Lung linh tam giác mạch vùng cao

Nếu lựa chọn một nơi nhất định phải đi một lần trong đời, tui nghĩ đó sẽ là Hà Giang. Vùng đất gì mà hội tụ đủ yếu tố thơ mộng, lãng mạn đến trầm mặc, oai hùng; vừa có những cung đường mạo hiểm và dãy đá tai mèo hùng vĩ để chinh phục, vừa có sự bay bổng dịu dàng như cõi tiên; vừa là khung cảnh thiên nhiên không thể rời mắt, vừa có những dấu ấn văn hóa, lịch sử khó phai. Thật sự, Hà Giang quá đẹp để bạn đưa vào danh sách các điểm đến không thể bỏ qua. Tui mê Hà Giang còn bởi đây là xứ sở của một loài hoa nên thơ không thể tả – hoa Tam giác mạch.

Loài hoa mang tên ngũ cốc

Tam giác mạch còn gọi là mạch ba góc, lúa mạch đen, sèo, kiều mạch. Tên khoa học là Fagopyrum esculentum, thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).

Tam giác mạch là loài cây thân thảo, có thể cao từ 0.4 – 0.8m. Đây là loại cây lá đơn, mọc cách. Lá mọc gần ngọn cây thường có hình mũi giáo và không có cuống; lá mọc phía dưới thân thường có hình tim và có cuống lá, bẹ lá. Hoa có 5 cánh, mọc thành chùm ở ngọn hoặc nách lá. Những bông hoa bé li ti ban đầu có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng pha ánh tím rồi dần dần là đỏ. Chính vì vậy, cả ruộng hoa khi nở rộ là một bản hòa ca giữa ba màu sắc nổi bật trên nền lá xanh rất đẹp.

Quả có 3 cạnh chụm lại thành hình chóp nón, màu nâu đen hoặc xám, bao bọc lấy hạt mạch bên trong. Chính hình dạng phiến lá và quả như vậy đã góp phần tạo nên tên gọi của loại cây này.

Sự tích hoa tam giác mạch

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, có 2 nàng tiên làm nhiệm vụ gieo hạt giống lương thực nơi hạ giới là Tiên Gạo và Tiên Ngô. Gieo xong mà vẫn còn dư mớ mày trấu, mày ngô, 2 nàng bèn đem đổ chung vào một khe núi. Đủ ngày đủ tháng, cây lúa, cây ngô lớn dần lên, trĩu hạt, mang lại những bữa ăn ấm no cho dân làng. Đến khi cả lúa lẫn ngô đều hết mà vụ mùa sau vẫn chưa kịp tới, ai cũng lo lắng. Mọi người bèn họp lại rồi phân chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Ngày qua ngày, cái đói càng bao phủ khắp bản làng mà vẫn chưa ai tìm thấy gì. Một hôm, có mùi thơm là lạ theo cơn gió thoảng đưa tới. Mọi người lần theo đến tận cùng mới phát hiện một khe núi. Ai nấy đều ngỡ ngàng trước một thảm hoa trải dài. Chờ thêm một thời gian ngắn nữa, những bông hoa kết thành hạt, đem về ăn thử thì thấy ngon không kém gì hạt lúa, hạt ngô.

Vì bắt nguồn từ mày lúa, mày ngô, lại dùng làm lương thực nên cây có tên là “mạch”. Quả và lá cây có hình tam giác nên cộng thêm vào thành “tam giác mạch”. Từ đó về sau, đây trở thành cái tên của loài cây lạ đem lại sự no đủ cho dân làng.

Mùa hoa trên đá

Người ta cho rằng những cây tam giác mạch đầu tiên được thuần hóa đã xuất hiện ở vùng Vân Nam (phía Tây Nam Trung Quốc) khoảng 6000 năm trước công nguyên, sau này lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, từ Á sang Âu, Mỹ. Nó có thể phân bố ở độ cao lên tới 2200m. Mặc dù ở Bình Định cũng có người thử trồng và ra hoa, nhưng vùng đất hợp nhất với tam giác mạch vẫn là khí hậu ẩm, mát từ khoảng 15-22 độ C.

Hàng năm khi trời chuyển mình chớm lạnh mùa thu đông, những nụ hoa bắt đầu bung nở. Không lâu sau, trên triền núi, giữa thung lũng, khắp các ruộng bậc thang dịu dàng một sắc tím hồng pha trắng. Giữa nền đen của đá của núi, tam giác mạch là giọt màu thơ mộng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất khô cằn này.

Tôi đến Hà Giang vào năm 2013, khi vừa kết thúc lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên. Các ruộng hoa vẫn ngút ngát trải dài trong sắc tím hồng quyến rũ. Giữa bầu trời đông xám xịt cộng với cơn mưa phùn lất phất năm ấy, tui lội qua lội lại ruộng hoa, tỉ mẩn chụp cả cái mạng nhện đọng đầy sương trên vách đất. Thật sự đẹp một cách lạ kỳ. Vào mùa hoa tam giác mạch, đi đâu bạn cũng có thể bắt gặp những cánh hoa li ti e ấp trong gió. Nhưng nếu muốn ngắm cả cánh đồng thì nên tìm đến các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Lũng Táo, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, nơi mà hoa tam giác mạch đã trở thành thương hiệu nhận diện của cao nguyên đá.

Sương đêm giăng mắc trên lưới nhện.

Từ lương thực đến du lịch

Điều thú vị ở chỗ mặc dù trong tên có chữ “mạch” nhưng loài cây này không phải là ngũ cốc. Về đặc tính sinh học, nó được xếp vào họ Rau răm. Tuy nhiên vì hàm lượng tinh bột cao chứa trong hạt nên tam giác mạch được xem là một loại ngũ cốc giả. Tam giác mạch giàu dinh dưỡng, các loại axit amin thiết yếu, lysine, giúp giảm cholesterol, bảo vệ thần kinh, chống viêm, giải độc, chống ung thư, tiểu đường và hỗ trợ giảm huyết áp…

Sau vụ lúa nương là đến mùa tam giác mạch được gieo hạt. Trong toàn bộ vòng đời của mình, dường như tam giác mạch không bỏ phí giai đoạn nào. Thân cây non có thể luộc ăn như rau, vị hơi ngai ngái nhưng sẽ ngọt hậu. Thân và lá đem sắc lên thành thuốc chữa một số bệnh về đường tiêu hóa, giảm huyết áp, giảm mỡ máu…

Món ăn từ tam giác mạch: Thành phần giống ngũ cốc nên hạt tam giác mạch thường được phơi khô, xay thành bột để làm bánh. Bánh tam giác mạch có màu nâu nâu đặc trưng của hạt cùng vị dẻo ngọt, bùi thơm của ngũ cốc. Nếu muốn nhanh hơn thì nấu cháo tam giác mạch. Còn nếu muốn đổi vị thì hạt rang là thứ có thể dùng để rỉ rả với bạn bè suốt câu chuyện dài.

Rượu tam giác mạch: Nhiều khi tui rất nể người Việt mình vì cái gi gỉ gì cũng có thể đem đi ngâm rượu được. Hạt tam giác mạch cũng không ngoại lệ. Nhưng nó phải trộn với hạt bắp, nấu lên rồi ủ với một loại men đặc biệt để cho ra đời rượu tam giác mạch thơm ngon hấp dẫn.

Làm đẹp: Hạt tam giác mạch xay mịn, sau đó trộn với sữa chua, sữa tươi, mật ong, nước… để làm mặt nạ dưỡng da, giúp da trắng sáng mịn mang.

Với vẻ đẹp dân dã đặc biệt nơi núi rừng Tây Bắc, hoa tam giác mạch có hẳn một lễ hội dành cho riêng mình. Hàng năm, khoảng tháng 11, du khách đến Hà Giang sẽ được hòa mình trong lễ hội hoa tam giác mạch, thường được tổ chức 4 huyện khu vực cao nguyên đá, trong đó điểm chính là Đồng Văn và 3 điểm phụ trợ là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc. Chủ đề của lễ hội lần thứ X năm nay là “Miền hoa thương nhớ”, diễn ra từ ngày 9 – 21/11/2024 tại Quảng trường Thanh niên huyện Đồng Văn.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *