Về với điểm cơ sở A10 trên đảo Lý Sơn

5h sáng, Lý Sơn đã chan hòa trong ánh nắng rực rỡ buổi sớm mai. Tui phóng xe máy vù vù đi về phía đông của đảo. Mục tiêu ban đầu là khám phá các ngọn hải đăng, nhưng khi thấy tấm bảng chỉ đường về phía điểm cơ sở A10, tui rẽ vô cái rột. Thiệt ra A10 đã nằm trong kế hoạch từ trước, nhưng tui không biết địa điểm chính xác là ở đâu trên đảo, hên sao là đang lơ ngơ tìm đường thì phát hiện ra.

Cột mốc cơ sở A10 thuộc địa phận thôn An Hải, Đảo Lớn, Lý Sơn (Quảng Ngãi), tại tọa độ 15°23’10”N, 109°08’36”E. Điểm cơ sở A8 được xác định tại tọa độ 15°23’06″N, 109°09’00″E. Như vậy điểm cơ sở cách mốc cơ sở là 728m theo phương vị 98o38’44”.

Đường đến mốc cơ sở A10

Điểm đến này nằm trên cung đường Nhà pha (hải đăng Lý Sơn) – hải đăng Mù Cu. Chính xác hơn, từ ngã ba trong hình dưới đây chẽ ra 3 nhánh, mỗi nhánh đến 1 điểm (hải đăng Mù Cu nằm ở cuối vùng neo đậu). Từ đây đến điểm cơ sở A10 là 350m. Tuy nhiên, bảng chỉ dẫn thì tít tận bên ngoài, còn đi như nào để đến với A9 lại không thấy nói. Hên là gặp được một chị đang phơi rong trên sân để hỏi đường.

Lúc đến với A10, tui đã cố gắng đặt đánh dấu tọa độ điểm này trên Google map, nhưng làm mãi không được. Thay vào đó bạn có thể tìm trên Maps địa chỉ nhà nghỉ Biển Xanh, cách điểm cơ sở chỉ khoảng 50m.

Di chuyển đến Lý Sơn: Cách duy nhất để đến Lý Sơn là đi tàu. Giá vé tàu cao tốc năm 2024 cho chặng Sa Kỳ – Lý Sơn là 203k và ngược lại là 185k, đi khoảng 30-40 phút. Thông tin giờ tàu và giá vé chi tiết xem tại website của Ban quản lý cảng nhé https://cangsaky.com.vn/ .

Bình lặng trước biển

Mốc cơ sở A10 được xây dựng vào đầu tháng 10/2016; đến năm 2021 có sửa chữa những hư hỏng, bong tróc do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết. Mốc A10 nằm khá kín đáo trên con đường mòn gần đường bao ven biển phía đông của đảo. Do vậy, không nhiều người để ý sự có mặt của địa điểm này, hoặc nhầm nó với cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới.

Không có nhiều thông số kỹ thuật về cột mốc A10, nhưng cơ bản nó giống các mốc cơ sở khác. Cột mốc là hình khối có 4 mặt giống nhau, ốp đá granite các cạnh, phía dưới là trụ đế vuông có phù điêu biểu tượng trống đồng, phía trên có hình quốc kỳ.

Riêng mặt phía Đông dán thêm các thông tin về điểm cơ sở A8. Trên đỉnh cột mốc là lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Điểm khác biệt một chút so với những nơi khác là cột mốc được đặt trên một gò đất cao chừng 2m nên khá dễ nhận ra.

Từ đầu, một trong các nguyên nhân tui lựa chọn Lý Sơn cho kỳ nghỉ hè là vì muốn đến A10, sau khi đã đi được A8 (Phú Yên), A9 (Quy Nhơn) và sém nữa là A7 (Khánh Hòa) khi đã đến điểm cực đông Mũi Đôi gần đó; nhưng điểm A7 không cho du khách đến tham quan.

Từ mốc cơ sở A8 nhìn về biển Đông.

Những tấm ảnh này tui chụp lúc mới 6h hơn. Sáng mùa hè, nắng giòn giã đổ ào xuống hòn đảo nhỏ. Tui cứ giơ điện thoại lên bấm đại chứ chói mắt đến nổi không thể canh được góc nào cho chuẩn. Nhưng sự háo hức, hạnh phúc khi đứng bên các điểm cơ sở của biển đảo nước mình thì lúc nào cũng tràn đầy.

Bậc tam cấp lên cột mốc.

Góc nhỏ: 

Điểm cơ sở A10 là 1 trong 12 điểm thuộc đường cơ sở dùng để tính lãnh hải trên vùng biển Việt Nam. Theo Chương II, Điều 8, Luật Biển Việt Nam 2012: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố”. Từ Đường cơ sở này, có thể xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta. Theo đó, đường cơ sở của Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền 12 điểm, từ điểm số 0 (vùng biển Tây Nam) đến điểm số 11 (tại đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị). Tọa độ các điểm này được ghi trong phụ lục đính kèm Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 12/11/1982.

TỌA ĐỘ CÁC ĐIỂM CHUẨN ĐƯỜNG CƠ SỞ DÙNG ĐỂ TÍNH CHIỀU RỘNG LÃNH HẢI CỦA LỤC ĐỊA VIỆT NAM (Phụ lục đính kèm Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam)

Điểm Vị trí và địa lý Tọa độ N Kinh độ E
0 Nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử của nước CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia
A1 Tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang 9°15’0″ 103°27’0″
A2 Tại Hòn Đá Lẻ ở Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Minh Hải (nay thuộc Cà Mau) 8°22’8″ 104°52’4″
A3 Tại Hòn Tài Lớn, Côn Đảo, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu) 8°37’8″ 106°37’5″
A4 Tại Hòn Bông Lang, Côn Đảo 8°38’9″ 106°40’3″
A5 Tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo 8°39’7″ 106°42’1″
A6 Tại Hòn Hải (nhóm đảo Phú Quý), tỉnh Thuận Hải (nay thuộc Bình Thuận) 9°58’0″ 109°05’0″
A7 Tại Hòn Đôi, tỉnh Thuận Hải (nay thuộc Khánh Hòa) 12°39’0″ 109°28’0″
A8 Tại mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Khánh (nay thuộc Phú Yên) 12°53’8″ 109°27’2″
A9 Tại Hòn Ông Căn, tỉnh Phú Khánh (nay thuộc Bình Định) 13°53’57″ 109°21’0″
A10 Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Nghĩa Bình (nay thuộc Quảng Ngãi) 15°23’06″ 109°09’0″
A11 Tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Bình Trị Thiên (nay thuộc Quảng Trị) 17°10’0″ 107°20’6″

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *