Nhà thờ đá Sapa – miền giáo đường trong mây

Nếu đã ghé thăm Sapa (Lào Cai) – nơi gặp gỡ đất trời, một điểm đến mà bạn không thể bỏ qua là nhà thờ đá. Nhà thờ nằm ở vị trí đẹp thị xã với quảng trường trung tâm ngay trước mặt và núi Hàm Rồng chìm trong mây tựa sau lưng. So với nhiều công trình tôn giáo khác, nhà thờ Sapa có quy mô không lớn. Thế nhưng, đằng sau dáng nhỏ bé đó là vẻ uy nghiêm, trầm mặc và một sức hút khó cưỡng với nhiều du khách khi đến đây.

Nhà thờ đá Sapa trong một chiều sương mờ giăng khắp lối.

Quảng trường trung tâm phía trước nhà thờ đá Sapa.

Nơi đây vẫn quen được gọi là “Nhà thờ đá Sapa”, còn tên chính xác là Nhà thờ giáo xứ Sapa hay Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, vì Người là bổn mạng của nhà thờ. Đầu thế kỷ XX, sau khi các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris (Missions Etrangères de Paris – MEP) thành lập giáo xứ Sapa (thuộc giáo phận Hưng Hóa) vào năm 1902, cùng với việc truyền đạo thì đã lên ý tưởng hình thành một nơi tập trung giáo dân đến làm lễ.

Năm 1926, nhà thờ Sapa được dựng lên ngay vị trí trung tâm vùng đất này và hoàn thành sau 9 năm. Cùng với đó là nhiều công trình phụ trợ như nhà ở, nhà Thiên thần, vườn thánh…

Nhà thờ khánh thành năm 1935, tu sửa 2 lần vào năm 1995 và 2007.

Góc nhỏ: Cùng với nhà thờ đá còn có tu viện Tả Phìn xây dựng năm 1942 thuộc bản Tả Phìn, cách thị trấn khoảng 12km. Đây là nơi ở của 8 nữ tu khổ hạnh thuộc dòng Nữ tu Hội thánh Kito cải cách từ Nhật Bản sang. Năm 1945, các nữ tu chuyển về Hà Nội và tu viện bị bỏ hoang từ đấy.

Tên gọi nhà thờ đá xuất phát từ chất liệu xây dựng chính là đá. Đá được sử dụng trong hầu như toàn bộ công trình. Những viên đá được ghép lại một cách khéo léo, kết dính bằng hỗn hợp vôi, cát, mật mía. Đá to thì làm khung nền bên dưới, đá nhỏ thì để trang trí phía trên. Ngay cả các khung cửa cũng được những đôi bàn tay khóe léo của người thợ tỉ mỉ khắc gọt đá rồi sắp đặt uốn lượn theo vòm cong. Các phiến đá vuông vức được ưu tiên đặt ở mặt trước, phía sau thì nhiều hình dạng hơn. Bề mặt đá vẫn giữ nguyên vẻ xù xì vốn có như sự mộc mạc của con người nơi đây. Không chỉ đá, trần của thánh đường cũng thể hiện sự độc đáo về chất liệu xây dựng. Hỗn hợp vôi, sắt và rơm được trộn đều theo tỷ lệ nhất định để làm trần nhà bên trong. Đến nay, khu vực trần nhà ở phía gác chuông vẫn còn bền vững.

Bên hông nhà thờ nhìn từ ngoài vào hay từ trong ra đều đẹp.

Vẫn khung cảnh đó vào ngày tuyết rơi.

Nhà thờ đặt trên mảnh đất rộng 6000 m2, chia thành 7 gian. Ngôi thánh đường được đầu tư xây dựng xây công phu nhất với diện tích khoảng 400 m2. Mang hình cây thánh giá, thánh đường có cửa chính hướng về phía Đông để đón nhận luồng ánh sáng tinh khiết nhất mỗi ban mai. Tháp chuông cao 20m được xây chính giữa, phía trên cổng vào thánh đường. Trên đỉnh tháp là cây thánh giá. Điều đáng chú ý bên trong tháp này là quả chuông nặng đến nửa tấn, cao 1.5m, âm thanh có thể vang xa 1km. Quả chuông đúc từ năm 1932, tính đến nay đã 91 năm tuổi. Dù được đơn giản hóa cho phù hợp với điều kiện xây dựng ở địa phương vào thời điểm đầu thế kỷ 20, nhà thiết kế vẫn khắc họa rõ nét dấu ấn phong cách Gothic ở 9 cửa sổ thuôn dài chạy dọc theo tháp chuông, các khung cửa vòm nhọn; đặc biệt là những bức tranh kính màu phủ kín 32 ô cửa quanh thánh đường.

Phía sau giáo đường. Con đường bên tay phải bức hình sẽ dẫn lên núi Hàm Rồng.

Mái ngói đỏ tươi năm xưa nay đã nhuốm màu thời gian, đồng điệu với rêu phong cổ kính trên đá.

Cây hồng trĩu quả giữa trời đông.

Gần 1 thế kỷ đã trôi qua, nhà thờ đá Sapa vẫn giản dị đứng đó, lặng lẽ góp mình vào sự  phát triển du lịch của phố thị vùng cao này.

Nhà thờ nằm ở vị trí trung tâm của thị xã nên có thể dễ dàng nhìn thấy từ xa.

Góc nhỏ:

  • Sapa theo tiếng H’Mong là “Sa Pả”, nghĩa là “bãi cát”. Người ta cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một bãi đất rộng, nơi người dân thường họp chợ.

Năm 1898, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu đặt chân đến Lào Cai. Năm 1903, địa danh Sapa xuất hiện trên bản đồ Việt Nam và được xây dựng như một khu nghỉ dưỡng bởi khí hậu mang dáng dấp Châu Âu. Sapa phiên âm sang tiếp Pháp là “Chapa”. Năm 1917, khách sạn đầu tiên Hotel du Fansipan được khánh thành. Năm 1920, đường sắt Hà Nội – Lào Cai đưa vào vận hành. Năm 1921 sân bay Cốc Lếu được xây dựng và khánh thành năm 1935.

  • Một số nhà thờ đá hiện nay ở Việt Nam: nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), nhà thờ đá Nha Trang, nhà thờ đá Sapa, nhà thờ đá Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhà thờ đổ Ba Vì (Hà Nội).

Nhà thờ Tam Đảo

Đọc thêm: Nhà thờ đổ Ba Vì – vẻ đẹp từ sự ma mị

📌📌 Góc nhỏ: Thị xã Sapa thuộc tỉnh Lào Cai cách thành phố Lào Cai khoảng 38km và cách Hà Nội khoảng 320km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi Sa Pa bằng tàu hoặc xe.

  • Bằng tàu hỏa: khoảng 340km, mất khoảng 8 tiếng. Tàu xuất phát từ ga Hà Nội vào buổi tối (19h – 22h), đến thành phố Lào Cai vào buổi sáng (5h – 7h). Từ đây, bạn đón xe đi lên Sapa. Có cả chuyến tàu 2 tầng cho bạn lựa chọn.
  • Bằng xe theo đường cao tốc số 5 (cao tốc Hà Nội – Lào Cai): khoảng 320km, mất 5 tiếng đi xe ô tô. Ngoài các xe khách thông thường, tuyến đường này còn có xe Limousine 9 chỗ với dịch vụ cao cấp hơn và đương nhiên giá cũng chát hơn. Xe thường đón tại nhà hoặc tại sân bay Nội Bài, tiết kiệm thời gian di chuyển cho du khách.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *