Đương nhiên đây không phải là món bột quấy mà bọn không răng và đã từng không răng (trong đó có tui) từng ăn trong những năm tháng đầu đời. Đây là bột mì quấy (bột mì khuấy), món ăn cực kỳ dân dã của đất Bình Định. Bởi nó đơn giản chỉ là bột mì pha với nước lạnh, bắc lên bếp đun nóng như kiểu quấy hồ dán. Trong quá trình đó phải khuấy liên tục và đều tay để bột chín đều và không bị cháy. Đến khi khuấy nặng tay dần, bột quánh lại và chuyển màu trong suốt thì đã chín.
Món bột quấy này có thể ăn theo 2 kiểu là mặn và ngọt. Ăn ngọt thì pha bột loãng và bỏ xíu đường vào. Hồi nhỏ, buổi tối đói bụng, lâu lâu tui kì kèo má quấy bột cho ăn. Quấy xong, má đổ ra dĩa sâu lòng hoặc cái cà mèn xíu xiu rồi bưng ra để trước quạt cho nguội. Khoái nhất là hớt lớp váng trên cùng, dai dai ngòn ngọt. Cứ hớt lớp này xong lại chờ lớp khác khô lại để ăn tiếp, nhưng thường chỉ có lớp đầu tiên mới ngon nhất.
Ăn mặn thì pha bột đặc hơn một xíu và không bỏ gia vị. Bột chín, lấy đôi đũa dích lên một ít, xoắn tròn cho bột bám vào đũa rồi chấm mắm ăn. Ta nói, ngày xưa đói bụng, chỉ cần rót chén mắm ngon để chấm bột thì chẹp, số dzách luôn. Ai ăn cay được thì phải cắt ngay và luôn mấy lát ớt xanh xanh đỏ đỏ vào chén mắm, vừa ăn vừa hít hà mới đủ độ đã. Bột dai dai, mắm mằn mặn, thơm nức, quơi là ngon. Đơn giản thì chỉ cần chén mắm là đủ. Cầu kỳ hơn thì có thể ăn kèm cá rô đồng, cá lóc nướng…
Người ta vẫn bảo bột mì quấy hợp với tiêu chí “ngon, nhanh, nghèo”. “Ngon” thì khỏi kể rồi. “Nhanh” là vì chế biến gọn lẹ, không cầu kỳ, chỉ độ 5 – 7 phút là đã xong. “Nghèo” bởi một chảo bột quấy tính ra rẻ rề, chỉ tốn tiền bột và nước mắm thôi chớ mấy.
Bẵng đi một thời gian, tui không còn quay về với món ăn tuổi thơ nữa. Rồi tự nhiên một ngày đẹp trời nọ, tui thấy nó đàng hoàng nằm trong thực đơn phải thử của một nhà hàng nổi tiếng ở Quy Nhơn. Tui chưa bao giờ nghĩ có lúc bột mì quấy lại lên đời, trở thành món hit như vậy. Nhưng nếu đã nâng tầm thì món ăn cũng khác hồi xưa đôi chút. Ở đây, bột mì khuấy xong thì dàn ra cho thật mỏng, đem áp chảo sơ qua cho lớp vỏ bên ngoài giòn nhẹ mà bên trong vẫn dẻo dai. Cá lóc nướng lên, dằm ra cho vào chén mắm tỏi ớt cay nồng. Hai món này ăn kèm với nhau rất hợp đôi, đủ để gây ấn tượng với thực khách.
Mỗi người một chén mắm + cá lóc nướng là đủ thấm vị đặc trưng của đất xứ Nẫu.
Địa chỉ: cụm nhà hàng 03, 05, 07 Trần Phú (Quy Nhơn).
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |