếc, cảm giác thưởng thức đậu hũ cũng nên thơ hơn.

Vẫn là mấy chị bé đó, phải bay xuống thử đậu hũ thôi.

Hôm nào đến Huế, bạn nhớ thử món đậu hũ dưới chân chùa Thiên Mụ để ngắm view xịn sò này nhé.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *