Phở luôn được nhắc tới như một món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Ở bất kỳ tỉnh thành nào phở cũng hiện diện với nhiều cung bậc sáng tạo khác nhau. Không chỉ thế, vượt qua biên giới địa lý, phở bay ra nước ngoài và có mặt trong ngôn ngữ quốc tế. Từ năm 2011, từ điển Oxford đã bổ sung 3 từ mới thuần Việt, gồm “Phở” – pho /fə ː/, “Áo dài” – ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) và “Bánh mì” – “banh mi /ˈbɑːn miː/”. Thật sự, Phở đã thực sự khẳng định vai trò đại sứ ẩm thực, đại sứ văn hóa du lịch cho Việt Nam.
Phở Vui – Hà Nội.
Năm 2017, lần đầu tiên báo Tuổi trẻ khởi xướng chọn ngày 12/12 là Ngày của phở. Từ đó đến nay, đây trở thành một hoạt động thường niên để giới thiệu, quảng bá đặc sản Việt lan tỏa khắp thế giới. Ngày 12/12/2021, trang chủ Google còn hiển thị doodle phở ở 19 quốc gia. Sang 2022, Ngày của Phở là hành trình về với một trong những miền đất khai sinh ra món ăn này: Nam Định. Đây là lần đầu tiên Ngày hội vinh danh món ăn đặc biệt này được tổ chức ở thành Nam sau nhiều năm luân phiên làm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Quẩy – món ăn kèm thường xuất hiện trong phở Hà Nội.
Dành những lời ngợi khen cho đẳng cấp của món ăn này thì có lẽ không cần bởi đã có những chuyên gia ẩm thực. Phở còn xuất hiện trong văn chương qua mắt nhìn của nhà văn Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội”, với “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam, tùy bút của Nguyễn Tuân, hay gần đây là “Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ” của Lê Văn Nghĩa.
Bò viên, nạm, gân… là những món topping cho tô phở miền Trung và miền Nam.
Điểm thú vị ở chỗ dù là món truyền thống, phở cũng tự làm mới mình bằng nhiều cách thức khác nhau và đều nổi tiếng như phở chua Lạng Sơn, phở chiên phồng, phở cuốn…
Phở cuốn dùng lá bánh phở để cuốn, nhân bên trong là thịt bò xào tái, xà lách, rau thơm.
Phở biến tấu dần dần trên cung đường ẩm thực từ Bắc vào Nam. Ở miền Bắc, phở lúc nào cũng là một bát đầy ắp, kèm lọ tương ớt, hũ tỏi ngâm giấm và dĩa quẩy. Một số quán dùng thêm chanh, một số quán nhất định chỉ dùng giấm vì sợ rằng vị chanh sẽ át mất hương nồng nàn vốn có của phở. Phở Bắc rất đa dạng với nhiều loại tái, gân, nạm, gầu, lõi rùa (Lõi rùa là phần lõi bên trong của bắp bò, nơi có nhiều gân nhất; phần này vừa ngọt, vừa giòn, rất ngon).
Một sự kết hợp giữa hương vị phở Bắc với rau ăn kèm của miền Nam.
Đến miền Trung, ở đất Bình Định có thêm món phở khô. Tên gọi này xuất phát từ loại bánh phở đã được phơi khô, khi ăn sẽ trụng nước sôi cho mềm, na ná hủ tiếu nhưng sợi phở to và dày hơn. Từ miền Trung trở vào Nam cũng xuất hiện thêm rau ăn kèm như quế, xà lách, giá trụng.
Phở khô Bình Định. Cọng phở cứng và dai hơn chứ không mềm như phở Bắc, còn gọi là phở tươi.
Lên Gia Lai, bạn sẽ có dịp thưởng thức phở hai tô. Một tô phở khô đã được trụng mềm và một tô nước dùng có đủ thịt tái, gân, nạm…. Khi ăn, người ta sẽ thêm tương đen, hành phi, tóp mỡ, giá…trộn chung với phở để thêm đậm vị. Ăn hết bát phở khô thì chuyển sang bát nước, hoặc có thể cho phở vào nước ăn cùng nếu muốn.
Món phở khô Gia Lai – phở 2 tô mang thương hiệu của phố núi.
Cho dù sáng tạo theo kiểu nào thì phở luôn chinh phục được những thực khách dù là khó tính nhất. Chỉ cần nghe hương phở thoáng bay qua là đã có thể tưởng tượng bát phở nghi ngút khói, thơm lừng ngay trước mặt. Đó thật sự là món ăn quốc hồn của người Việt, góp phần vinh danh văn hóa Việt với bạn bè gần xa.
Sắp đến Ngày của phở rồi, bạn đã đi ăn phở chưa?
Mách nhỏ cho bạn một số quán phở ở Hà Nội
- Nếu muốn ăn phở lõi rùa, bạn có thể ghé phở Lâm ở 48 Hàng Vải; hoặc phở bò Khôi Hói ở 50 Hàng Vải.
- Nếu muốn ăn phở tái lăn, bạn nên thẳng tiến phở Thìn, 13 Lò Đúc; chọn quán có bếp lò và nồi phở to uỵch ngay cửa vì ngay gần ngã 5 này có mấy quán đều lấy tên là phở Thìn. Trái với sự phong phú của nhiều quán khác, phở Thìn trung thành với phở tái lăn, tức là thịt bò xào sơ qua, chỉ vừa tái. Có điều phở này không dành cho team “không hành” vì lúc nào bát phở cũng phủ một màu xanh mướt của hành lá.
- Nếu muốn thưởng thức hương vị phở gia truyền nổi tiếng, bạn có thể đến phở Lý Quốc Sư hoặc phở Bát Đàn. Cơ mà các quán này đông quá nên tui không ham. Nói vậy chớ có người dẫn đi thì tui cũng không từ chối.
- Nếu muốn ăn phở mà ăn tới đâu mới xắt thịt tới đó thì ghé phở cụ Chiêu, 48 Hàng Đồng.
- Hà Nội còn có các quán phở một chữ khá thú vị:
- Phở Sướng, 24 Ngõ Trung Yên. Bán từ sáng đến tối.
- Phở Vui, 25 Hàng Giầy, bán buổi sáng và tối. Quán trong nhà nhưng nhà hơi nhỏ. Quán này tui đi hụt đến lần thứ 4 mới được ăn. Đối diện là quán bánh trôi nước Phạm Bằng.
Đọc thêm: Bánh trôi tàu – Hàng Giầy
-
- Phở Mặn, 1 Gầm Cầu, ngay gần Hàng Giấy. Gọi tên như vậy vì đây là gầm cầu đường sắt Long Biên. Phở này mặn thật do nước dùng đậm vị, nên ai ăn nhạt thì có thể suy nghĩ lại.
- Phở Thật, 48 Trần Nhật Duật. Bán từ 6h chiều đến đêm. Quán này ngồi vỉa hè nên khá thoáng. Mùa gió bấc về mà ra đây ngồi, thưởng thức tô phở nóng hôi hổi trong cái gió tê tái cũng là cảm giác khá phê.
- Phở Nhớ, 27 Huỳnh Thúc Kháng. Quán này mãi bên khu tập thể Nam Thành Công, khá xa phố cổ.
- Nếu chuộng phở cuốn, phở chiên phồng, bạn có thể đến phố Ngũ Xã, gần hồ Trúc Bạch. Ở đây có rất nhiều quán, thường được nhắc đến là phở Hương Mai, Hưng Bền, nhưng tui thấy quán nào cũng ngon (tại tui tạp ăn). Phở chiên phồng là bánh phở được cắt vuông, chiên ngập dầu, bày ra dĩa rồi múc thịt bò xào cải ngọt cùng nước sốt sền sệt lên trên. Món này hơi ngấy do nhiều dầu. Bạn có thể gọi phở chiên phồng hoặc phở chiên trứng. Phở cuốn ăn với nước chấm chua ngọt kèm đu đủ chua. Món này khá thanh nên dễ ăn và nhẹ nhàng.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |