Người ta vẫn nói rằng đến Singapore, nhất định phải chụp với biểu tượng sư tử biển Merlion của đảo quốc này. Nhưng tui lại muốn giới thiệu một góc khác ở nơi đây, đó là chuyện về những cây cầu. Tui ấn tượng vì chỉ 1 đoạn công viên nhỏ mà xung quanh có đến 3 cây cầu, cái nào cũng mang trong mình những dấu ấn lịch sử riêng biệt.
Địa chỉ: Merlion Park, số 1 Fullertion Rd. Mở cửa 24/24h và miễn phí. Bạn có thể đến đây bằng tuyến tàu điện ngầm, bus hoặc đi bộ qua các cây cầu sau.
1. Cầu Anderson
Cầu Anderson nằm ở cửa sông Singapore, đối diện Nhà hát Victoria. được Cầu hoàn thành vào năm 1909, khánh thành 1910; do Kỹ sư R. Peirce và D.M. Martia thiết kế. Cầu Anderson được xây dựng để đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng tăng và để giảm tải cho cầu Cavenagh.
Chỏm cây xanh non ở mé bên này cầu (ở giữa màn hình) là cây me di sản, nằm ngay lối vào công viên Merlion. Cây me tiếng Sing là cây Asam. Đây cũng là điểm cuối của Đại lộ cây di sản của Singapore được khởi xướng từ giữa năm 2016.
Cầu Anderson được đặt theo tên của Sir John Anderson, Thống đốc Khu định cư Eo biển và Cao ủy Liên bang Mã Lai từ năm 1904-1911. Về mặt kinh tế, Anderson có công trong việc đặt nền móng để Singapore trở thành một trong những thương cảng hàng đầu thế giới; ấn định đồng tiền của Singapore theo bản vị vàng…
Ở góc phải của hình là cổng vòm bằng đá granit dẫn vào lối cho người đi bộ.
Cầu Anderson dài 61.2m, rộng 24.5m chia thành 2 chiều, có lối riêng dành cho người đi bộ. Cầu được thiết kế dầm giàn thép, áp dụng nguyên lý giàn Pratt. Kết cấu thép của cây cầu được sản xuất tại Anh và vận chuyển đến Singapore. Cây cầu bao gồm ba vòm thép, hai bên thân có kết cấu thép đan chéo phức tạp. Lối dành cho người đi bộ còn có cổng vòm bằng đá granit ở 2 đầu. Tên của những người có đóng góp lớn cho việc xây dựng Cầu Anderson được khắc trên một tảng đá nhập khẩu từ Aswan, Ai Cập; đặt ở cuối dầm trung tâm đối diện với Nhà tưởng niệm Victoria.
Kết cấu thép này làm tui nhớ đến cầu Trường Tiền (Huế) và cầu Long Biên (Hà Nội).
Vào ngày 15/10/2019, cây cầu cùng với cầu Cavenagh và cầu Elgin đã được Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận là Di tích Quốc gia thứ 73 của Singapore. Từ tháng 11/2021, cầu Anderson chuyển hoàn toàn thành cầu đi bộ.
Nay đã là cầu đi bộ nên bạn cứ tranh thủ vào lối giữa mà chụp hình nha. Tòa nhà phía sau chính là Nhà hát Victoria. Ảnh: fb Ngày Xanh CLB (đã xin phép tác giả).
2. Cầu Esplanade
Từ cầu Anderson nhìn ra cầu Esplanade và nhà hát Esplanade có hình dáng chiếc micro, nhưng nhiều du khách Việt thích gọi là nhà hát sầu riêng.
Cầu Esplanade được xây dựng bắc qua cửa sông Singapore nối liền công viên Merlion với nhà hát Esplanade, được xây từ năm 1994-1997. Sau khi xây xong, người ta mới thấy rằng nó cản tầm nhìn ra tượng Merlion từ bờ sông Vịnh Marina. Vì vậy, bức tượng Merlion thật đã được di dời đến phía trước cây cầu, nhìn thẳng ra vịnh.
Bên dưới cầu Esplanade
Cầu Esplanade là cầu vòm bê tông thấp, dài 261m, có 4 làn xe mỗi chiều và thêm lối cho người đi bộ dọc 2 bên. Sau này, khi lối đi bộ trở nên chật hẹp so với nhu cầu lưu thông đông đúc tại đây, người ta tiến hành xây dựng thêm cây cầu khác dành riêng cho người đi bộ, đó là cầu Jubilee.
Bên dưới cầu Esplanade. Lan can ven sông lại trở thành chỗ ngồi nghỉ chân lý tưởng cho du khách.
3. Cầu Jubilee
Cây cầu cao hơn, bên tay trái chính là cầu Esplanade.
Cầu Jubilee được khánh thành vào ngày 29/3/2015 nhân kỷ niệm lần thứ 50 năm ngày độc lập của Sing (năm 1965). Cầu dài 250m, rộng 6m; gồm ba nhịp, tựa trên hai cột chính.
Cây cầu đã góp phần tạo nên một liên kết liền mạch trên tuyến đường dành cho người đi bộ ven vịnh Marina. Cầu được thiết kế thanh mảnh lấy cảm hứng từ tia nước phun ra của sư tử biển Merlion; nối liền 2 địa danh nổi tiếng là nhà hát Esplanade và Merlion. Đường cong mềm mại mà đơn giản của Jubilee cũng là đối trọng với cầu Helix có thiết kế hình xoắn AND phức tạp nằm đối diện. Từ đây có thể nhìn thẳng ra vịnh Marina mà không bị cản trở tầm nhìn.
Từ cầu Jubilee có thể chụp được cả mặt bên của tượng Merlion và tòa nhà Marina Bay Sands.
4. Chuyện cổ tích về Merlion
Từ trái qua: Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật Singapore (Art Science Singapore) hình hoa sen trắng, tòa nhà Marina Bay Sands với thiết kế ấn tượng con thuyền trên đỉnh 3 tòa tháp, và bức tượng Merlion chung 1 khung hình
Merlion là một sinh vật thần thoại có đầu sư tử, thân cá. Phần thân cá đại diện cho nguồn gốc làng chài ven biển của Singapore khi nơi đây được gọi là Temasek, xuất phát từ “tasek” – nghĩa là “thị trấn biển” trong tiếng Mã Lai. Phần đầu sư tử xuất phát từ “singagura” – nghĩa là thành phố sư tử hay “kota singa” trong tiếng Phạn. Truyền thuyết kể lại rằng, hoàng tử Sang Nila Utama, người Srivijaya của Palembang, đã đặt chân tới vùng đất này thì phát hiện ra một sinh vật lạ giống sư tử nên đã đặt tên cho nó là Singapura.
- Góc nhỏ: Việt Nam mình cũng có một thành phố sư tử Simhapura đó, bạn biết ở đâu không?
Từ phía nào của Merlion cũng nhìn ra những công trình nổi tiếng của Singapore.
Ở đây cũng làm thêm một đoạn cầu nho nhỏ để du khách có thêm nhiều góc chụp với tượng Merlion, là phần vươn ra giữa sông như trong hình trên. Nhiều người thích lên cây cầu này để chụp hình, nhưng cá nhân tui thấy chụp từ phía dưới đẹp hơn nhiều nhen.
Bên dưới đoạn cầu phụ.
Những bức ảnh từ góc chụp của chị áo trắng xinh xắn bên trên cho tui nè.
5. Những phiên bản khác nhau của Merlion
Bức tượng Merlion được khánh thành vào 15/12/1972, cao 8.6m, nặng 70 tấn. Dự án này được đầu tư khoảng 165 nghìn SGD. Nhà điêu khắc địa phương là Lim Nang Seng đã thực hiện biểu tượng này để làm logo của Tổng cục Du lịch Singapore (STB) và nay đã trở thành biểu tượng thương hiệu của Singapore. Bức tượng được đúc bằng xi măng fondue, khảm gốm sứ bên ngoài, đôi mắt là 2 tách trà nhỏ màu đỏ.
Trong khi người ta hứng nước, uống nước từ sư tử biển thì tui bị nó tạt nước ngã ngửa vầy.
Phía sau bức tượng nguyên bản, cách khoảng 30m là tượng Merlion Cub (sư tử con) cao 2m, nặng 3 tấn. Các hệ thống máy bơm được lắp đặt bên trong để 2 bức tượng có thể phun nước suốt ngày đêm, tùy lúc mà phun sương hoặc phun thành dòng.
Tượng Merlion con ở công viên Merlion
Thật ra ở Singapore có đến 6 bức tượng Merlion, gồm 1 bức tượng gốc và 5 phiên bản mini khác. Có 1 tượng ở ngay tại công viên Merlion Park; 1 ở văn phòng Tổng cục Du lịch gần Grange Road (xây năm 1995); 1 ở công viên Mount Faber (xây năm 1998); 1 cặp ở Đại lộ Ang Mo Kio 1 (xây năm 1998). Cá nhân tui thích hàng gốc hơn, còn các bức làm lại khác không chuộng lắm, kể cả tượng “cá chép hóa rồng” ở Đà Nẵng hay Quy Nhơn.
Tấm bảng của Tổng cục Du lịch Singapore ghi lại việc di dời tượng Merlion.
Có mặt rồi, sao thiếu….chân được :))
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |