Trầm mặc Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng là chứng nhân lịch sử văn hóa còn tồn tại đến nay của đất kinh kỳ xưa. Thuở ban đầu nơi đây được gọi là ô Đông Hà (Đông Hà môn – 東河門, tức cửa phường Đông Hà), sau đổi thành Ô Quan Trưởng và cuối cùng là Ô Quan Chưởng như hiện tại. Cổng đặt tại phía Đông của toà thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long, trên con đường từ trong phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận phường Đông Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài tám chục mét, cũng tương đương độ dài phố Ô Quan Chưởng ngày nay. Hiện giờ Ô Quan Chưởng nằm giữa phố Ô Quan Chưởng và phố Hàng Chiếu.

Cổng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) thời vua Lê Hiển Tông, đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Mục tiêu là để phòng thủ kinh thành ở mặt sông Hồng nhằm đối phó với sự nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu.

André Masson – một nhà cổ tự học làm việc tại Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương vào những năm 1920 – trong cuốn Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888) (Hà Nội trong thời kỳ huy hoàng) từng đề cập đến Ô Quan Chưởng. Theo đó, cổng này có tên tiếng Pháp là Jean Dupuis, từng có nguy cơ bị phá vào năm 1906 nhưng may mắn được trường Viễn Đông Bác Cổ can thiệp nên còn giữ lại.

Cửa ô đã được xếp hạng Di tích lịch sử từ năm 1995.

Kiến trúc Ô Quan Chưởng

Thông thường, có 2 kiểu cửa ô: loại cửa vòm và có lầu bên trên hoặc loại chỉ có 2 trụ biểu kèm cổng. Ô Quan Chưởng là loại thứ nhất, xây theo kiểu tam quan với cửa chính và 2 cửa phụ hai bên.

Trước cửa lớn có ba chữ Hán 東河門 (Đông Hà môn).

Trên tầng hai của cửa chính là vọng lâu, dùng để canh gác và kiểm soát cẩn mật, đảm bảo an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Trên vọng lâu ngày nay có một ban thờ nhỏ, thờ vị Chưởng cơ và những người lính hy sinh trong trận chiến chống lại quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội năm 1873.

Cánh cửa gỗ mở ra lối đi vào bên trong, lên tầng 2.

Cầu thang dẫn lên vọng lâu.

Ở bức tường phía trái cửa chính có gắn tấm bia do tổng đốc Hà-Ninh là Hoàng Diệu đề năm Tự Đức thứ 34 (1881) cấm lính gác sách nhiễu người qua lại, có tên là “Thân cấm khử tệ” (ô màu xanh trong hình).

Cổng chính vẫn còn đôi cánh cửa gỗ to bản cùng bánh xe nặng nề. Trước đây nó làm nhiệm vụ bảo vệ người dân nội thành Hà Nội, nhưng giờ thì chỉ trầm mặc đứng đó. Không giống các di tích khác được khoanh vùng để bảo vệ, hiện nay Ô Quan Chưởng nằm trên trục giao thông nên cánh cửa gỗ luôn được mở ra cho xe cộ qua lại. Khu vực này cũng được quy hoạch thành điểm đến trong phát triển kinh tế đêm – du lịch đêm phố cổ.

Tìm về tên gọi Cửa ô

Từ “Cửa ô” được dùng sau thời chúa Trịnh Doanh. Một số văn bản chữ Hán dùng từ “ổ môn” để gọi các cửa ô; trong đó “ô” đọc là “ổ” nghĩa là khu đất trũng, xung quanh đắp cao tạo thành vật che chắn những thứ bên trong, tương tự như lũy, ụ. Từ “cửa ô” còn có nghĩa là cửa giao tiếp giữa bên trong với bên ngoài. Tên gọi mỗi cửa ô thường dựa vào tên của các thôn xã nơi có cửa ô hoặc đặc trưng riêng biệt của cửa đó. Tuy nhiên trong quá trình tồn tại, các cửa ô đã nhiều lần đổi tên. Theo thời gian, các cửa ô mất dần vai trò là nơi kiểm soát của thành trì mà chỉ còn lại ý nghĩa là địa danh cộng đồng như kiểu cổng làng xưa.

Rêu phong nơi cửa Ô Quan Chưởng

Lịch sử cửa ô xưa

Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo lối kiến trúc “tam trùng thành quách” – nghĩa là 3 vòng thành bao bọc. Vòng thành ngoài (thành Đại La) xưa kia là lũy đất đắp theo hướng dòng chảy của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu. Vòng thành này vừa dùng để chống lũ lụt vừa phục vụ quân sự. Đến đầu thời Mạc, vòng thành được gia cố thêm với đất, lũy tre và hào nước bảo vệ nội thành. Năm 1749, dưới thời chúa Trịnh Doanh, trên nền bức tường lũy thời nhà Mạc, một tòa thành đất dài 16km được xây dựng để bao bọc khu Hoàng thành Thăng Long, bên ngoài có hào nước sâu cắm chông (lũy thành Đại La). Tòa thành đất này cũng mở ra 8 cửa để kết nối với bên ngoài, mỗi cửa gồm 1 cửa chính và 2 cửa phụ, trên có vọng lâu canh gác. Sau này kinh thành còn nhiều lần điều chỉnh nữa nhưng đáng chú ý là các cửa ô xưa đều thông ra sông Hồng (11 cửa) và sông Tô Lịch (5 cửa), vì đường sông thời đó là hướng giao thông chủ yếu, thuận lợi cho việc buôn bán.

Hà Nội với 21 cửa ô

Một số tài liệu lịch sử đều ghi chép rằng Hà Nội từng có 21 cửa ô vào thế kỷ 18 nhưng không có bản đồ đầy đủ về số lượng này. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu chỉ xác định được 18 cửa ô, trong đó 1 cửa không xác định rõ vị trí (ô Trung Liệt). Sang thế kỷ 19 (1831), nhà Nguyễn hạ cấp kinh thành Thăng Long xuống là Bắc thành thuộc Hà Nội thì chỉ còn lại 16 cửa ô. Ngoài ra, trên tòa thành đất bao bọc vòng ngoài còn có 2 cửa ô là Trung Hiền (ngã tư Bạch Mai – Đại La – Trương Định – Minh Khai) và cửa ô Tây Dương (trước cây cầu Giấy bắc qua sông Tô). Đến năm 1866 dưới thời vua Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô, không còn cửa ô Nhân Hòa.

Ô cửa sổ trang trí và thông gió của cửa Ô Quan Chưởng.

18 cửa ô xưa

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *