Nếu đã đến Gành Đá Đĩa (Tuy An, Phú Yên), bạn hãy dành thêm chút thời gian ghé thăm Gành Đèn. Đây cũng là một điểm độc đáo và vẫn còn hoang sơ của huyện Tuy An.
Sắc hồng nâu của gành đá
Dải bờ biển Gành Đá Đĩa kéo dài khoảng 6km với nhiều sự biến đổi màu sắc thú vị: đá đen (Gành Đá Đĩa, quanh mũi Mom), cát trắng (bãi Bàng), đá hồng (Gành Đèn).
Đọc thêm: Một ngày rong chơi nơi kiệt tác thiên nhiên xứ Nẫu
Nhưng Gành Đèn không phải chỉ có duy nhất một màu hồng mà là sự pha trộn uyển chuyển giữa trắng, hồng, nâu của chất đá granit. Thật ra cấu trúc địa chất đặc biệt này đã bắt đầu từ phần tiếp giáp với Gành Đá Đĩa, kéo lên phía Bắc qua mũi Hòn Nhàng thẳng đến mũi Gành Đèn, đoạn này dài khoảng 1.5km. Cấu tạo đá granit này còn tiếp tục vượt qua Gành Đèn khoảng 2.5km về phía bờ biển vịnh Xuân Đài.
Đá granit bao trọn bờ biển từ khu vực trung tâm Gành Đá Đĩa đến một phần vịnh Xuân Đài (là phần màu vàng nâu nhạt trong hình). Mũi nhô Hòn Nhàng gọi là “mũi nhô” đơn giản vì nó nhô ra giữa biển. Từ vị trí này rất dễ để quan sát toàn cảnh khu vực Gành Đá Đĩa.
Không chỉ gây ấn tượng về sắc màu mà hình dáng đá ở đây cũng rất đa dạng. Tui nghi là ngày xưa chắc có cao nhân nào đó đã chọn nơi đây để luyện kiếm, nên bãi đá ở đây bị những đường cắt xẻ ngang dọc tạo thành nhiều hình thù khác nhau. Có những viên đá nhỏ nằm lèn quanh khối lớn; có vách đá thẳng đứng, có cái xô nghiêng; có những khe nứt gió lùa vào bên cạnh tảng đá còn nguyên. Thậm chí vị cao nhân còn rảnh rảnh ngồi gọt đá thành những quả trứng đá khổng lồ mịn nhẵn đều đặn. À mấy đứa lậm truyện kiếm hiệp sẽ nói vậy, chớ theo ngôn ngữ khoa học là do quá trình tác động của gió và sóng biển đã mài đá thành hình cầu; còn những vết nứt hoặc đá tảng, đá cột là do sự sụt lún đột ngột mà nên. Một số hòn đá còn tách ra xa bờ đến tận 300m. Qua thời gian, những va đập của sóng còn bồi thêm những vết răng cưa lởm chởm trên các tảng đá, tạo nên một bờ biển với nhiều hình thù độc đáo.
Xí lụm một chị tiên cá nằm chẹp bẹp trên đá.
Các khối đá nhấp nhô vươn mình ra biển.
Hải đăng Gành Đèn
Hải đăng Gành Đèn được xây dựng năm 2002 tại tọa độ 13o 21’ 50.0”N, 109o 17’ 38.3”E; thuộc địa bàn thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nó nằm trên khối đá granit ở mũi Gành Đèn, là cửa vịnh Xuân Đài. Nơi đây như một mũi tên nhô ra ngoài biển nên có thể nhìn thấy vùng biển phía trong vịnh lẫn phía ngoài.
Từ hải đăng nhìn vào vùng biển phía trong vịnh Xuân Đài.
Từ hải đăng nhìn ra vùng biển bên ngoài.
Vị trí này khá lý tưởng để quan sát vịnh và các bờ đá kéo dài về phía Nam nên có nhiệm vụ điều hướng cho tàu thuyền ra vào vịnh Xuân Đài và vũng Chào. Tháp đèn trên cao phát ra ánh sáng trắng với tâm sáng 22.5m, hiệu lực ban ngày là 14 hải lý, ban đêm là 17 hải lý; kiểu chớp đơn, chu kỳ 5s (0.1s + 4.9s=5s).
Hải đăng chỉ cao 10m, nhưng nếu tính từ mực nước biển lên thì là 22m. Mang kiến trúc hình lục giác, được sơn 2 màu trắng đỏ nổi bật nên từ xa đã có thể thấy được công trình này. Từ trạm quản lý hải đăng men theo con đường mòn đi đến tháp đèn chỉ khoảng 200m, nhưng xung quanh không có bóng cây lớn nào nên rất nắng. Càng đến gần tháp đèn, màu sắc đặc trưng cùng những khối đá granit lớn xếp chồng lên nhau càng hiện rõ hơn. Bạn sẽ đi qua khe đá này, cảm giác như 2 tảng đá hai bên đang cố hết sức giữ hòn đá ở giữa không rơi xuống. Đến đây là hơn nửa đường đến tháp đèn rồi.
Gần đến tháp đèn có cây cầu nhỏ bắc trên những tảng đá. Bên dưới là dòng biển chảy xuyên qua.
Nếu xét về tuổi đời thì hải đăng Gành Đèn còn khá non trẻ, kiến trúc cũng không quá đặc biệt. Thế nhưng đặt trong một khu vực hoang sơ xinh đẹp, lại gần địa danh du lịch nổi tiếng là Gành Đá Đĩa thì đây lại trở thành một điểm đến thú vị với du khách.
Đường đến Gành Đèn
Trên quốc lộ 1A theo hướng vào Nam, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 70km, đi qua cầu Ngân Sơn một đoạn sẽ có một ngã ba bên tay trái, có biển chỉ dẫn rẽ vào nhà thờ Mằng Lăng và gành Đá Đĩa.
Đi khoảng 15km đến bãi giữ xe của Gành Đá Đĩa, nếu rẽ phải đi theo con đường đổ nhựa bóng láng là đến Gành Đá Đĩa, nếu rẽ trái theo đường bê tông là đến Gành Đèn. Thật ra từ đoạn này bạn có thể thấy kiểu đá đặc trưng của Gành Đèn, nhưng nếu muốn đến Hải đăng Gành Đèn thì đi thêm khoảng 1km nữa, đến đó cũng có bãi giữ xe riêng nên bạn cứ chạy thẳng nhé. Đường xe ô tô đi được.
Trạm quản lý hải đăng Gành Đèn.
Nên đi khi nào
Cũng như Gành Đá Đĩa, trên khối kiến trúc đá cằn cỗi quanh năm đón sóng gió như này không có cây lớn nào trụ được nên xung quanh rất nắng. Đẹp nhất là nên đi khoảng tháng 2, 3 vì lúc này thời tiết miền Trung còn khá dễ chịu, nắng nhiều nhưng chưa nóng gắt như mùa hè. Khoảng tháng 3 đến đầu tháng 4 bạn còn có thể tranh thủ ngắm bãi rêu Gành Đá Đĩa.
Đọc thêm: Ngỡ ngàng mùa rêu xóm biển
Trên đường đến hải đăng, bạn có thể thư giãn với sắc hoa quan âm biển (bình linh xoan, mạn kinh tử – ảnh trái), ngọc nữ biển (chùm gọng, cỏ roi ngựa – ảnh giữa) và cây bão táp (ảnh phải) mọc rải rác trên lối đi đến tháp đèn.
Nếu nắng quá thì bạn có thể sắp xếp lịch trình đi vào sáng sớm hoặc xế chiều, chụp cảnh hải đăng trong ánh ráng chiều hoặc bình minh rực đỏ cũng rất đẹp.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Gành Đèn – vẻ quyến rũ hoang sơ bên bờ biển xanh […]
[…] Đọc thêm: Gành Đèn – vẻ quyến rũ hoang sơ bên bờ biển xanh […]