Cây cơm cháy

Tui không phải dân chuyên sinh nên các bài viết về cây cỏ không có ý định mô tả kỹ càng về đặc điểm sinh học, công dụng, dược tính… Tui thích ngắm hoa bởi mấy ẻm đẹp, chỉ vậy thôi. Mà con mắt tia hoa như tia trai của tui cũng thiệt lạ, cứ chỗ nào có hoa là tự động bay tới, dù tụi nhỏ mọc hoang hay chỉ là bông hoa chút xíu núp lùm. Loài cây trong bài viết này cũng vậy. Đang lượn lờ trong vườn hồng cổ Sapa thì tự nhiên có cái gì đó khiến tui quay ngoắt lại, á à phát hiện ra một em trắng tinh rung rinh trong gió. Em CƠM CHÁY.

Tên gọi

Cây cơm cháy có nhiều tên gọi khác nhau như: Cỏ liền xương, Sóc dịch, Thuốc mọi, Cơm cháy java, Cơm cháy hooker, Hậu ma, Tiếp cốt thảo, Xú thảo, Anh hùng thảo, Tẩu mã tiễn, Tẩu mã phong, Bát lý ma, Tiểu tiếp cốt đan. Tên nước ngoài là Elder. Cây có tên khoa học là Sambucus javanica, thuộc họ Adoxaceae (trước đây là họ Kim ngân – Caprifoliaceae).

Ở Việt Nam, phổ biến nhất là cây cơm cháy đen – Sambucus Nigra. Cây có nguồn gốc từ châu Âu nên còn được gọi là cơm cháy châu Âu.

Đặc điểm chung

Cơm cháy có thể cao 2-9m, thường mọc hoang ở các vùng đồi núi, ven suối, bờ khe ở các khu vực ôn đới đến cận nhiệt đới, thường là những khu vực có khí hậu lạnh.

Cây cơm cháy đẹp từ lá đến hoa. Đây là loại lá kép lông chim với khoảng 5-9 lá chét, từng cặp mọc đối xứng nhau. Lá có màu xanh đậm, gân hiện rõ ràng, mép có viền răng cưa. Các cuống lá xòe rộng ở phần bám vào thân cây, trở thành bẹ. Hoa cơm cháy màu trắng hoặc màu kem, điểm trên đầu nhị là bao phấn vàng vàng be bé. Hoa mọc thành cụm, có mùi thơm nhè nhẹ. Bạn cứ tưởng tượng cấp số nhân như nào thì cành hoa là như ấy; từ 1 gọng chính chia nhiều gọng nhỏ, những gọng nhỏ lại chia đôi nhiều lần. Vì thế dù hoa cơm cháy nhỏ xíu cỡ đầu đũa nhưng cứ ken dày, xòe rộng ra tứ phía, tạo thành một mảng hoa thật to.

Giống như hoa, quả cũng phát triển thành chùm ở đầu cuống. Quả cơm cháy tròn, nhỏ, mọng nước, có màu đen hoặc đỏ đen, xanh đen, mỗi quả chứa 3 hạt dẹt. Người ta nói rằng hoa cơm cháy thường nở tầm cuối xuân đến hết hè, còn quả chín từ tháng 9 – 11. Thiệt may, tui đi vào mùa đông mà vẫn có mấy nhành hoa cơm cháy bung nở rực rỡ.

Quả cơm cháy. Ảnh: sưu tầm

Công dụng của cây cơm cháy

Trong y học: Toàn bộ cây cơm cháy từ thân, lá, hoa, quả… đều có dược tính ít nhiều nên có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên phải tuân theo chỉ định của bác sĩ vì nếu dùng quá liều hoặc chế biến không đúng cách sẽ gây độc.

Trong thực phẩm, hoa cơm cháy thường được ngâm đường hoặc đun sôi với đường để tạo thành siro hoa. Quả được nấu chín, dùng làm nước trái cây, mứt, hoặc ngâm rượu.

Theo các tài liệu, một số nước như Pháp, Áo, Thụy Điển sử dụng siro từ hoa cơm cháy để pha chế đồ uống hoặc tạo hương vị cho thực phẩm; chẳng hạn như các loại rượu có pha hoa cơm cháy thường có mùi thơm khá nhẹ và kích thích vị giác. Ở Rumani, đây là nguyên liệu cho một loại nước giải khát truyền thống. Họ dùng hoa cơm cháy ướp với chanh và men bia; sau vài ngày sẽ tạo thành thức uống có ga gọi là socata – đây chính là cảm hứng cho nhãn hàng Fanta Shokata của Coca Cola. Ở Nhật Bản, nước ép từ cây cơm cháy được xem là chất phụ gia màu tự nhiên và được phép sử dụng.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *