Hải đăng Lý Sơn – mắt biển trên hòn đảo ngọc

Ở bài trước, tui có nói rằng đứng ở hải đăng Mù Cu, tính theo đường chim bay khoảng 1km, bạn sẽ thấy hải đăng Lý Sơn. Đây là đèn biển cấp I và là ngọn đèn chính trong 3 đèn báo ở Lý Sơn, giúp xác định vị trí của đảo để tàu thuyền có thể định hướng hàng hải ra vào trong vùng biển Lý Sơn. Nó cũng là ngọn đèn biển cao nhất trong số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động ở nước ta (45m).

Thăng trầm với thời gian

Cận cảnh phần thân của tháp đèn.

Hải đăng Lý Sơn được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1898, đặt tên là Phare Polo Canton (hải đăng Polo Canton). Năm 1982 nó được tháo dỡ và xây dựng mới trên đỉnh núi Thới Lới nhưng không phù hợp nên sau đó được đưa về vị trí ban đầu. Năm 2000, cây đèn được xây mới trên nền của cây đèn cũ và đưa vào sử dụng ngày 16/10/2001. Năm 2013, tháp đèn được sửa chữa lần nữa, thay vật liệu nhựa tổng hợp GRT bao quanh thân đèn bị hư hỏng bằng tấm aluminium khung thép hộp mạ kẽm và các chi tiết khác.

Không hiểu sao tấm bảng “Nhà pha Lý Sơn” nằm chèo queo dưới đất.

Đi kèm với hải đăng là khu nhà làm việc và nghỉ ngơi được Pháp xây dựng năm 1890, gọi là Nhà Pha nên trên bảng chỉ đường vẫn để lại tên gọi này. Bây giờ nó đã có tên mới là “Trạm đèn biển Lý Sơn”. Công trình có diện tích khoảng 200m2; chỉ có một tầng, mái bằng, dưới nền là hầm chứa nước, lấy nước mưa trên mái xuống để sử dụng. Nhà Pha trước đây là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng và nhân dân trên đảo và ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Cùng với hải đăng, Nhà Pha cũng được sửa chữa lại nhưng vẫn giữ hình dáng cơ bản và kết cấu chính của công trình trước đây.

Nắng ban mai dát vàng bức tường Trạm đèn biển Lý Sơn.

Vẻ đẹp của mắt biển trên đảo

5h sáng phóng xe vi vu trên con đường phía đông của đảo để đi ngắm bình minh, tui bị thu hút ngay bởi ngọn đèn biển màu ghi xám với chiều cao ấn tượng này. Thiệt ra mục tiêu ban đầu là hải đăng Mù Cu, nhưng ngọn này đã gần ngay trước mắt, trong khi điểm kia còn chưa tìm ra đường nên tui ưu tiên điểm mới luôn.

Hải đăng Lý Sơn nhìn từ xa.

Với chiều cao 45m, muốn lên đỉnh cột đèn phải qua 192 bậc thang hình xoắn ốc. Trên đó có đèn báo tín hiệu do Tây Ban Nha sản xuất, màu ghi xám. Các hệ thống phản quan, bóng đèn, thiết bị chiếu sáng, máy nổ phát điện… phải thường xuyên được kiểm tra bảo dưỡng, đảm bảo lúc nào hải đăng cũng là người dẫn đường tin cậy cho tàu thuyền đi lại được an toàn.

Hải đăng Lý Sơn nhìn từ nhiều phía.

Nằm cách biển chừng 80m, tui nghĩ nếu có thể leo lên đỉnh tháp đèn thì đây là điểm ngắm bình minh cực kỳ hấp dẫn. Hơn nữa, với chiều cao lý tưởng, còn có thể thả tầm mắt bao quát toàn bộ khung cảnh xung quanh, kia là vùng biển mênh mông, đây là tàu thuyền dập dềnh trong Vũng neo đậu bên bãi cạn Mù Cu, nọ là núi Thới Lới sừng sững, và chen giữa là những thửa ruộng hành tỏi san sát. Chỉ kẹt là hải đăng nằm trong khuôn viên của Trạm đèn, mà mới sáng sớm tui không dám vô làm phiền các anh đang trực ở đây nên chỉ có thể đi ngắm vòng ngoài. Trong trạm, là dãy bàng vuông đang vươn cao.

Trạm đèn nằm lọt giữa những ruộng hành xanh mướt, bên một con đường mòn nhỏ. Cuối đường có Doanh trại bộ đội. Thiệt tình là lúc đi tới đây, không hiểu sao tui liên tưởng ngay đến cảnh trên núi Vũng Chua (Quy Nhơn). Hải đăng nằm phía sau trạm đèn, gần cổng doanh trại. Ớn nhất là mấy bà chó ở trỏng sủa nhặng xị, làm tui vừa phải chụp hình thiệt lẹ vừa láo liên áng chừng bờ rào trạm đèn, xem có phóng lên nổi nếu có bà chó nào vui tính nhảy ra cạp hay không. Hên sao, ăn ở tốt nên tui làm rẹt rẹt rồi ra lại đầu đường và vẫn an toàn tới giờ. Thiệt là hú hồn hú vía.

Lối vào Trạm đèn biển và hải đăng. Bức tường rào kia ngó thấp thấp chứ cũng quá đầu người.

Thông số kỹ thuật hải đăng Lý Sơn

Về vị trí địa lý, nếu xét theo hệ tọa độ VN2000 thì hải đăng Lý Sơn nằm ở 15°23’15.2″N, 109°08’24.2″E. Còn nếu xét theo hệ tọa độ quốc tế WGS84 thì nằm ở 15°23’11.5″N, 109°08’30.8″E.

Góc nhỏ:

  • Hệ tọa độ VN2000 được chính thức sử dụng từ tháng 8/2000; thay thế cho hệ quy chiếu HN – 72 trước đó. Đây là hệ tọa độ quốc gia, áp dụng cho việc đo đạc tọa độ ở các cấp hạng, các hệ thống bản đồ địa hình cơ bản, bản đồ nền, bản đồ địa chính, bản đồ hành chính quốc gia và một số bản đồ chuyên đề đặc thù. Tham số tọa độ VN2000 là gì? Tham số này được quy chiếu bởi Ellipsoid WGS-84 toàn cầu.
  • Hệ tọa độ WGS-84 là là hệ tọa độ trắc địa thế giới, được sử dụng trong tất cả các bản đồ, trắc địa, đạo hàng vệ tinh trên toàn thế giới. Đến nay, hệ tọa độ này là chính xác nhất nên được nhiều quốc gia sử dụng để đo đạc vị trí bản đồ, trong đó có Việt Nam.

Đây là ngọn đèn biển cao nhất Việt Nam, kích thước đạt 45m tính đến móng công trình, và 50.4m nếu tính đến mực nước số “0” hải đồ. Nhìn từ xa, hải đăng Lý Sơn không chỉ bề thế bởi chiều cao ấn tượng mà còn rộng đến 3.6m. Đèn sử dụng ánh sáng trắng chớp đơn, chu kỳ 5s với tâm sáng 50m. Ánh sáng này có tầm hiệu lực 21.5 hải lý vào ban ngày và 18 hải lý vào ban đêm (1 hải lý = 1852m). Hiện nay Hải đăng thuộc quyền quản lý của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc.

Góc nhỏ:

  • Ánh sáng chớp là ánh sáng trong đó tổng thời gian sáng trong một chu kỳ ngắn hơn tổng thời gian tối và thời gian các chớp sáng bằng nhau.
  • Ánh sáng chớp đều là ánh sáng chớp trong đó tất cả các khoảng thời gian sáng và thời gian tối bằng nhau.
  • Ánh sáng chớp dài là ánh sáng chớp trong đó thời gian chớp không nhỏ hơn 2.0s.
  • Ánh sáng chớp nhanh là ánh sáng chớp trong đó các chớp được lặp lại với tần suất từ 50 – dưới 80 lần/phút. Ánh sáng chớp rất nhanh là ánh sáng chớp trong đó các chớp được lặp lại với tần suất từ 80 – dưới 160 lần/phút.
  • Ánh sáng chớp đơn là ánh sáng chớp trong đó một chớp được lặp lại đều đặn với tần suất < 50 lần/phút. Ánh sáng chớp nhóm là ánh sáng chớp được phát theo nhóm với chu kỳ xác định. Ánh sáng chớp nhóm hỗn hợp là ánh sáng chớp nhóm kết hợp các nhóm chớp khác nhau với chu kỳ xác định.

Đường đến hải đăng Lý Sơn

Hải đăng Lý Sơn nằm ở rìa phía đông của đảo Lý Sơn, thuộc địa bàn thôn An Hải. Từ cảng Bến Đình rẽ phải đi qua quảng trường Lý Sơn rồi cứ đi miết theo con đường lớn mà chị Google maps chỉ dẫn. Khi nào gặp ngã ba trong hình dưới đây thì chọn hướng rẽ về phía Di tích nhà pha, cách chỉ khoảng 250m. Nó nằm cuối con đường và cao sừng sững nên bạn yên tâm sẽ không đi lạc.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *