Dạo quanh các vùng đảo như Trường Sa, Lý Sơn hay các miền duyên hải khác, người ta dễ dàng bắt gặp một loài thực vật luôn mạnh mẽ vươn mình đón gió biển, đó là cây Bão táp. Người ta thường nói ông trời rất công bằng, ổng lấy đi cái này của mình thì sẽ bù lại bằng một cái khác. Ví dụ như Phong ba, Bão táp, Bàng vuông phải sinh trưởng nơi vùng đất cằn cỗi ven biển nhưng được ban cho vẻ đẹp độc đáo trong những cánh hoa. Ờ mà chẳng biết ổng bù đường nào chứ tui thấy mình đã không xinh, lại còn hay ăn nói vô tri nữa; chắc ổng bỏ sót tui rồi ☹ .
Cây bão táp còn gọi là cây Hếp, Hoa nửa vầng trăng, có tên khoa học là Scaevola taccada, thuộc họ Hếp (Goodeniaceae). Không biết ai đặt tên tiếng Việt cho 2 em Phong ba, Bão táp mà nghe danh đã thấy độ bền bỉ, cứng cỏi trong gió trong mưa, giữa sóng giữa biển.
Truyền thuyết về hoa Bão táp
Ở vùng biển Thái Bình Dương và Hawaii, cây Bão táp được gọi là Naupaka kahakai và gắn liền với truyền thuyết về tình yêu của công chúa Naupaka. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa ở vương quốc nọ có một nàng công chúa xinh đẹp tên là Naupaka. Nàng đem lòng yêu chàng trai Kaui ở ngôi làng khác. Thế nhưng luật lệ “môn đăng hộ đối” nơi đây rất hà khắc, nghiêm cấm các thành viên hoàng gia kết hôn với người có xuất thân bình thường. Thương tình cho đôi trẻ, các vị bô lão khuyên họ phải hành hương đến nơi các vị thần linh cư ngụ để cầu nguyện. Công chúa Naupaka và chàng Kaui cùng nhau vượt núi băng rừng, hết ngày lại đến đêm, hết đêm lại đến ngày, cuối cùng khi tới được khu đền linh thiêng thì gần như đã kiệt sức. Họ tìm đến thầy tế để xin được tác hợp nhưng thầy tế cũng không thể trả lời. Họ phải cùng nhau chờ đợi sự quyết định của các vị thần. Ngay lúc đó bầu trời tối sầm lại, một cơn bão ập tới. Đó chính là dấu hiệu các vị thần trên trời không đồng ý với mối lương duyên của đôi trẻ. Tuyệt vọng, Naupaka lấy bông hoa trắng cài trên đầu xé làm đôi, một nửa giữ lại, một nửa đưa cho người yêu. Nàng bảo chàng hãy quay về, còn nàng sẽ ở lại một mình trên đỉnh núi. Một nửa bông hoa cũng chính là nửa trái tim Naupaka đã tan vỡ. Và hoa Bão táp chính là biểu tượng cho câu chuyện tình buồn của người con gái Naupaka.
Cây bão táp nở hoa bên hải đăng Gành Đèn.
Đặc điểm cây Bão táp
Giống như cây Phong ba thì Bão táp thường mọc ở các vùng duyên hải nhiệt đới, ưa sáng, có thể chấp hết các loại đất cát, đất sỏi đá, chịu được gió mặn, sóng biển biển rất tốt. Thậm chí nó còn sống dẻo dai ở các bãi cát ven biển trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khô cằn. Đó cũng là loại cây bụi, có thể cao đến 4m. Bão táp không chỉ mọc hoang ven biển, trên bờ các vùng đầm lầy, mà còn hay trồng làm hàng rào cảnh quan tại resort, đô thị ven biển…
Lá của cây bão táp múp míp, mọng nước, trông tràn đầy sức sống. Nếu như Phong ba là màu xanh nhạt ánh bạc thì Bão táp lúc nào cũng xanh mướt, non mơn mởn, đôi khi ngả ánh vàng. Những chiếc lá dài khoảng 1 gang tay, mọc xen kẽ ken dày, dường như muốn tranh thủ hấp thu mọi tinh túy của đất trời.
Hoa bão táp rất thú vị khi có dạng nửa hình tròn, có lẽ vì thế mà mới có tên “Hoa nửa vầng trăng”. Từ các nách lá, những cánh hoa be bé màu trắng xòe ra như cái quạt. Mỗi bông có 5 cánh, mép lượn sóng như chiếc váy bèo nhún; nhụy dài đứng vổng lên, đầu có mũ như chiếc dù che xuống các cánh hoa trông khá ngộ nghĩnh. Ngược với cái tên, hoa bão táp lại mềm mại đúng kiểu công chúa như truyền thuyết về nàng Naupaka.
Bão táp ra hoa kết trái quanh năm. Quả hình trứng hoặc tròn, to cỡ đầu ngón tay út, đầu chúm chím 5 cái râu bé xíu. Quả non màu xanh, già chuyển sang trắng, mỗi quả chứa 2 hạt. Những cái quả nho nhỏ này có thể nổi trên mặt nước, theo dòng chảy phát tán đi các nơi khác. Không chỉ trồng bằng hạt, Bão táp cũng dễ dàng sinh trưởng chỉ bằng cách cắm cành xuống đất.
Công dụng
Nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện ra rằng cây Bão táp có nhiều tác dụng dược lý như kháng khuẩn, kháng viêm, kháng nấm… Cụ thể, dịch chiết xuất từ quả Bão táp có thể chữa bệnh mờ mắt; lá và rễ sắc uống chữa phù thủng; lá tươi chữa đau đầu; cây chữa khó tiêu, tiêu chảy; nước ép thân non và quả chín để bôi các vết côn trùng cắn; rễ là thuốc giải ngộ độc cá.
- Đọc thêm: Cây phong ba
- Cây bàng biển
- Dịu dàng hoa bàng vuông miền biển
- Gành Đèn – vẻ quyến rũ hoang sơ bên bờ biển xanh
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Cây bão táp […]
[…] Đọc thêm: Cây bão táp […]